Saturday, 27 May 2023

FRANK DIKOTTER NÓI VỀ TRUNG HOA SAU MAO ĐÃ THAY ĐỔI (VÀ KHÔNG) NHƯ THẾ NÀO (Shannon Tiezzi / The Diplomat)

 



Frank Dikotter nói về Trung Hoa sau Mao đã thay đổi (và không) như thế nào

Shannon Tiezzi  / The Diplomat

Trần Giao Thủy dịch thuật

MAY 25, 2023   

https://dcvonline.net/2023/05/25/frank-dikotter-noi-ve-trung-hoa-sau-mao-da-thay-doi-va-khong-nhu-the-nao/

 

Kể từ năm 1976, nền kinh tế hợp tác xã cứng nhắc đã có những thay đổi hầu xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải để từ bỏ nó.”

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/05/thediplomat_2022-07-18-130358.jpg

Ảnh: Depositphotos

 

 

Tập Cận Bình lên ngôi và tuyên bố về một “kỷ nguyên mới” đã làm dấy lên mối quan tâm đã có trước đây – và sự so sánh với – kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” trước đó. Bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình vào cuối những năm 1970, cải cách và mở cửa đã đánh dấu sự khởi đầu của cái thường được gọi là “phép màu kinh tế” của Trung Hoa và sự chuyển đổi sang nền kinh tế hiện đại. Nhưng “phép màu” không đơn giản như người ta thường nghĩ.

Trong cuốn sách mới nhất của Frank Dikotter, “Trung Hoa thời hậu Mao”, tác giả của “Ba bi kịch của Nhân dân” hướng sự chú ý của ông đến thời kỳ hậu Mao của Trung Hoa, đến những năm cải cách kinh tế đầy biến động bắt đầu từ cuối những năm 1970. Tuy nhiên, như Dikotter nhấn mạnh, đổi mới chính trị chưa bao giờ nằm trong nghị trình – bất chấp hy vọng của nhiều người trong giới phân tích và chính khách phương Tây. “Phép màu kinh tế” trên thực tế là một con đường quanh co, đánh dấu bằng những hậu quả không lường trước được, sự đổi chiều đột ngột và những tranh cãi nội bộ – tất cả đều nhằm mục đích rõ ràng là duy trì sự kiểm soát toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Hoa ở ba mặt kinh tế, chính trị và xã hội của Trung Hoa.

Shannon Tiezzi (ST) của The Diplomat đã phỏng vấn Dikotter (FD) qua email về “Trung Hoa thời hậu Mao” và cách mà nền kinh tế và quản trị của Trung Hoa đã thay đổi – và, quan trọng không kém, cách chúng không thay đổi – kể từ năm 1976.

Dikotter nói với The Diplomat:

“‘Trung Hoa Đỏ’ không bao giờ biến mất. Vấn đề là mọi người [ở nước ngoài] đã ngủ quên.”

 

=========================================================

 

ST : Cuốn sách của ông liên tục mô tả những trường hợp giới chức chính quyền Trung Hoa phản ứng với những sự kiện đã xẩy ra trong việc hoạch định chính sách của họ. Hết lần này đến lần khác, những cải cách kinh tế được thực hiện không phải do chính phủ quyết định, mà vì chúng đã diễn ra trên thực tế và không thể dừng lại (ví dụ, kết thúc những công xã nông nghiệp, cải cách giá cả, và sự gia tăng của thị trường địa phương). Chúng ta có nên định hình lại “phép lạ kinh tế” của Trung Hoa như một điều gì đó đã xẩy ra không phải vì, mà bất chấp chính phủ Trung Hoa?

 

Hình : https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/05/111111_frank_dikotter_maos_great_famine.jpg

MAO’S GREAT FAMINE

 

FD: Tôi nghĩ điều đó sẽ chính xác ở vùng nông thôn cho đến năm 1982, khi các Công xã Nhân dân sụp đổ, bị dân làng khoét rỗng. Người dân ở nông thôn tự vươn lên thoát nghèo, phớt lờ những chiến dịch lặp đi lặp lại cấm mọi gia đình nông dân tự ý canh tác trên đất của mình. Nhưng không phải như vậy sau đó.

 

Trên thực tế, từ khóa là “hậu quả ngoài ý muốn”. Ban lãnh đạo đảng CSTH đã rất ngạc nhiên trước sự tăng trưởng kinh tế đến từ nông thôn và vào năm 1984, quyết định áp dụng cách giải quyết tương tự với những doanh nghiệp nhà nước ở thành phố: Với hệ thống hợp đồng, những doanh nghiệp này có thể giữ lại bất kỳ sản phẩm thặng dư nào đã sản xuất vượt quá hạn ngạch của nhà nước. Nhưng nó đã gây ra sự tranh giành nguyên liệu, dẫn đến việc chính quyền địa phương lần lượt dựng lên rào chắn và trạm kiểm soát để ngăn người ngoài ăn trộm (và dân làng bán sản phẩm của họ ở nơi khác với giá cao hơn). Thay vì một nền kinh tế quốc gia thống nhất, nó dẫn đến sự hình thành của những thái ấp độc lập. Nó cũng gây ra lạm phát lớn, dẫn đến tình trạng bất ổn vào mùa xuân năm 1989.

 

Danh sách hệ quả bất ngờ này còn dài, đó là chưa đề cập đến chính sách một con. Năm 1992, Đặng Tiểu Bình đề nghị thu hút thêm đầu tư nước ngoài bằng cách cho phép chính quyền địa phương cho thuê đất. Kết quả là đất đai trở thành tài sản thế chấp, và chính quyền trung ương ngày càng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu cho phép lĩnh vực bất động sản suy thoái, nó sẽ phải gánh những khoản nợ khổng lồ do chính quyền địa phương tích lũy, chưa kể đến tất cả những khoản nợ tiềm ẩn do các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương gây ra.

 

Hình : https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/05/chinaaftermao.jpg

          CHINA AFTER MAO

 

 

ST: Một chủ đề phổ biến khác suốt cuốn sách là sự hoang tưởng của ĐCSTH về sự xâm nhập của nước ngoài. Điều này từng được coi là “tự do hóa giai cấp tư sản”, một thuật ngữ không còn thịnh hành ngày nay. Quan niệm của ĐCSTH về thế nào là “quá xa lạ” – và các mục tiêu “thanh lọc” ý thức hệ của nó – đã phát triển như thế nào kể từ những năm 1970?

 

FD: Rất ít đã thay đổi về nội dung. Năm 1957, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đưa ra khái niệm “diễn biến hòa bình”. Ông gợi ý rằng Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác nên hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia vệ tinh của Liên Xô với hy vọng rằng, cùng với tiến bộ kinh tế, họ sẽ phát triển một cách hòa bình hướng tới một hệ thống dân chủ.

 

Đây đúng là những gì đã xẩy ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi người dân Ba Lan bỏ phiếu truất phế Đảng Cộng sản bằng lá phiếu. Hungary và các nước Đông Âu khác theo sau. Bắc Kinh đã sửng sốt, và vào mùa hè năm 1989, Giang Trạch Dân đã coi “diễn biến hòa bình” là một trong những mối đe dọa chính đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản. Đến nay nó vẫn được coi là một mối nguy hiểm lớn.

 

Mỗi khi Bill Clinton, George Bush, Kevin Rudd hay Tony Blair nói về việc sau cải cách kinh tế, cải cách chính trị chắc chắn sẽ đến với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như thế nào, họ đều đưa ra tất cả bằng chứng mà giới lãnh đạo ĐCSTH cần có để khẳng định quan điểm của họ rằng những thế lực nước ngoài đang cố gắng thâm nhập và lật đổ quyền lực (của Đảng) bằng “diễn biến hòa bình”, mục đích của họ là lật đổ Đảng Cộng sản. Họ có thể đã mỉm cười lịch sự, nhưng họ thậm chí còn quyết tâm hơn để ngăn chặn dòng chảy của “những thứ xa lạ”. Tất cả, từ chuột Mickey đến những tổ chức phi chính phủ, đều được coi là một phần của âm mưu buộc Trung Hoa “diễn biến hòa bình”. Ông đã thấy sự kiểm soát tăng dần đối với “những thứ xa lạ” trong vài chục năm qua nói chung, kể từ năm 2008 nói riêng.

 

 

ST: Ngay cả khi liên tục lo sợ sự xâm nhập và cuối cùng thất bại trước sức mạnh của phương Tây, ĐCSTH vẫn kiên định với niềm tin về phương Tây và sự suy tàn không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản. Luận điệu này đã thay đổi ra sao, và làm thế nào để giới lãnh đạo đảng CSTH tiếp tục biện minh cho niềm tin này bất chấp 100 năm chờ đợi trong vô vọng chủ nghĩa tư bản tự sụp đổ?

 

FD: Một chuyện khôi hài cũ của cộng sản kể rằng những người theo chủ nghĩa Mác rất giỏi trong việc dự đoán tương lai nhưng thấy việc dự đoán quá khứ khó khăn hơn nhiều. Tất nhiên, chủ nghĩa Mác là một triết lý đã báo trước sự sụp đổ sắp xẩy ra của chủ nghĩa tư bản từ hơn một thế kỷ, như ông đã nêu lên. Đó là viễn tượng mà giới lãnh đạo ở Bắc Kinh kiên quyết theo đuổi. Lý do tại sao Mao quyết định nối lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1972 là vì ông ta tin rằng Liên Xô là một mối đe dọa lớn hơn nhiều.

 

Khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, Đặng Tiểu Bình giải thích đó là bằng chứng cho thấy phe đế quốc đang suy tàn. Ông cũng cố gắng vận động sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và Nhật Bản để chống lại kẻ thù chung của họ là con gấu bắc cực. Chúng ta tưởng tượng rằng khi gởi những phái đoàn đi tìm hiểu thực tế đến Hoa Kỳ vào cuối những năm 1970, cán bộ CSTH đã rất ngạc nhiên trước sự giàu có tuyệt đối mà họ nhìn thấy. Không hẳn: Những phái đoàn này đã phúc trình với Bắc Kinh rằng người Mỹ đang phải gánh chịu nạn lạm phát, thất nghiệp, nợ nần và một cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập. Bộ Ngoại thương CHNDTH kết luận vào năm 1979.

 

“Chúng ta phải nắm nay lấy nhữn điều kiện cực kỳ thuận lợi này.”

 

Họ hoàn toàn bất ngờ vì sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Chỉ sau một đêm, khẩu hiệu đã thay đổi từ “Chỉ Chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu được Trung Hoa” thành “Chỉ có Trung Hoa mới có thể cứu được Chủ nghĩa xã hội”.

 

Họ đã mong đợi sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản từ năm 1921, và họ vẫn đang chờ đợi. Một thời điểm quan trọng đã đến vào năm 2008: Với cuộc khủng hoảng thế giới sau sự sụp đổ của Lehmann Brothers, giới lãnh đạo ĐCSTH tin rằng họ đang chứng kiến sự khởi đầu của sự kết thúc. Niềm tin của họ vào tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội dường như cuối cùng đã được đền đáp. Một kết quả là sự ngạo mạn bắt đầu xuất hiện, với giọng điệu gay gắt hơn về mặt đối ngoại, kể cả cái gọi là ngoại giao chiến lang. Một cách khác là những bài giảng bất tận lên lớp những quốc gia nền dân chủ nên điều hành công việc của họ như thế nào. Chính Ôn Gia Bảo đã chỉ trích những người đối thoại với ông tại Davos vào tháng 1 năm 2009 vì tin vào chủ nghĩa tư bản, cà ông xiển dương chủ nghĩa xã hội vì coi đó là khuôn mẫu phải noi theo.

 

Nhưng người tin tưởng nhiệt thành nhất vào sự sụp đổ cuối cùng của chủ nghĩa tư bản phải là Tập Cận Bình, sau Vương Hỗ Ninh.

 

 

ST: Đã có lúc ông viết về những tai ương ngân hàng của Trung Hoa: “Cần phải có một người cương quyết sẵn sàng thanh trừng, chém, đốt và trừng phạt ở mức đủ lớn để khiến giới lãnh đạo địa phương phải phục tùng” để thúc đẩy những cải cách cần thiết. Ông có nghĩ rằng Tập Cận Bình là một người cương quyết như vậy không – và nếu vậy, liệu ông ấy có thực sự sẵn sàng dùng quyền lực của ông ta để thực hiện công việc khó khăn là tái cấu trúc nền kinh tế Trung Hoa không?

 

FD: Trong một quốc gia độc đảng, chính trị luôn chỉ huy. Cái khó không phải ở kinh tế, đóng vai phụ, mà là ở chính trị, hay nói cách khác là quyền lực. Ông phải nhớ rằng tổ chức của đảng đã bị cuộc Cách mạng Văn hóa tàn phá tơi bời, khi Chủ tịch Mao cho phép những người bình thường, trong một thời gian ngắn, nhận nhiệm vụ của bất kỳ đảng viên nào, dù là cán bộ địa phương hay một bộ trưởng đầy quyền lực ở thủ đô. Ông ấy gọi đó là “Thả bom vào Tổng hành dinh”, hy vọng rằng “quần chúng” sẽ đánh bật tất cả những kẻ thù thực sự hoặc tưởng tượng của cuộc cách mạng, kể cả những người có thể chống lại ông ấy. Cách mạng Văn hóa khiến đảng tan nát, đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi nhiều cán bộ địa phương cho phép dân làng phá hoại hợp tác xã, miễn là họ có thể phát triển kinh tế.

 

Sau đó, vào năm 1984, Triệu Tử Dương cho phép những chính quyền địa phương hưởng lợi từ thặng dư do do những doanh nghiệp nhà nước địa phương sản xuất. Trên hết, vào năm 1984, ông đã cho chi nhánh địa phương của những ngân hàng nhà nước có nhiều quyền hơn trong việc quyết định về những khoản cho vay ở địa phương. Nói cách khác, ông đã cho chuyển rất nhiều quyền lực từ trung ương đến  chính quyền địa phương. Đó là những gì trích dẫn mà ông nêu trên đề cập đến. Triệu Tử Dương không có ý chí cũng như quyền lực để kiểm soát thái ấp địa phương; ông ấy buộc phải thỏa hiệp. Nhưng trong những năm qua, một phần lớn ảnh hưởng đã được khôi phục lại cho trung ương, và kể từ năm 2012, Tập Cận Bình đã quyết tâm “hạ bệ mọi lãnh đạo địa phương”. Việc điều này phải trả giá bằng sự suy giảm kinh tế, vì những chiến dịch bất tận chống tham nhũng và phong tỏa chống COVID-19, không có gì đáng ngạc nhiên.

 

 

ST: Một số nhân vật lãnh đạo Trung Hoa (thường là các thủ tướng, như Triệu Tử Dương, Ôn Gia Bảo, gần đây nhất là Lý Khắc Cường) đã bị coi là “những người cải cách” và đôi khi có cảm giác tiếc nuối rằng Trung Hoa ngày nay sẽ cởi mở hơn về chính trị và kinh tế nếu họ có nhiều ảnh hưởng hơn. Nhưng như cuốn sách của ông đã nhiều lần nêu lên, không ai trong số những nhân vật lãnh đạo này cuối cùng đặt câu hỏi về quyền cai trị của ĐCSTH, họ cũng không ủng hộ dân chủ hay tam quyền phân lập. ông có nghĩ rằng nhãn hiệu “người cải cách” hữu ích trong việc mô tả các chính khách Trung Hoa hay không?

 

FD: Chúng ta có khuynh hướng quên rằng nền kinh tế của những nước cộng sản đã thay đổi rất nhiều theo thời gian. Ngay cả dưới thời Stalin, vào những năm 1930, doanh nhân nước ngoài khi giao dịch ở Moscow đã cảm kích trước những khách sạn sang trọng, những nhà hàng đẳng cấp thế giới, những tòa nhà chọc trời, chưa kể đến biểu tượng của chế độ, một hệ thống xe điện ngầm đẹp mắt, lộng lẫy. Ở Ba Lan, ngay cả ở đỉnh cao của chủ nghĩa cộng sản, phần lớn những cửa hàng, kể cả nhà hàng, đều là của tư nhân. Hai phần ba diện tích đất canh tác được nông dân tư nhân canh tác vào những năm 1980, một thực tế được coi là không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh ngày nay.

 

Sau năm 1949, Đảng Cộng sản mất vài năm để tịch thu tất cả phuong tiện sản xuất, nghĩa là đến năm 1956 thương mại và mậu dịch là hoạt động thuộc nhà nước trong khi ở nông thôn, dân làng đã mất đất và không được kiểm soát vụ mùa của họ. Không một nhann vật cải cách nào nghiêm túc cân nhắc việc từ bỏ những gì có được nhờ quá nhiều vào bạo lực vào những năm 1950, hoàn toàn ngược lại.

 

Năm 1992, khi Đặng Tiểu Bình đề nghị rằng nên cho thuê đất để thu hút vốn nước ngoài, ông đã nói rất ngắn gọn: Công cụ nước ngoài trong tay xã hội chủ nghĩa. Như ông ta đã đã nói, đất đai thuộc về nhà nước, ngân hàng thuộc về nhà nước, vì vậy không có gì phải sợ đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Chính sựu độc quyền nắm phuong tiện sản xuất đã giúp đảng tự tin thu hút vốn nước ngoài, chưa kể đến việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và vượt qua mọi quốc gia thành viên, thậm chí cả Bangladesh trong sản xuất hàng may mặc.

Vấn đề là từ năm 1976, nền kinh tế tập thể hóa cứng nhắc đã được thay đổi để xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải để từ bỏ nó. Và tất nhiên, cũng để tạo ra của cải lớn hơn cần có để chống lại phe đế quốc, nhất là âm mưu diễn biến hòa bình.

 

 

ST: Một số người trong giới phân tích đã lập luận rằng Trung Hoa đã bước vào một thời kỳ mới dưới thời Tập Cận Bình, một thời kỳ khác về phẩm chất so với thời kỳ hậu Mao. Dựa trên phân tích của ông về “Trung Hoa sau Mao”, ông có đồng ý rằng Trung Hoa thực sự đang ở trong một “kỷ nguyên mới” không?

 

FD: Không chút nào cả. Kevin Rudd, đã không hiểu nhiều về Trung Hoa khi còn là thủ tướng Úc, bây giờ lại muốn nói với chúng ta rằng “Trung Hoa Đỏ đã trở lại.” Nhưng “Trung Hoa đỏ” chưa bao giờ biến đi đâu hết. Chỉ có những người như Kevin Rudd đã ngủ quên. Hoặc, nói cách khác, họ quá bận kiếm tiền ở Trung Hoa nên không chú ý khi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, năm này qua năm khác, nêu lên tầm quan trọng của Bốn Nguyên tắc Chính yếu đã ghi trong hiến pháp năm 1982: duy trì vai trò lãnh đạo của đảng, giữ vững đường lối xã hội chủ nghĩa, giữ vững chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, giữ vững chuyên chính vô sản.

 

Lần cuối cùng Bốn Nguyên tắc Chính yếu này được Tập Cận Bình nhấn mạnh là tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10 năm 2022. Về điểm này, ông ấy đi theo những người tiền nhiệm và giống như họ, ông ấy tuân thủ hiến pháp một cách chặt chẽ . Tôi đề nghị tất cả chúng ta nên đọc nó (Hiến pháp CNDTH), giống như chúng ta nên đọc hiến pháp của Hoa Kỳ khi giao dịch hoặc sinh sống tại Hoa Kỳ.

 

 

 

Tác giả |

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/05/shannon-tiezzi-100x100.jpg

Shannon Tiezzi là Chủ biên của tờ The Diplomat.

 

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: 

 

Frank Dikotter on How China Changed (and Didn’t) After Mao  | Shannon Tiezzi | The Diplomat | January 03, 2023.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats