‘Dự trữ Chip Chiến lược’ có thể
giảm thiểu rủi ro từ chiến tranh Đài Loan
Abishur Prakash - Nikkei Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Tác động kinh tế và xã hội tiềm tàng của việc mất
nguồn cung chip là quá lớn để có thể bỏ qua.
Năm 1975, hai năm sau khi các nhà xuất khẩu Ả
Rập áp lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ vì nước này hỗ trợ Israel trong thời chiến,
Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford đã ký một đạo luật thành lập kho dự trữ dầu
mỏ chiến lược, để giảm nguy cơ bị sốc nguồn cung trong tương lai.
Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (Strategic Petroleum
Reserve, SPR) ban đầu được dự định sẽ chứa tới 1 tỷ thùng dầu. Trớ trêu thay,
lượng dầu đầu tiên được đưa vào SPR vào năm 1977 lại đến từ Ả Rập Saudi, quốc
gia đã đưa ra lệnh cấm vận dầu mỏ.
50 năm sau, người ta bắt đầu lo lắng về một sản
phẩm khác mà phương Tây nhập khẩu. Đài Loan, nguồn cung cấp phần lớn vi mạch của
thế giới và hơn 90% các loại chip tiên tiến nhất, đang phải đối mặt với mối đe
dọa xâm lược hoặc phong tỏa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Một cuộc xâm lược chắc chắn sẽ làm rung chuyển
thị trường chip toàn cầu và gia tăng áp lực lên nguồn cung của một thành phần
không thể thiếu trong mọi thứ, từ lò vi sóng đến tên lửa hạt nhân.
Hồi tháng 2, chính phủ Vương quốc Anh đã tổ chức
một trò chơi chiến tranh để mô phỏng tác động của sự kiện này: Trong trò chơi
mô phỏng, việc cắt giảm nguồn chip từ Đài Loan đã gây quá tải tại các bệnh viện,
tăng giá hàng điện tử tiêu dùng lên cao ngất ngưởng, ở cả chợ đen bán hàng đã
qua sử dụng, cũng như gây lạm phát tràn lan.
Một nghiên cứu riêng tại Anh vào năm ngoái cho
thấy chiến tranh Trung Quốc-Đài Loan có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng tổng sản
phẩm quốc nội của Anh khoảng 5,2% trong vòng 10 năm. Đầu tháng này, một quan chức
tình báo hàng đầu của Mỹ ước tính tác động tiềm ẩn của việc cắt nguồn cung chip
từ Đài Loan đối với nền kinh tế thế giới lên tới 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm.
Chứng kiến sự ổn định kinh tế và xã hội bị đe
dọa, các quốc gia nên dự trữ chip ngay từ bây giờ. Mỗi ngày trôi qua, cuộc chiến
ở Đài Loan lại ngày càng có khả năng xảy ra.
Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc sau
khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy
vào tháng trước đã mô phỏng “các cuộc tấn công chính xác” nhắm vào hòn đảo và một
cuộc phong tỏa toàn diện. Các quan chức Trung Quốc cũng tuyên bố một cách khiêu
khích rằng các tàu quốc tế ở Eo biển Đài Loan sẽ bị kiểm tra.
Dự trữ Chip Chiến lược (Strategic Chip
Reserves, SCR) có thể cung cấp một giải pháp giúp giảm thiểu tác động của gián
đoạn nguồn cung chip. Giải pháp này sẽ liên quan đến việc thiết lập mạng lưới
các nhà kho để lưu trữ số lượng lớn chất bán dẫn thuộc mọi kích cỡ và năng lực,
nhằm đảm bảo rằng các xã hội và nền kinh tế sẽ tiếp tục hoạt động trong trường
hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan.
Dù SCR nghe có vẻ giống như SPR, nhưng hai kế
hoạch này là hoàn toàn khác nhau. Hầu hết các kho dự trữ dầu chiến lược đã được
xây dựng để giúp một quốc gia có đủ lượng dầu dùng trong nhiều tháng. Trong khi
đó, dự trữ chip chiến lược nên được xây dựng với mục tiêu nhiều năm hoặc cả chục
năm.
Đồng thời, dự trữ dầu chiến lược chủ yếu nhằm
mục đích chính trị chứ không phải kinh tế. Khi người Mỹ sử dụng 15 triệu thùng
dầu từ SPR để giảm giá xăng vào tháng 10 năm ngoái, nhiều nhà quan sát đã bỏ
qua việc nước này tiêu thụ đến 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Dự trữ chip chiến lược không thể đi theo con
đường này, mà phải có khả năng bình ổn thực sự, để bù đắp cho sự thiếu hụt do một
Đài Loan bị tê liệt.
SCR phải đảm bảo rằng các cơ sở hạ tầng quan
trọng, như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mạng lưới năng lượng, có thể hoạt động
bình thường. Và việc sản xuất hàng tiêu dùng, từ điện thoại thông minh đến máy
giặt, có thể tiếp tục. Một sự cố trong bất kỳ lĩnh vực nào trong số này cũng có
thể gây ra thảm họa.
Tất nhiên, xây dựng SCR sẽ không phải là một
nhiệm vụ dễ dàng. Nó sẽ đòi hỏi sự can đảm và tầm nhìn. Trên thực tế, mọi cường
quốc lớn có khả năng thành lập SCR đều đang phải đối mặt với vô số cuộc khủng
hoảng.
Trong lúc mùa bầu cử đang đến gần ở nhiều nước,
từ Mỹ đến Ấn Độ, ý tưởng dành hàng tỷ đô la cho một quỹ kiểu dự phòng rủi ro
tương lai có thể sẽ không được lòng cử tri. Nhưng cái giá của việc không tạo ra
SCR và buộc xã hội phải mua chia theo định mức có thể lên tới hàng nghìn tỷ đô
la.
Khi đến thời điểm bỏ phiếu, bất kỳ chính trị
gia do dự nào cũng nên được hỏi, liệu cử tri sẽ hành xử thế nào tại thùng phiếu
nếu họ không thể nâng cấp xe hơi hoặc sửa TV của mình? Sau cùng thì, chính những
nhu cầu đơn giản nhất sẽ thúc đẩy hành vi của cử tri.
SCR không nhất thiết phải ở tầm quốc gia, nó
có thể là một kho dự trữ toàn cầu. Nhóm G7, các quốc gia BRICS, và Liên minh
châu Phi có thể tạo ra SCR của riêng mình, tập hợp các nguồn lực cần thiết để
biến chúng thành hiện thực.
SCR cũng nên có sự tham gia của các công ty sản
xuất chip, dù là Intel, Samsung Electronics, hay Taiwan Semiconductor
Manufacturing Co. (TSMC), bởi vì ngành công nghiệp tư nhân này cũng cần suy
nghĩ lại về mô hình kinh doanh của mình, cân nhắc đến việc dành một phần sản lượng
cho dự trữ chính thức.
Trụ sở chính của TSMC tại Tân Trúc: Dự trữ chip chiến lược nên có sự tham
gia của các nhà sản xuất chip vì ngành này sẽ phải suy nghĩ lại về mô hình kinh
doanh của mình. © Reuters
Nhưng các quốc gia nên được cảnh báo. Thời
gian là điều cốt yếu. Bất cứ lúc nào tại bất cứ nơi nào ở Đài Loan, người ta
cũng có thể vượt qua lằn ranh đỏ hoặc một “tai nạn” có thể xảy ra.
Khi đó, mọi hoạt động sẽ bị đình trệ. Các tàu
chiến của Mỹ và Trung Quốc kích hoạt các kế hoạch chiến đấu, dân thường chạy đến
hầm trú ẩn ở Đài Bắc, và thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, chẳng
còn mấy ai quan tâm đến chip nữa. Nhưng đừng nhầm lẫn, chính chất bán dẫn – thứ
hỗ trợ cho lối sống của hàng tỷ người – sẽ là nguyên nhân khiến chiến tranh Đài
Loan ở trong tâm trí của mọi người thêm nhiều năm.
Không cần đâu xa, cuộc chiến Ukraine đã chứng
minh việc mất quyền tiếp cận chip bán dẫn có thể khiến các quốc gia tuyệt vọng
như thế nào.
Khi phương Tây chặn xuất khẩu chip sang Nga,
Điện Kremlin tìm cách tháo các loại xe hơi và tủ lạnh đã qua sử dụng để tận dụng
chip. Theo một báo cáo, người Nga hiện không thể sản xuất thêm tên lửa siêu
thanh vì thiếu chip.
Tuy nhiên, Nga vẫn có thể tiếp tục tiếp cận
nguồn cung chip ở một mức độ nào đó thông qua các kênh cửa sau và các nước thứ
ba.
Nhưng khi nguồn cung chip toàn cầu cạn kiệt,
thì các kênh không chính thức cũng sẽ biến mất, và mọi quốc gia, không chỉ Nga,
sẽ rơi vào tình thế tuyệt vọng. Một số chiến lược gia phương Tây thậm chí còn gợi
ý rằng các nhà máy sản xuất chip của Đài Loan nên được trang bị “tính năng tự hủy”
trong trường hợp bị tấn công, như một chiến thuật khả thi để răn đe Trung Quốc,
nước cũng phụ thuộc vào sản lượng chip của hòn đảo.
Nếu bất kỳ điều nào trong số này là đúng, thì
các chính phủ nên hành động với tốc độ ánh sáng để tạo ra nguồn dự trữ chip chiến
lược. Đại dịch COVID đã cho thấy điều gì có thể xảy ra khi nguồn cung bị cạn kiệt.
Cách tốt nhất là khi nhu cầu đang chậm lại như hiện nay, chúng ta nên kết hợp dự
trữ với đáp ứng nhu cầu, thay vì đợi cho đến khi nguồn chip cạn kiện dần.
-----------------
Abishur Prakash là giám đốc điều hành của công ty
The Geopolitical Business có trụ sở tại Toronto và là tác giả cuốn “The World
Is Vertical: How Technology Is Remaking Globalization.”
Nguồn: Abishur
Prakash, ‘Strategic
chip reserves’ can insulate against Taiwan war risk, Nikkei Asia, 17/05/2023
No comments:
Post a Comment