Friday, 19 May 2023

CHUYỆN KHÔNG CHỈ CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG (Trương Huy San)

 



 

CHUYỆN KHÔNG CHỈ CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG  

Huy Đức  -  Trương Huy San 

17-5-2023  07:01   

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02troGrijWoUTkNxhEjrdkvmMGz9dpzZKL3DdtxPwf3BSe7Fvaws7cnxay481HXq15l

 

Hôm qua, tại Tokyo, người Nhật tổ chức rất trang trọng buổi ra mắt bản tiếng Nhật cuốn tự truyện của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc, “Chuyện Của Chúng Tôi”.

 

Một vài lần, ở các sảnh khách sạn, tôi từng chứng kiến nhiều quan chức ngoại giao và nhà đầu tư Nhật cúi thấp người chào ông dù ông đã hưu trí hơn mười năm.

 

Ông Võ Hồng Phúc là người được giao làm việc với Nhật từ khi chiến tranh chưa chấm dứt.

 

Trước năm 1975, Nissho Iwai đã “thu mua than và bán phân bón” trên miền Bắc. Năm 1967, khi người Mỹ bắt đầu thăm dò dầu khí trên phần biển của Việt Nam Cộng Hòa, Hà Nội cũng đã chọn Nhật làm đối tác.

 

Thông qua Nissho Iwai, miền Bắc đã hình thành một liên danh với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Nhật [JNOC]. Một ngày trước khi ký Hiệp định Paris [27-1-1973] Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật đã ký hợp đồng khảo sát tìm dầu trên vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Bắc [kéo dài tới Mũi Lay, Vĩnh Linh].

 

Công việc được xúc tiến ngay ngày 27-1-1973 nhưng chỉ một tuần sau phải ngưng vì “ông bạn phía Bắc phản đối”.

 

Ông Võ Hồng Phúc sinh 1945 tại một vùng quê của khoa bảng và trong một dòng họ khoa bảng ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

 

Năm 1954, “hòa bình lập lại trên miền Bắc” nhưng làng quê ông không có một ngày hòa bình.

 

“Không khí trong làng chùng xuống” khi tin cải cách ruộng đất ở các huyện Bắc Nghệ An dội về. Cụ Thượng Đặng Văn Hướng – người có chung một ông cụ ngoại với gia đình ông, người khi ấy đang được Hồ Chí Minh cử giữ chức Bộ trưởng phụ trách Thanh Nghệ – bị bắt, bị đấu tố tới uất ức mà chết.

 

Năm 1953, một người em trai của ông Nội ông bị tố thu tô cao đã treo cổ tự tử. Rằm tháng Giêng 1955, một người em khác của ông nội về thắp hương, nói với bà nội ông, “Tôi không để chúng đấu tố đâu, nhục lắm”. Mấy tháng sau ông cũng tìm cách quyên sinh.

 

Trường đoạn kể về những tháng “đội” giam lỏng cả bà ngoại và mẹ, cậu bé Võ Hồng Phúc, 10 tuổi, phải tìm cách “giữ liên lạc” giữa hai nhà, có khi bị “đội” lột hết gạo… được viết như không mà ám ảnh.

 

Những năm tháng ấy, “đội” bắt đi người có nhà đẹp nhất xã [ông sau đó chết trong tù]; ngôi nhà ấy được lấy cho cố vấn Trung Quốc.

 

Những năm tháng ấy, thỉnh thoảng “đội” chiếu những phim Trung Quốc như Bạch Mao Nữ. Ông không kể nội dung phim mà kể một hình ảnh còn kinh sợ hơn cả Bạch Mao: Cố vấn Trung Quốc mặc áo trắng cộc tay, ngồi bên một cái bàn trải khăn trắng kê trước buồng máy; trên bàn có một ấm nước, một cái ca tráng men có nắp và một đĩa chuối…

 

Bao nhiêu cái chết tức tưởi, bao nhiêu người bị giam cầm, bao nhiêu gia đình li tán, kẻ vào Nam “ăn Ngô”, kẻ ở lại “ăn Hồ”.

 

Mấy năm sau, ông theo bố ra Hà Nội học. Mùa Hè 1963, khi Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ sang thăm. Ông được chọn trong đoàn học sinh đi đón vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ. Ông nhớ, sau tiếng hô “líu chú xí oan xuê” [Lưu Chủ tịch muôn năm] của “5 vạn người”, trên lễ đài, Hồ Chí Minh cầm tay bà Vương Quang Mỹ, người mà Hồ Chí Minh gọi thân mật là “Bác Lưu gái”, kể: “Hồi Bác sang Trung Quốc đang là mùa Đông, bác Lưu gái đã đan một áo len tặng Bác”.

 

Có mặt ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước từ khi còn rất trẻ, trực tiếp giúp việc cho những nhà lãnh đạo như Nguyễn Lam, Võ Văn Kiệt, Phan Văn khải… ông được chứng kiến những khúc quanh quan trọng nhất của đất nước, chứng kiến sự ra đời của những quyết định làm thay đổi đất nước. Ông, cùng nhiều người ở thế hệ mình, được đào tạo để nhận chuyển giao thế hệ.

 

Những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ ông được đào tạo để điều hành một nền kinh tế kế hoạch hóa. Mô hình kinh tế đã đưa đất nước xuống tận đáy.

 

Thế hệ ông bắt đầu được giao những trọng trách khi đất nước bị buộc phải thay đổi, chấp nhận chuyển nền kinh tế từ “quan liêu bao cấp” sang, từng bước, “kinh tế nhiều thành phần” đến “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Những nhà lãnh đạo ở thế hệ ông biết, vứt bỏ những thứ được dạy đã khó, làm sao để có kinh tế thị trường trong “định hướng” còn khó hơn nhiều.

 

Cho dù có nhiều năm làm bộ trưởng, cuốn sách của ông được đặt tên rất khiêm nhường, “Chuyện Của Chúng Tôi”, và được viết bằng thứ văn phong mạch lạc, dung dị.

 

Nhưng đấy là sự khiêm nhường trước lịch sử. Một lịch sử mà những trải nghiệm cá nhân, gia đình, quê hương, đất nước… đều có nhiều trang “chùng xuống”.

 

Thế hệ ông đã rất chật vật để đưa đất nước thoát khỏi những trang sử ấy. Có lẽ, ông mong muốn những trang sử ấy không bao giờ trở lại với những thế hệ khác, chỉ là “chuyện của chúng tôi”, chỉ xảy ra trong thời mông muội “của chúng tôi”.

______

 

Một số hình ảnh  

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3291248104521460&set=pcb.3291248447854759

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=6037205006314630&set=pcb.6037233116311819         

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=6037205526314578&set=pcb.6037233116311819

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=6037206182981179&set=pcb.6037233116311819

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=6037207229647741&set=pcb.6037233116311819

 

 

211 BÌNH LUẬN  

 

.

Nguyễn Thế Vinh

Chuyện của các ông, nhưng là số phận của người dân, của đất nước này. Ô hô ai tai

 

Maily Nguyen

Tại sao các ông cứ thôi chức vụ, thôi làm quan rồi mới làm “người tử tế”?

 

Son Nguyen Anh

Năm 1990. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chứng minh sự không tưởng, sự phản khoa học, sự thối nát của thứ lý luận chủ nghĩa xã hội kiểu Mác Lê Mao, những kẻ nào còn phụng sự chế độ này thì hoặc là kẻ ngu dốt, hoặc là kẻ cơ hội. Cả hai loại đều là những kẻ phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân việt nam. Võ Hồng Phúc là loại nào trong hai loại này ???

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats