Sunday 13 March 2022

XÂM LĂNG UKRAINE, VLADIMIR PUTIN THẮNG HAY BẠI? (Trịnh Khải Nguyên-Chương)

 



Xâm lăng Ukraine, Vladimir Putin thắng hay bại?

Trịnh Khải Nguyên-Chương

12/03/2022

https://vietbao.com/p301409a311439/xam-lang-ukraine-vladimir-putin-thang-hay-bai-

 

https://vietbao.com/images/file/h6vSb6cE2ggBALpv/w600/putin.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin.

 

Khi quyết định xâm lăng Ukraine, Vladimir Putin đã tính sai nước cờ chiến lược. Ông ta đã tính sai xu hướng chính trị ngay trong quốc gia Nga, đã tính sai phản ứng của Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và một số các quốc gia khác như Úc, Nhật, Canada, Nam Hàn, những nước có khả năng hợp tác cùng nhau đánh sập kinh tế Nga. Và, Putin đã tính sai công luận thế giới.

 

Chiến tranh, ngoài bom đạn đem ra tưới lên đầu lên cổ nhau còn là vấn đề công luận quốc tế. Ở kỷ nguyên hiện đại, một chuyện nhỏ xảy ra bất kỳ nơi nào trên thế giới, chỉ trong tích tắc, mọi người đều hay biết, Nga của Putin đã bị cả thế giới lên án là vô cớ tấn công một quốc gia dân chủ hiền hòa, một nước láng giềng bé nhỏ hơn mình nhiều. Với cuộc chiến càng lúc càng thảm khốc, Putin đã gây nên một trận tang thương cho dân tộc Ukraine, đã phạm những tội ác chiến tranh khó có thể bào chữa. Tất cả những hành vi gây chiến và vi phạm trắng trợn quyền tự quyết độc lập của một quốc gia khác chắc chắn sẽ tạo khó khăn không ít cho chính sách đối ngoại của Nga trong những ngày tháng sắp tới.

 

Bên cạnh những tính toán sai lầm chiến lược là những sai lầm chiến thuật. Mặc dù chuẩn bị cả năm trời, nhưng quân đội Nga đã vấp phải những yếu kém trầm trọng. Hậu cần không cung ứng kịp cho chiến trường sôi động, kế hoạch tấn công không thống nhất, thông tin đưa ra mặt trận hiệu triệu quân lính, thậm chí cả sĩ quan cao cấp, không có hay không đủ, khiến tinh thần binh sĩ dao động, có những đơn vị không đánh đã quy hàng.

 

Trong trù tính của Putin, chiến trường phải được giải quyết nhanh chóng với chiến thuật blitzkrieg phối hợp xe tăng, đại pháo, tên lửa, không lực và bộ binh cơ động đánh thần tốc, như quân đội Đức Quốc xã hay sử dụng thời Đệ Nhị Thế Chiến. Với sức mạnh của quân đội Nga được trang bị những vũ khí sát thương hiện đại nhất, Putin hy vọng chính quyền Ukraine ở Kyiv sẽ tan vỡ hay ít nhất đầu hàng mau chóng, và Moskva sẽ áp đặt một thể chế trung lập thân Nga, để từng bước kiện toàn tham vọng bá quyền. Trong kế hoạch của Putin, lực lượng Nga sẽ thu tóm Ukraine trong vài ngày. Ông ta nghĩ phương Tây, điển hình là Hoa Kỳ, sẽ mau chóng lãng quên Ukraine nếu quốc gia này không chiến đấu mà đầu hàng hoặc ngã quỵ trước họng súng của quân đội Nga, như ông ta thường tuyến bố: “Ukraine không phải một quốc gia thực thụ.”

 

Thế nhưng Putin sẽ không thể thắng được cuộc chiến này theo ý muốn của ông ta. Sự thật, ông ta có thể bại trên nhiều bình diện. Ngay cả nếu thủ đô Kyiv và các thành phố lớn trên lãnh thổ Ukraine rơi vào vòng kiểm soát của quân đội Nga, thì Nga vẫn phải duy trì một cuộc chiếm đóng hao tổn kinh phí quốc gia một cách khủng khiếp, một cuộc chiếm đóng yếu ớt chứ không chặt chẽ, và chẳng đem lại lợi ích gì ngoài chiếc vương miện Đại Nga thánh hóa vĩ đại. Các quốc gia lân bang chư hầu sẽ lâm vào những hoàn cảnh khó khăn kinh tế, và càng tùy thuộc vào nguồn viện trợ của Nga. Putin có thể kiểm soát được các vùng đông, đông bắc và nam Ukraine, nhưng chiến tranh du kích ở vùng tây và tây bắc sẽ làm tiêu hao lực lượng và tinh thần quân đồn trú. Viễn ảnh đó chỉ là sự lặp lại của Ukraine trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Lịch sử thường là sự lặp lại.

 

Cùng lúc Putin sẽ phải đương đầu với suy thoái kinh tế. Tổng sản lượng nội địa của Nga năm 2021 chỉ bằng một phần mười Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Ngay cả trước khi quyết định xâm lăng Ukraine, kinh tế Nga đã trên đà đi xuống. Nguồn lợi kinh tế lớn nhất của Nga là dầu hỏa và khí đốt, và với quyết định của Tổng thống Joe Biden cấm các công ty dầu khí của Mỹ mua từ Nga, nguồn lợi này sẽ sa sút trầm trọng.

 

Cường quốc là một quốc gia với một nền kinh tế mạnh và không bị cô lập. Một khi kinh tế suy thoái quá độ, chiếc ghế lãnh tụ của Putin có thể bị lung lay. Nhiệt tình ủng hộ ông ta xưa nay là thành phần được ưu đãi,  những kẻ hưởng đặc quyền đặc lợi, những tay tỉ phú Nga – gọi chung là oligarchy, một hệ thống cai trị dựa trên chính trị đại tộc, quả đầu. Putin tùy thuộc vào nhóm lợi ích này để duy trì chiến tranh và quyền lực, một khi bị mất mát quá nhiều, họ không còn lý do gì để tiếp tục ủng hộ Putin và những quyết sách, những cuộc phiêu lưu của ông ta nữa.

 

Theo nhận định chung thì Putin như đang muốn tái lập đế quốc Nga ở một hình thức nào đó, không hẳn phải theo khuôn mẫu Xô-viết trước 1991, nhưng là một đế chế – theo  một bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài – bao gồm ít nhất Đại Nga (Nga hiện tại), Tiểu Nga (Ukraine) và Bạch Nga (Belarus). Khá ngạc nhiên khi người ta biết khái niệm đế chế này nằm trong chương trình hành động vạch ra bởi không ai khác hơn nhà văn Nga tên tuổi vang lừng thế giới, Aleksandr Solzhenitsyn.

 

Cuộc chiến ở Ukraine hôm nay theo đúng chương trình hành động mà tác giả của Quần đảo ngục tù đề nghị trong hàng loạt bài viết về việc tái thiết một đế chế Nga […] Cho đến khi qua đời năm 2008, nhà văn cựu ly khai trở thành vị minh sư mà viên cựu sĩ quan KGB Vladimir Putin một lòng ngưỡng mộ.” Phạm Thị Hoài viết như thế.

 

Nhưng đánh một ván bài lớn và liều lĩnh, Putin có vẻ như không nhớ bài học lịch sử: Vị Sa hoàng cuối cùng của dòng họ Romanov, Nicholas Đệ Nhị, thua Nhật trong trận chiến 1905, và sau đó trở thành nạn nhân của cuộc Cách mạng Bolschevik để rồi mất cả ngai vàng lẫn mạng sống. Bài học lịch sử ấy là: Nhà độc tài mà thua trận thì chẳng thể nào tiếp tục làm nhà độc tài nữa.

 

Một cuộc chiến không kẻ thắng

 

Phần nhiều là Putin sẽ không thua trên mặt trận bom đạn. Nhưng ông ta có thể thua khi tiếng súng ngừng nổ và tên lửa ngừng bay. Những hệ quả không ngờ trước hoặc bị xem nhẹ lúc đầu của cuộc chiến tranh phi lý này sẽ quay lại làm khốn đốn nước Nga. Đó là một cuộc chiến không có kẻ thắng, chỉ có kẻ bại.

 

Ngoại trừ trường hợp NATO trực tiếp can thiệp, vốn rất có cơ nguy dẫn đến Thế Chiến Thứ Ba, Ukraine một mình sẽ không đủ sức đương cự lại lực lượng quân sự hùng hậu của Nga. Chưa kể Nga còn là một cường quốc nguyên tử với trên sáu ngàn đầu đạn hờm sẵn trên bệ phóng. Cho đến giờ phút này (tháng Ba năm 2022), quân dân Ukraine chiến đấu dũng cảm và kiên cường, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Putin nao núng. Ông ta sẽ tiếp tục sử dụng không lực để san bằng thành bình địa các thành phố Ukraine. Nếu cần, ông ta sẽ dùng đến bom nguyên tử chiến thuật, hoặc vũ khí hóa học, sinh học – theo cảnh báo của ông William Burns, Giám đốc CIA. Thật vậy, hệ thống quyền lực của Nga cho phép ông ta làm thế, không ai có thể cấm cản hay ngăn chặn ông ta tung ra tất cả những thứ vũ khí tàn phá kinh khiếp, miễn sao đạt được mục tiêu tối hậu. “Chúng biến ruộng đồng thành hoang mạc, và gọi đó là hòa bình.” Sử gia La Mã Tacitus từng nói như thế, và đừng nghĩ rằng những gì quân La Mã làm cách đây hai ngàn năm, bây giờ không ai dám làm. Nghĩ thế là lầm tưởng về sự tàn ác của con người.

 

Nhưng ngay cả thế, Putin không thể giản dị từ sa mạc bước ra. Ông ta gây chiến để biến Ukraine thành khu trái độn do Nga kiểm soát hầu chống lại trật tự an ninh do Mỹ dẫn đầu ở phía tây châu Âu. Dù muốn dù không ông ta sẽ phải thiết lập một cấu trúc chính trị để đạt được cứu cánh và duy trì một trật tự nào đó ở Ukraine. Nhưng sự thật cho thấy nhân dân Ukraine không muốn nhìn thấy quê hương mình bị chiếm đóng. Họ sẽ chống cự một cách mãnh liệt, sẽ có biểu tình phản đối hằng ngày ngoài đường phố, sẽ có nổi loạn bạo động, sẽ có chiến tranh du kích, sẽ có kháng chiến, ngay cả nếu Nga chỉ chiếm được một nửa quốc gia, đông và nam thuộc chính phủ bù nhìn do Nga dựng lên và vùng phía tây sát biên thùy Ba Lan, Hungari và Romani thuộc phe kháng chiến.

 

Chiếm đóng Ukraine, Nga sẽ phải trả giá rất đắt. Chiếm đất khó một nhưng giữ đất khó mười, đó là châm ngôn mà Putin hình như không thèm đếm xỉa đến. Chiếm được Ukraine, chắc chắn Nga sẽ phải sử dụng bạo lực để cai trị, công an mật vụ có tai mắt khắp nơi trên lãnh thổ, quân đội thường xuyên được huy động để dẹp những cuộc bạo loạn khởi nghĩa. Belarus là một thí dụ ngay trước mắt. Nó là một vấn đề nhức nhối cho Putin.

 

Ukraine ngày nay không giống những gì nằm trong trí óc Putin. Trong nhiều bài diễn văn, ông ta gọi Ukraine là Phát-xít, Nazi. Cuộc xâm lăng hiện tại, ông ta gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” để dẹp quân Nazi ở Ukraine! Vâng, có thời phong trào quốc gia cực đoan ở Ukraine dâng cao, nhưng đó là thập kỷ 40. Tuy rằng ngày nay ở Ukraine vẫn tồn tại những phe nhóm cực đoan, nhưng họ rất yếu: trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2019, liên minh cánh hữu chỉ đạt 2.15% số phiếu, dưới mức quy định 5% số phiếu để có ghế trong Quốc hội, kết quả là không có đảng phái cánh hữu nào có mặt trong Quốc hội.

 

Sự thật là sau khi giành được độc lập từ đế quốc Xô-viết năm 1991, khí thế và tinh thần dân tộc Ukraine khác xưa nhiều. Khí thế đó được biểu hiện bởi cuộc cách mạng Maidan năm 2014, trong đó chính quyền tham nhũng, ung thối, thân Nga bị quét sạch để nhường chỗ cho một chính thể dân chủ thực thụ.

 

Dân Ukraine là một dân tộc ái quốc, quật cường mà vị lãnh tụ ngày nay, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, là hình ảnh sáng ngời nhất. Một cuộc chiếm đóng chỉ làm tăng tinh thần ái quốc của dân Ukraine mà thôi. Putin hình như cũng không nhớ bài học lịch sử Nga chiếm đóng Ba Lan dưới thời Sa hoàng thế kỷ XIX.

 

Chiếm đóng Ukraine sẽ là gánh nặng vô cùng to lớn cho Nga. Có lẽ trong hoạch định của Putin, Ukraine sẽ vận hành như một quốc gia chư hầu thời Liên bang Xô-viết. Nhưng ngay cả thế, gánh nặng đó vẫn là không nhỏ vì phải cùng lúc đương đầu với áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài. Việc nội trị sẽ không suôn sẻ vì sự chống đối của nhân dân Ukraine, và Tây phương không để yên cho Nga thong dong tọa hưởng.

 

Hệ quả của chiến tranh

 

Những biện pháp trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu sẽ khiến Nga bị tách rời khỏi kinh tế toàn cầu. Nguồn đầu tư từ bên ngoài sẽ ngưng trệ, kỹ thuật không trao đổi, thị trường thu nhỏ, nhất là thị trường dầu khí vốn là huyết mạch nuôi dưỡng kinh tế Nga xưa nay, nó nằm trong chương trình cơ bản hiện đại hóa kinh tế của Putin. Những chuyên gia và doanh nhân có khả năng sẽ tìm cách bỏ xứ ra nước ngoài sinh sống kiếm tiền.

 

Người ta dễ dàng tiên đoán được hiệu ứng dài hạn của những sự kiện kể trên, và đó không phải một tương lai xán lạn cho đất nước Nga. Một nghịch lý lịch sử là các siêu cường có xu hướng lâm vào những cuộc chiến vô bổ, sai lầm – a wrong war – để lãnh hệ quả suy thoái kinh tế, mà kinh tế là cơ bắp, máu thịt của bất cứ siêu cường nào.

 

Một sự kiện khác có khả năng xảy ra là phản ứng không mấy tốt cho Putin từ công luận Nga. Quyết sách đối ngoại của Putin, trong quá khứ, phần nào có sự đồng thuận của công chúng Nga nội địa. Năm 2014 khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine, đa số dân Nga tán thành. Dù sao chăng nữa phần nhiều cư dân Crimea là người Nga, dân Ukraine chỉ là thiểu số, hơn nữa, lịch sử mấy trăm năm qua của Crimea là một lịch sử phức tạp, lúc thuộc Nga, lúc thuộc Ukraine, không rõ rệt. Nhưng lần này thì khác, dân chúng xuống đường phản đối cuộc xâm lăng Ukraine và Putin đã phải dùng các biện pháp mạnh để đàn áp. Chiến tranh kéo dài, con số lính Nga tử vong lên cao tạo sự phẫn nộ trong công chúng. Điểm quan trọng nữa là liên hệ huyết thống, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ giữa hai dân tộc Nga và Ukraine. Đừng quên hai sắc dân đều có nguồn gốc chung từ chủng tộc Slav mà ra. Có hàng triệu gia đình kết hợp do hôn nhân, chồng Nga vợ Ukraine, hay ngược lại. Do đó, thông tin những gì đang xảy ra ở Ukraine đổ về Nga qua ngả mạng xã hội sẽ nhanh chóng tạo sự công phẫn trong lòng người dân Nga. Họ không tin vào guồng máy tuyên truyền của nhà nước. Đây là ưu tư của Putin, một khó khăn ông ta không thể giải quyết bằng các biện pháp đàn áp dã man. Đàn áp có thể quay ngược lại đè bẹp kẻ đàn áp. Lịch sử Nga đầy dẫy những sự kiện như thế.

 

Nhìn về tương lai

 

Với cuộc chiến thảm khốc đang diễn ra bên Ukraine, Tây phương – dẫn đầu bởi Hoa Kỳ – trong tương lai sẽ phải đương đầu với những khó khăn mới, thậm chí một trật tự thế giới mới.

 

Một mặt, giả sử Putin muối mặt rút quân về, Tây phương sẽ phải bỏ tiền ra tái thiết Ukraine sau đó, với mục tiêu chính trị là cho Ukraine gia nhập Liên hiệp châu Âu và NATO. Đây là một công tác nặng nề hơn núi Everest và phải mất hàng thập kỷ may ra mới hoàn tất. Và điều quan trọng là Tây phương không được bỏ rơi Ukraine thêm lần nữa.

 

Mặt khác, nếu Nga kiểm soát được Ukraine, một sự kiểm soát lỏng lẻo, thì vùng đất phía đông biên thùy NATO sẽ bất ổn, chiến tranh luôn sôi sục và dân tình khốn khổ. Một trật tự thế giới mới dần dà hình thành, mà Trung Quốc sẽ là quốc gia hưởng lợi nhất, vì Hoa Kỳ lúc đó bị buộc chân ở châu Âu, nên quyết sách xoay trục Á châu có từ thời Obama sẽ bị ngưng trệ. Đó là một viễn ảnh không mấy tốt đẹp cho thế giới.

 

Một viễn ảnh u ám khác là nếu bị dồn vào chân tường, Nga sẽ xoay hướng theo đuổi một quyết sách mà thuật ngữ chính trị gọi là “revanchism.” Đó là quyết sách của Đức sau khi thua trận Đệ Nhất Thế chiến, với mục tiêu chính là trả đũa phe thắng trận, và tìm mọi cách lấy lại đất đai mất trong chiến tranh. Quyết sách này của Đức đã dẫn đến Đệ Nhị Thế chiến. Không ai muốn sau một trăm năm, nước Nga là nước Đức của thập niên 30 thế kỷ trước.

 

Kỳ thực, ở chừng mực nào đó, Putin đã ấp ủ và theo đuổi quyết sách này từ khi Liên bang Xô-viết sụp đổ. Trong trường hợp đó, Nga sẽ biến thành một quốc gia “pariah,” một siêu cường quân sự có vũ khí hạt nhân, và hiếu chiến? Ai dám bảo đảm khả năng này không bao giờ xảy ra?

 

Vết nhơ Ukraine sẽ ở lại với Nga hàng thập kỷ. Với một cuộc chiến không thể thắng trong vinh quang và chính nghĩa, với tình trạng kinh tế suy thoái không lối gỡ, với một tổn thất nhân mạng và tài sản to lớn, vị thế địa chính trị của Nga sẽ theo đó đi xuống chứ không cách gì đi lên. Tất cả sẽ định đoạt quyết sách đối ngoại của Nga, và trong thời gian sắp tới, không trông mong gì vào một nước Nga hữu nghị hợp tác với thế giới trong bất cứ vai trò gì.

 

Ngay cả trong trường hợp chiếc ghế lãnh tụ của Putin lung lay, ngay cả nếu ông ta bị hạ bệ, truất phế, nước Nga cũng khó có cơ hội trở thành một quốc gia dân chủ tự do thân Tây phương. Tây phương có quyền hy vọng Nga một ngày nào đó đứng vào cộng đồng thế giới, nhưng cùng lúc phải chuẩn bị tất cả những gì có thể cho cái tệ hại nhất: một nước Nga độc tài sắt máu, mà ở chừng mực nào đó, hiện đã là. Chỉ có kẻ ngu xuẩn mới tin tưởng vào phép màu.

 

Cuối cùng Liên hiệp châu Âu phải là rào cản chính ngăn chặn, không cho Nga của Putin mặc tình làm mưa làm gió. Hoa Kỳ lúc đó mới rảnh tay quay sang đối phó với Trung Quốc, bởi chính Trung Quốc mới là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới.

 

Không một kẻ yêu chuộng hòa bình nào, dù bên ngoài hay bên trong nước Nga, mong muốn Putin thắng ở Ukraine. Tốt nhất là ông ta thua. Thế nhưng ngay cả trường hợp đó, chẳng ai đốt pháo ăn mừng. Sự đổ vỡ do Nga gây nên cho quốc gia Ukraine quá khốc hại, phải mất nhiều thế hệ mới xây dựng và hàn gắn lại được, và cho đến giờ phút này vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến sớm đi đến chỗ kết thúc. Hoa Kỳ và khối dân chủ tự do phải khai thác triệt để những sai lầm của Putin, phải cho ông ta thấy cái giá phải trả cho những hành động đốn mạt của một nước lớn đi xâm lăng nước nhỏ. Và cũng để cho Tập Cận Bình và bè lũ ở Nhân Dân Đại Sảnh hiểu thế nào là sống chung hòa bình trong một trật tự thế giới hài hòa.

 

Tây phương nhân dịp này có thể biến họa thành phúc, nhưng cái phúc đó nếu đạt được thì cũng phải trả bằng một cái giá cực kỳ to lớn.

 

– Trịnh Khải Nguyên-Chương





No comments:

Post a Comment

View My Stats