Monday, 28 March 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 28/03/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 28/03/2022

The Economist 

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/28/the-gioi-hom-nay-28-03-2022/

 

Pháp và Anh bất đồng với phát biểu của Tổng thống Joe Biden rằng Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền.” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông sẽ không phát biểu như vậy và cảnh báo các bên không leo thang. Trong khi đó một bộ trưởng nội các Anh nói vị trí của ông Putin phải để người dân Nga quyết định. Nhà Trắng cũng ra thông cáo là ông Biden không kêu gọi thay đổi chế độ.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Vladimir Putin đang “ném những người lính Nga như các khúc gỗ vào lò đốt của xe lửa.” Đối với các nước phương Tây, ông cũng ca ngợi Anh trong khi nói Đức đang “phạm sai lầm” với chủ nghĩa thực dụng của mình. Ông tiếp tục đề nghị phương Tây viện trợ máy bay, xe bọc thép và xe tăng, đồng thời cho biết ông muốn đàm phán với ông Putin, nhằm mục tiêu cứu “càng nhiều sinh mạng càng tốt.”

 

Nga và Ukraine đồng ý sơ tán dân thường khỏi Mariupol thông qua hành lang nhân đạo vào Chủ nhật. Trước đó, nhà chức trách Ukraine cho biết các đoàn xe buýt chở công dân sơ tán khỏi thành phố đã bị quân Nga chặn và giữ lại. Một cố vấn của thị trưởng thành phố cho biết hàng nghìn người sơ tán đang bị giam giữ mà không có thức ăn và nước uống. Ông còn nói một số cư dân Mariupol đã bị đưa đến Donetsk và sau đó là đưa sang Nga.

 

Người đứng đầu nhóm ly khai Luhansk do Moscow hậu thuẫn cho biết nước cộng hòa tự xưng này có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga trong tương lai gần. Luhansk và Donetsk, đều thuộc vùng Donbas, nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai kể từ năm 2014. Giao tranh tiếp diễn ở các khu vực này trong ngày Chủ nhật, với Ukraine tuyên bố phá hủy 8 xe tăng Nga.

 

Lần đầu tiên các ngoại trưởng của 4 nước thuộc Liên đoàn Ả Rập sẽ đàm phán với người đồng cấp Israel tại nước này sau khi các bên bình thường hóa quan hệ. Các bộ trưởng từ Morocco, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ đến dự cùng ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken. • Nhà ngoại giao EU Josep Borrell cho biết các nước đã tiến “rất gần” tới một thỏa thuận hạt nhân Iran mới. Nga dường như phản đối thỏa thuận, trong đó sẽ quy định dỡ bỏ trừng phạt Iran đổi lấy đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân. • Phiến quân Houthi ở Yemen đề nghị ngừng bắn 3 ngày sau khi liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu tiến hành không kích trả đũa vụ tấn công các cơ sở dầu bằng tên lửa và máy bay không người lái.

 

Dự thảo ngân sách của Tổng thống Joe Biden sẽ đề xuất mức thuế tối thiểu 20% đối với các hộ gia đình có tài sản hơn 100 triệu đô la. Thuế “tỷ phú,” được công bố vào thứ Hai này, sẽ nhắm vào lãi tài sản chưa hiện thực hóa (unrealized capital gains), và được cho là tạo ra doanh thu thuế 360 tỷ đô la trong thập niên tới • Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cho biết bà không kỳ vọng cuộc chiến ở Ukraine sẽ góp phần gây ra tình trạng lạm phát đi kèm đình trệ (stagflation) ở khu vực đồng euro • Số đơn thất nghiệp lần đầu ở Mỹ giảm 28.000 trong tuần trước xuống còn 187.000, mức thấp nhất kể từ năm 1969.

 

Con số trong ngày: 10.000, là số người hoặc công ty phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tổng thống Ukraine trả lời phỏng vấn The Economist

Volodymyr Zelensky tỏ ra gay gắt khi đánh giá về cách Vladimir Putin đối xử với binh lính của mình. Tổng thống Nga, ông nói, “đang ném những người lính Nga như những khúc gỗ vào lò đốt của xe lửa. Họ thậm chí chẳng buồn chôn cất tử sĩ.”

 

Phát biểu với The Economist tại Kyiv vào ngày 25 tháng 3, ông Zelensky nói rằng không ai sẵn sàng cho cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nó đã xảy ra, và sẽ chỉ có một kết quả mà thôi. “Chúng tôi tin vào chiến thắng. Không thể tin vào bất cứ điều gì khác.” Đối với ông Zelensky, điều đó có nghĩa là “cứu nhiều mạng sống nhất có thể.” Ông nói đất đai rất quan trọng – “nhưng cuối cùng nó cũng chỉ là lãnh thổ.”

 

Ông Zelensky đưa ra quan điểm đa dạng về cách phương Tây phản ứng trước cuộc xâm lược của Nga. Ông nói: “Nước Anh chắc chắn đứng về phía chúng tôi. Nước Đức đang “mắc sai lầm” với sự thực dụng của mình. Còn Mỹ đang tiến “chậm hơn một chút so với mức độ chúng tôi cần.” Không ai cung cấp các thiết bị quân sự mà ông yêu cầu – “máy bay, xe bọc thép và xe tăng.” Các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng không nghiêm khắc như ông muốn.

 

Để đạt được hòa bình, ông Zelensky nhất quyết phải có đàm phán với Vladimir Putin. Ông nói: “Có một vấn đề và chúng tôi phải giải quyết nó một cách cụ thể.” Nhưng ông không sẵn sàng nhượng bộ. “Chúng tôi không thể thỏa hiệp về mọi thứ. Phải hiểu rằng Ukraine là tổ quốc của chúng tôi.”

 

Đức nhượng bộ trước áp lực kêu gọi cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga

Đức nhập một nửa lượng khí đốt, hơn một nửa lượng than và khoảng một phần ba lượng dầu từ Nga, một nguồn cung cấp đáng tin cậy suốt ba thập niên qua. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã biến mối quan hệ làm ăn một chiều này thành vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

Mặc dù Đức phải chịu áp lực lớn từ các đồng minh phương Tây, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck vẫn khẳng định Berlin không thể cấm vận năng lượng Nga ngay lập tức vì chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân là quá lớn. Nhưng ông cũng thông báo vào tuần trước là Đức có kế hoạch chấm dứt hầu như toàn bộ nhập khẩu dầu từ Nga trong năm nay và cắt phần lớn khí đốt Nga cho đến mùa hè năm 2024. Nước này đang xây dựng hai kho tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Dẫu vậy loại bỏ năng lượng từ Nga sẽ là một thử thách lớn cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

 

Philippines và Mỹ sắp tập trận lớn nhất từ trước tới nay

Vào thứ Hai quân đội Philippines và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung hàng năm, năm nay có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Quy mô lần này là minh chứng cho thấy liên minh quân sự giữa hai nước bền vững ra sao sau các chính sách khó đoán của tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte về vấn đề Biển Đông, nơi Philippines và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền và là nơi Mỹ bảo vệ sườn phía nam của Đài Loan.

 

Ông Duterte liên tục tán tỉnh Trung Quốc. Ông không lên tiếng về các yêu sách của Philippines trong vùng biển tranh chấp, miễn là hành động xâm phạm quân sự của Trung Quốc được hạn chế. Và ông cũng nói bóng gió khả năng làm tê liệt liên minh Mỹ-Philippines bằng cách không cho quân Mỹ đóng ở Philippines – nhưng miễn là Trung Quốc cung cấp vắc-xin covid-19 cho nước ông. Chính sách này thật ra có hiệu quả: ông Duterte ngăn được các động thái xâm phạm của Trung Quốc trong khi đẩy lùi được đại dịch trong nước. Tuy nhiên, Mỹ đã tìm cách lôi kéo Philippines trở lại khi tuyên bố rõ ràng cam kết của họ đối với an ninh của Philippines. Người kế nhiệm tiềm năng nhất của ông Duterte, Ferdinand “Bongbong” Marcos, có thể sẽ triển khai một chiến thuật tương tự để duy trì quan hệ với cả hai siêu cường.

 

Rắc rối tiến trình phê chuẩn thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ

Vào thứ Hai Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ xem xét đề cử thẩm phán Ketanji Brown Jackson làm thẩm phán thứ 116 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Tại phiên điều trần kéo dài 4 ngày vào tuần trước, 11 thành viên đảng Dân chủ của ủy ban đã tiếp đón bà Jackson một cách nồng nhiệt trong khi 11 thành viên đảng Cộng hòa đặt các câu hỏi khó nhằn và đôi khi thù địch với bà.

 

Nếu hôm nay các thành viên ủy ban không đồng ý xem xét, cuộc bỏ phiếu sẽ phải dời một tuần. Nếu không có đảng viên Cộng hòa nào ủng hộ bà, ủy ban vẫn có thể gửi đề cử của bà tới Thượng viện mà không cần phải xác nhận. (Điều này xảy ra vào năm 1991 khi ủy ban không thể thông qua đề cử Clarence Thomas.) Và nếu phe Cộng hòa từ chối, thì phe Dân chủ vẫn có thể áp đặt một cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện trước ngày 8 tháng 4.

 

Khi vấn đề đã nằm trong tay tất cả 100 thượng nghị sĩ, một số nhân vật Cộng hòa dự kiến ​​sẽ ủng hộ bà Jackson. Nhưng dù sao thì phó tổng thống Kamala Harris vẫn luôn có thể bỏ lá phiếu thứ 51 để phá thế bế tắc và phê chuẩn bà Jackson.

 

Phong trào công đoàn ở Amazon lại nổi lên

Năm ngoái các công nhân đã vận động thành lập công đoàn tại một nhà kho của Amazon ở Bessemer, Alabama. Họ thất bại trong cuộc bỏ phiếu, nhưng Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) nói Amazon đã can thiệp vào cuộc bỏ phiếu và ra lệnh bỏ phiếu lại. Vào thứ Hai, NLRB sẽ bắt đầu kiểm phiếu. Và hai ngày sau, các công nhân ở một nhà kho khác tại New York sẽ hoàn thành các nỗ lực công đoàn của riêng họ. Các quan chức có thể mất nhiều ngày để kiểm phiếu tại đây.

 

Các chiến dịch tập trung vào điều kiện làm việc, chẳng hạn như thời gian đi vệ sinh ngắn và tốc độ làm việc, hơn là về tiền lương: nhiều công nhân ở Alabama cho biết họ làm ở Amazon vì mức lương tốt. Hai xu hướng chung cũng đóng vai trò ở đây. Đầu tiên là sự mở rộng không ngừng các mạng lưới hậu cần của Amazon, khiến công ty cần thêm nhiều nhân công. Thứ hai là sự hồi sinh của phong trào công đoàn. Mặc dù số thành viên công đoàn vẫn thấp trên cả nước do thị trường lao động thắt chặt, Mỹ đã chứng kiến ​​một làn sóng đình công và phong trào công đoàn trong đại dịch. Các chiến dịch ở Amazon rất khó thành công – nỗ lực đầu tiên ở Bessemer đã bị đánh bại dễ dàng – nhưng bất kỳ thành công nào cũng có thể thúc đẩy người lao động ở những nơi khác thành lập công đoàn.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats