Monday, 28 March 2022

NHÀ VĂN LIÊN XÔ VASILY GROSSMAN và 'SỰ THẬT TÀN NHẪN' CỦA CHIẾN TRANH (John Thornhill - Financial Times)

 



Nhà văn Liên Xô Vasily Grossman và ‘sự thật tàn nhẫn’ của chiến tranh   

John Thornhill 

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON MARCH 28, 2022

https://www.dcvonline.net/2022/03/28/nha-van-lien-xo-vasily-grossman-va-su-that-tan-nhan-cua-chien-tranh/

 

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, đọc về người viết thời sự với đôi mắt tinh tường về những ngày đen tối nhất của lịch sử thế kỷ 20 vô cùng thích đáng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2F2c8590ee-447a-4878-bab1-40a7f71505d5.jpg?fit=scale-down&source=next&width=700

Vasily Grossman với Hồng quân ở Schwerin, Đức, 1945 © Alamy

 

Khi Hồng quân tràn vào Ukraine vào cuối mùa hè năm 1943, Vasily Grossman đã kiệt lực vì cả sự phấn khởi và linh tính về việc trở lại quê hương. Người viết tiểu thuyết trở thành phóng viên chiến trường cảm thấy ấm lại với “hơi thở nhẹ nhàng của Ukraine” trên khuôn mặt ông và khung cảnh gợi nhớ với những cây dương cao ngút, những túp lều trắng và những hàng rào phên liếp ở vùng quê. Nhưng sau hai năm bị phát xít Đức chiếm đóng, ông thấy đất mẹ xinh đẹp đã bị “lửa và nước mắt” tàn phá và đã bị “nỗi buồn và cơn thịnh nộ” tiêu diệt.

 

Ông sốc khi thấy tận mắt sự tàn phá khi đi qua những thành phố mà ông đã biết rõ từ những ngày trước chiến tranh (và tên của những thành phố đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta ngày nay trong cuộc xung đột gần đây nhất ở Ukraine): Donetsk (sau đó được đặt tên là Stalino) nơi Grossman đã làm  kỹ sư mỏ than; Kyiv, thủ đô của Ukraine với những mái chóp vàng, nơi ông đã kết hôn với người yêu, Anna Petrovna Matsyuk; và Odesa, hải cảng ở Biển Đen giàu văn hóa, nơi có nhiều người thân bên mẹ là người Do Thái từng sinh sống và sau đó bị thảm sát. Ông viết :

 

“Mấy cụ già khi nghe tiếng Nga đã chạy ra gặp bộ đội mà khóc thầm, không thốt nên lời. Những bà cụ nông dân nói với vẻ ngạc nhiên lặng lẽ: ‘Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ hát và cười khi nhìn thấy quân đội của mình, nhưng trong lòng chúng tôi quá đau buồn, nước mắt đã tuôn rơi.’”  (Vasily Grossman)

 

Là một người con tự hào của Ukraine, thấm nhuần văn hóa Nga, Grossman vừa là người biên niên về những chiến công vĩ đại nhất của Liên Xô vừa là người điều tra rõ ràng về những tội ác đen tối nhất của nước này.

 

Sự tương phản giữa cuộc hành quân chiến thắng của Hồng quân trên khắp Ukraine vào năm 1943 và cuộc xâm lăng của Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2022 không thể rõ ràng hơn.  Quay trở lại chiến thắng của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, tổng thống Nga đã phóng đại tình huynh đệ giữa hai dân tộc Slavic và sự đối xứng lịch sử của một quân đội Nga “giải phóng” người dân Ukraine khỏi sự kìm kẹp của chủ nghĩa phát xít mới. Như Putin đã viết trong một luận văn sôi nổi về Ukraine (với lịch sử có gạn lọc),  xuất bản vào tháng 7 năm ngoái, người Nga và Ukraine đã ràng buộc với nhau qua nhiều thế kỷ thử thách, thành tựu và chiến thắng chung. “Cùng nhau, chúng ta đã luôn và sẽ mạnh hơn, thành công hơn gấp nhiều lần. Vì chúng ta là một dân tộc.”

 

Tuy nhiên, ngoài một số quận ly khai ủng hộ Moscow ở miền đông Ukraine đã hoan nghênh sự can thiệp của Putin, thực tế đã khác rất nhiều. Ngay cả trước khi xảy ra xung đột mới nhất, một cuộc thăm dò dư luận Ukraine công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy 72% số người được thăm dò coi Nga là một “quốc gia thù địch”. Sự bất chấp, lòng dũng cảm và tinh thần dân tộc những người Ukraine đã thể hiện khi đối mặt với cuộc tấn công tàn nhẫn thật sự phi thường. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tình anh em duy nhất được thể hiện giữa người Nga và người Ukraine, giống như tình anh em giữa Cain và Abel.

 

Luôn có nhiều lý do chính đáng để đọc Grossman, nhưng hiếm khi nào gây được tiếng vang như một người Ukraine của chúng ta. Là một người con tự hào của Ukraine, thấm nhuần văn hóa Nga, Grossman vừa là người ghi lại những chiến công vĩ đại nhất của Liên Xô vừa là người điều tra rõ ràng về một số tội ác đen tối nhất của nước này. Ông ta hiểu rõ hơn hầu hết mọi người về người hai căn cước, lòng trung thành bị chia đôi và những thù hận lịch sử làm nền tảng cho cuộc xung đột hiện tại. Thật vậy, ông ấy là hiện thân của rất nhiều trong điểm vừa nêu.

 

Sinh ra trong giới trí thức người Ukraine gốc Do Thái ở Berdychiv vào năm 1905, Grossman lớn lên trong thời đại đầy biến động giết người, sống qua Cách mạng Nga, nội chiến, Nạn đói khủng bố ở Ukraine, cuộc thanh trừng của chủ nghĩa Stalin, chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc tàn sát của Đức Quốc xã.

 

https://i.guim.co.uk/img/static/sys-images/Guardian/Pix/pictures/2013/8/23/1377268228974/Battle-for-Stalingrad-194-001.jpg?width=940&quality=45&auto=format&fit=max&dpr=2&s=53a8e8ecd1d473a6e563cae929338379

Hồng quân xông vào một khu chung cư trong Trận chiến Stalingrad, 1942.  Ảnh: Sovfoto/UIG/Getty Images

 

Là phóng viên chiến trường của tờ báo quân đội Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ) từ năm 1941-1945, Grossman đã dành hơn 1.000 ngày để đưa tin từ tiền tuyến. Ở đó, ông ấy đã đưa tin “sự thật tàn nhẫn của chiến tranh” với tất cả sự kinh hoàng, đau lòng và sự anh hùng của nó. Những câu chuyện của ông về cuộc vây hãm  có thể viết thành sử thi tại Stalingrad, cuộc đụng độ xe tăng khổng lồ ở Kursk và trận chiến man rợ cuối cùng ở Berlin đưa người đọc tiến thẳng vào chiến tuyến. Đặc biệt, những bản tin của ông về cuộc giao tranh ác liệt tại Stalingrad vào mùa đông năm 1942 cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về ngày nay ở Kharkiv và Mariupol khi các thành phố Ukraine này bị đạn pháo của Nga tàn phá.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/976/cpsprodpb/10CC8/production/_123480886_gettyimages-1238868832.jpg

Cứu cấp sau cuộc tấn công vào một tháp truyền hình ở Kyiv hôm thứ Ba (02/03/2022) khiến 5 người thiệt mạng. Getty Images

 

Grossman viết, đó là một cảnh tượng khủng khiếp khi chứng kiến cảnh Stalingrad chết chóc giữa “khói, bụi và lửa”, nhưng còn kinh khủng hơn khi chứng kiến một đứa trẻ sáu tuổi bị một đà ngang rơi đè lên người.

 

“Có sức mạnh, thứ có thể hồi sinh những thành phố khổng lồ từ đống tro tàn, nhưng không có thế lực nào trên thế giới này có thể mở được đôi mi trên đôi mắt của một đứa trẻ đã chết.”  (Vasily Grossman)

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2Fe954c1df-7a0e-47b2-9220-952ed6d851cd.jpg?fit=scale-down&source=next&width=700

ồng quân ở Ukraine, 1943, Grossman viết khi họ đến đây: “Những cụ già, khi họ nghe thấy những tiếng Nga, chạy đến gặp quân đội và khóc thầm.”  © Alamy

 

Là một nạn nhân, cũng như một nhân chứng của lịch sử, các tác phẩm của Grossman cũng cho chúng ta biết nhiều điều về số phận bi thảm của Ukraine và đặc biệt là cộng đồng Do Thái ở đó. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng (chưa hoàn thành) Everything Flows của ông chứa đựng những ký ức như tranh vẽ về Nạn đói khủng bố đã gây ra ở Ukraine vào đầu những năm 1930. Sự cưỡng bức tập thể hóa nông nghiệp của Stalin và chiến dịch tàn bạo của ông ta đàn áp tầng lớp nông dân giàu có hơn, gọi là kulaks (phú nông), đã gây ra cái chết của gần 4 triệu người Ukraine, và được gọi là Holodomor (kết hợp các từ chỉ holod, đói và mor, hủy diệt) .

 

https://pbs.twimg.com/media/En6g4MJW4AAYCTM?format=jpg&name=large

Đài tưởng niệm các nạn nhân Holodomor ở Kyiv, Ukraine. Người Ukraine sẽ không bao giờ quên & không bao giờ tha thứ cho tội ác Holodomor, cuộc diệt chủng năm 1932-1933 của Stalin giết chết hàng triệu người Ukraine. Twitter.com

 

Là một tiểu thuyết gia, Grossman đã chuyển bộ bách khoa toàn thư về kinh nghiệm này thành Cuộc đời và Số phận, một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ 20, như tiếng vang của cuốn Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy. Chuyển đổi giữa bi kịch hình ảnh ở tiền tuyến và cuộc sống tan nát ở hậu phương bằng ngòi bút như của Tolstoy, ông mô tả bộ mặt của con người trong chiến tranh khi những người dân thường bị giằng xé giữa hai cái ác song sinh là Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Stalin, trại tập trung và Gulag.

 

Còn tệ hơn nữa là sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi quân đội Đức Quốc xã và Liên Xô đã biến Ukraine thành một chiến trường khổng lồ và các đội hành quyết của SS đã lùng soát khắp vùng đất để sát hại dân Do Thái ở Ukraine, kể cả người mẹ 70 tuổi yêu quý của Grossman, một giáo viên dạy tiếng Pháp.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2F807655b2-3b84-4814-a5c1-407b1d48406b.jpg?fit=scale-down&source=next&width=700

Vasily Grossman, cùng mẹ và cô con gái Katya. Mẹ của ông đã bị đội hành quyết SS giết người Do Thái của Ukraine hạ sát © The Estate of Vasily Grossman

 

Grossman không viết về cái chết của mẹ mình trong bất kỳ bản tin nào trên báo của mình. Nhưng vào ngày giỗ thứ chín và thứ 20, ngày bà bị sát hại, ông đã viết hai bức thư khắc cốt ghi tâm cho bà như thể bà còn sống. Trong lá thư thứ hai, chỉ biết được sau cái chết của chính Grossman, ông đã viết rằng ông đã dành Cuộc đời và Số phận để tưởng nhớ đến bà. Ông kết thúc bằng một câu nói đầy thách thức, “Con không sợ bất cứ điều gì vì tình yêu của mẹ ở bên con, và bởi vì tình yêu của con ở bên mẹ mãi mãi.” Trong một chương cảm động nhất của Cuộc đời và Số phận lặp lại sự thư từ tưởng tượng này, nhân vật — như một phần tự truyện — Viktor Shtrum nhận được một lá thư từ biệt của mẹ, ông tuyên bố rằng “không ai có đủ sức mạnh để phá hủy” tình yêu của bà.

 

Người ta ước tính có khoảng 6 triệu-8 triệu người Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, khoảng 1/5 dân số trước chiến tranh, kể cả 600.000 người Do Thái. Grossman là một trong những phóng viên đầu tiên nắm bắt được sự khổng lồ và ác độc của cuộc tàn sát của Đức Quốc xã. Bài báo “Địa ngục ở Treblinka” của ông đã được trích dẫn trong những bằng chứng tại các phiên tòa ở Nuremberg.

 

Grossman có thể đã để lại di sản bền vững nhất của ông, đó là một con người nhân bản kiên định, nói sự thật. Là một nhà văn ở thời Xô Viết, ông bị hạn chế gắt gao về những gì ông có thể viết và đăng trên mặt báo nhưng ông vẫn quyết tâm làm cho sự thật của chính mình được công bố. Trong nghĩa đó, ông nhân cách hóa cuộc đấu tranh không ngừng giữa hai khái niệm chân lý trong văn hóa Nga: giữa khái niệm pravda (chân lý hoà giải tạm thời  của con người) và istina (chân lý vĩnh cửu của Chúa).

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2F8cf3833b-1262-46e6-8a36-12728bf89841.jpg?fit=scale-down&source=next&width=700

Dưới làn đạn pháo, lính đặc công Liên Xô giải giáp một phần tuyến phòng thủ của Đức ở Ukraine, tháng 8 năm 1943 © Bridgeman Images

 

Giống như tất cả các nhà văn khác đã xuất bản cùng thời, Grossman buộc phải tuân theo những mệnh lệnh của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Theo Julia Volokhova, một học giả văn học ở Moscow, nhưng ông không giống như nhiều nhà văn khác, ông cũng tán thành một hình thức của chủ nghĩa hiện thực nhân bản, bà viết :

 

“Di sản của ông đã khơi dậy, và tiếp tục khơi dậy, những tranh cãi nảy lửa giữa độc giả và giới phê bình. Những đánh giá về nhân cách và thành tựu sáng tạo của ông ấy gần như đối lập nhau.”  (Julia Volokhova)

 

Thường được nhìn qua lăng kính chiến tranh lạnh, Grossman bị buộc tội vu khống chế độ Xô Viết hoặc cộng tác với chế độ này. Một số ngưỡng mộ phong cách Tolstoyan của ông, những người khác buộc tội ông là kẻ quá đáng và hay luận về luân lý, đạo đức. Nhưng Volokhova nói Grossman từ chối liên kết mình với bất kỳ phong trào văn học hoặc nhóm chính trị nào và có thể được coi là một “nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực”. Grossman nói, “Đó là lý do tại sao ông ấy là một nhà văn ‘rất khó chịu’.”

 

Điều trớ trêu cay đắng là Grossman đã được rất nhiều người hoan nghênh và bán được hơn 7 triệu cuốn sách trong khi viết trong phòng tuyến tuyên truyền của Liên Xô. Nhưng ông đã chết trong nỗi u sầu sau khi chính quyền Xô Viết cấm kiệt tác Cuộc đời và số phận của ông, nơi ông đã gửi gắm tình cảm thật của mình vào đó. Grossman công nhận trong một bức thư gửi Nikita Khrushchev, người lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ :

 

“Có những trang cay đắng và bi thảm trong cuốn sách của tôi. Có lẽ thật khó mà đọc. Tin tôi đi, viết cũng khó không kém đâu. Nhưng đơn giản là tôi phải viết những trang như thế.” (Vasily Grossman)

 

Trong một cố gắng vô ích để giải phóng cuốn sách “bị bắt giam” của mình, Grossman đã gặp Mikhail Suslov, tư tưởng gia chính của Đảng Cộng sản. Lời tường thuật của Grossman về cuộc gặp gỡ của họ vào năm 1962 tóm tắt cuộc xung đột giữa những cách hiểu khác nhau về sự thật. Suslov nói:

 

“Các nhà văn Liên Xô của chúng tôi chỉ được sản xuất những gì cần thiết và có ích cho xã hội. Tại sao chúng tôi phải thêm cuốn sách của ông vào những quả bom nguyên tử mà kẻ thù của chúng tôi đang chuẩn bị ném xuống để chống lại chúng tôi?” (Mikhail Suslov)

 

Hai năm sau, Grossman qua đời vì ung thư dạ dày ở tuổi 58. Mãi 24 năm sau, Cuộc đời và Số phận mới được xuất bản, trong những ngày hấp hối của Liên Xô.

 

Khi chủ nghĩa Putin ngày càng rung theo nhịp trống của chủ nghĩa Stalin, Grossman một lần nữa không được Điện Kremlin ủng hộ. Robert Chandler, người đã dịch nhiều bài viết của Grossman sang tiếng Anh cho biết: “Có hàng ngàn cách mà Grossman không thích hợp với nước Nga của Putin.”

 

“Trong những trang của cuốn Everything Flows, Grossman nói về ‘tâm hồn Nga slavic’. Nhưng ông đã viết vì nỗi đau và tình yêu dành cho nước Nga. Ông là người yêu nước sâu sắc. Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc xem ông ta như một người phương Tây, một người Do Thái ghét Nga.”  (Robert Chandler)

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2Ff0eec858-da32-4f55-b5f5-d8429fbe41cc.jpg?fit=scale-down&source=next&width=700

Tù binh Đức bị Hồng quân bắt bên ngoài Kharkiv, Ukraine năm 1943 © Gamma-Keystone / Getty

 

Tuy nhiên, những độc giả khác vẫn đang lặng lẽ được Grossman truyền cảm hứng như một người phất cờ cho một nước Nga hòa bình, tự do và hướng ngoại hơn. Chandler nhớ lại cuộc trò chuyện mà ông từng có với Arseny Roginsky, một trong những người sáng lập tổ chức nhân quyền của Nga Memorial (hiện đã bị cấm), tổ chức này đã cố gắng ghi lại chi tiết từng nạn nhân của chủ nghĩa Stalin một cách cẩn thận. Sau khi Chandler giới thiệu mình là người phiên dịch tiếng Anh của Grossman, Roginsky cười rạng rỡ và chỉ nói: “Ông ấy là nhà văn của chúng tôi.”

 

Trong Vasily Grossman và Thế kỷ Xô Viết, người viết tiểu sử Alexandra Popoff đã viết rằng tiểu thuyết gia đã sống trong khoảng thời gian tồi tệ nhất có thể để trở thành một người nhân bản, yêu hòa bình và người quốc tế, khiến các tác phẩm của ông trở nên đáng chú ý hơn. Popoff viết, “quan niệm lòng nhân đạo và lòng trắc ẩn sẽ chiến thắng bạo lực và chuyên chế là trọng tâm của niềm tin của Grossman.”

 

Bản thảo Cuộc đời và Số phận cuối cùng đã được chuyển lậu ra khỏi Liên Xô và được xuất bản ở Nga vào năm 1988 trong kỷ nguyên glasnost. Trong một thời gian, có rất nhiều người quan tâm đến các tác phẩm của Grossman, cũng giống như các tác phẩm của các nhà văn khác thời Stalin được khám phá lại, chẳng hạn như Alexander Solzhenitsyn và Varlam Shalamov.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2F579e5abb-0557-4606-93f9-0606455e3b21.jpg?fit=scale-down&source=next&width=700

Dân chúng thành phố Kharkiv của Ukraine cổ vũ các binh sĩ của quân đội Liên Xô sau khi thành phố được giải phóng © ullstein bild / Getty

 

Đạo diễn kịch người Nga Lev Dodin đã dàn dựng một vở kịch tuyệt vời chuyển thể Cuộc đời và Số phận tại Nhà hát Maly ở St Petersburg, cảnh báo về “sự thất bại của trí nhớ con người”. Dodin nói với FT vào năm 2018 trước khi vở kịch được chuyển đến London, ông cảnh cáo,

 

“Câu chuyện của Grossman không chỉ về chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa bài Do Thái. Đó là về bất kỳ loại chủ nghĩa toàn trị nào.

Sự kinh dị cụ thể khác nhau ở quốc gia này hoặc quốc gia kia, hoặc lục địa này và lục địa kia, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả đều có thể dẫn chúng ta vào một thảm kịch lớn.”  (Lev Dodin)

 

“Không có thời đại nào cố tình gây đau khổ cho người khác  hơn thời đại của chúng ta, nhưng chúng ta không cho phép những gì là nhân tính trong con người bị diệt vong.” (Vasily Grossman)

 

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tiếng nói của Grossman đã phai nhạt khi Stalin dần dần được chế độ Putin phục hồi trở thành một nhân vật lãnh đạo thời chiến vĩ đại. Tháng 7 năm ngoái, Putin đã thông qua một đạo luật coi việc đánh đồng “mục tiêu và quyết định” của các cấp lãnh đạo Liên Xô và Đức Quốc xã trong chiến tranh là bất hợp pháp và phủ nhận “sứ mệnh nhân đạo của Liên Xô trong việc giải phóng các nước châu Âu”. Chandler than thở: “Grossman không được coi trọng hay được đọc nhiều ở chính nước Nga những ngày này.”

 

https://i.insider.com/62267d8fdcce010019a71f61?width=1300&format=jpeg&auto=webp

Hình ảnh chụp tại ga xe lửa Przemysl ở Ba Lan lan truyền khắp nơi được. Francesco Malavolta/AP Photo

 

Tuy nhiên, trong sáu năm làm phóng viên cho FT từ Moscow vào những năm 1990, tôi thường xuyên bắt gặp tiếng vang của chủ nghĩa nhân bản của Grossman. Và ngay cả ngày hôm nay, khi chúng ta chứng kiến một cuộc chiến tàn khốc khác đang tàn phá những người dân Ukraine đang chịu đựng lâu dài, điều đó thật đáng kinh ngạc về sức tồn tại của tinh thần của ông ấy. Một nghệ sĩ vĩ cầm trong tầng hầm của Kyiv được quay phim đang chơi một giai điệu thê lương, sau đó được 93 nhạc sĩ khác trên khắp thế giới cất lên. Các bà mẹ ở thành phố Przemysl của Ba Lan để sẵn xe nôi trên sân ga và chào đón nồng nhiệt hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine đến. Một phụ nữ đơn độc ở thành phố Nizhny Novgorod của Nga bị giam giữ vì giơ một tờ giấy trắng lên để phản đối chiến tranh. Grossman chắc chắn sẽ gật đầu công nhận và đánh giá cao những hành động nhỏ của tình cảm và lòng tốt đồng tình này.

 

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Grossman đã viết rằng ông đã chứng kiến quá nhiều đau khổ đến nỗi ông không biết làm thế nào mà tất cả lại dồn vào trong mình. Grossman viết:

 

“Nhiệm vụ của nhà văn là phải nói lên sự thật khủng khiếp, và nhiệm vụ công dân của người đọc là phải biết được sự thật này. Quay đi, nhắm mắt và bước qua là xúc phạm ký ức của những người đã chết.”  (Vasily Grossman)

 

VIDEO : Violinists Across the World Play for Ukraine

https://www.youtube.com/watch?v=mQSIeD-x6dQ&t=1s

Nhạc sĩ vĩ cầm trên khắp thế giới chơi cho Ukraine. Ngày 8 tháng 3 năm 2022.  ViolinistsSupportUkraine

 

Bất chấp tất cả những khoảng thời gian đen tối trong cuộc đời, Grossman vẫn giữ được sự lạc quan bẩm sinh và niềm tin mãnh liệt vào lòng tốt thiết yếu của con người. Ông viết :

 

“Không có thời đại nào cố tình gây đau khổ cho người khác  hơn thời đại của chúng ta, nhưng chúng ta không cho phép những gì là nhân tính của con người bị diệt vong.” (Vasily Grossman)

 

Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện rằng ngày hôm nay chúng ta có thể xứng đáng với tấm gương của Grossman .

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fd1e00ek4ebabms.cloudfront.net%2Fproduction%2Fuploaded-files%2Ffthead-v1_john-thornhill-f489a7ba-694a-43c5-97f5-0f74fa921cd2.png?source=next-stream-page&width=200&height=200&quality=highest

Tác giả | John Thornhill là biên tập viên đổi mới của FT và là cựu phóng viên Moscow

 

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn:  Soviet writer Vasily Grossman and the ‘ruthless truth’ of war | John Thornhill | Financial Times | March 25, 2022

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats