Thursday, 31 March 2022

SINGAPORE và CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VỚI NGA và UKRAINE (Michael Nguyễn, Singapore)

 



Singapore và chính sách đối ngoại với Nga và Ukraine

Michael Nguyễn

Gửi cho BBC từ Singapore

31 tháng 3 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60941988

 

Hình :

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4C3C/production/_123961591_1111.jpg.webp

 

Những tuyên bố dứt khoát của chính quyền Singapore lên án cuộc xâm lược "không hề bị khiêu khích, không thể biện minh được" của Nga đối với Ukraine, và tiếp sau đó là hành động cũng cương quyết không kém: Cấm vận hàng hóa phục vụ chiến tranh, phong tỏa tài sản của bốn ngân hàng Nga, đã gây sự chú ý khá nhiều của cộng đồng quốc tế.

 

Lãnh đạo Singapore đang dùng mạng xã hội ra sao?

Một phụ nữ Việt Nam ra tòa Singapore vì vụ nhập ngà voi

 

Singapore, một thành viên của phong trào không liên kết (non-aligned movement), vốn được coi là một đất nước trung lập, lần này dường như đã vượt qua vị thế trung lập của mình. Trong khi phần lớn các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án cuộc xâm lược của Nga, song chỉ dừng lại ở mức độ lên án, hành động mạnh mẽ của Singapore xuất phát từ lý do nào, và có mục tiêu gì?

 

Thứ nhất, tôi tin rằng hành động của Singapore xuất phát từ chính lợi ích cốt lõi của Singapore: Bất cứ một nước nào dù nhỏ hay lớn (Singapore có diện tích lãnh thổ xấp xỉ 700km vuông) đều có quyền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết và được cộng đồng quốc tế tôn trọng các quyền đó. Bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền của Ukraina, là một nước nhỏ so với Nga là nước lớn chính là bảo vệ nguyên tắc này, đồng thời cảnh báo và phòng ngừa những nguy cơ thôn tính, xâm lược các nước nhỏ như chính Singapore. Tuy rằng, từ góc độ cá nhân tôi cho rằng các nguy cơ xâm lược bên ngoài đối với Singapore là khá nhỏ. Singapore có Hiệp ước phòng thủ chung với Malaysia, New Zealand, Úc, Liên hiệp Anh đã hơn 50 năm. Thêm vào đó, tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại can thiệp bảo vệ Singapore, nơi họ đặt một "căn cứ quân sự hải quân" phi chính thức.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/11155/production/_123237996_gettyimages-1238062787.jpg.webp

Người dân mua sắm tại Quận Kreta Ayer ở Singapore vào tháng 2/2022

 

Thứ hai, tôi tin rằng Singapore ủng hộ nguyên tắc trật tự thế giới phải tuân theo luật pháp quốc tế, chứ không phải tuân theo cường quyền nước lớn - might makes right. Mặc dù Singapore là nước có dân số và lãnh thổ nhỏ, tôi cho rằng có đủ công nghệ và khả năng răn đe quốc phòng để, như lời cố thủ tướng Lý Quang Diệu, biến mình thành một con tôm độc trong trật tự thế giới cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt con tôm nhỏ nhưng sẽ dè chừng trước con tôm độc khó xơi là Singapore.

 

Tuy nhiên một trật tự thế giới ổn định, hành xử theo luật pháp quốc tế rõ ràng có lợi cho khu vực, đảm bảo tiếp nối sự thinh vượng của Singapore với vai trò là cầu nối, là điểm trung chuyển của cả thế giới.

 

Thứ ba, Singapore là một quốc gia non trẻ mới hình thành sau thế chiến 3, sau một quá trình tương đối phức tạp: Độc lập khỏi Anh (1963); gia nhập liên bang Malaysia (1963) rồi lại tách ra tuyên bố độc lập (1965) khỏi Liên bang Malaysia sau những xung đột chính trị giữa đảng cầm quyền Singapore với chính quyền Liên bang. Chính vì từ những luận điệu tuyên truyền chiến tranh của Putin đối với Ukraine, Singapore nhận thấy có sự đồng cảm với Ukraine. Thủ tướng Lý Hiển Long, trong cuộc họp báo cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Biden hôm vừa qua, đã tuyên bố: "Chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ quốc gia nào đưa lý lẽ rằng nền độc lập của một quốc gia khác là do những sai lầm của lịch sử và những quyết định điên rồ".

 

Do vậy, tôi cho rằng chính sách đối ngoại của Singapore trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là nhất quán, xuyên suốt có tính nguyên tắc, chứ không phải do bị "xúi bẩy" hoặc ai đó gây sức ép.





No comments:

Post a Comment

View My Stats