Ukraine:
Công dân Việt Nam ở vùng chiến sự nói về các chuyến bay giải cứu
RFA
02/03/2022
Người tị nạn từ Ukraine ở biên giới Ba Lan. AFP
Truyền
thông Việt Nam hôm 2/3 loan tin các hãng hàng không đã lên kế hoạch và sẵn sàng
thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ Ukraine về nước từ
6/3/2022. Người dân Việt Nam ở tại vùng
chiến sự Ukraine nghĩ gì khi nhận được thông tin này?
Không trông mong gì!
“Hiện tại
chỗ bọn tôi bom giật bom rung trên đầu, bom để ngay sát chân, chương
trình bảo hộ của Việt Nam mình tôi nói thật là quá kém, chậm hơn so với
các nước…”
Một người
Việt ở Ukraine (yêu cầu không nêu danh tính) đã chia sẻ cảm nghĩ của mình về
thông tin Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay
giải cứu công dân Việt Nam ở Ukraine về nước, hồi cuối tháng hai.
Người đàn
ông giấu tên trên cho biết thêm hiện chiến sự ở Ukraine mỗi ngày một leo thang.
Thành phố Kharkov, nơi ông sinh sống mấy chục năm qua, đã không còn an toàn. Cả
gia đình ông đã phải “lánh nạn” dưới hầm trú ẩn và chỉ dám rời khỏi hầm trong
chốc lát để cập nhật tin tức chiến sự, khi tiếng bom tạm lắng xuống.
Ông nói,
chính ông Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, đã từng trấn an người dân là sẽ không có
chiến tranh và Sứ quán đang theo dõi chặt chẽ thời cuộc để thực hiện bảo hộ
công dân. Do đó, không ai chuẩn bị di tản vì nghĩ rằng Nga sẽ không tấn công
Ukraine nặng nề như bây giờ. Tuy vậy, ông này cũng cho biết, rất may cả gia
đình ông có trữ thực phẩm để dùng cho mùa đông, nên hiện không bị đói.
Về thông
tin các chuyến bay giải cứu của Việt Nam ông nói chưa thấy động tĩnh gì:
“Đó là
lên kế hoạch trên giấy tờ và báo chí thôi, chứ trên thực tế người dân hiện
tại chưa nhận được một cái gì cả. Bọn tôi chỉ mới nhận được một cái thông
báo là để xem Đại sứ quán có xin mở được đường xanh hay không
thôi, chứ còn thực chất để cam kết với bọn tôi là có xe chở để đưa người
đi là không có. Hiện tại Đại Sứ quán chưa có quyết định và cam kết sẽ đưa
bọn tôi đi khỏi Ukraine này.”
Người đàn
ông này cũng cho biết nếu thật sự có các chuyến bay giải cứu công dân, chưa chắc
gia đình ông có được “suất” vì cũng giống như các chuyến bay giải cứu dịch
COVID hồi năm ngoái:
“Nếu mà
được thì sẽ rất nhiều bà con mình qua (Ba Lan - PV). Bởi vì người
ta không còn đường nào nữa rồi.
Quan trọng
là bây giờ thực chất là có đến lượt của bọn tôi hay không, chứ như đợt dịch COVID
vừa rồi, ở Kharkov này hầu như là người dân không có đường đi, hoặc phải bỏ ra
rất nhiều tiền. Bình thường vé chỉ có một ngàn đô, nhưng bọn tôi phải bỏ
ra đến sáu ngàn đô thì mới được lên chuyến bay đó.
Thời điểm
này bọn tôi cũng chẳng hy vọng gì cả!”
Với lý lẽ
đó, ông chia sẻ hiện gia đình ông đang tìm đường lán nạn ở Ba Lan, tuy nhiên:
“Tôi
tính xem người Việt Nam mình đi trước xem tình hình bên đó như thế nào, trên đường
đi có xảy ra cướp bóc gì không. Bên này trường hợp cướp bóc là rất nhiều,
tôi phải nghe ngóng trước.
Còn nếu
mà nó xảy ra cướp bóc trên đường thì bọn tôi phải chấp nhận là trú ẩn nơi đây
thôi. Bạn của tôi có bốn xe đi thì hiện tại có hai xe vẫn giữ được liên lạc,
còn hai xe không giữ được liên lạc, không gọi được nữa, bọn tôi đang rất lo lắng.”
Lối
vào một toà nhà bị quân Nga pháo kích ở Quảng trường Constitution tại Kharkiv,
thành phố lớn thứ 2 của Ukraine hôm 2/3/2022. AFP
Hành trình nguy hiểm
Đã bước
qua ngày thứ bảy Nga mở cuộc xâm lăng vào Ukraina, hiện lực lượng không vận của
Nga đã đổ xuống Kharkov thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nơi có khá đông người
Việt đang sinh sống.
Theo Bộ
giao thông vận tải, do các sân bay ở Ukraine đã đóng cửa nên các hãng hàng
không đã lên kế hoạch đón công dân Việt Nam ở các nước lân cận như Ba Lan,
Slovakia, Hungary, Belarus…
Trong tình
hình hiện nay, rất nhiều người Việt ở Ukraine bình luận rằng để di chuyển được
sang các nước láng giềng là một hành trình vô cùng nguy hiểm.
Ông Nguyễn Khiêm, đang bị kẹt tại Ukraine cho biết ông
đã đăng ký về Việt Nam nhưng hiện không biết làm cách nào để đến được địa điểm
đón người của các chuyến bay giải cứu:
“Chúng
tôi có đăng ký rồi nhưng địa điểm như thế nào và chúng tôi cũng chưa biết là sẽ
đi theo phương thức nào.
Thực sự
để mà đi lại thì chúng tôi cũng chưa biết ra ngoài mức độ nguy hiểm nó sẽ thế
nào. Chúng tôi cũng đang phải xem nếu ví dụ nếu sang bên Ba Lan thì
cách chúng tôi là 1.200 cây số .
Có cái
là chúng tôi ở bên đây cũng chỉ biết là nghe thông tin anh chị em, những
người nào đi trước biết đường đi thì chúng tôi nghe ngóng tình hình thôi.”
Ông Khiêm cho hay thường xuyên theo dõi thông
tin từ các hội nhóm người Việt cũng như từ Sứ quán Việt Nam nhưng với tình hình
này thì phải “tự thân vận động”:
“Ở đây
thì chúng tôi được hướng dẫn của các tổ chức hội đoàn với Đại Sứ quán thôi.
Tình hình chiến sự thì cũng không thể ai ngờ được, bản thân tôi ở đây cũng
không bao giờ nghĩ được là Nga sẽ đánh Ukraine.
Bản
thân chúng tôi cũng không chuẩn bị được một cái gì. Hội đoàn và thông báo của
Nhà nước thì chúng tôi cũng chỉ biết nghe là vậy thôi, chứ cũng phải “tự
thân vận động” thôi.
Bây giờ
ngoài kia bom rơi đạn lạc, trên đường đi như thế nào, nếu mà có đi thì chúng
tôi cũng không dám đi xe riêng, sợ sẽ xảy ra nạn cướp bóc.
Thực sự
cũng chưa nghe ai nói gì về tiền máy bay này, nhưng mà chúng tôi ở đây tất cả mọi
người cũng sợ là tiền vé máy bay cũng giống như tiền giải cứu COVID, người
ta cũng rất sợ nếu như thế thì chúng tôi sẽ không có đủ tiền để về.”
Được biết,
trong ngày 2/3 Cục Hàng không thông báo, hãng hàng không Vietjet đã gửi công
văn đến Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tham gia tổ chức chuyến
bay miễn phí đưa công dân VN tại Ukraine về nước từ thành phố Warsaw (Ba Lan) sớm
nhất dự kiến vào ngày 6/3.
Trước đó một
ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo về
tình hình chiến sự tại Ukraine rằng đến trưa 1.3.2022, đã có khoảng 200 người
Việt Nam được Đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ sơ
tán ra khỏi vùng chiến sự.
RFA đã nhiều
lần gọi đến đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine
theo số (+380 (63) 8638999), được đăng công khai trên các phương tiện truyền
thông, để xác nhận thông tin trên, nhưng không có ai nghe máy.
*
Tin,
bài liên quan
·
Cuộc
chiến ở Ukraine và bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam trước Bắc Kinh?
·
Khủng
hoảng Ukraine ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của Việt Nam ở mức nào?
·
Cuộc
xâm lược tại Ukraine có làm Trung Quốc mạnh bạo hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình
Dương?
·
Liệu
Trung Quốc có lợi dụng tình hình Ukraine để gây chiến trong khu vực?
·
Quan
điểm trái chiều của người dân Việt Nam trước tình hình chiến sự ở Ukraine
No comments:
Post a Comment