Friday 11 March 2022

TRUNG QUỐC - UKRAINE, MỘT THỜI TRĂNG MẬT (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Trung Quốc-Ukraine, một thời trăng mật

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

10 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/trung-quoc-ukraine-mot-thoi-trang-mat/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1233349101-1024x683.jpg

Một diễn đàn trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Ukraine được tổ chức tại Đại học Kyiv vào Tháng Sáu 2021 (ảnh: Yuliia Ovsiannikova / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

 

Ukraine từng giúp Trung Quốc xây dựng quân đội hiện đại, nhưng khi Nga mở cuộc tấn công xâm lược, Bắc Kinh đã chọn đứng về phía Nga. Khi Ukraine yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ vận động Nga ngừng bắn, họ đã nhận được sự phản hồi dửng dưng.

 

Trong nhiều năm, Ukraine đã cung cấp cho Bắc Kinh những công nghệ quân sự quan trọng mà nước này không thể lấy được ở Nga, trong đó có cả phần thô của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, cũng là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc; công nghệ radar chống tên lửa của hải quân và các động cơ phản lực tiên tiến. Sarah Kirchberger, phụ trách Trung tâm Chiến lược và An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Kiel của Đức, nói: “Trung Quốc sẽ không thể có tàu sân bay sớm như ngày nay, nếu không con tàu đầu tiên của Ukraine”. Lịch sử về mối quan hệ một thời tốt đẹp này giúp giải thích tại sao Bắc Kinh có thể cảm thấy khó xử về cuộc đối đầu Nga-Ukraine. M. Taylor Fravel, Giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận định: “Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc. Nhưng Ukraine đã bán cho Trung Quốc động cơ phản lực, động cơ tàu chiến và hoả tiễn không đối đất…”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-103781009-1024x683.jpg

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trong chuyến kinh lý Bắc Kinh gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào; ngày 2 Tháng Chín 2010 (ảnh: Feng Li/Pool/Getty Images)

 

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Trung Quốc và Ukraine bắt đầu móc nối nhau. Không thể mua vũ khí của Mỹ và EU để mày mò bắt chước (vì bị cấm vận sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989), Bắc Kinh phát hiện ra Ukraine là một nước thuộc Liên Xô cũ sẵn sàng bán cho họ những công nghệ quân sự tiên tiến mà Nga chưa muốn bán vì sợ bị sao chép. Còn Ukraine xem Trung Quốc là thị trường rộng lớn cho các công ty công nghiệp quốc phòng và là đối trọng khu vực với Nga.

 

Khi Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa Hè năm 2008, truyền thông Trung Quốc trích dẫn tin trên tờ Kyiv Post kể chuyện một viện nghiên cứu Ukraine đã cung cấp thiết bị chống tên lửa để bảo vệ Thế vận hội. Hệ thống radar giống Aegis của phương Tây này vẫn đang được sử dụng trên các tàu chiến Trung Quốc. Hệ thống radar ‘phased-array’ rất quan trọng đối với hải quân hiện đại. Nó có thể bảo đảm an toàn không phận xung quanh con  tàu neo đậu.

 

Quan hệ đối tác chiến lược Bắc Kinh-Kyiv bắt đầu nguội lạnh từ năm 2014, vì Ukraine ưu tiên cho việc gia nhập NATO sau khi Nga chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea. Dù vậy, khi Ukraine tìm cách nâng cấp quan hệ với Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc vẫn cố mua vũ khí của nước này. “Năm 2017 công ty Beijing Skyrizon Aviation Industry Investment chuẩn bị mua công ty hàng không vũ trụ Ukraine Motor Sich, một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay quân sự tiên tiến nhất thế giới nhưng Mỹ đã ngăn chặn. Về các công nghệ rất nhạy cảm và tiên tiến, Ukraine không dám chuyển giao nó cho Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ với NATO. Sau đó, Beijing Skyrizon gửi đơn lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay, yêu cầu Ukraine bồi thường $4.5 tỷ.

 

Trong khi Ukraine hướng về phía Tây, Nga và Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn, và Moscow cũng dễ dãi hơn trong việc bán thiết bị quân sự tiên tiến cho Bắc Kinh, dù vẫn lo bị sao chép. Qui mô đầy đủ sự hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine rất khó xác định vì nó diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín trong một thời gian dài. Ngay cả truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ đưa thông tin ít ỏi về quan hệ quốc phòng giữa hai bên. Có vẻ như cả hai đều cố giấu kín sự hợp tác và thương mại quân sự, dù trên thực tế, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của công nghiệp quân sự Ukraine. Một số thỏa thuận quân sự quan trọng nhất giữa hai nước được ký kết trong bối cảnh kín kẽ như thế.

 

Một cuộc phỏng vấn của tờ South China Morning Post năm 2015 với Xu Zengping, một doanh nhân có trụ sở tại Hong Kong cho thấy Xu, cựu tuyển thủ bóng rổ quân đội Trung Quốc, đã đến Ukraine năm 1998 đàm phán mua chiếc hàng không mẫu hạm chưa hoàn thiện Varyag để biến nó thành khách sạn nổi và sòng bạc lớn nhất thế giới. Cuối cùng, khi con tàu được kéo về Trung Quốc nhiều năm sau đó, mục đính chính lộ diện. Xu giao con tàu cho quân đội Trung Quốc vào năm 2012, và nó được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc với tên Liêu Ninh.

 

Công tố viên Ukraine cho biết vào năm 2005, Trung Quốc cũng mua lậu từ các con buôn vũ khí Ukraine nửa tá tên lửa hành trình không đối đất có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Một số quan chức trung thành với cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma đứng đằng sau vụ mua bán vũ khí trái phép này. Dù Ukraine đã hạn chế bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc nhưng quốc gia này vẫn tham gia chương trình phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh và vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Mùa Hè năm ngoái, Ukraine gây bất ngờ khi rút khỏi tuyên bố của Liên Hợp Quốc lên án các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương. Lý do, theo hãng tin AP, Trung Quốc dọa sẽ ngưng cung cấp vaccine coronavirus nếu Kyiv không làm thế. “Ukraine đã cố đi theo mô hình của Đức, vừa tiếp tục là đối tác kinh tế của Trung Quốc và Nga vừa vạch ra “làn ranh đỏ” an ninh. Với Kyiv, Mỹ và phương Tây là những người bạn chính nhưng điều đó không ngăn cản họ giao thương với Trung Quốc, vì phải phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1237828230-1024x683.jpg

Mới hồi đầu năm 2022, Trung Quốc và Ukraine kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ảnh: Pavlo Bahmut/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

 

_________

 

Quan hệ thương mại Trung Quốc với Ukraine không phải không đáng kể, đạt $19 tỉ năm 2021 (so với $7.69 tỉ năm 2017). Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine vào năm 2019. Các nhà phân tích ước tính thương mại hai chiều đạt trung bình từ $10 tỷ đến $20 tỷ mỗi năm. Yan Liang, giáo sư và chủ nhiệm khoa kinh tế tại Đại học Willamette ở tiểu bang Oregon, nói rằng các khoản đầu tư Trung Quốc vào Ukraine tổng cộng khoảng $150 triệu/năm; trong đó có các chương trình đầu tư liên quan một nhà máy điện gió, các dự án nông nghiệp và hạ tầng giao thông.

 

Ukraine cũng xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như ngô, lúa mạch và dầu hướng dương. Khoảng một phần ba lượng ngô của Trung Quốc đến từ Ukraine. Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết Trung Quốc cũng đặt mua các bộ phận của lò phản ứng hạt nhân từ Ukraine.

 

Theo nhiều nhận định, nếu câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có ngừng bán hàng cho Trung Quốc vì Bắc Kinh không sẵn sàng trừng phạt Nga hay không, câu trả lời có thể là không vì Trung Quốc luôn là khách hàng lớn đối với Ukraine. Tương tự với Bắc Kinh. Sau khi chiến tranh kết thúc, Trung Quốc vẫn coi Ukraine là một “địa điểm chiến lược” cho các lợi ích kinh tế của họ bất kể ai điều hành chính phủ ở Kyiv.





No comments:

Post a Comment

View My Stats