Friday, 11 March 2022

CUỘC KHỦNG HOẢNG UKRAINE CỦA TRUNG QUỐC (Jude Blanchette và Bonny Lin  -  Foreign Affairs)

 



Cuộc khủng hoảng Ukraine của Trung Quốc

Jude Blanchette và Bonny Lin  -  Foreign Affairs  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

11/03/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/11/cuoc-khung-hoang-ukraine-cua-trung-quoc/

 

Tập được gì — và mất gì — từ việc hậu thuẫn cho Putin?

 

Khủng hoảng Ukraine chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, nhưng bên cạnh đó, còn có một người chơi khác đang lúng túng bên lề: Trung Quốc. Bắc Kinh đã cố gắng duy trì thế cân bằng trong vấn đề Ukraine. Một mặt, họ đứng về phía Nga, đổ lỗi rằng chính sự bành trướng của NATO đã gây ra khủng hoảng, và cáo buộc rằng những dự đoán của Mỹ về một cuộc xâm lược chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Mặt khác, đặc biệt là khi nguy cơ xung đột quân sự ngày càng gia tăng, nước này đã kêu gọi sử dụng con đường ngoại giao thay cho chiến tranh.

 

Nếu Bắc Kinh biết chơi đúng cách, họ sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, bảo vệ quan hệ thương mại với Ukraine, giữ EU trong quỹ đạo kinh tế của mình, và tránh được hệ quả từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU lên Moscow – cùng lúc đó ngăn cản quan hệ với Mỹ xấu đi đáng kể. Tuy nhiên, việc đạt được bất kỳ một trong những mục tiêu này là khả thi, còn đạt được tất cả lại là điều bất khả.

 

Nếu Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh có thể trở thành cứu cánh cho Moscow: cứu trợ kinh tế để xoa dịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng làm như vậy sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu, kích động những hậu quả nghiêm trọng từ phía Washington, và khiến các quốc gia không liên kết truyền thống như Ấn Độ ngày càng sa vào vòng tay của phương Tây. Ngược lại, nếu Bắc Kinh từ chối Moscow, thì nước này có thể làm suy yếu quan hệ đối tác chiến lược thân thiết nhất vào thời điểm mà tình hình an ninh đang xấu đi ở châu Á, và bản thân họ đang rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang phơi bày những giới hạn trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các khát vọng toàn cầu của Bắc Kinh hiện đang mâu thuẫn với mong muốn duy trì sự mơ hồ có chọn lọc trong một số chính sách của mình. Dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không nhận ra điều đó, nhưng sự liên kết chặt chẽ hơn của họ với Nga không hẳn là nước đi thận trọng. Lợi ích của động thái này chỉ là giả định và về dài hạn: một ngày nào đó, Nga có thể đáp lại bằng cách ủng hộ nguyện vọng lãnh thổ của Trung Quốc, hoặc hợp tác để sửa đổi cấu trúc quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, cái giá đối với chiến lược toàn cầu nói chung của Trung Quốc là thực tế và tức thời.

 

Trục Bắc Kinh-Moscow chặt chẽ hơn sẽ khuyến khích các đối thủ của Trung Quốc cân bằng chống lại nó, giúp họ có thêm lý do để thiết lập các quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn nhằm tự vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc. Ở các thủ đô của châu Âu, nơi mà sức hấp dẫn từ thị trường Trung Quốc khổng lồ trước đó đã làm thui chột những nỗ lực chống lại nước này, Bắc Kinh đang phải đối mặt với sóng gió chính trị mạnh mẽ. Ở Mỹ, cảm xúc dành cho Trung Quốc thậm chí còn u ám hơn. Nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine, nhiều chính trị gia Mỹ sẽ cáo buộc Bắc Kinh đã để tay mình dính máu. Ở Ukraine, Trung Quốc đang chơi một trò chơi nguy hiểm, có thể khiến họ phải hối hận.

 

Một cuộc khủng hoảng không mong muốn

 

Bắc Kinh chắc chắn muốn khủng hoảng lần này không tồn tại. Trước tiên, Ukraine là một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, với hơn 15 tỷ USD trao đổi thương mại song phương vào năm 2020. Quốc gia này cũng là cửa ngõ quan trọng vào châu Âu, và là đối tác chính thức của Sáng kiến Vành đai và Con đường, nỗ lực địa chính trị hàng đầu của Tập. Tháng trước, Tập đã gửi lời chào tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lưu ý rằng “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, quan hệ Trung Quốc-Ukraine luôn duy trì đà phát triển ổn định và chắc chắn.” Khi nói chuyện riêng, nhiều chuyên gia Trung Quốc đã than thở rằng Bắc Kinh, vì ngại làm phật lòng Moscow, đã không làm nhiều hơn để hỗ trợ một đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

 

Bắc Kinh cũng không muốn công khai ủng hộ việc chiếm đất của Nga, vì lo ngại sâu sắc rằng những nước khác có thể sử dụng logic tương tự để làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc cũng không phải luôn phản đối chủ nghĩa xét lại về lãnh thổ, mà ví dụ nhãn tiền là các hành động của họ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, lối cư xử của họ ở biên giới Ấn Độ, và sự thèm muốn của họ đối với Đài Loan. Tuy nhiên, điều mà nước này phản đối là chủ nghĩa xét lại do các cường quốc khác thực hiện, bao gồm cả Nga. Cho đến hôm nay, nước này vẫn chưa công nhận việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn nhận thức được rằng bất kỳ sự ủng hộ nào đối với Nga tại Ukraine cũng sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ với EU và Mỹ. Các chiến lược gia Trung Quốc coi Nga, Mỹ, và châu Âu là những nhân tố quan trọng nhất đối với cân bằng quyền lực toàn cầu. Từ lâu, họ đã xem ước mơ của châu Âu về một thế giới đa cực là phù hợp với giấc mơ của chính họ. Bằng cách làm trầm trọng hơn chia rẽ giữa Nga và châu Âu, một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine do đó sẽ có nguy cơ phân chia các cường quốc mạnh nhất thành hai khối – một bên là Nga và Trung Quốc, bên kia là Mỹ và châu Âu – tái tạo các thỏa thuận an ninh thời Chiến tranh Lạnh vốn bị Trung Quốc công khai phản đối kịch liệt. Tệ hơn, Trung Quốc lại còn liên kết với quốc gia yếu nhất trong ba cường quốc còn lại.

 

Do đó, rất khó xảy ra việc Tập bật đèn xanh cho Tổng thống Nga Putin xâm lược, như một số tuyên bố. Thông qua thông điệp ngoại giao cực kỳ cẩn trọng, Bắc Kinh đã công khai ủng hộ lập trường của Moscow chống lại sự bành trướng của NATO, nhưng vẫn nhấn mạnh hy vọng có thể tìm được một giải pháp ngoại giao. Như Tập đã nói trong cuộc điện đàm ngày 16/02 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, “Tất cả các bên liên quan nên tuân thủ hướng dàn xếp chính trị chung, tận dụng tối đa các nền tảng đa phương, … và tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn.” Ba ngày sau, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lặp lại thông điệp đó, gọi Thỏa thuận Minsk, hai hiệp ước ký năm 2014 và 2015, là “lối thoát duy nhất cho vấn đề Ukraine”. Ông nhắc lại sự ủng hộ đối với “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào” và lưu ý rằng “Ukraine không phải là ngoại lệ.”

 

Đi cả hai con đường

 

Đây là lúc mà lập trường của Bắc Kinh bắt đầu trở nên thiếu mạch lạc. Họ đang kêu gọi xuống thang căng thẳng, nhưng cùng lúc lại dung túng cho sự hiếu chiến của Moscow, bằng cách công khai ủng hộ các yêu cầu của Nga, và nỗ lực giảm bớt những hậu quả từ chính sách răn đe của phương Tây. Việc Bắc Kinh mua thêm năng lượng của Nga và tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ (thay vì đô la Mỹ) trong các giao dịch song phương có thể cách ly Nga khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rằng những cảnh báo của Mỹ về một cuộc xâm lược có thể xảy ra do Nga là “thông tin sai lệch” đã làm suy yếu chính lời kêu gọi đối thoại của Bắc Kinh, vì những cảnh báo của Mỹ trên thực tế là một lời kêu gọi tiến hành ngoại giao khẩn cấp.

 

Dù cố ý hay không, Bắc Kinh đã tự gán mình vào chủ nghĩa xét lại của Moscow. Trong một tuyên bố chung đáng chú ý với Putin, được đưa ra vào ngày 04/02, Tập không chỉ khẳng định một thế giới quan ý thức hệ chung giữa hai cường quốc độc tài, mà còn liên hệ sự mở rộng của NATO với nhu cầu của Nga và Trung Quốc nhằm “chống lại những nỗ lực của các thế lực bên ngoài, nhằm phá hoại an ninh và ổn định ở miền ngoại vi chung” của hai nước này. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố “phản đối việc NATO mở rộng hơn nữa, và kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ bỏ các phương pháp tiếp cận Chiến tranh Lạnh bị ý thức hệ hóa của mình.” Họ tiếp tục: “Hai bên chống lại việc hình thành các cấu trúc khối khép kín và các phe đối lập ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, và luôn cảnh giác cao độ về tác động tiêu cực của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.”

 

Việc xóa mờ những lo ngại của Nga về NATO, cùng những lo ngại của Trung Quốc về hoạt động của Mỹ ở châu Á, có thể mang lại cho Tập tình đồng chí nhất thời với Putin, nhưng ông sẽ phải trả giá bằng mối quan hệ với phương Tây, với những phản ứng mà người ta có thể dự đoán. Như Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, nói với báo chí vào ngày 15/02, “Về cơ bản, những gì chúng ta thấy là hai cường quốc độc tài, Nga và Trung Quốc, đang hoạt động cùng nhau.” Dù Bắc Kinh công khai than phiền về tâm lý Chiến tranh Lạnh, mà họ cho là động cơ thúc đẩy chính sách của phương Tây, mối quan hệ ngày càng ấm áp của họ với Moscow không thể không nhắc nhở các nhà quan sát về quan hệ Trung-Xô đầu những năm 1950.

 

Không chỉ mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. Thật vậy, sự ủng hộ của nước này cho ván cờ của Putin đang làm dấy lên nỗi sợ hãi ở sân sau của chính họ. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố: “Phải xem xét khả năng, nếu chúng ta dung túng cho việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, thì điều đó cũng sẽ có tác động đến châu Á” – một cách nói bóng gió, gợi ý rằng Bắc Kinh có thể sẽ được khuyến khích bởi tính phiêu lưu của Putin. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Peter Dutton, đã cảnh báo rằng một cuộc xâm lược của Nga sẽ khuyến khích Trung Quốc đi bước nữa trong cưỡng chế Đài Loan. Hiện tại, Ấn Độ đã cố gắng giữ thái độ trung lập, khi T. S. Tirumurti, đại sứ của nước này tại Liên Hợp Quốc, kêu gọi “ngoại giao trong yên lặng và mang tính xây dựng.” Nhưng với sự đối kháng ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, một cuộc xâm lược Ukraine do Trung Quốc hậu thuẫn chắc chắn sẽ đẩy New Delhi ra xa Moscow, về phía Australia, Nhật Bản và Mỹ.

 

Quan điểm từ Bắc Kinh

 

Với những cái giá phải trả này, tại sao Trung Quốc lại chọn về phe Nga? Chắc chắn nước này nhận thức được rằng động thái của họ sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với phương Tây và với các nước xung quanh khu vực ngoại vi của mình.

 

Có thể Tập thực sự tin rằng Putin sẽ không xâm lược Ukraine, điều đó có nghĩa là việc ủng hộ ông ta bằng lời nói sẽ không gây hại gì. Có lẽ Putin đã cho Tập những lời đảm bảo riêng, rằng hành động của ông chỉ nhằm đưa Mỹ và NATO vào bàn thương lượng. Tập cũng có thể đã không cập nhật quan điểm của mình dựa trên những gì đang diễn ra trên thực địa ở Ukraine. Sự ủng hộ của ông đối với việc Moscow phản đối NATO bành trướng chỉ bắt đầu từ tháng 12/2021, theo lời kể từ phía Nga về hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo. Vào lúc đó, một cuộc xâm lược của Nga dường như không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong quãng thời gian sau đó, bức tranh đã dần thay đổi – và Trung Quốc có thể cảm thấy mình đang bị khóa vào một lập trường mà họ không còn muốn lựa chọn nữa.

 

Cũng có thể Tập tin rằng, nếu một cuộc xâm lược trở thành hiện thực, nó sẽ gây tổn hại cho Nga, châu Âu và Mỹ, hơn là gây tổn hại cho Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc còn kiềm chế không cung cấp bất kỳ viện trợ quân sự trực tiếp nào cho Nga, thì nước này nhiều nhất chỉ phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp, vì đã hỗ trợ kinh tế và chính trị. Lo ngại về Ukraine và Nga, Mỹ và châu Âu sẽ chuyển hướng khỏi châu Á, giúp Trung Quốc tự do hơn trong khu vực lân cận của mình. Nói tóm lại, dù một cuộc xung đột ở Ukraine là có hại cho tất cả mọi người, nhưng Trung Quốc có thể ít ảnh hưởng bằng phần còn lại.

 

Đây là một lối suy nghĩ quá đơn giản và nguy hiểm. Hậu quả của chiến tranh ở Ukraine là quá khó đoán để biện minh cho việc đặt cược vào xung đột. Hơn nữa, gần như không có lý do để tin rằng Washington sẽ bị vùi dập bởi một cuộc chiến ở Ukraine. Dù các chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan và Iraq có thể đã mở ra cơ hội chiến lược cho Trung Quốc hơn một thập niên trước, nhưng người Trung Quốc nên nhận ra rằng cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Ukraine được thiết kế chính xác là để tránh sa lầy vào một cuộc xung đột.

 

Động lực thực sự sau hành động của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine có thể liên quan đến một điều gì đó lâu dài hơn: sự hấp dẫn từ quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga. Tập xem quan hệ này là phản ứng tốt nhất trong một môi trường an ninh ảm đạm, đặc trưng chủ yếu là quan hệ xấu đi với Mỹ. Bất chấp các lập luận của Bắc Kinh về sự suy tàn của phương Tây, Trung Quốc vẫn coi Mỹ và các đồng minh của họ đủ mạnh, khiến xích mích với nhóm này sẽ định hình thập niên tới. Họ cho rằng châu Âu đang ngày càng nghiêng về quan điểm của Mỹ, và cảm thấy căng thẳng ngày càng tăng với các quốc gia lân cận, bao gồm Australia và Ấn Độ.

 

Mặt khác, quan hệ với Moscow đã được cải thiện đều đặn trong hơn 30 năm, với sự thống nhất chặt chẽ hơn trong nhiều vấn đề, bao gồm ý thức hệ, an ninh, không gian mạng, và quản trị toàn cầu. Căng thẳng vẫn tồn tại, đặc biệt là về khoảng cách quyền lực ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia. Nhưng hai bên đã quản lý sự khác biệt của họ rất tốt. Mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa Tập và Putin, sự thù địch chung đối với Mỹ, và sự gần gũi (dù không đồng nhất) trong tầm nhìn về trật tự thế giới nhiều khả năng là đủ để củng cố mối quan hệ trong ít nhất một thập niên tới.

 

Khi không có cường quốc hàng đầu nào khác ngoài Nga sẵn sàng hợp tác, Tập có thể đã đặt cược có tính toán, rằng mối quan hệ bền chặt với Moscow có thể trở thành ‘tài sản ròng’ cho Bắc Kinh. Khi Trung Quốc gia tăng các yêu sách lãnh thổ dọc vùng ngoại vi của mình, họ tìm đến Nga để chống lại các biện pháp kiềm chế. Nga cũng có thể trở thành cứu cánh cần thiết, nếu có những nỗ lực quốc tế nhằm làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa quan trọng đến Trung Quốc. Nga cũng sẽ ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về hòn đảo này, Bắc Kinh có thể trông đợi sự giúp đỡ về kinh tế và ngoại giao của Nga.

 

Sự liên kết ngày càng tăng của Tập với Moscow đang tạo ra tình thế khó khăn cho Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh với phương Tây về trật tự toàn cầu, Nga trở thành một đối tác an ninh hấp dẫn. Nhưng bằng cách nâng cao mối quan hệ với Nga – và chọn làm vậy ngay giữa cuộc khủng hoảng do Putin gây ra – Bắc Kinh đang mời gọi sự đáp trả mà mình không đủ khả năng chống đỡ.

 

--------

Jude Blanchette là trưởng bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Bonny Lin là Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc và Nghiên cứu viên cao cấp về An ninh Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

 

Nguồn:

 

Jude Blanchette và Bonny Lin, China’s Ukraine Crisis, Foreign Affairs, 21/02/2022.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats