Friday 25 March 2022

THƯỢNG ĐỈNH NATO : PHƯƠNG TÂY GIÚP UKRAINA NHƯNG TRÁNH TRỰC TIẾP ĐỐI ĐẦU VỚI NGA (Thanh Hà - RFI)

 



Thượng đỉnh NATO : Phương Tây giúp Ukraina nhưng tránh trực tiếp đối đầu với Nga

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 25/03/2022 - 14:04

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220325-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-na....BA%A7u-v%E1%BB%9Bi-nga

 

Tăng cường khả năng phòng thủ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đẩy mạnh viện trợ nhân đạo và giúp Ukraina chống chỏi với Nga, nhưng khối này tránh đương đầu trực diện với Matxcơva. Đó là kết quả cuộc họp thượng đỉnh bất thường của NATO hôm 24/03/2022. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/3083030e-ac28-11ec-a5ee-005056a97e36/w:1024/p:16x9/2022-03-24T225645Z_2059757342_RC229T9932MJ_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-NATO%20%281%29.webp

Khối NATO tổ chức thượng đỉnh về chiến dịch xâm lược Ukraina của Nga tại Bruxelles (Bỉ) ngày 24/03/2022. REUTERS - HENRY NICHOLLS

 

Kết thúc cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ, tổng thống Biden tuyên bố trong trường hợp Nga dùng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Ukraina, NATO sẽ « đáp trả ». Lãnh đạo Nhà Trắng không đi sâu vào chi tiết và tránh sử dụng cụm từ « lằn ranh đỏ » như người tiền nhiệm Obama trong hồ sơ Syria hồi 2013. 

 

30 nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng phòng thủ. Trước hết là khả năng phòng thủ của Ukraina, kể cả trong việc đối phó với vũ khí hóa học và hạt nhân. Kế tới là tăng cường an ninh cho các thành viên của khối, đặc biệt là các nước Đông Âu. 

 

Tuy nhiên, trái với chờ đợi, ngoài Hoa Kỳ, NATO tránh ban hành thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và nhất là tránh đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của chính quyền Kiev. Phát biểu qua cầu truyền hình trong khuôn khổ thượng đỉnh NATO hôm qua tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây hỗ trợ quân sự cho Ukraina « về mọi mặt », trong đó bao gồm cả việc viện trợ vũ khí tấn công. 

 

Thông tín viên đài RFI Pierre Bénazet tổng kết thượng đỉnh NATO : 

 

« Liên Minh Bắc Đại Tây Dương từ chối áp đặt vùng cấm bay, từ chối đưa quân đến hiện trường hay cung cấp vũ khí tấn công. Mục tiêu nhằm tránh để bị coi là « cùng tham chiến với Ukraina » hay là một bên tham gia trong xung đột này. Ngược lại phần lớn các thành viên NATO đẩy mạnh viện trợ vũ khí phòng thủ cho Kiev. Trong đó bao gồm đạn dược, các vũ khí phòng không, thậm chí là Mỹ còn đề cập cả đến việc cấp tên lửa chống hạm cho Ukraina.

 

Trước những tuyên bố của Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân và hóa học, NATO sẽ cung cấp cho Ukraina các thiết bị bảo hộ, phát hiện chất phóng xa và tẩy rửa trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học hay hóa học. NATO cũng đưa ra những biện pháp tương tự để bảo vệ binh lính của khối này. 

 

Ngoài ra, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu lập một lực lượng phòng thủ về lâu dài, với bốn cụm chiến thuật, bốn tiểu đoàn bổ sung tại tất cả các nước thành viên chung quanh Hắc Hải và biển Baltic.

 

Thủ tướng Nhật Bản đã đến trụ sở NATO dự thượng đỉnh nhóm G7 được diễn ra ngay sau đó. Khối này quyết định làm tất cả để Vladimir Putin phải trả giá về những hành vi của mình. Bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng đồng ý phối hợp các biện pháp trừng phạt »  

 

Giới hạn của sự đoàn kết trong NATO 

 

Một trong những mục tiêu của thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bất thường vừa qua là phô trương đoàn kết chặt chẽ của phương Tây trên vấn đề Ukraina. Tuy nhiên theo giới quan sát, tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa thuyết phục được các đối tác châu Âu ngừng nhập khẩu dầu khí của Nga.

 

Về phía Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh NATO không muốn trở thành "một bên tham chiến" trong xung đột tại Ukraina. Về vai trò của Bắc Kinh trên hồ sơ này, Paris quan niệm do là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một cường quốc thế giới Trung Quốc « chỉ có thể đóng một vai trò trung gian và chừng mực » để giải quyết xung đột đang diễn ra tại châu Âu. Tổng thống Macron cũng nói thêm ông hy vọng rằng « Trung Quốc sẽ không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào khiến tình hình thêm căng thẳng ». 

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

CHIẾN TRANH UKRAINA - NATO

NATO họp thượng đỉnh, quyết định tăng cường khả năng phòng thủ sườn đông

 

NATO - CHIẾN TRANH UKRAINA

NATO từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraina

 

Tạp chí Tiêu điểm

Chiến tranh Ukraina : Mỹ đẩy châu Âu lên tuyến đầu đối phó Nga ?

 

 

==============================================

.

Liên Hiệp Quốc lại yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraina ngay lập tức

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 25/03/2022 - 14:12

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220325-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A1i-y%C3%AAu....E1%BB%A9c

 

Lần thứ hai trong vòng một tháng, ngày 24/03/2022, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết « lịch sử » yêu cầu Nga ngừng chiến tranh ngay lập tức, bảo vệ thường dân và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Trước đó, Nga cũng tìm cách đưa ra bỏ phiếu một văn bản riêng về tình hình nhân quyền tại Ukraina nhưng văn bản đã không được thông qua.

 

https://s.rfi.fr/media/display/67c045e0-ab95-11ec-9897-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP22083567944917.webp

Màn hình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cho thấy kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 24/03/2022 với 140 nước tán thành nghị quyết về cuộc chiến tranh Ukraina. AP - Seth Wenig

 

Theo thông tín viên RFI Carrie Nooten, đây là thất bại thứ hai của Nga chỉ trong vòng hai ngày tại New York :

 

« Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khẩn trương xem xét một nghị quyết bảo đảm cho việc bảo vệ thường dân và triển khai hỗ trợ nhân đạo ở Ukraina - và phải gần một tháng sau Liên Hiệp Quốc mới đưa ra quyết định. 

Ban đầu, Matxcơva đe dọa dùng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An, từ chối việc áp đặt « ngừng bắn », dù đây lại là điều kiện tiên quyết cho mỗi văn bản liên quan đến nhân đạo. Sau đó, Nga đã đề xuất một văn bản riêng - bị nhiều nước khác đánh giá là « vô liêm sỉ » từ phía kẻ xâm lược.

 

Sau thời gian dài nêu ra dự thảo này như một lời đe dọa, cuối cùng Nga đã đưa văn bản ra bỏ phiếu ngày 23/03. Lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xung đột Ukraina, Bắc Kinh đã bỏ phiếu với Matxcơva, nhưng 13 nước khác lại vắng mặt, nghị quyết không được thông qua. 

 

Tiếp theo là thất vọng thứ hai cho Nga, hôm qua (24/03) tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, văn bản mà Nga muốn đưa ra bỏ phiếu cạnh tranh với dự thảo nghị quyết được Ukraina và 86 nước khác đệ trình cũng đã không được đưa ra bỏ phiếu. Cuối cùng, 140 nước thông qua dự thảo do Ukraina đệ trình, một lần nữa đã yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh ».

 

Việt Nam bỏ phiếu trắng nhưng kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang

Nghị quyết mang tên « hậu quả nhân đạo của cuộc xâm lăng Ukraina » do Kiev đệ trình và được Pháp cùng với Mêhicô chuẩn bị trước đó, dù không mang tính ràng buộc, đã được ủng hộ với tỉ lệ áp đảo với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống (trong đó có Nga và Bắc Triều Tiên), Việt Nam nằm trong số 38 nước bỏ phiếu trắng.

 

Trong bài phát biểu, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang nhắc lại kinh nghiệm đau thương từ chiến tranh mà Việt Nam đã phải trải qua nhưng chỉ « chân thành chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình xung đột tại Ukraina, đặc là hậu quả nhân đạo do xung đột » và kêu gọi « cần hết sức kiềm chế và chấm dứt sử dụng vũ lực để tranh thêm thương vong và mất mát ».

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

CHIẾN TRANH - NGA - UKRAINA - NHÂN ĐẠO

Chiến tranh Ukraina : Liên Hiệp Quốc báo động khủng hoảng nhân đạo lan rộng

 

NGA - UKRAINA - LIÊN HIỆP QUỐC

Chiến tranh Ukraina: Nga rút lại dự thảo nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An

 

NGA - LIÊN HIỆP QUỐC

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cực lực lên án Nga xâm lăng Ukraina





No comments:

Post a Comment

View My Stats