Thursday, 10 March 2022

NGA ĐÁNH UKRAINE : VIỆT NAM MẮC KẸT GIỮA NGHĨA VỤ và NGUYÊN TẮC? (Bill Hayton)

 



Nga đánh Ukraine: Việt Nam mắc kẹt giữa nghĩa vụ và nguyên tắc? 

Bill Hayton

Gửi tới BBC Tiếng Việt từ London

8 tháng 3 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60655623

 

Lập trường của Việt Nam đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là gì? Chính phủ Hà Nội cho biết họ "quan ngại sâu sắc vì xung đột vũ trang" nhưng Việt Nam và nước láng giềng Lào là hai nước ASEAN duy nhất bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc chỉ trích hành động của Nga.

 

Trong cuộc tranh luận trước cuộc bỏ phiếu đó, Đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, có vẻ nhắc lại một số quan điểm của Chính phủ Nga khi ông phát biểu tại Phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ (bằng tiếng Anh) vào ngày 2/3 rằng, "các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế".

 

Tuy nhiên, sau đó trong bài phát biểu, ông khẳng định mạnh mẽ "các nguyên tắc chủ quyền, bình đẳng, tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. " Những nguyên tắc này cho thấy Việt Nam ủng hộ quan điểm của Ukraine.

 

Nhưng cuối bài phát biểu của mình, Đại sứ Giang chỉ đưa ra một lời kêu gọi rất yếu ớt là "các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia". Việt Nam thậm chí còn không kêu gọi ngừng bắn hoặc rút các lực lượng đang chiếm đóng. Chính phủ Nga sẽ rất vui vì điều đó.

 

Các đối tác của Việt Nam ở châu Âu và phần còn lại của thế giới dân chủ sẽ thất vọng với việc Hà Nội bỏ phiếu trắng tại UNGA nhưng có lẽ không ngạc nhiên. Có khả năng họ sẽ xem lá phiếu của Việt Nam như một dấu hiệu khác cho thấy đất nước này không phải là một 'quốc gia có cùng chí hướng' khi nói đến an ninh quốc tế, không giống như hầu hết các quốc gia còn lại trong ASEAN.

 

Việt Nam ở trong tình thế khó . Là một quốc gia tương đối nhỏ có biên giới với một quốc gia lớn hơn nhiều, chính phủ biết rằng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là rất quan trọng cho sự tồn tại. Nhưng đồng thời, mối quan hệ của Việt Nam với Nga cũng rất quan trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

 

Cho đến nay, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Trong 5 năm qua, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam là khách hàng quân sự lớn thứ năm của Nga. Những vũ khí này sẽ không hoạt động nếu không có hỗ trợ kỹ thuật và nguồn cung cấp phụ tùng thay thế từ Nga.

 

Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển dầu khí ngoài khơi của Việt Nam. Công ty Zarubezhneft là đối tác liên doanh của PetroVietnam tại Vietsovpetro. Vietsovpetro sản xuất khoảng 1/5 lượng dầu và khí đốt của Việt Nam từ 5 mỏ ở Biển Đông. Đây là công ty lớn thứ 48 của Việt Nam, theo ấn bản năm 2021 của VNR500. Một liên doanh Nga-Việt khác là RusVietPetro đang vận hành 4 lô dầu tại Nga.

 

Giữa hai nước cũng có những kết nối giao thương quan trọng, được tạo điều kiện thuận lợi bởi lịch sử tiếp xúc lâu đời từ những ngày đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào những năm 1950. Thương mại hai chiều đạt khoảng 5 tỷ đô la, theo Cơ sở dữ liệu Comtrade của LHQ. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, Châu Âu hoặc Hoa Kỳ.

 

Mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Nga là một nhân tố quan trọng khác trong mối quan hệ này. Liên Xô đã hỗ trợ phe cộng sản trong suốt cuộc chiến tranh trường kỳ chống lại Nam Việt Nam nhận sự hậu thuẫn của Mỹ và hầu hết các sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam đều được đào tạo ở Liên Xô cũ và Nga. Lòng biết ơn đối với Liên Xô cũ này luôn sâu đậm trong giới an ninh quốc phòng Việt Nam.

 

Nga là quốc gia duy nhất có khả năng tiếp cận cảng dễ dàng tại Vịnh Cam Ranh. Trong khi các lực lượng hải quân khác bị giới hạn một chuyến thăm mỗi năm, theo một thỏa thuận được ký kết vào tháng 11 năm 2014, các tàu chiến của Nga chỉ cần thông báo trước 24 giờ. Cam Ranh cũng là nơi đóng của hạm đội tàu ngầm của Việt Nam: sáu tàu do Nga sản xuất được trang bị tên lửa hành trình Kalibr do Nga chế tạo - một thành phần quan trọng trong khả năng răn đe của Việt Nam đối với Trung Quốc.

 

Về chính trị, các cấp lãnh đạo của Nga và Việt Nam tin cậy ở mức độ cao. Nga là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam đồng ý 'Đối tác Chiến lược' vào năm 2001 và nâng cấp lên thành 'Đối tác Chiến lược Toàn diện' vào năm 2012. Ban lãnh đạo của Nga có thể không chính thức là 'cộng sản' nữa, nhưng nước này chia sẻ nhiều quan điểm chính trị với giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đứng đầu trong số đó là thái độ thù địch với 'các cuộc cách mạng màu' và lo sợ 'diễn biến hòa bình'. Đảng Cộng sản có thể tự tin rằng nếu có mối đe dọa đối với họ, thì Moscow sẽ hỗ trợ nhiệt tình để ngăn chặn chủ nghĩa đa nguyên do phương Tây hậu thuẫn.

 

Sự thù địch này đối với đa nguyên chính trị dường như cũng tiếp thêm sức mạnh cho một bộ phận ồn ào của dư luận Việt Nam, những người theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng. Sự thù địch của họ đối với Hoa Kỳ và 'phương Tây' nói chung đã khiến họ nhắm vào Ukraine, đặc biệt là trên trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội. Thật kỳ lạ khi xem một nhóm người thường lên án Hoa Kỳ ném bom dân thường ở Việt Nam, lại ủng hộ Nga ném bom dân thường ở Ukraine.

 

Các nhà lãnh đạo Việt Nam, thường rất tích cực trong việc xóa bỏ các tuyên bố thù địch khỏi Facebook, dường như ít nhiệt tình hơn trong việc trấn áp những biểu hiện đoàn kết này với Nga. Có khả năng các chuyên gia tuyên truyền của đảng này tin rằng việc cho phép một số ý kiến trực tuyến về cuộc khủng hoảng Ukraine là một cách hữu ích để chỉ ra quan điểm nào được và không được nhà chức trách chấp nhận. Hiện tại, có vẻ như không có cuộc đàn áp nào trên mạng xã hội.

 

Nhìn chung, có vẻ như Việt Nam đang bị kẹt giữa các nghĩa vụ và các nguyên tắc của mình. Họ cần và coi trọng sự hỗ trợ của Nga cũng như tôn trọng sâu sắc mối quan hệ chính trị với giới lãnh đạo ở Moscow. Những cam kết này vượt trội hơn các cam kết của họ đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Việt Nam dường như không tán thành các hành động của Nga ở Ukraine nhưng sẽ không công khai nói như vậy.

 

-----------

TS Bill Hayton là tác giả hai cuốn sách về Đông Nam Á. Cuốn Vietnam: Rising Dragon (2010) dựa trên các tư liệu thu thập trong một năm ông thường trú ở Việt Nam. Năm 2014, ông ra mắt cuốn South China Sea: The struggle for power in Asia, viết về tranh chấp Biển Đông. Hiện ông cũng là thành viên Viện nghiên cứu Chatham House tại London.






No comments:

Post a Comment

View My Stats