Giới
thiệu cuốn sách Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc
Văn
Việt
8 Tháng Một, 2022
http://vanviet.info/wp-content/uploads/2022/01/Capture1_thumb.png
Hình bìa sách “Việt
Nam Cộng Hòa, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc”
Giới thiệu tác phẩm
Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến
Quốc là ấn phẩm đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ
tổ chức thực hiện, bắt đầu từ một Hội thảo ở Đại học California, Berkeley vào
tháng 10 năm 2016. Bản tiếng Anh của sách tên là The Republic of
Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building, được xuất bản
bởi Chương trình Đông Nam Á của Đại học Cornell năm 2019, đã nhận được nhiều phản
hồi tích cực từ giới nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Chúng tôi mong bản tiếng
Việt sẽ giúp ích cho người Việt ở khắp thế giới và ở Việt Nam có thêm hiểu biết
về Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi bản tiếng Anh được xuất bản, bốn tác giả trong
sách, ông Phạm Kim Ngọc, Giáo sư Cao Văn Thân, ông Bùi Quyền và Giáo sư Vũ Quốc
Thúc, đã qua đời. Chúng tôi biết ơn đóng góp của họ cho sách và cảm thấy hân hạnh
đã kịp giúp họ để lại một chút gì đó cho thế hệ sau.
Trong quá trình tổ chức Hội thảo, biên tập, dịch
thuật và xuất bản, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự động viên, giúp đỡ nhiệt
tình về mọi mặt, nhất là hỗ trợ tài chính. Chúng tôi xin hết sức cảm tạ các bậc
tiền bối, thân hữu, và thức giả xa gần, đặc biệt là các ông bà Nguyễn Đức Cường,
Hoàng Đức Nhã, Phan Công Tâm, Phan Lương Quang, Trần Quang Minh, Trần Văn Sơn
(đã quá cố), Trùng Dương, và Bùi Văn Phú. Chúng tôi cũng cảm tạ sự động viên và
giúp đỡ của các giáo sư, giảng viên và nhà nghiên cứu Peter Zinoman, Olga Dror,
Keith Taylor, Trần Nữ-Anh, Tuấn Hoàng, Vân Nguyễn-Marshall, Sarah Maxims, Nguyễn
Nguyệt Cầm, Trần Hạnh, Alex-Thái Võ, Lưu Mỹ Trinh và Kevin Li.
Ra đời năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ
dành nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục trên ba lĩnh vực, bao gồm Việt Nam
đương đại, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tại Đại học
Oregon, Trung tâm là một phần của Viện Nghiên cứu Toàn cầu (Global Studies
Institute) do Giáo sư Dennis Galvan đứng đầu. Viện Nghiên cứu Toàn cầu tổ chức
và hỗ trợ 11 trung tâm, chương trình và sáng kiến nghiên cứu theo định hướng quốc
tế của Đại học Oregon.
Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ được thành lập
vào năm 2019 và hiện do Vũ Tường, Giáo sư và Trưởng khoa Chính trị học tại Đại
học Oregon, làm giám đốc. Hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ nhắm vào
công chúng và cộng đồng chuyên gia ở Hoa Kỳ, Việt Nam và các nơi khác thông qua
các dự án nghiên cứu, việc thu thập và phổ biến tài liệu lịch sử, cũng như các
hội thảo và hội nghị chuyên đề. Trung tâm phát hành Tạp chí song ngữ Việt-Mỹ, một
tạp chí trực tuyến có các bài phân tích thường xuyên về các vấn đề thời sự, phỏng
vấn các học giả và lãnh đạo cộng đồng, và phần công bố tài liệu lưu trữ và
nghiên cứu. Vào tháng 10 năm 2019, Trung tâm đã tổ chức Hội thảo quốc tế tại
Eugene, OR với tiêu đề “Nghiên cứu về Chính trị và Chủ thuyết Cộng Hòa ở Việt
Nam: Vấn đề, Thách thức và Triển vọng”. Đường dẫn đến trang web của Trung tâm:
https://usvietnam. uoregon.edu/
Trích dẫn từ các tác giả
“Can đảm, đối với tôi, bây giờ có nghĩa là tôi
phải dám nói lên cho thế giới biết về sự bất công mà dân tộc Việt Nam phải chịu,
cũng như về điều tốt đẹp vẫn còn tràn đầy trong mọi trái tim người Việt. Nên
tôi sẽ tiếp tục can đảm mà làm công việc của một nhà báo bằng cách cất tiếng
nói thay cho những tiếng nói đã và đang bị bóp nghẹt. Có phải đó chính là mục
đích của ngành truyền thông không? Tôi hãnh diện là một phóng viên chiến trường
của miền Nam Việt Nam.”
– Vũ
Thanh Thuỷ, phóng viên chiến trường.
“Năm 2016 đánh dấu 120 năm điện ảnh thế giới
được khai sinh, đồng thời cũng đánh dấu 120 năm ngày người Việt biết cái máy
quay phim. Điều này cho thấy điện ảnh đến Việt Nam rất sớm, trước nhiều nước
lân bang. Nhưng, cho tới nay, điện ảnh đã trở thành ngành công nghiệp tối tân,
kể cả tại nhiều nước Á châu, riêng với Việt Nam, bộ môn nghệ thuật thứ bẩy này,
sau cả thế kỷ, vẫn còn trong tình trạng “đang phát triển”. Sở dĩ có sự chậm trễ
này chỉ là vì: điện ảnh trong một quốc gia, như mọi ngành nghề khác, luôn có
chung số phận với đất nước và dân tộc của nó.”
– Kiều
Chinh, diễn viên điện ảnh.
“Đi theo gia đình di cư vào Sài Gòn vào khoảng
tháng 7 năm 1954, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng trước nhà cửa và đường xá ở Sài Gòn.
Phố xá dài rộng, nhà cửa san sát, người dân chơn chất và việc mưu sinh có vẻ dễ
dàng. Nhiều tiện nghi mà tại Hà Nội lúc bấy giờ chưa có. Một sự việc khiến tôi
đến nay vẫn chưa quên là việc xé đôi tờ giấy bạc để trả lại người mua vì không
có tiền lẻ. Tôi nghĩ trên thế giới việc này chỉ có thể xuất hiện duy nhất tại
miền nam VN vào thời điểm đó. Điều độc đáo này nói lên bản tính dung dị của người
dân miền Nam.”
– Trung
tá Bùi Quyền, Tư lệnh phó Lữ đoàn 3 Dù.
“Những chính sách nông nghiệp dưới thời Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu đã biến chuyển vùng nông thôn và góp phần đáng kể cho sự
phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong những năm cuối của chiến tranh. Các
chính sách này bao gồm cải cách điền địa, phát triển nông nghiệp, rỡ bỏ kiểm
soát giá cả, và ổn định thị trường. Kết quả là miền Nam đã xoá bỏ tình trạng tá
điền, giảm bất bình đẳng ở nông thôn bằng cách tạo ra một tầng lớp chủ đất nhỏ
đông đảo, nhanh chóng mở rộng sản xuất theo hướng tự túc về thực phẩm, ổn định
thị trường cung cấp và tiêu thụ thực phẩm. Đây là một cuộc cách mạng nông thôn
thành công diễn ra giữa một cuộc chiến tranh tàn bạo, một cuộc cách mạng chưa
được sử gia công nhận một cách đầy đủ. Thay vì đấu tranh giai cấp bằng bạo lực,
cuộc cách mạng của chúng tôi được thực hiện dựa trên sự kết hợp giữa các quyền lợi về kinh tế và kỹ thuật canh tác mới để thu
hút sự tham gia và đem lại lợi ích cho đa số nông dân miền Nam.”
– Giáo
sư Cao Văn Thân, Tổng trưởng Cải cách Điền địa và Phát triển Nông nghiệp,
đảm
trách thực hiện Chương trình Người Cầy Có Ruộng.
“Tôi cũng chống lại các kế hoạch của Mỹ về kiểm
soát giá cả và phân phối. Đôi khi, tôi không thể không cảm thấy rằng mình đã bị
buộc tội (oan) là dung dưỡng tình trạng hoang phí và gian dối, và rằng định mệnh
của những nước nhược tiểu là phải để cho các nước tài trợ đạo đức giả nhiếc móc
vì tội hoang đàng.”
– Phạm
Kim Ngọc, Tổng trưởng Kinh tế.
“Kissinger và phái đoàn của ông đã rất ngạc
nhiên khi gặp tôi tại cuộc họp vì tên của tôi vẫn chưa xuất hiện trong số cố vấn
của Tổng thống Thiệu họ đã biết. Ông ta trình bày những gì ông mô tả là một hiệp
định toàn diện nhất nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình cho Việt Nam.
Ông cũng tuyên bố rằng với thỏa thuận này Hà Nội chịu từ bỏ hoàn toàn những đòi
hỏi họ đã bám vào trong nhiều năm. Không thể tin nổi, Kissinger thậm chí còn
nói với chúng tôi rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã khóc sau khi đồng ý với
các điều khoản của hiệp định!”
– Hoàng
Đức Nhã, Bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
“Từ năm 1956 đến 1971, tổng cộng có 16 Bộ trưởng
Giáo dục. Rất may là tất cả 16 Bộ trưởng đều chung lòng lo cho thế hệ tương lai
nên người mới vẫn tiếp tục công trình người cũ còn làm dở dang. Tất cả Bộ trưởng
giáo dục kẻ trước người sau thực hiện mọi cải tổ trong nền giáo dục đều theo
kim chỉ nam của triết lý giáo dục là đặt trọng tâm chương trình học tập trên nền
tảng: dân tộc, nhân bản, và khai phóng.”
[…]
“Khi vào Đại học Sư phạm, vốn Pháp văn sẵn có
quả thực giúp tôi rất nhiều và tôi có cơ hội giúp các bạn. Giáo sư các môn
chính là người Pháp và cả giáo sư Việt cũng dạy bằng Pháp ngữ vì họ tốt nghiệp ở
Pháp mới về Việt Nam. Khổ nỗi là đa số các bạn cùng lớp lại theo chương trình
Việt ở trung học nên họ gặp nhiều khó khăn khi nghe giảng bài bằng tiếng Pháp.
Rồi đến lúc ra trường chúng tôi cùng khổ như nhau vì phải dạy Vạn vật bằng tiếng
Việt.”
– Tiến
sĩ Võ Kim Sơn, giáo sư trường Quốc gia Nghĩa tử,
Đại
học Sư phạm Sài Gòn, trường Thánh mẫu Gia định.
“Cả hai nền Cộng hoà phải dồn hầu hết nỗ lực
cho các hoạt động quân sự, bắt đầu từ đối phó với chiến tranh du kích và sau đó
là chiến tranh quy ước tổng lực, với hơn 1,5 triệu quân đội Quốc gia. Nếu không
có viện trợ nước ngoài, đây là một gánh nặng không thể chịu được cho một quốc
gia nghèo với 17 triệu dân. Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt được một mức độ ổn định
và tăng trưởng kinh tế trong những năm đầu của nền Cộng hòa nhờ vào sự trợ giúp
đáng kể của Mỹ.”
[…]
“Nhìn lại, chúng tôi không có vốn để phung phí
vào các dự án lớn. Chúng tôi không có nhân lực hoặc tổ chức để phát triển
chuyên môn trong bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào. Đôi khi chúng tôi cố gắng can thiệp
vào thị trường với giả định sai lầm rằng chúng tôi có thể kiểm soát giá cả,
ngăn chặn đầu cơ, và ngăn thực phẩm không đến tay kẻ thù. Nhưng thường thì
chúng tôi cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo của mình để cho thị trường vận
hành dù nó có thể không hoàn hảo. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ đơn giản là thiết
lập nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy các thể chế mạnh mẽ, thực hiện các
chính sách hợp lý, và quản trị cho tốt.”
– Nguyễn
Đức Cường, Tổng trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ.
“Từ năm 1966, khu đất trống sau trường Văn
khoa, giữa bốn mặt đường lớn ngay trung tâm Sài Gòn, trở thành nơi sinh hoạt
chung của các chương trình hoạt động thanh niên. Đây là nơi có những đêm đọc
thơ ngoài trời. Khán giả là hàng trăm sinh viên học sinh, ngồi trên mặt đất,
nghe đọc thơ kiểu mới. Từ sân trường Văn khoa Sài Gòn, các buổi đọc thơ được
đưa vào các giảng đường đại học xa gần, rồi thành các chương trình văn học nghệ
thuật được phát thanh và truyền hình. Từ đây, việc làm thơ, đọc thơ, nghe thơ
bước sang khúc quanh mới.”
[…]
“Đó là một buổi trưa mùa xuân, ở một ngã ba
trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, có cảnh công an khu vực huy động
thanh thiếu niên đốt sách. Nơi đốt sách là con đường ngay xế cửa nhà anh Nguyễn
Mạnh Côn. Đứng cùng chúng tôi trên bao lơn lầu một, nhìn xuống cảnh đốt sách,
anh Côn cười cười bảo, “Rồi các cậu coi. Chữ nghĩa bọn nhà văn miền Nam, tiếng
hát của nghệ sĩ miền Nam, các anh có đốt tới Tết Công Gô cũng chẳng ăn thua
gì.”
[…]
“Nhìn kỹ hơn, đọc kỹ hơn, sẽ thấy chính những
người cầm bút ở miền Nam năm 1975 còn ở tuổi mười tám đôi mươi, hiện đang trở
thành những tác giả được yêu mến nhất, đọc nhiều nhất. Văn học nghệ thuật thời
Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 không chỉ là của riêng miền Nam. Đó là một hành
trình chung, thành tựu chung của cả một dân tộc. Chính người dân Việt từ Nam ra
Bắc cùng xác nhận điều này.”
– Nhã
Ca, nhà văn, tác giả “Giải khăn sô cho Huế.”
“Tôi hy vọng một khi tự do dân chủ được khôi
phục ở Việt Nam, báo chí cũng như bất cứ ai sẽ có trách nhiệm quản lý và xây dựng
lại quê mẹ của tôi sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa và đặc biệt
là mẫu mực của Mỹ, để xây dựng nên một nước Việt Nam xứng đáng góp mặt với thế
giới văn minh của nhân loại.”
– Trùng
Dương, nhà văn, chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần.
“Có thể nói là sau cuộc đảo chánh 1963 biểu
tình xuống đường thường xuyên xẩy ra tại một số khá nhiều thị xã và thành phố lớn,
nhất là tại thủ đô Sài Gòn. Những đòi hỏi nhiều khi chính đáng, nhiều khi rất
mơ hồ. Cảnh sát lại phải tốn công sức đối đầu với những xáo trộn này. Đàn áp một
cuộc biểu tình không phải là một công tác khó khăn. Khó khăn chính là làm sao để
duy trì được trật tự mà nhân viên cảnh sát vẫn không vi phạm vào những nguyên tắc
luật định để người dân không bị tước đi quyền tự do phát biểu của mình.”
[…]
“Việt Nam Cộng Hòa … vừa phải tìm sự ổn định
lâu dài để xây dựng xã hội và phát triển kinh tế lại vừa phải đối đầu với những
thách thức mà một cuộc chiến tranh nổi dậy mang đến. Trong cuộc chiến ấy, kẻ
thù Việt Cộng lợi dụng mọi cơ hội để phá hoại và gây cản trở cho công cuộc ổn
đinh và phát triển miền Nam. Việc duy trì an ninh và tôn trọng dân chủ trong một
chế độ pháp trị quả không dễ thực hành. Nhưng đó lại là trách nhiệm hàng đầu đè
nặng trên vai người cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa trong suốt 20 năm chiến tranh”.
– Đại
tá Trần Minh Công, Chỉ huy trưởng Học viện Cảnh sát Quốc gia.
“Không chỉ là cuộc chiến tranh ủy nhiệm thời
Chiến tranh Lạnh, xung đột giữa cộng sản và cộng hoà ở Việt Nam đã không thể
hòa giải được từ lâu trước khi sự can thiệp của Mỹ bắt đầu, và nó còn tồn tại
dai dẳng giữa người Việt trên quy mô toàn cầu cho đến tận ngày nay. Những người
theo đuổi mục tiêu xây dựng quốc gia cộng hòa học hỏi từ truyền thống tư tưởng
Việt nam và kịch liệt chống lại sự can thiệp của nước ngoài, nhất là từ
Washington. Họ cần Mỹ giúp đỡ nhưng nỗ lực để bớt phụ thuộc vào Mỹ. Nguồn gốc ý
thức hệ của cuộc nội chiến ở Việt Nam và vai trò quan trọng của người quốc gia
miền Nam trong lịch sử không cho phép chúng ta coi nhẹ kinh nghiệm xây dựng quốc
gia Việt Nam Cộng Hòa.”
– Vũ
Tường và Sean Fear, chủ biên
Tóm tắt tiểu sử Chủ biên
Vũ Tường là Giáo sư và Trưởng khoa Chính trị học tại Đại học Oregon và đã từng
công tác tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore. Ông nhận bằng tiến
sĩ Chính trị học tại Đại học California, Berkeley vào năm 2004. Tác phẩm nghiên
cứu chính của ông bao gồm: Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology (2017)
và Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia (2010).
Vũ Tường cũng là người biên tập nhiều công trình đã được xuất bản thành sách và
nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành về chính trị ở Á châu và Việt Nam.
Sean Fear là giảng viên môn Lịch sử quốc tế tại Đại học Leeds, Anh quốc. Ông nhận
bằng Tiến sĩ lịch sử tại Đại học Cornell vào năm 2016 và từng là nghiên cứu
sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Dartmouth và Đại học McGill. Tác phẩm của Sean
Fear đã được đăng trên Diplomatic History và the Journal of Vietnamese Studies.
Ông hiện đang hoàn tất bản thảo một công trình nghiên cứu về các mối quan hệ
chính trị trong nước và đối ngoại của miền Nam Việt Nam từ năm 1967 đến năm
1975.
@@@
Sách dày 334 trang, đã có bán trên BARNES
& NOBLE
Ấn phí: US$20.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:
Viet Nam Cong Hoa Kinh Nghiem Kien Quoc by
Tuong Vu, Sean Fear, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Search Keyword: Viet Nam Cong Hoa kinh nghiem
kien quoc, vu tuong, sean fear
No comments:
Post a Comment