Saturday, 16 March 2019

XUỐNG NGỰA, QUY HÀNG ĐI QUÝ NƯƠNG! (Huy Phương)




Huy Phương
March 10, 201

Muốn bảo vệ hạnh phúc trong hôn nhân, xin quý bà hãy nhường lui một bước!

The Surrendered Wife (Người Vợ Hàng Phục) của tác giả Laura Doyle là một cuốn sách bestseller bán chạy nhất. Ngay chỉ trong tháng đầu tiên, số bán đã đạt con số 100,000 bản. Đây là một quyển sách độc đáo bàn về cách bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.

Tác giả Laura Doyle. (Hình:lauradoyle.org)

Với tác phẩm The Surrendered Wife, hơn 150,000 phụ nữ tin rằng họ không những cứu vãn được mối quan hệ vợ chồng, mà cá nhân họ còn được trân trọng và ngưỡng mộ suốt đời. Báo chí và các đài truyền hình quan trọng Hoa Kỳ đều hết lời ca tụng tác phẩm của Laura Doyle.

Laura Doyle là một tác giả có sách bán chạy nhất của New York Times. Sách của bà đã được dịch ra 28 thứ tiếng ở 27 quốc gia. Tác giả là người đã sáng lập ra “Laura Doyle Connect,” một công ty huấn luyện quốc tế, huấn luyện cho phụ nữ những khả năng hầu đưa đến những mối quan hệ dịu dàng, say đắm.

Bà Laura Doyle đã xuất hiện CBS News, Dateline NBC, The Today Show, Good Morning America và The View. Bà đã có bài in trên The Huffington Post, Tạp chí Phố Wall, Thời Báo New York, Thời Báo Los Angeles, The Washington Post, The London Telegraph và là cây bút thường xuyên của The Huffington Post. Laura Doyle hiện sống ở New Port Beach, California, có cuộc hôn nhân dài 26 năm với chồng là John Doyle.

Nguyên nhân ra đời của tác phẩm “Người Vợ Hàng Phục”

Bà Laura Doyle thú nhận là từ khi lấy chồng lúc 22 tuổi, bà đã có thói quen thường xuyên kiểm soát chồng một cách gắt gao, không ngớt ra lệnh, chỉ trích, gắt gỏng, nói xỏ xiên, bới móc những chuyện nhỏ nhặt của chồng, hạ nhục ông chồng về bất cứ sự sơ suất nào, xem chồng như một đứa trẻ, nếu ông ta làm không đúng như ý bà.

Vì vậy, càng ngày giữa hai người càng có khuynh hướng xa cách. Vợ chồng không còn những mối tương quan đằm thắm thuở ban đầu, họ mất dần đi sự đồng cảm, tình yêu giữa vợ chồng càng ngày càng phai nhạt. Mới 4 năm, từ một đôi vợ chồng hạnh phúc, cả hai bên hầu như đều chán nhau và chuyện ly dị chắc chắn sẽ đến với họ một ngày không xa.

Thay vì dễ dàng ra tòa để xé tờ hôn thú, Laura Doyle bỗng quyết tâm thay đổi lại cách sống, hy vọng làm mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình mình. Bà theo những khóa tâm lý trị liệu, học hỏi qua sách vở, đi tìm nguyên nhân sự đỗ vỡ, xa cách. Bà tiếp xúc với những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc để học hỏi cách đối xử, ngôn ngữ và tình yêu, kinh nghiệm từ nơi họ. Bà ghi nhớ và học hỏi kinh nghiệm, những gì có thể hàn gắn sự đổ vỡ của vợ chồng bà. Cuối cùng, là Laura Doyle đã cứu vãn được hạnh phúc của mình.

Bà muốn đem những kinh nghiệm và bài học hôn nhân của mình, việc sửa đổi lối sống của mình, viết thành sách để giúp bạn bè của mình, những người đã trải qua hoàn cảnh của mình không tìm ra lối thoát.

Xích lại gần nhau và bỏ bớt cái tôi của mình

Phải chăng tăng trưởng theo nữ quyền trong xã hội, người phụ nữ trong gia đình càng ngày càng lấn lướt, khống chế, kiểm soát chồng trên mọi phương diện.

Bà Laura Doyle đã quyết định chấm dứt giai đoạn “gà mái đá gà cồ,” bỏ thời hoạnh họe, thống trị, coi chồng như tôi tớ, hiếp đáp, xỏ mũi chồng như trước?

Laura Doyle đề cao sự quay trở về nguồn với những giá trị đạo đức ngày xưa trong đời sống lứa đôi. Chồng là người chỉ huy và vợ là người tuân hành, kiểu “phu xướng, phụ tùy của Đông phương.

Từ bỏ vai trò một người phụ nữ trí thức, cấp tiến, thích chỉ huy, ra lệnh, kiểm soát, thống trị, coi thường và sai khiến chồng thẳng tay, “xem chồng như tấm thảm chùi chân- doormat” ngoài ngạch cửa, nay thì Laura Doyle đã tự nhìn nhận trở thành một người biết ăn năn hối cải, trở thành một người vợ hiền lành, nhu mì. Bà hồi tâm và đã thấy tránh vợ chồng đi đến chỗ đổ vỡ hạnh phúc gia đình, chỉ có một cách duy nhất là mình, chính mình, cần phải thay đổi cách cư xử với chồng, mềm mỏng, lắng nghe, bỏ quyền chỉ huy và trở thành một người vợ yếu đuối, cần che chở, được chồng quý mến.

Từ đó, cả hai người đều cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Chồng bà, sau một thời gian, trở nên vui vẻ tự tin trở lại, và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình, thương yêu, trân trọng bà hơn. Riêng bà cũng thấy lòng thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa. Được như vậy, chính nhờ bà đã biết thay đổi cách suy nghĩ, thái độ và biết cách ứng xử tốt đẹp với chồng.

Theo sự suy nghĩ của Laura Doyle, bà đã ngộ ra chân lý: phải tự mình thay đổi chính bản thân mình chớ đừng mong đợi hay bắt buộc sự thay đổi ở người khác.

Bà tự xem mình là một người vợ biết hàng phục và quyết định chia xẻ những kinh nghiệm này cho tất cả chị em phụ nữ đang mấp mé bên vực thẳm ly dị, đổ vỡ của gia đình, qua tác phẩm “The Surrendered Wife.”

Người phụ nữ lội ngược dòng

Trong thời đại nữ quyền đang được đề cao, người phụ nữ đã ra khỏi cánh cửa gia đình, bước vào xã hội, đang giữ các chức vụ lãnh đạo đất nước như Tổng thống, Thủ Tướng… ở trong gia đình thì chưa biết ai thuần phục ai, ý tưởng của Laura Doyle hình như quá ngược dòng và quá mới lạ đã làm nhiều người bàng hoàng và sửng sốt, chưa nói đến thái độ tức giận của giới phụ nữ cánh “Nữ Quyền” thì đả kích và chống đối hết lời “The Surrendered Wife.”

Tác giả đã đi khắp nước Mỹ để tổ chức những nhóm học tập workshop, seminar, những buổi hội thảo, quảng bá những ý kiến mới, lập ra những hội đoàn các người vợ hàng phục để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về cách bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bà Laura đã đưa ra thái độ “hàng phục” cần thiết cho những người vợ, nhưng không biết liệu quý bà có chịu cho không?

– Biết kính trọng chồng.

– Ngoan ngoãn vâng lời chồng bất cứ việc gì từ nhỏ đến việc lớn.

– Không bao giờ ngắt lời, hay gắt gỏng với chồng.

– Không tìm cách hạ thấp phẩm giá của chồng bằng cách kiểm soát, ăn hiếp, xài xể, cằn nhằn, nặng lời với chồng.

– Không còn tìm cách kiểm soát chồng (nhiều bà lục cả ví tiền, thư tín, kiểm soát chi thu của chồng, ghi số milleage xe hơi của chồng.)

– Đối xử với chồng như một người trưởng thành, không xem ông như là một đứa trẻ con.

– Để cho chồng mình được tự do lựa chọn quần áo, cà vạt, giày dép.. theo ý ông, cũng không ép buộc chồng phải ăn uống như ý mình muốn.

– Đừng đóng vai trò tài xế phụ băng sau (backseat driver) để chỉ trích, chê bai, phê phán cách lái xe của chồng.

– Phải tin tưởng chồng về bất cứ chuyện gì, từ vụ sex đến việc quản lý tài chánh gia đình.

– Hãy chiều chồng, cả nể khi cần cho chồng vui lòng.

Trong các cuộc mạn đàm, hội thảo trên truyền hình, phát thanh, tác giả “The Surrendered Wife” khuyên những người vợ:

– Dành nhiều thời gian để vợ chồng vui sống, ngưng tranh chấp, cãi cọ, gây lộn, cằn nhằn, về ba cái vụ tiền bạc.

– Nên dịu dàng bày tỏ những điều mình mong muốn với chồng.

– Tạo ra những cơ hội tiếp xúc lãng mạn với chồng.

– Đừng ôm hết mọi việc vào mình, chia sẻ với chồng nhiệm vụ dạy dỗ con cái.

– Tái lập và vun bồi lại không khí êm đềm trong gia đình.

– Hãy si tình chồng và trở lại như những “ngày xưa thân ái.”

Đang ở vị thế Bà La Sát, quay chồng mòng mòng như quay dế, mà bỗng nhiên được khuyến cáo hãy quy phục để làm một người vợ hiền lành, dịu dàng, chiều chồng, ai mà chịu được? Như vậy là chịu lép vế, thua sút, làm tôi mọi đàn ông hay sao?

Nhà thơ Anh Quốc Alfred Tennyson (1809-1892) đã đưa ra quan điểm về vai trò của phụ nữ:

“Đàn ông chỉ huy, đàn bà vâng lệnh. Tất cả những điều khác đều là lầm lẫn! ( Man to command, and woman to obey. All else confusion!)

Ngày xưa ông bà ta cũng đã khuyến cáo: “Chồng giận thì vợ làm lành! Miệng cười chúm chím, trình anh giận gì?”

Thôi xin quý nương hãy xuống ngựa quy hàng đi, gia đình được trong ấm ngoài êm thì loài người cũng mang ơn quý nương, được bình an dưới thế! (Huy Phương)




No comments:

Post a Comment

View My Stats