Monday, 18 March 2019

TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ TIẾP TỤC CUỘC ĐIỀU TRA TT DUTERTE DÙ PHILIPPINES THÔI LÀM THÀNH VIÊN (VOA / RFI)




19/03/2019

Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 18/3 cho biết việc xem xét khả năng phạm tội chống nhân loại xảy ra tại Philippines sẽ tiếp tục dù nước này rút ra khỏi ICC.

Philippines rút ra khỏi ICC chính thức có hiệu lực từ 17/3 năm nay.

Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Fatou Bensouda

Công tố viên Fatou Bensounda nói trong một thông cáo là ICC tiếp tục có thẩm quyền tài phán về khả năng phạm tội trong giai đoạn nước này là một thành viên.

Bà Fatou Bensounda đã xem xét liệu hàng ngàn vụ sát hại không thông qua xét xử trong thời gian Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte truy quét ma túy có đủ để xúc tiến một cuộc điều tra chính thức hay không.

-----------------------------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 17-03-2019

Kể từ Chủ nhật 17/03/2019, Philippines không còn là thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Tháng Ba năm 2018, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo quyết định rút Manila ra khỏi định chế Liên Hiệp Quốc này, vì CPI điều tra về các hành vi trấn áp đẫm máu trong chính sách bài trừ ma túy. Quyết định có hiệu lực kể từ hôm nay, đúng một năm sau khi thông báo.

Hôm thứ Bảy, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã thông báo cho các thành viên liên hệ là quyết định của Philippines rút khỏi CPI có hiệu lực kể từ Chủ nhật 17/03/2019.

Tổng thống Rodrigo Duterte không thích quốc tế can thiệp vào chuyện nội bộ của Philippines, nhất là chuyện đó liên hệ trực tiếp đến cá nhân ông. Đắc cử vẻ vang vào năm 2016, tổng thống Duterte tuyên bố sẽ tiêu diệt tệ nạn ma túy và sẽ thực hiện bằng mọi phương tiện.

Tuy nhiên, các biện pháp tùy tiện bất chấp pháp luật của ông đã gây lo ngại cho công luận quốc nội và Liên Hiệp Quốc. Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) quyết định, vào tháng Hai năm 2018, tiến hành điều tra sơ khởi.

Ngay lập tức, tổng thống Phippines tố cáo CPI vu khống chính phủ và cá nhân ông bằng những lời tấn công không thể chấp nhận được.

Từ khi ông Duterte cầm quyền, gần 5.000 người nghiện ma túy và tình nghi bán ma túy đã bị bắn chết, theo số liệu chính thức. Nhưng đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, muốn biết chính xác số nạn nhân, phải nhân số liệu của nhà nước lên 5 lần.

Cho dù Philippines không còn là thành viên của CPI, công cuộc điều tra vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục, theo Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.

Từ khi thành lập vào năm 2002 để xét xử các tội ác chiến tranh, Philippines là thành viên thứ hai sau Burundi (châu Phi) rút khỏi CPI.





No comments:

Post a Comment

View My Stats