Saturday, 9 March 2019

TIẾN SĨ "MẮM" BỊ MỜI RA KHỎI PHÒNG HỌP VÌ MUỐN "KÊU OAN" CHO NƯỚC MẮM (Người Đô Thị)



Người Đô Thị
Thứ sáu, 08/03/2019

Cả hai lần TS Trần Thị Dung giơ tay phát biểu về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm song đều bị từ chối phũ phàng.


"Thực sự rất mất mặt nhưng tôi phải làm như thế vì nếu không sẽ không còn cơ hội để nói", TS "mắm" Trần Thị Dung chia sẻ chiều 8.3.

Chiều 8.3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - TĐC (Bộ KH&CN) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Phút cuối, một cánh tay của người phụ nữ đứng tuổi giơ lên muốn phát biểu song bị chủ tọa ngăn cản. Người phụ nữ ấy chính là TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT). Bà cũng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác “nhiễm asen” cách đây hơn 2 năm về trước.

Đã có rất nhiều câu hỏi liên quan tới nội dung Dự thảo Tiêu chuẩn TCVN 1260: 2019 được đặt ra nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc, bà Dung đã phải hét lên: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”. Tuy nhiên ông Công lập tức yêu cầu nữ chuyên gia rời khỏi khán phòng họp. Thậm chí khi bà Dung đã ra tới ngoài sân, còn bị bảo vệ gây khó. Chỉ tới khi báo chí lên tiếng, nữ chuyên gia này mới được đứng lại trao đổi thông tin.

“Cách đây hơn 2 năm với sự kiện asen trong nước mắm tôi cũng phải hành động như vậy. Tôi muốn thay mặt các nhà sản xuất nước mắm truyền thống để nói ra vì họ không được mời tới đây. Thực sự rất mất mặt nhưng nếu không làm thế thì không còn cơ hội nào để nói”, bà Dung mở đầu cuộc trao đổi.

Nhấn mạnh tên nước mắm chỉ được dùng cho sản phẩm làm từ cá và muối chứ không phải dùng cho các loại lấy nước mắm về pha loãng với các hóa chất, bà Dung đặt vấn đề: “Người ta đi từ đâu và định làm gì với cái tiêu chuẩn này?”.

Theo bà Dung, có đến hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)… Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra thì việc kiểm soát các chỉ tiêu trên không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

“Những quy định này sẽ khiến các nhà sản xuất nước mắm mất thêm chi phí và thời gian để đi kiểm các chỉ tiêu không gây mất an toàn thực phẩm cho nước mắm. Hơn nữa, điều kiện sản xuất quy định ở trong quy trình này không phù hợp với hiện trạng sản xuất mắm của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại”, bà Dung nói.

Trả lời câu hỏi, nếu dự thảo tiêu chuẩn quy trình sản xuất nước mắm ra đời, điều lo ngại nhất là gì, bà Dung chia sẻ: “Mặc dù tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý làm việc. Tôi lo ngại đang có sự dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Đây cũng cũng chính là điều lo ngại của hơn 2.800 doanh nghiệp và các hộ sản xuất chế biến nước mắm truyền thống. Họ chỉ muốn được trả lại tên nước mắm cho nước mắm truyền thống”.

Cũng theo bà Dung, không thể nói các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống hiện nay chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tôi là người đã gắn bó mấy chục năm nay với quy trình sản xuất nước mắm truyền thống. Tất cả các cơ sở này đều đã được cấp phép, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được hoạt động. Do đó đừng có đem những thông tin vớ vẩn để xuyên tạc sự thật”, bà Dung nhấn mạnh.

Nữ chuyên gia cũng đặt câu hỏi, tại sao phải chạy theo tiêu chuẩn của nước ngoài mà lại gạt bỏ tính truyền thống của đặc sản địa phương? “CODEX là tiêu chuẩn thực phẩm chung của thế giới song các nước vẫn có quyền ra tiêu chuẩn riêng cho các sản phẩm của mình. Thử hỏi làm nước mắm có mấy khi được cá tươi? Nước mắm truyền thống có mùi khăm khẳm, người nước ngoài không thích nhưng người Việt Nam lại rất thích. Cũng như người dân các nước châu Âu rất ưa thích loại pho mai thối bởi đó là đặc sản địa phương và họ cũng có tiêu chuẩn riêng”, bà Dung dẫn giải.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục TĐC, cho biết: Mục đích của Tiêu chuẩn TCVN 1260: 2019 không phân biệt nước mắm tiêu chuẩn hay nước mắm truyền thống mà có thể hiểu tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất. Qua đó để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Linh cũng thừa nhận, đã nhận được nhiều ý kiến góp ý nên sửa đổi dự thảo. “Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà sản xuất đảm bảo xây dựng được tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng được hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng”, ông Linh nói.

Hoàng Ngân





----------------------------------------------

Lao Động Online
09/03/2019

Một số hội, hiệp hội, câu lạc bộ vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam "kêu cứu" trước nguy cơ nước mắm truyền thống không có đất tồn tại nếu bị đánh tráo khái niệm với nước chấm công nghiệp.

Mới đây, đại diện Câu lạc bộ (CLB) Nước mắm truyền thống Việt Nam, Hiệp hội (HH) Thực phẩm  Minh Bạch; Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao; Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM; HH Nước mắm Nha Trang; HH Nước mắm Phan Thiết; HH Nước mắm Phú Quốc; Cty CP Chế biến dịch vụ Thủy sản Cát Hải đã có văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT; Bộ trưởng Bộ KHCN về việc xây dựng các Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho nước nắm.

Theo bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng, sau khi tiến hành hội thảo để góp ý kiến cho bản Dự thảo cuối Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN ) 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm với sự tham gia của đại diện các bên và một số nhà sản xuất nước mắm..., nổi lên một số vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh.

Cụ thể, sau sự cố Asen đối với nước mắm truyền thống, việc rà soát, xây dựng các văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được Thủ tướng chỉ đạo các Bộ có liên quan xây dựng cho sản phẩm nước mắm và cơ sở sản xuất nước mắm đã được ban hành cũng như đang trong quá trình soạn thảo, có nhiều nội dung được quy định chưa bám sát thực tế sản xuất nước mắm, đang cổ súy cho loại nước chấm công nghiệp (NCCN); nguy cơ ngành nước mắm truyền thống (NMTT) không còn đất sống.

Chiều 8.3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) tổ chức buổi họp cung cấp thêm thông tin về dự thảo TCVN-12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

TS Trần Thị Dung “phản biện” bảo vệ NMTT. Ảnh: MH

Một số chuyên gia về nước mắm bị “phớt lờ” không được mời họp, nhưng đã đến dự và có ý kiến cho rằng xu thế xây dựng TCVN, QCVN cho nước mắm và cơ sở sản xuất nước mắm đang thiên về cổ súy cho sự phát triển nước mắm pha chế - nước mắm công nghiệp; tạo rào cản kỹ thuật để triệt tiêu nghề sản xuất nước mắm truyền thống, không làm rõ sự khác biệt giữa quy trình và điều kiện sản xuất nước mắm thật hay còn gọi NMTT và nước mắm pha chế công nghiệp.

TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm của HH Thực phẩm minh bạch, thành viên CLC NMTT (VASEP), nêu rõ: Chúng tôi gọi NMTT là loại nước mắm không cần chất bảo quản gì; chỉ cần có muối bão hòa là nó tự bảo quản, hàm lượng acid amin cao là nước mắm bảo quản.

“Nhưng bây giờ người ta pha loãng nước mắm ra nên buộc họ phải cho chất bảo quản vào. Đấy không còn là nước mắm nữa. Các bạn thử về ăn chả, ăn nem cũng dùng một thìa nước mắm pha với mấy thìa nước lọc, bột ngọt... đấy gọi là nước mắm chấm để phân biệt với nước mắm nguyên chất” TS Trần Thị Dung nêu ý kiến.

“Tại sao tôi dùng từ NMCN? Vì họ có 10 bể, mỗi bể 1.000 lít thì một ngày họ có thể sản xuất được 100.000 lít hoặc hơn. Còn những nhà sản xuất NMTT, cá và muối đem về hàng năm trời, ở miền Bắc phải 1,5-2 năm mới có được nước mắm. Vậy tại sao lại đánh đồng NMTT với NCCN?” - TS Trần Thị Dung bức xúc nói thêm.

Thay mặt các DN và các HH, TS Trần Thị Dung nêu ý kiến đề nghị hãy trả lại tên NMTT cho họ (các DN, HH NMTT-PV) đứng riêng một mình, không nhập nhằng lẫn lộn, bị đánh tráo khái niệm giữa NMTT và NCCN.

TS Trần Thị Dung cũng yêu cầu: Xung quanh vấn đề nước mắm bị pha loãng, tạo chất bảo quản, tạo màu, tạo hương… chắc chắn là không phải NMTT mà là NCCN. Do vậy, Ban soạn thảo cần ban hành quy định nếu chưa có văn bản nào quy định riêng giữa 2 loại nước mắm này.

KHÁNH VŨ





No comments:

Post a Comment

View My Stats