Wednesday, 6 March 2019

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SANDY CAY ĐỐI VỚI THỊ TỨ & ĐÁ XU BI (Đặng Duân)





Thời gian qua, Trung Quốc bị cho là có những nỗ lực hòng kiểm soát các bãi cát nằm gần đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.

Những thông tin về việc Trung Quốc dòm ngó các bãi cát này đã châm ngòi cho nhiều tin đồn, tin giả về việc “Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Thị Tứ”. Để góp phần gạn lọc thông tin và ngõ hầu có thể dựa vào đó dự báo các bước đi của Trung Quốc ở Trường Sa, xin phép được phân tích về ý nghĩa pháp lý của các bãi cát này, mà nổi bật nhất trong đó là Sandy Cay.

Sandy Cay (khác với Sand Cay là đảo Sơn Ca mà Việt Nam kiểm soát) là bãi cát nằm trên các rạn san hô ở phía tây đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm giữ. Điểm đáng chú ý và cũng là lý do khiến nó có ý nghĩa về mặt pháp lý là nó nằm cách Đá Xu Bi mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp đảo nhân đạo chưa đến 12 hải lý.

Trong phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực ở The Hague về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào tháng 7 năm 2016, tòa kết luận Đá Xu Bi là bãi cạn lúc nổi lúc chìm (low-tide elevation), vì vậy không có quyền có vùng lãnh hải 12 hải lý quanh đảo này.

Nằm cách Xu Bi hơn 12 hải lý một chút là đảo Thị Tứ, được tòa xác định là đá, tức có lãnh hải 12 hải lý. (Lưu ý tòa không xem xét vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nghĩa là không phân định các thực thể này là thuộc sở hữu của ai, mà chủ yếu chỉ kết luận quy chế pháp lý của chúng).

Tuy nhiên, tòa chỉ ra sự phức tạp là Sandy Cay nằm cách Đá Xu Bi chưa đến 12 hải lý và tòa cũng xác định Sandy Cay là một thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao (high-tide feature). (Ở đây có một chút thú vị là trong tranh biện của mình Philippines lập luận Sandy Cay không tồn tại, nhưng tòa kết luận ngược lại là có một thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao nằm ở phía tây đảo Thị Tứ).

Với quy chế thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao thì Sandy Cay có thể tạo ra vùng lãnh hải (không quan trọng là ai nắm giữ).

Và Điều 13 (1) của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển quy định về bãi cạn lúc chìm lúc nổi: “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải”.

Theo quy định này thì vì Đá Xu Bi nằm cách Sandy Cay chưa đến 12 hải lý nên Xu Bi sẽ được dùng làm điểm cơ sở để tính lãnh hải của Sandy Cay. (Tức là từ Đá Xu Bi có thể mở ra thêm 12 hải lý lãnh hải nữa cho ai thực thi chủ quyền hợp pháp ở Sandy Cay).

Chính vì dzích dzắc từ Sandy Cay này mà Mỹ mỗi khi tiến hành chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Đá Xu Bi đều phải áp dụng chế độ qua lại vô hại (innocent passage), chứ không áp dụng tự do biển cả (high sea freedom) như khi tiến đến gần Đá Vành Khăn.

Nghĩa là Mỹ thừa nhận có một vùng lãnh hải của ai đó ở khoảng cách 12 hải lý so với Đá Xu Bi nên Mỹ vẫn tôn trọng, còn chuyện của ai thì Mỹ giữ trung lập nên không quan tâm.

Chính vì Xu Bi bị tòa phán quyết không có lãnh hải (ở đây chúng ta giả định trường hợp Trung Quốc một ngày nào đó sẽ phải quay trở lại với thế giới văn minh, dựa vào phán quyết của PCA và luật Biển để định nghĩa các vùng biển ở Trường Sa), nên để củng cố cái gọi là vùng lãnh hải ở Đá Xu Bi, Trung Quốc cần kiểm soát Sandy Cay, để sau này tính lãnh hải ở Xu Bi.

Việc tàu Trung Quốc cố gắng kiểm soát Sandy Cay từng được Philippines ghi nhận từ tháng 8.2017, khi hai tàu hộ vệ, một tàu tuần duyên và một số tàu dân binh giả dạng tàu cá xuất hiện tại khu vực.

Tìm cách khống chế Sandy Cay phù hợp với chiến lược của Trung Quốc là đi từng bước khiêu khích nhỏ nhưng không đủ để tạo xung đột.

Việc tấn công chiếm đảo Thị Tứ là một bước theo thang dữ dội có nguy cơ tạo xung đột trực tiếp và kéo theo cả đồng minh hiệp ước của Philippines là Mỹ vào nên khó có khả năng Trung Quốc thực hiện bước đi này trong tương lai gần.

Tóm lại, Sandy Cay mới là mục tiêu trước mắt của Trung Quốc chứ không phải đảo Thị Tứ.
Những bài báo nước ngoài khi đề cập đến câu chuyện này có sự nhập nhằng giữa Sandy Cay và Thị Tứ, cộng với cách giật tít khiến nảy sinh câu chuyện “Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Thị Tứ” hôm 5.3.

Còn vì sao báo chí Philippines và một số quan chức cấp địa phương nhắc lại và nhấn mạnh đến diễn biến xung quanh Sandy Cay trong những ngày qua dù việc này đã xảy ra lâu nay? Có thể lý do là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây công khai khẳng định hiệp ước đồng minh giữa Mỹ và Philippines năm 1951 áp dụng cho tàu bè và máy bay Philippines ở khu vực Biển Đông. (Điều này trước đây Mỹ từng kín đáo cam kết với giới chức Philippines nhưng chưa chịu công khai khẳng định).

Với sự cam kết công khai của Mỹ, báo chí và các quan chức địa phương ở Philippines có thể muốn chính quyền của Tổng thống Duterte có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngư dân của họ trước những hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc ở Sandy Cay.

Lý do là nếu Philippines điều tàu chiến hay tàu công vụ xuất hiện ở khu vực Sandy Cay thì chí ít cũng đã được Mỹ cam kết “bảo kê”, khác với sự yếu thế như thời xảy ra vụ khủng hoảng ở bãi cạn Scarborough năm 2012.

Những phân tích trên là đứng dưới góc độ pháp lý và thực tế, nên xin không phán xét về chuyện tại sao không đề cập chủ quyền của Việt Nam ở đó. Tóm lại, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!





No comments:

Post a Comment

View My Stats