Thursday, 7 March 2019

NGƯỜI ALGERIA : 20 NĂM LÀ QUÁ ĐỦ! (Y Chan - Luật Khoa)





07/03/2019

Nếu có giải thưởng Nobel nào cho nhà lãnh đạo “cống hiến” nhất trong thế kỷ 21 thì Abdelaziz Bouteflika, tổng thống suốt 20 năm qua của Algeria, hẳn phải là một trong những ứng viên sáng giá.

Nắm quyền điều hành đất nước từ năm 1999, trải qua suốt bốn nhiệm kỳ, vị tổng thống 82 tuổi Bouteflika vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Vào ngày Chủ nhật 3/3/2019 vừa qua, ông chính thức ghi danh ứng cử cho chức tổng thống Algeria, nhắm đến nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 5. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/4 sắp tới.

Có điều đó (sẽ) là một chiến dịch tranh cử kỳ lạ nhất thế giới, khi bản thân ứng viên không xuất hiện, không tổ chức bất kỳ cuộc họp báo nào, thậm chí còn không tự nói ra ý định ứng cử của mình mà phải thông qua người phát ngôn với một bản thông cáo viết sẵn.

Đó là vì từ năm 2013, sau cơn đột quỵ, Bouteflika đã phải ngồi xe lăn và gần như không còn xuất hiện trước công chúng. Tất cả những quyết định điều hành đất nước của ông đều được phát đi thông qua “nhóm điều hành”, trong đó bao gồm em trai của ông, Said Bouteflika, và vị tướng nắm quyền chỉ huy toàn bộ quân đội, Ahmed Gaïd-Salah.

Tổng thống 82 tuổi của Algeria, Abdelaziz Bouteflika, vẫn quyết tâm tiếp tục bám ghế. Ảnh: Sputniknews

Đây cũng sẽ không phải lần đầu tiên Bouteflika tranh cử (và được dự đoán lại dễ dàng giành chiến thắng) mà không cần thân chinh xuất hiện. Trước đó, vào năm 2014, do hậu quả của cơn đột quỵ, ông đã không còn có mặt trong bất kỳ cuộc vận động tiếp xúc cử tri nào. Nhưng cuối cùng, Bouteflika vẫn lại trở thành tổng thống. Khi đó, người ta đã chỉ tay vào ông trùm tình báo của Algeria, Mohamed Mediène, người bị cho là nắm giữ bí mật của các ứng cử viên, cáo buộc ông này tội thao túng thông tin và tác động đến kết quả bầu cử.

Thêm vào đó, báo chí Algeria thường xuyên bị kiểm duyệt; nhiều phóng viên, blogger bị đàn áp, bắt giữ. Algeria không được xem là quốc gia có tự do báo chí (trong năm 2018, Algeria xếp hàng 136/180 quốc gia về tự do báo chí – Việt Nam trong khi đó xếp hạng 175/180).

Với chế độ chăm sóc “kỹ lưỡng” như vậy, việc “băng quyền lực” (Le Pouvoir – The Power, cách người Algeria hay gọi các lãnh đạo nước mình) làm mưa làm gió trong các cuộc bầu cử “tự do” là điều dễ thấy trước.

Năng lực tự đá bóng tự thổi còi của “băng quyền lực” còn thể hiện ở việc họ có thể dễ dàng sửa đổi Hiến pháp, khi đưa ra quyết định phá bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2008 và đặt Abdelaziz Bouteflika ngồi vào ngai vàng đến cuối đời.

Những hành động trên của chính quyền Algeria gặp khá ít sự phản kháng từ dân chúng. Một phần nguyên nhân chính nằm ở suy nghĩ của nhiều người, cho rằng “sự ổn định” đang có là lựa chọn duy nhất. Bất kỳ lựa chọn nào khác đều sẽ đẩy đất nước quay trở lại cảnh nồi da nấu thịt  trước kia.

Là quốc gia rộng lớn nhất châu Phi, và là đất nước lớn thứ mười trên thế giới, lại nằm ở một trong những cái nôi đầu tiên của nhân loại, Algeria có một lịch sử cực kỳ sinh động. Các chỉ dấu của những họ người (hominid) đầu tiên được khám phá tại đây có niên đại 200.000 năm trước công nguyên. Algeria trải qua rất nhiều biến động, từ các bộ tộc bản địa đến đế quốc La Mã, đế chế Byzantine đến các triều đại Hồi giáo, rồi tới người Tây Ban Nha qua đế chế Ottoman và sau đó là người Pháp đô hộ, để cuối cùng giành độc lập vào năm 1962.

Dù cách xa về mặt địa lý, lịch sử hiện đại của Algeria có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Cùng là thuộc địa của Pháp, cùng giành độc lập sau Thế chiến II (nhiều người Algeria còn nhìn nhận chiến thắng của Việt Nam trước thực dân Pháp vào năm 1954 đã truyền cảm hứng cho họ), đều áp dụng mô hình kinh tế tập trung bao cấp nhiều thập niên sau độc lập, đều trải qua nội chiến, và đều có một nhóm người thâu tóm quyền lực cai trị đất nước trong thời gian dài, cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, một điểm tương đồng quan trọng khác nằm trong suy nghĩ của đa số người dân hai nước, đó là né tránh các vấn đề về chính trị, cắn răng chấp nhận một thể chế “ổn định” cho dù nó nồng nặc mùi bất công phi lý.

Nhưng đó là người Algeria của hai tuần trước.

Sau khi chính quyền thông báo vị tổng thống kiên trung 82 tuổi, người nhiều năm qua gần như ở ẩn không tiếp ai, vẫn sẽ tiếp tục ra tranh cử, vào ngày 22/2/2019, hàng chục nghìn người trên khắp các thành phố lớn ở Algeria bắt đầu đổ ra đường biểu tình phản đối.

Một người biểu tình giương biểu ngữ "Chúng tôi cần một chính quyền, chứ không phải một tên mafia. Trò chơi kết thúc rồi!" trong cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika hôm 5/3/2019. Ảnh: Billal Bensalem/NurPhoto via Getty Images

Đó là diễn biến không ai thấy trước. Sau “Mùa xuân Ả Rập” vào năm 2011, khi làn sóng biểu tình phản đối các chính phủ độc tài chuyên chế ở các nước Hồi giáo lan rộng, chính quyền Algeria đã rất cẩn trọng ngăn chặn các cơ hội tụ tập biểu tình của người dân. “Băng quyền lực” không lường được phản ứng mạnh như vậy từ phía dân chúng vì họ nghĩ mình đã thành công trong việc bịt miệng dân suốt nhiều thập niên qua. Chính bản thân người dân cũng không tưởng tượng được có nhiều người đồng loạt cất lên tiếng nói đến vậy.

Kể từ năm 1988, khi người dân biểu tình phản đối chế độ độc tài chuyên chế vào thời điểm đó, chưa hề diễn ra cuộc biểu tình nào lớn như các đợt xuống đường từ cuối tháng 2/2019. Và nó vẫn đang tiếp diễn sang đến tuần thứ ba.

Vậy lý do gì khiến người dân Algeria bỗng nhiên cất tiếng?

Sự thật là, nó không phải “bỗng nhiên”.

Một người biểu tình Algeria cầm khẩu hiệu “Gật đầu với Tự do, nói không với Áp bức”. Ảnh: Reuters

Người Algeria không mù. Họ không phải là những con cừu. Họ cũng không ngu ngơ đến mức không nhận ra “băng quyền lực” đã thao túng đất nước như thế nào suốt bấy lâu.

Sau lần tái đắc cử có một không hai của Abdelaziz Bouteflika vào năm 2014 (thắng cử mà không cần phải xuất đầu lộ diện), người Algeria đã bắt đầu không chịu ngoan ngoãn ngồi im. Họ tố cáo “băng quyền lực” đã dùng Bouteflika làm bình phong, thực chất để cùng nhau làm lũng đoạn đất nước, đưa ra các quyết định có lợi cho phe nhóm của mình.

Người dân vẫn còn tôn trọng Abdelaziz Bouteflika, một cựu quân nhân từng tham gia chống Pháp giành độc lập. Họ vẫn ghi nhận công lao của ông đã giúp hòa giải, chấm dứt cuộc nội chiến suốt hơn 10 năm từ 1991 đến 2002, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người. Nhưng họ cũng đồng thời chỉ ra sự phi lý cùng cực khi một đất nước có hơn 70% dân số dưới 40 tuổi lại “hết người làm lãnh đạo”, phải nhờ đến một ông già bệnh tật – theo nghĩa đen hoàn toàn – cùng với phe cánh của mình lên nắm lấy quyền lực tối thượng và đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh của hàng chục triệu người.

“Chúng tôi muốn thay đổi!”, họ tuyên bố.

Người Algeria giờ đây tin rằng “thay đổi” hoàn toàn không đồng nghĩa với “bất ổn”, thứ luận điệu mà chính quyền đã luôn muốn họ nghe theo suốt vài chục năm qua. Họ biết rằng mình vừa có quyền lựa chọn một thứ tốt đẹp hơn, vừa có thể giữ được hòa bình ổn định của đất nước.

Vào Chủ nhật vừa rồi, khi chính thức nộp hồ sơ ứng cử lần thứ năm, tổng thống Bouteflika, thông qua người phát ngôn (ông vẫn không xuất hiện được để nói chuyện với ai), đã có vẻ “nhân nhượng”: nếu đắc cử, ông hứa sẽ “chỉ” làm thêm một năm nữa thôi, sau đó sẽ tổ chức tiến hành cải tổ đất nước, nhằm “chuyển giao trong hòa bình”.

“Hồi trước ông ấy đã nói láo khi bảo nhiệm kỳ thứ tư là lần cuối. Giờ ai tin nổi nữa?”, Amina, một người Algeria 30 tuổi, lắc đầu không tin lời hứa (hão huyền) từ người lãnh đạo đáng kính của đất nước.

Còn Abderahman, một sinh viên 21 tuổi, cương quyết “thêm một giây cũng không!”.
Nhiều người tự hỏi vì sao thay đổi không đến sớm hơn, ngay từ lúc phong trào biểu tình lan rộng khắp các nước Ả Rập vào năm 2011?

Đó là vì vào thời điểm đó, chính quyền Algeria có nhiều tiền. Tổng thống Bouteflika, khi đó vẫn còn xuất hiện nói chuyện được trước công chúng, đã khôn ngoan dùng số tiền có được từ việc bán tài nguyên để chia lại một phần cho người dân, bằng cách đưa ra các gói trợ cấp cho vay, xây dựng các dự án nhà ở giá rẻ, trợ giá thực phẩm, và đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng.

Với những ai tin vào “lời nguyền tài nguyên”, Algeria sẽ là một ví dụ sinh động, bên cạnh một Venezuela ồn ào suốt nhiều tháng qua.

Algeria có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 16 thế giới (lớn thứ 2 ở châu Phi), cùng trữ lượng khí gas lớn thứ 10 thế giới (là nhà xuất khẩu khí gas lớn thứ 6 trên thế giới). Xuất khẩu dầu khí chiếm 95% tổng doanh thu xuất khẩu cả nước, chiếm 60% nguồn thu trong ngân sách, và khoảng 30% GDP quốc gia.

Khi các tài nguyên được giá, ngân khố nhét đầy, chính quyền có đủ tiền chi ra giúp “hạ hỏa” người dân, che đậy các vấn đề về tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm nhân quyền, bất bình đẳng, v.v.

Trong khi đó, các cường quốc phương Tây, bao gồm châu Âu và Mỹ, vốn hưởng lợi từ những mặt hàng dầu khí xuất khẩu của Algeria, không có nhu cầu lên tiếng về thể chế của đất nước Bắc Phi này. (Có nguồn tin cho rằng chính quyền Pháp đã gật đầu ủng hộ Bouteflika ứng cử lần thứ năm vì cho rằng “không có lựa chọn nào tốt hơn” – thêm một dẫn chứng cho thấy nhiều “nước lớn” sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước những thể chế độc tài, gây bất công oán hận cho người dân, miễn là thể chế đó đem lại lợi ích cho họ.)

Vài năm trước, khi giá dầu bắt đầu tụt dốc, chính quyền Algeria không còn đủ tiền để có thể tiếp tục bôi trơn, xoa dịu người dân. Nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu tài nguyên càng thêm phần què quặt. Tỉ lệ thất nghiệp lên tới 30% ở những người dưới 30 tuổi.

Giọt nước tràn ly xuất hiện khi bất chấp tất cả những vấn đề của đất nước, “băng quyền lực” vẫn trơ trẽn xem thường dư luận, dùng một ông già 82 tuổi ngồi xe lăn, không gặp công chúng suốt nhiều năm, làm bùa hộ mệnh quyết tâm tiếp tục dắt mũi người Algeria.

Tức nước vỡ bờ, hàng chục ngàn học sinh sinh viên, giáo viên, luật sư, những người trẻ tuổi, những cựu binh lớn tuổi, và cả phóng viên, những người xưa nay bị kiểm duyệt không được phép đưa bất kỳ tin tức gì trái ý chính quyền, giận dữ lên tiếng.

“Không có nhiệm kỳ thứ 5 nào nữa cả!”, “FLN biến đi!”, họ đổ ra đường.

“Mơ à, ngủ tiếp đi!”, Mouad Bouchareb, chủ tịch đảng cầm quyền FLN, thản nhiên đáp lại.
Có thể một vài người Algeria vẫn đang nằm mơ. Nhưng chắc chắn những ai đã tỉnh giấc cất lên tiếng nói của mình sẽ không nằm trong số đó.

Chính những kẻ cai trị đè đầu cưỡi cổ người dân mới đang ôm giấc mộng thiên thu.

Còn với những người đã thức tỉnh, “20 năm là quá đủ!”





No comments:

Post a Comment

View My Stats