Monday, 11 March 2019

LÀM GÌ, KHI HỌ “ÁC QUÁ ĐÁNG” VÀ KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG? (Vũ Kim Hạnh)





Sau stt về Thanh Thùy, con nhà chị Tịnh, Thanh Quốc, thấy mọi người share nhanh quá, tôi bỗng ái ngại là cô gái trẻ này sẽ lo âu. Tôi nhắn tin hỏi Thùy để trấn an. Thùy nói. Dạ bạn bè thân của con ngoài này (Phú Quốc) cũng hỏi, mầy có lo là Masan nó triệt Thanh Quốc chết không đó? Con không lo đâu cô. Vì quá thương má con cứ lận đận cả đời với mấy thùng nước mắm mà con về chôn chân ở đây. Họ đánh mấy trận lao đao quen rồi. Nhưng lần này có bàn tay nhà nước nữa. Con ức đến chết đi được là sao nhà nước không bênh vực người làm ăn tử tế mà còn tiếp tay cho họ. Nếu không có cô Hồng Minh, chú Thành, cô Dung...với các cô chú Hội nước mắm mấy tỉnh, thì họ cứ ban hành cái quy phạm đó, rồi tới quy chuẩn là xúm nhau chết hết trong câm lặng. Con sợ là sợ vậy đó cô. Họ giàu quá rồi mà, bao nhiêu họ mới vừa lòng?”

Tôi có gửi cho Thùy hình tôi chụp báo Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật đăng lại trang 1, bài lớn, tôi viết về Thùy. An tâm Thùy ơi. Không phải báo nào, cơ quan nhà nước nào cũng bị họ mua. 

Nhưng tôi biết, Thùy không an tâm. Mà tôi cũng không an tâm. Vì sau cái quy phạm trời ơi này sẽ là gì nữa, xem ra quyết tâm của họ đâu có điểm dừng?

Tôi vừa đọc lại bài báo viết về xếp hạng mới cũa Bloomberg. “95% gia đình VN xài sản phẩm của Masan”. Kết quả này bị “make up” lên bao nhiêu? Tôi biết và thân với Kantar. Tôi nghi ngờ cách lấy mẫu. Tài sản ông Quang giờ tới hơn 1,2 tỷ USD rồi, cần gì một kết quả điều tra minh họa?.

Gọi ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan là ông “trùm nước mắm” cũng đúngl với thị phần áp đảo, có lẽ gần 80%. Nhưng từ 10 năm trước, sự kiện hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước tương TP này bị tiêu diệt đã ghi trong “lịch sử doanh thương Sai Gòn” qua vụ 3 MCPD. Họ chết hết rồi và 10 năm qua ông không ngừng giàu lên. Gần 3000 doanh nghiệp làm nước mắm , hơn 10 làng nghề đang tiếp tục rụi tàn dần với những arsenic, histamine, và...hình như không có điểm dừng? 

Tôi nhớ, nhiều năm trước, tôi đã khuyên các doanh nghiệp thực phẩm HVNCLC học cách xây dựng mạng lưới phân phối của Masan bằng xây dựng đội ngũ và mạng lưới với bản đồ phân phối và tăng độ đi sâu bao phủ. Đó là cách mà Unilever và Vinamilk cũng làm và cũng thành công vang dội. Nhưng người ta cạnh tranh bằng chính sức lực chứ không đi giết đối thủ. Nhất là giết một bảo vật quốc hồn quốc túy là nước mắm truyền thống.

Ai là người VN mà trong máu không từng có nước mắm? Tưởng tượng 2 chữ nước mắm trong Larousse giờ phải thay bằng “Nước mắm hóa chất” thì còn gì đau hơn cho VN?

Bạn phải ngồi nghe những chủ nhà thùng Phú Quốc nói. Nghe nói, ai thua thì phải bán nguyên liệu cho họ. Nhưng ở Phú Quốc không có ai làm vậy (?). Họ bỏ nghề, làm nông kiếm sống. Nhưng Nha Trang thì khác. Mấy anh bạn tôi làm nước mắm ở Nha Trang nói, muốn sống đành phải làm nhà cung cấp nguyên liệu cho họ. Họ quảng cáo dữ quá, bán giá rẻ quá mà làm mạng lưới cũng rộng quá nên chiếm hết thị trường. Tụi tôi đành đi bán nguyên liệu cho họ. Biết là đưa dao cho họ đâm vào cổ mình mà vẫn phải làm để sống.

Tôi hết sức cảm thông tình cảnh này, ngay cả DN có thương hiệu nức tiếng trăm năm. Từ cuộc đấu tranh chống chiến dịch vu khống Arsenic 2 năm trước, một DN có tiếng trong nghề nước mắm, lúc ấy là thành viên ban chấp hành cũ của Hội DN.HVNCLC luôn im lặng, né tránh mọi cuộc họp ban chấp hành ủng hộ nước mắm truyền thống. Giờ đây doanh nghiệp này cũng thành nhà “biện minh” cho họ, rằng “phải cần công nghệ pha chế để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng” 

Thì anh cứ pha chế những hóa chất được phép. Miễn anh đừng tìm mọi cách xóa nhòa ranh giới giữa anh và nước mắm truyền thống, đừng tìm cách giết người ta để độc chiếm thị trường, đừng muốn mở bảo tàng nước mắm ở PQ và viết lại định nghĩa từ ngàn năm trước. Và nhất là đừng phá tan một lực lượng người Việt bao năm nay sống bằng cái nghề gia truyền quá cực khổ này.

Nhiều người hỏi, sao không lập Hiệp hội những nhà sản xuất nước mắm để có tiếng nói chung? Hỏi đúng quá và cũng đã có người biết cách phá tan cái ý định lập Hội này. Họ biết xài qui định về lập Hội với sự áp dụng rất lạnh lùng vô tư của Bộ Nội Vụ, cơ quan chức năng cao nhất. Ban vận động thành lập HỘi nước mắm truyền thông nộp đơn, họ cũng nộp đơn. Theo luật có đơn vị xin lập “trùng” thì phải “thương lượng”. Bộ bảo thương lượng đi và thế là cái tên “nước mắm truyền thống” được yêu cầu bỏ. Dằng dai tới giờ, chừng nào mới có hội?

Chuyện làm dự thảo Quy phạm thực hành giờ mới thấy thiệt hề. Họp báo về nước mắm mà cấm cửa chuyên gia và các Hội nước mắm, chỉ có các nhà an toàn thực phẩm. Viết quy phạm mà không hề biết gì về thực tế quy trình sản xuất đã bao nhiêu đời. Nhà thùng mà phải đựng nước mắm trong đồ đựng màu sáng ? Nguyên liệu là cá biển mà phải kiểm thuốc thú ý và thuốc bảo vệ thực vật? Lo ngại cách làm nước mắm mất vệ sinh phải dạy quy phạm thực hành, vậy giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tất cả địa phương cấp anh chà hết dưới chân?... Mà anh chắc biết bây giờ ai nấy đều đang làm tiêu chuẩn HACCP và nhiều thứ tiêu chuẩn của các nước mới cạnh tranh quốc tế được, vậy cứ cố làm những quy phạm, quy chuẩn này làm gì? 

Ông Trần Đáng lại cao giọng là “Đừng phân biệt nước mắm truyền thông với NM công nghiệp mà MẤT ĐOÀN KẾT” trong ngành này. Anh bóp cổ người ta, cấm kêu, vì kêu vậy thiên hạ thấy là mất đoàn kết, nạn nhân cứ câm lặng chết hẵn đi là ... không mất đoàn kết nhé. Thật là “Ác quá đáng”

Còn với điểm tựa tưởng như khoa học là tiêu chuẩn cho nước mắm Codex. Tiêu chuẩn này do các nhà “khoa học VN cùng Thái Lan xây dựng” mà Thái Lan thì không có làm nước mắm truyền thống kiểu VN. Họ chỉ làm nước mắm công nghiệp. Dễ hiểu khi có nhiều thứ tiêu chuẩn, anh phớt lờ mà Codex thì anh nhấn mạnh: vì nó có lợi cho nước mắm công nghiệp. Với Thái Lan, tôi nhớ, có món nợ “Nước mắm Phú Quốc Thái Lan” tràn khắp thế giới cũng sẽ đến lúc phải đòi. Anh giỏi thì đi mà đòi lại đi, cả nước biết ơn anh, chứ giết gần 3000 nhà SX nghèo trong nước thì có gì là vinh quang mà đăng quang?


-------------------------


Phụ Nữ Online
14:17 10/03/2019

Chúng ta đang chứng kiến những con cá mập khổng lồ muốn nuốt chửng những con cá cơm nhỏ bé, để thâu tóm miếng bánh thị trường nước mắm Việt.




Ngành nghề sản xuất nước mắm truyền thống nuôi sống hàng triệu ngư dân và nhiều làng nghề sản xuất nước mắm. Thương hiệu nước mắm Việt Nam nổi tiếng trên thị trường thế giới đến độ người Thái cũng phải nhái nước mắm Việt Nam.

Bất kỳ mặt hàng thủ công nào chi phí sản xuất cũng cao hơn nhiều so với hàng công nghiệp, nên giá thành không thể nào cạnh tranh với hàng sản xuất đại trà. Từ chiếc điện thoại Vertu, chiếc túi da Hermes cho đến lọ nước mắm, không có ngoại lệ.

Nước chấm công nghiệp không thể tạo ra sự khác biệt bền vững vì nó không có yếu tố gì đặc trưng Việt Nam. Sản xuất theo công thức thì ở đâu người ta cũng làm được chứ không cứ gì phải Việt Nam.

Điều này sẽ dẫn đến cái chết của ngành nước mắm truyền thống. Thay vào con cá, là hỗn hợp hóa chất bao gồm nhiều loại bột ngọt và hương liệu mùi cá với giá thành sản phẩm rất thấp.

Người Việt ăn nước mắm truyền thống từ bao đời nay. Chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục để nói rằng nước mắm truyền thống gây hại cho sức khỏe. Nước mắm công nghiệp chỉ có mặt ở một số quốc gia qua trò chơi marketing và chiêu trò ngôn từ để đánh lừa người tiêu dùng.

Với một thành phần nhiều bột ngọt và chất điều vị như công thức làm nước mắm công nghiệp, người tiêu dùng ở các nước phát triển không ai muốn đụng đến. Nước mắm ngon phải là nước mắm làm từ cá.

Từ “nước mắm ngon bằng cá nguyên chất với độ đạm cao” biến thành “nước mắm ngon phải là nước chấm an toàn và rất thơm mùi cá”, những người làm nước mắm công nghiệp đang cố tái định nghĩa lại sản phẩm nước mắm trên thị trường bằng ngôn ngữ và trò chơi marketing.

Chiến lược đánh tráo này thì thường chỉ "cá mập" mới có thể làm được, vì đòi hỏi đầu tư lớn về mặt truyền thông, để thay đổi cảm nhận của người tiêu dùng về một sản phẩm hay dịch vụ.

Chúng ta đang chứng kiến những con cá mập khổng lồ muốn nuốt chửng những con cá cơm nhỏ bé, để thâu tóm miếng bánh thị trường nước mắm Việt.

Phạm Sông Thu





No comments:

Post a Comment

View My Stats