Thursday, 21 March 2019

'HUẾ - TRIỀU NGUYỄN MỘT CÁI NHÌN' QUA SÁCH CỦA TRẦN ĐỨC ANH SƠN (tổng hợp)




Huỳnh Trọng Khang
Thứ bảy, 16/3/2019, 12:04 (GMT+7)

Một hoàng cung xứ Huế hứng chịu bao nhiêu biến động thăng trầm được ghi lại như những câu chuyện còn nhiều bí ẩn.

Sinh trưởng ở Huế, từng bảy năm làm giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Trần Đức Anh Sơn có nhiều công trình và bài viết về cố đô để thỏa tình yêu với mảnh đất quê hương này, sách Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn là một trong số đó.

Sách tập hợp nhiều bài viết của tác giả rải rác trong các năm qua, với hai phần:Huế - di sản văn hóa và Triều Nguyễn những vấn đề lịch sử. Với cấu trúc này, tác giả Trần Đức Anh Sơn dẫn dắt người đọc qua những nơi chốn của cố đô, qua những di sản đền đài lăng tẩm, thậm chí như người hướng dẫn viên tận tâm chỉ rõ cho du khách về tính dân gian trong các trang trí thời Nguyễn, về kiến trúc độc đáo của lăng Khải Định...

Bìa sách "Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn.

Dưới góc nhìn của Trần Đức Anh Sơn, Huế là một vùng đất không chỉ mang dáng vẻ cổ kính, yên bình bên bờ sông Hương mà là thành phố đang "sống" trong một phối cảnh có một hệ sinh thái riêng... Nhiều điều tự nhiên đó có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành một đặc trưng văn hóa đóng vai trò không nhỏ đối với quyết định chọn kinh đô của chúa Nguyễn thời đó. Huế - thành phố dưới bóng núi Ngự - không chỉ lặng lẽ nhìn dòng Hương trôi qua mà dự phần vào lịch sử như một chứng nhân cho hai thế kỷ cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam.

Mối tương quan đó định hình cho tính cách của những người con Huế, trong đó có các vua triều Nguyễn, nghĩa là cũng liên đới đến những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước. Trên cái nền phong thổ ấy, một hoàng cung hiện lên hứng chịu bao nhiêu biến động thăng trầm được ghi lại trong sử sách nhưng cũng có những câu chuyện mãi chỉ là bí ẩn, trở thành giai thoại lưu truyền trong dân gian.

Trong phần hai của cuốn sách: Triều Nguyễn một góc nhìn, tác giả Trần Đức Anh Sơn đặt trong tâm vào triều Nguyễn. Chính tại cố đô, năm 1806, vua Gia Long hướng tầm nhìn về phía biển Đông xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Trần Đức Anh Sơn đã dẫn lại các tài liệu bằng tiếng Pháp, Italy, Đức được viết thời bấy giờ để một lần nữa khẳng định lần nữa sự công nhận của quốc tế: Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam mà trong một tài liệu họ đã nhấn mạnh sự kiện năm 1816 khi vua Gia Long cho cắm cờ khẳng định chủ quyền ở đây.

Sự hiện diện của hoàng tộc ở Huế sâu đậm đến mức hiện diện trong ca dao lưu truyền trong dân gian. Những câu ca dao ghi nhận những sự kiện diễn ra lúc bây giờ cũng như phản ánh phần nào cái nhìn phán xét của nhân dân với các vị vua triều Nguyễn. Dù ngày nay vua không còn nữa, những di sản họ để lại đã đi xa cái mục đích ban đầu là phục vụ cũng như thể hiện uy quyền của bậc quân vương mà đã trở thành những di sản văn hóa, thuộc về toàn dân, trở thành niềm tự hào của cư dân xứ Huế.

Du khách hôm nay, khi dạo quanh hoàng cung, nhìn những món đồ, cảnh vật tĩnh tại như bấp chấp thời gian, như thể chôn vùi bao nhiêu câu chuyện. Những bức tường thành ở cố đô biết đâu còn những lời thầm thì về lịch sử một thời. Cái giai đoạn "tứ nguyệt tam vương" (bốn tháng, ba vua) biết bao rối ren khi mà thân phận một ông vua cũng chỉ như quân cờ. Những vụ tranh quyền đoạt vị, thậm chí những nghi án động trời như chuyện "vua Tự Đức thật ra là con ai?"... Những tồn nghi ấy dù có đưa ra những kiến giải nghe hết sức hữu lý thế nào vẫn khó lòng minh định.

Huỳnh Trọng Khang

-------------------------------------------

13/09/2018 08:33 

Đa chiều để đặt Huế và Triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của đất nước. Nhưng đồng thời lại nhất quán trong tâm thế người nghiên cứu: tâm thế cởi mở và thẳng thắn trình bày suy nghĩ, nhận định, cởi mở tiếp nhận trao đổi với ý kiến đồng thuận hay trái chiều, cởi mở về sự đánh giá tư liệu điền dã hay sử liệu mới phát hiện...

Hình bìa sách “Huế  -  Triều Nguyễn - Một Cái Nhìn”

Vài năm gần đây một hiện tượng tích cực xuất hiện và ngày càng phát triển trong thị trường sách, đó là sách nghiên cứu, khảo cứu về lịch sử - văn hóa ngày càng nhiều về số lượng và chủ đề, từ các nhà xuất bản và các công ty sách… Những tác giả cả trong và ngoài nước, đủ các lứa tuổi, “hàn lâm” và “không chính thống” đã mang lại nhiều thông tin, tư liệu và nhận thức mới cho độc giả là người nghiên cứu hay người yêu thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa.

Trần Đức Anh Sơn hiện diện trong hiện tượng này với một nét riêng! Là một nhà nghiên cứu thuộc thế hệ lớn lên sau 1975 và trưởng thành trong nghiên cứu khoa học từ sau Đổi mới 1986. Bối cảnh xã hội thời “mở cửa” về kinh tế nhưng chưa thật sự “mở” về học thuật cũng đã giúp cho thế hệ này tiếp nhận “truyền thống nghiên cứu” lịch sử - văn hóa với một tâm thức mới. Có thể nhận thấy điều này ở Trần Đức Anh Sơn. Anh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu phong phú về đề tài, đa dạng về cách tiếp cận và khá gần gũi với người đọc bởi cách diễn đạt chính xác, khoa học nhưng giản dị và nhiều khi hóm hỉnh. 

Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn là một tác phẩm như vậy. Cuốn sách gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực, phân chia thành hai chủ đề Huế - di sản văn hóa (35 bài) và Triều Nguyễn – những vấn đề lịch sử (12 bài). So với lần tái bản thứ hai thì lần này tác giả đã bổ sung thêm 15 bài cho cả hai chủ đề, kể cả những bài tác giả gọi là “phụ lục” thì tính khoa học và thông tin mới cũng không kém những bài chính. 

Đọc kỹ các bài thì có thể nhận ra cách phân chia thành hai chủ đề như trên cũng chỉ là “tạm chia”, bởi, văn hóa và lịch sử đâu thể nào tách bạch rạch ròi? Có sự kiện, nhân vật hay quá trình lịch sử nào có thể đứng ngoài và không chịu ảnh hưởng từ những yếu tố và truyền thống văn hóa một vùng đất, một quốc gia, một thời đại? Và ngược lại, văn hóa một vùng đất, một quốc gia hay của một thời đại thường được phản ánh và nhận diện qua lịch sử, nhất là ở/qua những trường hợp điển hình. 

Sự đa chiều chính là điều thú vị của cuốn sách nói chung và từng bài nói riêng. Có thể nhận thấy sự đa chiều từ nhìn nhận về sinh thái nhân văn, để tìm hiểu, phân tích, đánh giá lịch sử - sự kiện, để liên kết các yếu tố, thành tố văn hóa. Đa chiều để đặt Huế và Triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của đất nước. Nhưng đồng thời lại nhất quán trong tâm thế người nghiên cứu: tâm thế cởi mở và thẳng thắn trình bày suy nghĩ, nhận định, cởi mở tiếp nhận trao đổi với ý kiến đồng thuận hay trái chiều, cởi mở về sự đánh giá tư liệu điền dã hay sử liệu mới phát hiện... 

Với riêng tôi thì Trần Đức Anh Sơn là một trong số ít học trò của GS Trần Quốc Vượng đã thể hiện được trong các công trình của mình những gì mà Thầy Vượng khởi lập và truyền đạt cho nhiều thế hệ học trò. Chúng tôi tạm gọi đó là “Trường phái Trần Quốc Vượng”: phương pháp liên ngành đặt vấn đề/lĩnh vực trong “mạng /net” để có thể phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Vì nếu chỉ căn cứ vào “chính sử” hay “huyền sử’ ta khó có thể lý giải, hiểu được cặn kẽ những gì đã xảy ra. Nếu không từ góc nhìn văn hóa học (theo nghĩa rộng nhất) thì “lịch sử” còn lại rất ít do tầm nhìn hạn hẹp của người đời sau.Từ đó, việc đặt lại vấn đề với những điều tưởng chừng đã “an bài” trong lịch sử - văn hóa luôn là “thao tác tư duy” cần thiết. Từ một góc nhìn khác, một chiều kích khác, một phương pháp khác… sẽ cho những nhận thức, hiểu biết mới. Không thể có nhận thức mới nếu thao tác tư duy cũ. Ngoài học thuật, nhiều học trò của Thầy Vượng còn học ở Thầy thái độ dấn thân với xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch sử - văn hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động sự bất ổn xã hội… Từ đó đã có tiếng nói cảnh báo, phản biện với cái Tâm của một người trí thức chân chính.

Giữa tôi và Trần Đức Anh Sơn, tuy chênh nhau về tuổi tác, khác nhau về nơi sinh trưởng và lớn lên, nhưng có nhiều điểm chung về nghề nghiệp: cùng học lịch sử, cùng làm công tác bảo tàng, rồi giảng dạy đại học không chỉ về lịch sử, khảo cổ mà còn về văn hóa, du lịch trên nền tảng kiến thức chuyên sâu được đào tạo bài bản và “học hành tử tế” như chúng tôi tự nhận. Và do “số phận” chúng tôi đều phải tạm rời lĩnh vực chuyên môn sâu để đảm nhận công việc liên quan đến văn hóa - xã hội hiện nay. Có lẽ nhờ vậy mà Trần Đức Anh Sơn và tôi, trong nhiều công trình nghiên cứu sau này, tính thực tiễn thể hiện rõ nét hơn, vừa là để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, vừa là “trả lại” cho xã hội những kiến thức khoa học để góp phần nâng cao tri thức cho cộng đồng.

Xin vui mừng và trân trọng giới thiệu với bạn đọc công trình vô cùng thú vị của Trần Đức Anh Sơn: Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn - tái bản lần thứ ba và tôi tin rằng, Trần Đức Anh Sơn sẽ có những công trình tiếp theo về chủ đề này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats