Tuesday, 12 March 2019

BỘ CÔNG AN : PHẠM NHÂN TỰ TỬ VÌ DAY DỨT, DẰN VẶT VỀ HÀNH VI PHẠM TỘI CỦA MÌNH (Trịnh Chu - Luật Khoa)




Trịnh Chu  -  Luật Khoa
12/03/2019

Ngày 11/3, trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đại diện Bộ Công an cho biết, một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”.

Vị đại diện Bộ Công an cũng nêu một nguyên nhân khác dẫn đến tử vong là do phạm nhân mắc phải bệnh tật, đặc biệt là các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.

Thông tin này được đưa ra trong phiên điều trần của nhà nước Việt Nam trước Ủy ban Nhân quyền LHQ trong khuôn khổ báo cáo tình hình thực hiện Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ ba của Việt Nam.

Chết do bệnh lý, tự sát hay tra tấn?

Theo số liệu thống kê được Bộ Công an công bố trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong ba năm (từ năm 2011 – 2014), đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Riêng năm 2018, báo chí cũng ghi nhận ít nhất 11 người chết trong đồn công an. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do tự sát.

Không một lý do chủ quan nào được đưa ra gắn liền với trách nhiệm của Bộ công an.

Điều đáng quan tâm là các cơ quan quản lý các trại giam và cơ quan điều tra đều thuộc Bộ Công an. Bên cạnh đó, cơ quan khám nghiệm pháp y và các y bác sĩ hoạt động trong trại giam cũng là người thuộc bộ này. Cơ chế khép kín của các hoạt động điều tra – giam giữ – khám nghiệm này bị cho là khiến cho việc chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và truy cứu trách nhiệm của người tra tấn trở nên khó khăn hơn.

Số lượng 10 vụ việc liên quan đến tra tấn được xét xử từ năm 2010 đến năm 2015, theo báo cáo của nhà nước Việt Nam, chỉ càng tăng thêm mối lo về tính hiệu quả trong khả năng phát giác và xử lý hành vi tra tấn liên quan đến công an.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các chuyên gia nhân quyền LHQ về phòng chống tra tấn nhiều lần bày tỏ mong muốn đến các cơ sở giam giữ ở Việt Nam để thị sát, điều tra tình hình nhưng đến nay vẫn bị nhà nước từ chối.

Biệt giam, di chuyển nơi giam giữ cách xa gia đình, và cùm chân

Tại phiên điều trần này, các thành viên Ủy ban Nhân quyền cũng dành một phần thời gian để đưa ra các câu hỏi chất vấn, làm rõ với phía đại diện nhà nước Việt Nam về tình trạng  “cùm chân” và “di chuyển nơi giam giữ phạm nhân cách xa nơi ở của gia đình họ nhằm mục đích gây khó khăn cho việc thăm nuôi”. Đây là những hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo đối với người bị giam giữ vốn bị nghiêm cấm trong ICCPR và các công ước khác liên quan.

Theo đó , ICCPR quy định “không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm” (Điều 7), và “những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người” (Điều 10).

Vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Chống tra tấn LHQ đã đưa ra các vấn đề quan ngại này trong Nhận xét Kết luận đối với nhà nước Việt Nam sau phiên điều theo Công ước Chống tra tấn (CAT) kết thúc.

Đến với phiên điều trần ICCPR lần này, vị đại diện của Bộ Công an cũng trả lời với nội dung tương tự như trước đây, rằng “Việt Nam cũng không có biệt giam, không có khái niệm biệt giam trong hệ thống pháp luật. Các trại giam chỉ quy định khu ‘giam riêng’ đối với phạm nhân vi phạm kỷ luật, nội quy trại giam”.

Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng khẳng định, “Việt Nam không có tình trạng di chuyển nơi giam giữ của phạm nhân ra xa khỏi nơi cư trú, hoặc gia đình phạm nhân một cách vô cớ, mang tính phân biệt đối xử, và với mục đích gây ra khó khăn cho việc gặp gỡ thân nhân”.

Tình trạng cùm chân 24/24 đối với các tử tù vẫn chưa được làm rõ vì thời gian dành cho phiên trần đầu tiên kết thúc.

Vị đại diện Bộ công an sẽ tiếp tục trả lời vấn đề này, và có thể sẽ bị chất vấn ngược lại từ phía thành viên Ủy ban Nhân quyền trong phiên điều trần kế tiếp, bắt đầu vào lúc 16:00 hôm nay, ngày 12/3, và dự kiến kéo dài ba tiếng. Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi truyền hình trực tiếp phiên điều trần này trên website của LHQ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats