Friday, 22 March 2019

BẢN TIN NGÀY 22-3-2019 (Báo Tiếng Dân)




22/03/2019

Tin Biển Đông

Cục Lãnh sự trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, ép tàu VN va vào đá ngầm, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Trong thông cáo ngày 21/3/2019, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho biết, ngày 20/3, cơ quan này đã “có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối việc tàu hải cảnh nước này dùng vòi rồng xua đuổi, khiến tàu cá Việt Nam va vào đá ngầm”.

Cục Lãnh sự đã đề nghị Đại sứ quán TQ “thông báo cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Trung Quốc về vụ việc trên để xử lý nghiêm đối với nhân viên và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.

Đây là thứ mấy chục hay mấy trăm bọn Tàu đã tấn công, ức hiếp ngư dân Việt Nam hơn chục năm qua. Bọn chúng luôn tỏ ra ngạo mạn, chưa một lần xin lỗi hay bồi thường, bởi lãnh đạo CSVN quá khiếp nhược! Lẽ ra lãnh đạo đảng và nhà nước nên triệu hồi đại sứ Trung Quốc tới làm việc, thay vì để Cục Lãnh sự vác mặt tới Đại sứ quán Trung Quốc, trao công hàm. Lãnh đạo CSVN khiếp nhược, nên ngư dân liên tục bị bọn Tàu tấn công, hết lần này tới lần khác.

Báo Dân Trí có bài: Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật tại Trường Sa. Ngày 21/3/2019, khi được hỏi về cuộc tập trận của Đài Loan ở đảo Ba Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việc Đài Loan bất chấp phản đối của Việt Nam, nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.

Hai cựu quan chức cao cấp Philippines kiện Tập Cận Bình ra trước tòa án quốc tế, theo RFI. Trong đơn kiện, ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng và bà Conchita Carpio Morales, cựu lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines viết: “Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực”.



Dự án “đốt tiền” ở Venezuela và bất ổn ở PVN

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: PVN nói gì về “tiền hoa hồng” ở các hợp đồng dầu khí? Trước những chất vấn chuyện PVN chi hàng trăm triệu Mỹ kim cho Venezuela trong khi chưa thu được đến một giọt dầu nào, ngày 21/3/2019, PVN giải thích: “Thực chất, khoản tiền này là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Có thể giải thích một cách nôm na rằng, khoản tiền này giống như tiền đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng”.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vừa đề nghị, PVN phải thoái vốn ngay khỏi các lĩnh vực nhạy cảm, theo báo Tuổi Trẻ. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghi PVN “triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực gồm bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm, bao gồm “công ty cổ phần Đầu tư Tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI), Công ty cổ phần Đông Dương xanh, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam”.

RFA có bài: Giải mã về tình trạng PVN mất nghìn tỷ đầu tư ra nước ngoài. Nhà báo Phạm Thành bình luận về dự án ở Venezuela của PVN: “Việc mất trắng  người ta đã biết từ lâu rồi, thực tế là nó đã chết cách đây mấy năm rồi , bây giờ họ mới điều tra. Nó cũng nằm trong chủ trương là tiêu diệt phe phái lẫn nhau thôi, những tay nào sót lại của triều đại trước thì ông Trọng diệt sạch. Còn nói đầu tư thất thoát thì đâu chỉ ra nước ngoài mới thất thoát, trong nước còn thất thoát nhiều hơn”.


“Củi” ở Vietsovpetro (VSP)

Cựu tổng giám đốc Việt-Nga Vietsovpetro nhận hàng chục tỉ lãi ngoài hầu tòa, báo Người Lao Động đưa tin. Phiên xử sáng 21/3 “nằm trong diễn biến điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm” và các đồng phạm, liên quan đến chuyện OceanBank chi lãi ngoài cho các tổ chức, cá nhân ngành dầu khí. Theo cáo trạng, bị cáo Từ Thành Nghĩa, cựu Tổng GĐ VSP chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng và 30.000 Mỹ kim, còn bị cáo Võ Quang Huy, cựu Chánh kế toán, đã chiếm đoạt 6,7 tỉ đồng và 130.000 Mỹ kim.

VietNamNet bàn về lời khai nhận tiền tỷ của hai cựu sếp Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Trước tòa, ông Huy khai: “Bị cáo đã 5 lần nhận tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng từ bà Thu. Tiền được để trong các phong bì gói kín”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thu kể “trong giai đoạn năm 2013 – 2014, bà 5 lần đưa tiền lãi ngoài cho ông Võ Quang Huy với tổng số tiền 5,2 tỷ đồng và 130.000 USD, tương đương hơn 7,9 tỷ đồng”.

Các bị cáo Võ Quang Huy (trái), Từ Thành Nghĩa trong phiên tòa ngày 21/3/2019. Nguồn: TP

Trong phiên xử chiều 21/3/2019, cựu Tổng giám đốc Vietsovpetro bị đề nghị mức án 5 năm tù, báo Một Thế Giới đưa tin. Sau khi kết thúc phần xét hỏi, chuẩn bị bước vào phần tranh luận, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với hai bị cáo Từ Thành Nghĩa, cựu Tổng GĐ VSP và Võ Quang Huy, cựu Chánh kế toán VSP.

Theo đại diện VKS, bị cáo Huy đã không thành khẩn khi khai báo số tiền nhận từ bà Nguyễn Minh Thu, “hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến hoạt động kinh tế, quyền sở hữu tài sản của Nhà nước”.



Công an “nhân dân”: Từ “tát vỡ mồm” dân đến đánh chết dân

Báo Lao Động đưa tin: Công an lên tiếng vụ đe “tát vỡ mồm” công dân ở Hải Phòng. Trong buổi họp báo sáng 21/3, trung tá Nguyễn Đức Trưởng, Phó trưởng Công an huyện Kiến Thụy đổ lỗi cho dân và đứng về phía đồng nghiệp: “Chị Thương là đối tượng không liên quan vụ án, đã được đồng chí thực hiện nhiệm vụ tại đó mời ra khỏi hiện trường, nhưng chị Phương vẫn có những lời nói, hành vi không tốt đối với lực lượng công an”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: 12 năm tù cho cựu CSGT gọi giang hồ đánh chết người. Trong phiên xử chiều 21/3/2019, TAND TP.HCM đã tuyên án cựu CSGT Phạm Sỹ Hoài Như và đồng phạm là Nguyễn Minh Chung mỗi người 12 năm tù, ba đồng phạm còn lại nhận án từ 5 đến 11 năm tù.

HĐXX nhận định, “hành vi gây thương tích của các bị cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng – nạn nhân tử vong. Dù là tổ trưởng, tổ tuần tra CSGT nhưng bị cáo Như lại gọi người đến hành hung người dân. Đây là những hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Vì vậy… cần áp dụng tính chất côn đồ khi xem xét mức án”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao cựu thượng úy CSGT và đồng phạm không phạm tội giết người? Theo đó, cựu thượng úy Hoài Như và đồng phạm chỉ bị tuyên án theo tội “Cố ý gây thương tích” chứ không phải “Giết người”, dù người bị họ hành hung đã tử vong, bài báo giải thích: “Nghiên cứu kết luận giám định pháp y và nhiều chứng cứ, cấp sơ thẩm cho rằng không đủ căn cứ” xác định các bị cáo này phạm tội “Giết người”.


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Việt Nam thả Trương Duy Nhất. Theo đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế “thúc giục nhà chức trách Việt Nam làm rõ lý do vì sao ông Nhất bị bắt cóc khỏi Thái Lan hôm 26/1, tức là một ngày sau khi ông đến văn phòng của Cao ủy Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin tị nạn”.

Bà Joanne Mariner, Cố vấn Khủng hoảng Cao cấp của tổ chức Ân xá Quốc tế bình luận: “Những bản tin cho hay ông Nhất đang bị giam trong tù ở Hà Nội là cực kì đáng lo ngại”. Còn Ủy ban Bảo vệ Ký giả đề nghị Việt Nam và Thái Lan “phải buộc những người đứng sau” vụ bắt cóc ông Nhất “chịu trách nhiệm đến mức tối đa theo luật pháp địa phương”.


Cưỡng dâm phụ nữ chỉ bị phạt 200.000 đồng

Hàng loạt báo nước ngoài đưa tin vụ Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ nữ sinh bị phạt 200.000 đồng, theo VTC. Bài báo cho biết: “Hàng loạt các tờ báo nước ngoài như AFP, Yonhap, Dispatch, Asia Economy đưa tin về vụ Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại Việt Nam”. Nhiều báo bày tỏ ra bất ngờ khi một hành vi xúc phạm nhân phẩm phụ nữ lại bị phạt “cho có”.

Hãng tin AFP viết: “Tấn công tình dục không phải là một tội hình sự ở Việt Nam mà chỉ bị coi là vi phạm hành chính nếu xét theo quy chuẩn về hành vi và lời nói không đúng mực. Mức phạt tối đa cho hành vi này chỉ là 13 USD (tương đương 300.000 đồng)”.

Báo Giao Thông có bài: Báo Hàn “sốc” khi kẻ sàm sỡ của Việt Nam chỉ bị phạt 200.000 đồng. Theo đó, “trang Dispatch – trang tin điện tử về tin tức giải trí hàng đầu Hàn Quốc bất ngờ đăng tải vụ sàm sỡ nữ sinh trong thang máy xảy ra cách đây ít ngày ở Việt Nam”. Nhiều người VN cũng đã so sánh vụ này với vụ Hàn Quốc vừa xử rất nặng tay ca sĩ Jung Joon Young tham gia đường dây mại dâm xuyên quốc gia.

Nhiều đời lãnh đạo đã tìm mọi cách tuyên truyền về “vị thế” quốc tế của chế độ CSVN. Tuy nhiên, các nước văn minh từ lâu đã hiểu tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN, nay họ có thêm bằng chứng để thấy “luật rừng” ở đây hạ thấp nhân phẩm người phụ nữ như thế nào.


Nghịch lý: Dân phải trả tiền điện cho các tập đoàn sản xuất!

Báo Tuổi trẻ có bài: Người dùng đang phải bù chéo giá điện cho sắt thép, xi măng? TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết, người dân phải bỏ tiền ra trả giá điện cho các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như sắt, thép, xi măng. Ông Lực nói: “Hiện người tiêu dùng, người dân, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ đang phải bù một phần nào đó cho các doanh nghiệp công nghiệp như vậy là không công bằng“.

Báo Công Thương dẫn lời các quan chức, trí thức “lề đảng”, khẳng định, tăng giá điện là để tiến dần đến cơ chế thị trường. Chứ không phải tăng để bù lỗ cho các tập đoàn sản xuất? Nhiều nhà phân tích đã nói, chuyện tăng giá điện ở VN vốn trái quy luật thị trường, như bao nhiêu loại thuế, phí ngày càng phình ra, trong khi chất lượng đời sống người dân ngày càng thu hẹp.

VnExpress dẫn lời Phó tổng EVN: ‘Chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện’. Chẳng lẽ người dân muốn tăng? Cả hai bên đã không muốn tăng thì các quan còn ráng tăng giá làm gì, nếu không phải để tiếp tục “móc túi” dân để “tận thu”, bù vào những khoảng tham nhũng, thất thoát, bội chi ngân sách, dẫn đến ngân khố trống rỗng.

Trang Người Đồng Hành có đồ họa: Giá điện tăng gấp đôi trong 10 năm.


“Buôn thần bán thánh” ở chùa Ba Vàng

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Chùa Ba Vàng chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất rừng quốc gia? Theo đó, “hình ảnh từ vệ tinh năm 2006 cho thấy chùa Ba Vàng chỉ là một chấm xanh khiêm nhường giữa núi rừng bạt ngàn của TP Uông Bí, Quảng Ninh. Nhưng đến năm 2016, nơi đây đã biến thành một ngôi chùa nguy nga, rộng hàng chục ngàn mét vuông đất”. Nếu không có sự nhắm mắt làm ngơ của chính quyền địa phương, nhà chùa khó có thể chiếm đất công làm của riêng.

UBND TP Uông Bí vừa giao cơ quan công an xác minh dấu hiệu mê tín dị đoan vụ gọi vong ở Chùa Ba Vàng, trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin. Trong buổi làm việc với các cơ quan hữu trách chiều 20/3/2019, trụ trì Chùa Ba Vàng khẳng định, “việc tổ chức cúng oan gia trái chủ có dựa theo giáo lý của Nhà phật. Clip quay phản ánh của báo chí là phản ánh đúng sự thật cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng”, nhưng phía nhà chùa nói rằng người dân “tự nguyện cúng dường tam bảo và theo yêu cầu của vong”.

Chùa Ba Vàng. Ảnh: Nguyễn Đức/ TT

Phải đến khi nhiều người lên tiếng và bất bình trước chuyện “buôn thần bán thánh”, Giáo hội Phật giáo mới yêu cầu xử nghiêm truyền bá mê tín tại chùa Ba Vàng, theo VOV. Ban Thường trực HĐTS GHPGVN đề nghị BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh “tổ chức ngay buổi làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh để kiểm điểm làm rõ sự việc, có báo có bằng văn bản gửi gấp về Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Chuyện các chùa kiếm lợi tiền triệu, tiền tỉ từ sự mê tín của các tín đồ đã diễn ra từ nhiều năm qua, ở nhiều ngôi chùa từ Nam ra Bắc chứ không chỉ riêng chùa Ba Vàng. Nếu GHPGVN thật sự có trách nhiệm thì nên xét đến cả những vụ tương tự vẫn chưa bị phanh phui.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Giáo hội Phật giáo nói gì về việc dẫn ví dụ cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên?Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 21/3, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN cho biết “trong giáo lý, học thuyết của Phật giáo không hề có chuyện thỉnh, giải oan gia trái chủ như chùa Ba Vàng, Quảng Ninh thực hiện… việc phật tử Phạm Thị Yến lấy ví dụ vụ cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại để giải nghĩa oan gia trái chủ là điều không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội”.

Zing dẫn lời LS Lê Văn Thiệp, nhận định vụ truyền bá vong báo oán ở chùa Ba Vàng: Có thể khởi tố vụ án. Ông Thiệp cho rằng, các hoạt động “thỉnh vong, gọi hồn”, thuyết giảng rằng ai muốn giải nạn thì phải “trả nợ” cho vong “từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức” cho chùa Ba Vàng, đều là lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, có thể bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.

Cho rằng phật tử chùa Ba Vàng xúc phạm, gia đình nữ sinh ở Điện Biên báo công an, báo Thanh Niên đưa tin. Gia đình cô Cao Mỹ Duyên, nữ sinh bị hãm hiếp và sát hại ở Điện Biên, vừa “đề nghị công an vào cuộc làm rõ” sau khi một phật tử ở chùa Ba Vàng là bà Phạm Thị Yến nói rằng, cô Duyên chết vì “ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp”.

Bà Trần Thị Hiền, mẹ cô Duyên cho rằng bà Yến “không có tâm, là một phật tử mà lấy tâm linh ra để trục lợi, bắt mọi người đóng tiền để cúng này cúng kia”, bà Yến đã xuyên tạc cái chết của cô Duyên, “bịa đặt về tiền kiếp và hiện tại, xúc phạm vong linh” cô Duyên và cả gia đình cô.

Bất chấp các báo “lề đảng” và sự lên án của dư luận, chùa Ba Vàng vẫn tổ chức giao lưu “chuyển nghiệp”, theo báo Dân Việt. Chiều 21/3/2019, nhiều du khách vẫn đến chùa này “theo đoàn vì lịch trình đã sắp đặt từ trước”. Trước đó, có thông tin Trụ trì chùa Ba Vàng sẽ tổ chức họp báo giải thích vào chiều 21/3, nhưng “cuộc họp báo này bị hủy vì lý do chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép”. Mặc dù Bộ Văn hóa lập đoàn kiểm tra, chùa Ba Vàng họp báo vụ ‘vong báo oán’, thế nhưng vong nhập, giải nghiệp vẫn sang sảng trong chùa Ba Vàng.




Lâm tặc và cán bộ phá rừng

Lực lượng kiểm lâm huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, vừa phát hiện Phó Chủ tịch UBND xã phá rừng, VOV đưa tin. Ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, “cán bộ xã có hành vi phá rừng là ông Vi Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong”. Kiểm lâm đã phát hiện ông Vi Văn Thanh và ông Lê Văn Nhị “có hành vi tự ý chặt phá rừng tại lô 25, khoảng 6, Tiểu khu 196”.

Cây gỗ lớn hai người ôm không xuể bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.  ẢNH: MẠNH CƯỜNG/ TN

VietNamNet có bài: Phó chủ tịch xã ‘hô biến’ 2,5ha rừng phòng hộ để trồng keo. Theo đó, ông Thanh và ông Nhị “thừa nhận hành vi phá rừng với mục đích trồng keo. Trong đó, ông Thanh chặt phá gần 2,5ha với 11.280 cây tre nứa và hơn 31,6m3 gỗ; ông Nhị phá 1,25ha với 5.650 cây tre nứa, gần 18m3 gỗ”.


Giáo dục VN: Vẫn “bẩn” và “loạn”

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị dừng xét nghiệm sán lợn cho trẻ em tại Bắc Ninh, báo Thanh Niên đưa tin. Trong khi vụ bê bối thực phẩm bẩn tại các trường mầm non của huyện Thuận Thành còn chưa được giải quyết xong, Bộ Y tế lại đưa ra quyết định rất vô lý, có lẽ vì lo sợ số trẻ nhiễm sán do thực phẩm bẩn ở Bắc Ninh sẽ còn cao hơn nữa.

VietNamNet bàn về “hiện tượng lạ” ở Hà Tĩnh: Không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp 3. Đó là trường hợp em Trần Cẩm T, học sinh lớp 3A trường Tiểu học Cẩm Sơn, “em T không thuộc diện học sinh hòa nhập, tuy nhiên, em không đọc được các bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, không biết ghép vần viết chữ cái, các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 không làm được”.

Giáo viên chủ nhiệm của em T cho biết: “Cuối năm lớp 2, cháu không đủ điều kiện để lên lớp 3 song nhà trường đã gọi điện cho gia đình và phụ huynh đã đồng ý qua điện thoại sẽ làm đi làm hồ sơ khuyết tật cho con họ”.



***






No comments:

Post a Comment

View My Stats