Friday, 15 March 2019

BẢN TIN NGÀY 15/3/2019 (Báo Tiếng Dân)




15/03/2019

Tin Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về hoạt động của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ, theo báo Tuổi Trẻ. Chuyện này xảy ra cả chục ngày trước, bây giờ cái loa rè ở Bộ Ngoại giao mới chịu lên tiếng. Nhưng bà Thu Hằng cũng không nói được gì mới, chỉ toàn nêu những cũ và đơn điệu: Trung Quốc và Philippines “cần hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực trong hòa bình, ổn định tại khu vực”.

Ngày 14/3/3019, một nhóm tàu thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc huấn luyện đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông, theo Viet Times. Có 5 tàu “huấn luyện hiệp đồng đổ bộ chiếm đảo ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm giữ phi pháp. Tham gia huấn luyện có 2 hạm tàu đổ bộ Type 071 và 3 tàu đổ bộ đệm khí cao tốc type 726”.
Bài viết lưu ý: “Với ưu thế tốc độ cao, phù hợp với mọi loại địa hình bãi đổ bộ, các tàu đổ bộ này có thể nhanh chóng gác bãi để các chiến xa và lính thủy đánh bộ bất ngờ tiến công đánh chiếm đảo, bãi”.

“Pháo đài bay” B-52 của Mỹ bay qua Biển Đông hai lần trong 10 ngày, theo Zing. Bộ chỉ huy không quân Mỹ ở Thái Bình Dương thông báo, hai máy bay ném bom B-52 vừa bay ngang Biển Đông. Đây là “lần thứ hai trong vòng 10 ngày qua máy bay B-52 di chuyển trên Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc”.

Mỹ điều cả tàu chiến lẫn B-52 qua biển Đông, báo Người Lao Động đưa tin. Trong ngày 13/3/2019, “một hạm đội Hải quân Mỹ đã đi qua biển Đông và neo đậu tại Vịnh Manila – Philippines, trong khi 2 máy bay ném bom B-52 xuất hiện gần các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông”.


31 năm ngày mất Gạc Ma: Lại nhảy múa trên xác người

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết: Tận cùng của sự khốn nạn! Sáng 14/3, “để thể hiện sự trung thành một lòng với giặc Tàu, cái gọi là ‘chính quyền’ Việt Nam ‘quang vinh muôn năm’, đã tổ chức ăn mừng sự kiện Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma và thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam. Chúng cho bịt kín tượng đài Lý Thái Tổ, ngăn chặn, bắt bớ những người dân ra dâng hương tưởng niệm, đồng thời bố trí người của chúng ra đó nhảy múa tưng bừng như ngày hội”.

Những người nhảy múa trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, ngăn người dân đến tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma sáng 14/3/2019. Nguồn: FB Nguyễn Thúy Hạnh

Bên cạnh đó, chính quyền tiếp tục huy động an ninh ngăn chặn không cho giới hoạt động độc lập tưởng niệm Gạc Ma, theo RFA. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết, ông đã bị an ninh mặc thường phục canh cửa nhà ông ở Hà Nội từ hai ngày trước: Sáng 14/3, “chúng tôi đi ra thì họ đi theo, ba bốn người đi xe gắn máy chạy theo. Đến khi dừng lại mua hoa thì họ chặn lại, cưỡng ép không cho mua hoa và bắt đi về. Họ có bốn năm người nên chúng tôi cũng phải về, không làm gì được, thành ra không ra thắp hương được”.


“Củi” dầu khí

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố cựu tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh và “bóng hồng” Vũ Thị Ngọc Lan, báo Người Lao Động đưa tin. Ông Khạnh cùng cấp phó là bà Lan và ông Nguyễn Tuấn Hùng, cựu trưởng Ban Tài chính PVEP, đều bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2009-2014, thực hiện chỉ đạo của PVN về chuyện ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài chính của OceanBank, “PVEP đã giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Thăng Long”. Ông Khạnh đã phân công bà Lan là người duyệt các tờ trình của Ban Tài chính, ký các hợp đồng tiền gửi.

Zing đặt câu hỏi: Oceanbank chi bao nhiêu tiền ‘chăm sóc’ cựu TGĐ Đỗ Văn Khạnh? Bài báo cho biết: Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm đã chỉ đạo các đồng phạm là Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Trà My “chi gần 52 tỷ tiền lãi ngoài hợp đồng cho Nguyễn Tuấn Hùng để chăm sóc dàn lãnh đạo PVEP”.

Mặc dù đơn xin từ chức đã được HĐQT PVN chấp thuận, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn vẫn đi làm bình thường, theo báo Kiến Thức. PVN thông báo, sáng 14/3, ông Sơn và cấp phó là ông Nguyễn Quốc Thập “đã chủ trì hội nghị thăm dò, khai thác năm 2019 tại Vũng Tàu”.

Cũng báo Kiến Thức, đặt câu hỏi: Tổng giám đốc PVN liên quan gì dự án PVEP tại Venezuela đang bị điều tra? Trong giai đoạn ông Sơn làm Tổng GĐ PVEP, công ty này “đại diện PVN đầu tư vào dự án tại Venezuela. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. PVEP đã rót hàng trăm triệu đô vào dự án này”.

Hiện nay, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã gửi văn bản đến PVN, cho biết “đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela”.

Báo Giáo Dục VN có bài: Nhân quả và báo ứng. Theo bài viết, nhiều người làm việc ác đã phải nhận sự trừng phạt, “báo ứng” cho những chuyện họ đã làm, ngay cả lãnh đạo cấp cao cũng không thoát. Giờ những lãnh đạo một thời “làm mưa làm gió”, trục lợi từ hàng ngàn tỉ phung phí của dân đều đang trở thành “củi” trong “lò” của chính “đồng chí” của họ.


Công an đánh chết dân?!

Chuyện ở Nghệ An: Nghi phạm đánh bạc tử vong bất thường sau 5 ngày bị tạm giữ, báo Thanh Niên đưa tin. Người nhà nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hôm 8/3/2019, “anh Tuấn bị Công an huyện Nam Đàn bắt giữ cùng với 7 người khác liên quan đến hành vi đánh bạc. Trong thời gian anh Tuấn cùng 7 người bị tạm giữ tại cơ quan công an huyện, người nhà nạn nhân không nhận được thông báo nào từ cơ quan công an”.

Em rể nạn nhân kể: “Sáng 13/3, gia đình tôi nhận được điện thoại từ Công an Nam Đàn báo lên đưa anh Tuấn đi khám vì có dấu hiệu ngủ li bì, đánh thức không dậy. Khi gia đình tôi đến thì anh ấy được đưa lên Bệnh viện Nam Đàn rồi”. Sau nhiều lần chuyển viện, ông Tuấn đã tử vong vào tối 13/3.

Vết bầm trên vai anh Tuấn khi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nguồn: Thanh Niên

VOV có bài: Nghi phạm trong vụ đánh bạc tử vong, người nhà yêu cầu công an làm rõ. Theo đó, sáng 14/3/2019, “hàng chục người tập trung tại khu vực nhà xác của Bệnh viện HNĐK Nghệ An để yêu cầu cơ quan công an làm rõ sự việc” ông Nguyễn Văn Tuấn tử vong sau 5 ngày bị tạm giữ ở đồn công an. Cũng giống như nhiều vụ người chết trong đồn công an trước đó, công an không nhận trách nhiệm và không cung cấp thông tin chi tiết.


Đứng trên pháp luật

Trang Một Thế Giới đưa tin vụ thiếu tướng quân đội xây nhà chiếm vỉa hè: Quận đề xuất 2 phương án xử lý. Vụ thiếu tướng Trần Minh Tuấn, cựu Phó tư lệnh Quân khu 9 “xây nhà lấn cả trăm mét vuông đất dự mở vỉa hè” trong nhiều năm mà không bị xử lý, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, vụ này “không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây nên không ai phản ánh”.

Hai “phương án xử lý” của lãnh đạo quận Bình Thủy: “Một là giao cho UBND phường Bùi Hữu Nghĩa vận động thiếu tướng Lê Minh Tuấn tự tháo dỡ…. Nếu ông Tuấn không chấp hành, quận sẽ chỉ đạo các ngành phối hợp với phường để thực hiện các bước xử lý”.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến trả lời dân ngày 14/3: “Khởi kiện lãnh đạo quận ra tòa để quận giải quyết thấu đáo”. Ông Tuyến khuyên như vậy khi nghe phản ánh về vụ 3 hộ dân phường Bình Trị Đông đòi lại hơn 12.000 m2 đất cho Hội phụ lão phường “mượn” từ năm 1976. Lãnh đạo TP HCM khuyên như vậy nhưng ở VN không có tư pháp độc lập, phải chờ tới Tết Công Gô dân mới có thể thắng lãnh đạo!

Vụ vợ Phó GĐ Công an lái xe hết đăng kiểm: Chỉ xử phạt hành chính, theo VietNamNet. Trước đó, lãnh đạo Viện KSND TP Ban Mê Thuột thừa nhận, bà Ng, vợ một Phó GĐ Công an tỉnh Đắk Lắk “điều khiển xe ô tô BKS 47T-1818 hết hạn đăng kiểm nghi gây tai nạn”. Nay cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính bà Ng về hành vi điều khiển ô tô lưu thông khi đã hết hạn đăng kiểm.


Thanh tra chính phủ “móc túi” mẹ liệt sĩ

Vụ mẹ liệt sĩ Lê Thị Tích bị ông Hoàng Đức Cần là người của Thanh tra Chính phủ “bóp cổ” lấy 15.000 USD và 80 triệu, nhà báo Trương Châu Hữu Danh lên tiếng hôm 6/3, hiện đã được nhiều báo “lề đảng” khác xác nhận. Cán bộ Thanh tra Chính phủ bị tố nhận hàng trăm triệu của mẹ liệt sĩ, báo Dân Việt đưa tin. Theo đó, TTCP đang xác minh thông tin ông Hoàng Đức Cần, cán bộ cơ quan này “nhận hàng trăm triệu đồng của gia đình mẹ liệt sỹ Lê Thị Tích” để xử lý tranh chấp đất đai.

Cháu ngoại bà Tích cho biết: “Tôi đã chuyển tiền cho ông Cần 3 lần, một lần tại trụ sở của Thanh tra Chính phủ, hai lần còn lại là chuyển khoản. Sau khi nhận tiền ông Cần không xử lý được việc như lời hứa nhưng cũng không trả lại tiền cho gia đình”.


Vụ án Đoàn Thị Hương

Sáng 14/3/2019, Tòa Malaysia bác yêu cầu hủy án, Đoàn Thị Hương tiếp tục bị xét xử, báo Lao Động đưa tin. Theo đó, Đoàn Thị Hương “là nghi phạm duy nhất còn phải ngồi tù, và sẽ tiếp tục ra tòa vào ngày 1/4″. Tuy nhiên, các công tố viên “không tiết lộ lý do vì sao họ từ chối kháng cáo của Hương, trong khi đã rút cáo trạng và trả tự do cho nghi phạm Indonesia Siti Aisyah hôm 11/3”.

Zing có bài: Đoàn Thị Hương chưa được thả, luật sư tức giận vì công tố bất công. Theo dự kiến, phiên đối chất của Hương đáng ra diễn ra vào ngày 11/3. Tuy nhiên, công tố viên Malaysia “bất ngờ thông báo rút cáo buộc đối với đồng nghi phạm người Indonesia là Siti Aisyah”, khiến “các luật sư của Đoàn Thị Hương phẫn nộ vì thân chủ bị đối xử không công bằng”.

Bài viết lưu ý: “Đại sứ quán Indonesia ngày 11/3 cho biết Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh khởi động chiến dịch vận động hành lang, đòi tự do cho Siti ngay sau khi nghi phạm bị bắt giữ ngày 15/2/2017”. Sau hơn 2 năm vận động, lời kêu gọi có tác dụng và bà Siti được trả tự do, còn lãnh đạo VN chỉ lên tiếng sau khi cô Siti được thả, do áp lực từ công chúng VN.



Đoàn Thị Hương chưa được trả tự do, Bộ Ngoại giao lên tiếng, VTC đưa tin. Trong cuộc họp báo chiều 14/3/2019, khi trả lời câu hỏi về vụ công tố viên Malaysia bác bỏ yêu cầu trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương trong nghi án sát hại anh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cho biết, từ ngày 12 đến 14/3, lãnh đạo VN đã nhiều lần “đề nghị Malaysia đảm bảo xét xử công bằng, khách quan và trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao gặp Đại sứ Malaysia, đề nghị trả tự do cho Đoàn Thị Hương, theo báo Thanh Niên. Bà Hằng khẳng định, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng “cũng đã gặp Đại sứ Malaysia tại Hà Nội”. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia “đã thăm lãnh sự Đoàn Thị Hương ngay sau phiên tòa ngày 11/3. Đích thân Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cũng đã tham dự phiên tòa hôm nay (14.3)”.



Cuộc chiến nước mắm

Đến cả các báo “lề đảng” cũng “chiến” với nhau trong cuộc chiến nước mắm. Có báo còn cho rằng tập đoàn này không liên quan đến dự thảo tiêu chuẩn nước mắm như báo Pháp Luật TP HCM: “Masan không tham gia soạn thảo tiêu chuẩn về nước mắm”. Ông Trần Văn Công, Cục Phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản của cơ quan này, thuộc Bộ NN&PTNT, đều khẳng định sự “vô can” của Masan.

Trong khi đó, báo Người Lao Động đưa tin: Masan tham gia soạn thảo Quy chuẩn nước mắm. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, khẳng định rằng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT “tham mưu cho đại diện Masan vào Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm”.

Bài viết lưu ý: Thủ tướng Chính phủ “đã đồng ý chuyển giao việc soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm từ Bộ Y tế sang Bộ NN&PTNT”. Đến lượt bộ này đặc biệt “ưu ái” Masan và giờ đã lỡ chung thuyền nên bảo vệ Masan bằng mọi cách.



Luật “trời ơi”

Học viện Tòa án không tuyển thí sinh nữ quá 60kg, nam quá 80kg, báo Giáo dục và Thời đại đưa tin. Theo thông báo sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019, thí sinh phải đạt yêu cầu “ngoại hình” như sau: “Thí sinh nam phải cao từ l,60m trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80 kg; nữ cao từ l,55m trở lên, cân nặng từ 45kg đến 60kg”.

Nhiều người bình luận, trường này đang lấy chỉ tiêu tuyển… hoa hậu, người mẫu, áp dụng cho học viên ngành luật! Ở Mỹ, chuyện phân biệt đối xử trong tuyển sinh khi dựa trên ngoại hình như cân nặng, chiều cao… có thể bị kiện ra tòa. Còn ở VN, những “nhà giáo” ngành luật ngang nhiên lập quy định tuyển sinh dựa trên ngoại hình.

Báo Đất Việt bàn về vụ Hà Nội học Bắc Kinh cấm xe máy: Chờ 15 năm nữa! Vụ lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định “đã nghiên cứu và sẽ thực hiện theo lộ trình của Bắc Kinh, Trung Quốc” trong chuyện cấm xe máy để hạn chế tắc đường, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng không thực tế. Ông nói: “Hà Nội là thủ đô có những đặc điểm khác biệt với tỉ lệ dân số đông, cấu trúc hạ tầng phức tạp với nhiều ngõ ngách nhỏ, phương tiện giao thông công cộng đơn điệu”.

Báo Tiền Phong có bài: Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu nói gì về quy định cấm xe máy ở Hà Nội. Hiệp hội này cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn tại VN “nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ… Do đó, cấm xe máy ở các thành phố lớn là không khả thi”.


Giáo dục VN: Tiêu cực lan đến các trường quân đội, công an

Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng vừa xác nhận đã có danh sách thí sinh Hòa Bình gian lận vào trường quân đội, VietNamNet đưa tin. Trung tướng Trần Hữu Phước cho biết, “về số lượng có bao nhiêu thí sinh gian lận đã trúng tuyển vào các trường quân đội, hiện Cục Nhà trường đã nhận được danh sách thí sinh này. Tuy nhiên theo quy định vẫn phải chờ danh sách chính thức từ Sở GD-ĐT Hòa Bình để xử lý”.

Ông Phước nói thêm: “Có những trường hợp việc can thiệp điểm thi lại khởi nguồn từ phía phụ huynh. Thậm chí, cho đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn không hề hay biết điểm thi của mình đã bị can thiệp. Trách nhiệm và sai sót lúc này lại thuộc về phía phụ huynh”.

Bên cạnh đó, các trường công an sẽ hủy kết quả của thí sinh gian lận điểm thi, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an, cho biết: “Bài thi của thí sinh gian lận sẽ bị hủy. Các thí sinh này không đủ điều kiện học trường Công an nhân dân”. Tuy nhiên, các trường hợp gian lận trót lọt vào trường công an trước đó thì “gạo đã nấu thành cơm”, tạo nên các thế hệ công an không ngại dùng vũ lực hành hung hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người dân.

Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: 56 thí sinh trúng tuyển đại học cũng bị hủy kết quả thi vì gian lận, trang Doanh Nghiệp VN đưa tin. Bộ GD&ĐT xác nhận, “có 56 thí sinh với 140 bài thi trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình đã bị can thiệp nhằm nâng điểm. Su khi chấm thẩm định cho thấy có thí sinh được nâng tới 26,45 điểm. Kết quả điểm gian lận sẽ bị hủy, dù thí sinh đó đã trúng tuyển đại học”.

Cô giáo “lên lớp không giảng bài” tiếp tục bị đình chỉ vì ném vở học sinh, Infonet đưa tin. Theo đó, cô Trần Thị Minh Châu, GV Trường THPT Long Thới, TP HCM, là người trước đó bị đình chỉ vì không giảng bài cho học sinh suốt một học kỳ, giờ lại “tiếp tục bị đình chỉ công tác do tái phạm hành vi phản sư phạm”. Cô Châu đã “ném vở, bài kiểm tra của học trò xuống đất khi các em không làm bài tập hoặc làm không đúng như ý cô”.



Facebook sập mạng

Công ty Facebook thông báo đã xác định nguyên nhân gây sập mạng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Khoảng 24 tiếng sau sự cố, Facebook cho biết: “Hôm qua, do một thay đổi trong cấu hình của server mà nhiều người đã bị khó truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi hiện đã giải quyết được vấn đề và các hệ thống của chúng tôi đang hồi phục”.

Zing có bài: Dân bán hàng online Việt Nam méo mặt vì Facebook sập. Bài báo cho biết: “Từ đêm 13/3, Facebook gặp sự cố khiến cho người dùng không thể gửi ảnh, đăng ảnh hay bình luận. Những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong sự cố này chính là giới kinh doanh online, những người phụ thuộc vào Facebook để chạy quảng cáo, bán hàng”.


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats