Thursday, 14 March 2019

BẢN TIN NGÀY 14/3/2019 (Báo Tiếng Dân)




14/03/2019

Tin Biển Đông

Ngày 13/3/2019, soái hạm hiện đại nhất của hải quân Mỹ đi qua Biển Đông, VOV đưa tin. Theo đó, tàu Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7 hải quân Mỹ, vừa ghé thăm một cảng ngoài khơi thủ đô Manila, Philippines. “Liên quan đến vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết Biển Đông, hạm trưởng Eric Anduze khẳng định, tàu của ông sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hàng hải trong khu vực”.

Tại hội nghị năng lượng ở TP Houston, Texas tối 12/3/2019, Ngoại trưởng Mỹ nói Trung Quốc ngăn các nước ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng 2.500 tỷ USD ở Biển Đông, theo báo Dân Trí. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, TQ đang ngăn các nước tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông: “Đối ngược với Bắc Kinh, chính phủ Mỹ ủng hộ an ninh năng lượng tại các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi muốn các quốc gia trong khu vực có quyền tiếp cận với nguồn năng lượng mà họ sở hữu”.

VOA có bài phỏng vấn TS Patrick Cronin: “TQ muốn kiểm soát trọn Biển Đông qua bộ Quy Tắc Ứng Xử có lợi cho họ”. Ông Cronin cho biết: “Sau nhiều năm cố tình kéo dài thời gian thương thảo về Bộ Quy Tắc Ứng Xử, bây giờ Bắc Kinh lại hối hả thúc đẩy một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Tại Biển Đông thuận lợi cho mình và theo luật lệ của mình”.


31 năm ngày mất Gạc Ma

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: 31 năm sự kiện Gạc Ma: Mãi không quên! Theo đó, trong mấy ngày qua, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma bên bờ biển Bắc bán đảo Cam Ranh đã tiếp đón hàng ngàn người, trong đó có nhiều cựu binh, đến viếng, thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) 31 năm trước”.

TS Trần Công Trục viết: Tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, nhìn lại cách truyền thông về lịch sử. Ông Trục cho rằng cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là một sử liệu rất hay về Hải chiến Trường Sa 1988. Tuy nhiên, cuốn sách vẫn thiếu thông tin về bối cảnh lúc đó, như quá trình Trung Quốc “nam tiến” ở Biển Đông: “Trung Quốc lúc đó đang tìm cách lợi dụng thời cơ tiến hành xâm phạm hoặc gây sức ép để kiếm cớ đánh chiếm thêm các vị trí trọng yếu trong quần đảo Trường Sa và các bãi cạn nằm trên thềm lục địa phía Nam”.

Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ về các cựu binh Trường Sa: Người về từ Lôi Châu. Bài viết tập hợp lời kể của cựu binh Nguyễn Văn Thống, “một trong những thương binh nặng nhất còn sống sau trận thảm sát Trường Sa 31 năm trước. Ông cũng là một trong chín người bị Trung Quốc bắt đi và giam giữ hơn 3 năm tại Lôi Châu, Trung Quốc”.

Ông Thống kể: “Trung Quốc bắt chúng tôi, nếu hội chữ thập đỏ có hỏi thì phải nói Gạc Ma là đảo của Trung Quốc, mình đi xâm chiếm. Nhưng chúng tôi nói Gạc Ma và Trường Sa là của Việt Nam. Tổ tiên chúng tôi đã ra đó lâu đời rồi”.

Cựu binh Gạc Ma thả đền hoa tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: TN


PVN bị điều tra, Tổng Giám đốc từ chức

Vòng vây của các nước châu Mỹ, châu Âu ngày càng thắt chặt, chính quyền Nicolás Maduro đứng bên bờ vực thẳm, Bộ Công an VN điều tra vụ PVN mất trắng hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela, báo Thanh Niên đưa tin. Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) vừa đề nghị PVN “cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án liên doanh khai thác dầu khí thua lỗ hàng ngàn tỉ tại Venezuela”.

Đó là dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 do Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí VN (PVEP) và Tổng công ty dầu khí Venezuela phối hợp thực hiện từ năm 2010. “Tổng mức đầu tư được loan báo lên tới 12,4 tỉ USD, phân kỳ làm 2 giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỉ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỉ USD”.

Cùng lúc đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bất ngờ xin từ chức, theo báo Dân Trí. Ngày 13/3/2019, một thành viên trong ban lãnh đạo PVN xác nhận, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã gửi đơn xin từ chức đến Hội đồng quản trị PVN từ nhiều ngày trước. “Tuy nhiên, cho đến ngày 12/3, Hội đồng quản trị PVN mới họp lần cuối và xem xét, chấp nhận đề nghị xin từ chức của ông Sơn”.


“Cố ý làm trái”

Lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ vừa kiểm điểm nhiều người vụ vi phạm của Chủ tịch MTTQ TP Cần Thơ, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bài viết lưu ý: Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ vừa “thu hồi và hủy bỏ kế hoạch khắc phục những hạn chế theo thông báo kết luận số 58”, với lý do kế hoạch có sai sót.

Trước đó, thông báo này đề cập số tiền “của các khoản chi bị xuất toán từ năm 2016 đến hết quý 1.2018 là hơn 814 triệu đồng” bị chi sai quy định. Sai phạm liên quan đến bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ.

Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Chính quyền buông lỏng quản lý, dân phải “dắt” nhau ra Tòa. Chuyện xảy ra ở xã Đức Thắng và Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, “khi cấp sổ đỏ cho người dân, chính quyền xã Thường Thắng lại cấp vào vị trí thuộc địa giới hành chính của xã Đức Thắng, mảnh đất này lại đang được hộ dân khác sử dụng”, khiến hai hộ dân đưa nhau ra tòa. Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ việc nhưng “đại diện chính quyền địa phương không đến tham gia phiên tòa, khiến phiên tòa bị hoãn nhiều lần”.

Báo Người Lao Động có bài: Thực hư việc UBND phường họp dân công bố danh tính người tố cáo? Bài báo cho biết: Cuối tháng 2/2019, bà Q.M.Đ, ở quận Bình Thủy tố cáo một cựu quan chức TP Cần Thơ lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, gần đây danh tính của bà Đ “bị tiết lộ tại buổi họp dân ở phường”khiến bà và gia đình rất lo lắng, phải “lánh nạn” sang địa phương khác.

Bà Đ cho biết: “Sự việc xảy ra, người thân của tôi rất hoảng sợ nên mới điện thoại cho tôi hay và yêu cầu tôi đừng nói gì thêm với người ngoài”, nhưng ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa lại phủ nhận vụ việc.


Luật riêng dành cho quan

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về “tấm gương” cán bộ CSVN trong vụ ông Vì Văn Hà bắt dân chui qua háng: “Quy trình bầu gương tối”. Bài viết mỉa mai: “Hãy đến với chúng tôi. Một khóa đào tạo cơ bản thông qua tấm ‘gương tối’ chắc chắn giúp bạn thỏa nguyện ước mơ làm lãnh đạo. Không tin ư? Hãy nhìn vào trường hợp đương kim chủ tịch MTTQ thị trấn Lang Chánh ở Thanh Hóa, bạn sẽ phải câm nín ý định phản biện”.

Báo Đất Việt dẫn lời ông Vì Văn Hà, cán bộ bắt dân chui qua háng vẫn làm lãnh đạo: Lời thật. Ông Hà nói: “Tôi đi bộ đội về rồi tham gia công tác ở thị trấn, trong quá trình công tác tôi được cất nhắc và được bầu giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau… tôi đã có những vi phạm, tuy nhiên những vi phạm đó tổ chức đã xử lý”. Ông Hà thừa nhận đã “nóng nảy để xảy ra một số xích mích với người dân và Phó Chủ tịch thị trấn”.

Trang Doanh Nghiệp VN có bài: Trưởng CA thị trấn Dương Đông có dấu hiệu vi phạm Luật tố cáo. Theo đó, hơn 4 tháng sau khi có người tố cáo một cán bộ công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để “bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập người dân ngay tại trụ sở, CA thị trấn Dương Đông vẫn chưa thụ lý giải quyết đơn tố cáo”.

Trung tá Lê Minh Chánh,  Trưởng CA thị trấn nói: “CA thị trấn cũng chưa ra quyết định giải quyết tố cáo vì sau khi gửi đơn tố cáo ông Hùng đã không đến CA thị trấn”. Tuy nhiên, ông Phạm Quý Hùng, người tố cáo  khẳng định, sau khi gửi đơn tố cáo thì “không hề nhận được phản hồi của các cơ quan này mặc dù trên đơn đề rõ địa chỉ và số điện thoại”.

Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng CA thị trấn Dương Đông. Nguồn: DNVN


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Việt Nam bị tố “xảo ngôn” về Công ước ICCPR tại Geneva. Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho biết: “Uỷ ban Nhân quyền hỏi có hay không việc biệt giam tại Việt Nam. Phái đoàn VN trả lời rằng ở VN không có biệt giam, và biệt giam không có trong khái niệm luật pháp của Việt Nam, nhưng họ lại nói ở VN chỉ có hình thức giam riêng”.

Ông Võ Văn Ánh, một tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam khẳng định: “Những điều họ nói là không đúng sự thật. Sự thật là họ đã chiếm đất đai thuộc nhà thờ, của giáo hội, của Hội Thánh Tin lành Việt Nam nói riêng, và những nơi thờ tự của các tôn giáo khác nói chung, rất là nhiều. Họ nói có tự do tôn giáo là một điều gian dối”.

Chiều 13/3/2019, công an ngăn chặn họp báo của dân oan Vườn Rau Lộc Hưng, theo báo Người Việt. Theo đó, “lực lượng an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bố ráp nghiêm ngặt” đã chặn cuộc họp báo của người dân Lộc Hưng. Trước đó, Sở 4T ở TP HCM có thông báo: “Không chấp thuận việc tổ chức họp báo theo đề nghị của các cá nhân”.

Thậm chí, lãnh đạo TP còn “gây sức ép khiến nhà hàng Đoàn Viên của Công Ty Du Lịch Công Đoàn phải hủy hợp đồng cho thuê hội trường họp báo”. Trang Vườn Rau Lộc Hưng có clip, ghi lại lời kể của người trong cuộc: https://www.facebook.com/danoanlochung/videos/2139542249463982/

Sau khi bị trục xuất về VN, ông Cao Lâm nói sẽ tiếp tục công việc từ thiện tại Thái, cẩn trọng trong quan hệ với những người bị truy nã, RFA đưa tin. Tối 13/3/2019, ông Phạm Cao Lâm cho biết ông đã về đến nhà vợ ở TP Thanh Hóa sau khi bị trục xuất từ Thái Lan: “Chuyến bay đi từ Thái Lan người ta giữ hộ chiếu, có 4 người Việt Nam về cùng em, cũng làm việc ở Thái Lan giống em đó. Bên Thái họ đưa cho nhân viên hàng không giữ hộ chiếu, về thì người ta trao cho công an Việt Nam”.

Ông Lâm chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy làm từ thiện mà nguy hiểm cả. Tôi không làm tổ chức chính trị nào hết, tôi không làm một người đấu tranh, tôi chưa từng đấu tranh. Với bản thân tôi thì tôi không nghĩ là làm từ thiện mà có tội và bị bắt cả”.


Cuộc chiến nước mắm

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Ai tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm? Ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Nước mắm Phan Thiết cho biết: “Đầu năm 2018, thành viên tham gia góp ý dự thảo này có thêm đại diện của Tập đoàn Masan. Cũng từ thời điểm này, những ý kiến ban đầu của tôi bị loại bỏ hết, buộc làm lại từ đầu”. Theo ông Đức, đó chính là lúc bắt đầu cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp.

Biếm họa về cuộc chiến nước mắm. Nguồn: Tuổi Trẻ Cười

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về dự thảo tiêu chuẩn nước mắm, “thủ phạm” chính có nguy cơ hại nước mắm truyền thống. Ông Đức cho rằng yếu tố bất hợp lý nhất trong dự thảo này là, “những quy định về hàm lượng histamine trong nước mắm. Vì theo quy định của Codex, hàm lượng histamine trong nước mắm không được quá 400 mg/lít. Đây là hàng rào kỹ thuật làm NMTT ở Việt Nam không thể xuất khẩu được”.

Báo Một Thế Giới có bài: BOT, nước mắm dưới góc nhìn thuyết công lợi. Theo đó, dự thảo nước mắm với các tiêu chuẩn “trưởng giả học làm sang” có thể “giết chết hơn 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống” để mở rộng thị phần cho tập đoàn Masan chuyên sản xuất “nước chấm” công nghiệp. “Điều này cũng đồng nghĩa với việc giết chết ngành sản xuất ra loại nước chấm đã trở thành quốc hồn quốc túy của nước ta”.


Lâm tặc và cán bộ phá rừng

Công an tỉnh Đắk Nông đang làm rõ việc nguyên Phó chủ tịch huyện cấp hàng trăm hecta rừng trái quy định, Infonet đưa tin. Ông Phạm Đặng Quang, cựu Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’long bị điều tra vì “có nhiều sai phạm trong việc cấp đất sai đối tượng cho các quan chức, người nhà trên địa bàn huyện”. Hậu quả: Hàng trăm hecta rừng do ông Quang cấp sai quy định đã bị cạo sạch.

Các lực lượng chức năng vừa phát hiện vụ phá rừng gỗ mun ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, báo Văn Hóa đưa tin. Tiểu khu 649 và 650 thuộc xã Thượng Trạch “có 66 cây gỗ bị khai thác trái phép với tổng khối lượng 70m3. Trong đó, có 45 cây gỗ mun (thuộc nhóm IIA), 21 cây còn lại là gỗ táu, trâm, bài lài”. Loại gỗ mun này thuộc nhóm “nguy cấp và quý hiếm, cấm mọi hành vi khai thác, sử dụng”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Rừng gỗ mun ở vùng lõi di sản bị phá cách đồn biên phòng 1km. Theo đó, ngày 13/3/2019, BQL di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thừa nhận, “rừng gỗ mun ở vùng lõi di sản bị tàn phá rất nghiêm trọng, địa điểm gần nhất bị phá chỉ cách đồn biên phòng Cồn Roàng 1km”.

Ông Lê Thanh Tịnh, GĐ đơn vị này cho biết, “khu vực trên xe biển xanh hay biển trắng ra vào đều bị kiểm tra gắt gao và không ghi nhận trường hợp nào chở gỗ lậu, do vậy trách nhiệm chính trong sự việc này vẫn là chủ rừng là BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng”. Tuy nhiên, vụ phá rừng xảy ra trong khu vực quản lý của đồn biên phòng Cồn Roàng.

Ở Gia Lai, rừng huyện Mang Yang bị tàn phá chính quyền không hay biết, theo báo Công Lý. Bài báo cho biết: Lâm tặc ngang nhiên đốn cây trong rừng, “cả một vạt rừng có diện tích đến hàng héc ta bị lâm tặc san phẳng, gỗ nằm chồng chất ngổn ngang chứng tỏ hoạt động khai thác gỗ đã diễn ra trong thời gian dài. Thế nhưng không một cơ quan chức năng nào của huyện Mang Yang phát hiện và xử lý”.

Ông Lê Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, khi biết chuyện đã khẳng định: “Tôi chưa nghe anh em báo cáo gì về vụ việc này cả… tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng vào kiểm tra ngay”.

Trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi về vụ phá rừng vừa diễn ra ở tỉnh Hòa Bình: Kiểm lâm đã kiểm tra nhưng không phát hiện cây cổ thụ bị chặt phá!? Khi được hỏi, “tại sao những ảnh cây rừng to bị chặt phá nhưng không thấy đánh dấu đã xử lý mặc dù các cây này chỉ cách những cây đoàn kiểm tra đến chỉ vài trăm mét”, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục Trưởng kiểm lâm tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Những gốc cây này nhìn màu sắc thì chắc bị chặt trước đó mấy tháng rồi, đoàn kiểm tra chưa biết”.


Giáo dục VN: Băng hoại!

Lực lượng chức năng vừa phát hiện một dân biểu có liên quan gian lận thi quốc gia ở Hà Giang, báo Giáo Dục VN đưa tin. Bài báo cho biết: “Cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong 2 phòng làm việc của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang… vụ việc có liên quan đến một đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang nên các thủ tục tiếp theo cần một quy trình cụ thể”.

Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi về vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Những thí sinh sau khi phát hiện sẽ bị xử lý ra sao? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Phía Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu sở GD&ĐT Hòa Bình theo quy chế, cập nhật kết quả chấm thẩm định kết quả của 64 thí sinh về dữ liệu thi quốc gia”.

Báo Lao Động có bài: Trả cơ hội vào đại học cho 64 thí sinh bị tước đoạt vì gian lận thi cử. Bài viết nhận định: Bộ GD&ĐT có trách nhiệm “gửi danh sách, đề nghị các trường gọi 64 em bị loại ra vì gian lận nhập học bổ sung, còn cách nào cho phù hợp về chuyên môn sẽ tính toán”. Các học sinh này có quyền lựa chọn học hay không học, Bộ GD&ĐT vẫn có trách nhiệm “bảo vệ quyền lợi của các em, công bằng xã hội đối với kỳ thi vừa qua”.

Chuyện ở Hà Tĩnh: Phòng GD&ĐT gửi công văn “ép” giáo viên mua bảo hiểm tự nguyện, báo Thanh Tra đưa tin. Chuyện xảy ra ngày 1/3/2019, Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc có công văn yêu cầu các trường mầm non ở huyện “lên danh sách cán bộ, giáo viên mang tiền về văn phòng đơn vị Bảo hiểm Bảo Việt đóng trên địa bàn để đóng các khoản bảo hiểm thân thể”. Gần đây, lãnh đạo cơ quan này mới đính chính.



Ô nhiễm không khí, tàn phá môi trường

Trước thông tin TP Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP Hà Nội, cho rằng báo cáo của AirVisual và Greenpeace về ô nhiễm không khí tại Hà Nội thiếu khách quan, báo Hà Nội Mới đưa tin. Cơ quan này diễn giải dài dòng, “để đánh giá chính xác, khách quan cần dựa vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc, vị trí lắp đặt, công nghệ quan trắc, độ chính xác của các thiết bị…”

Chuyện ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang: Người dân “kêu trời” vì nhà máy xay xát gây ô nhiễm, trang Nhà Báo và Công Luận đưa tin. Theo đó, Nhà máy xay xát tư nhân của ông Tư Tiến tại xã Hòa Tịnh “có quy mô lớn lại nằm trong khu dân cư, nhiều năm qua thải ra khói bụi mịt mù làm đảo lộn cuộc sống người dân. Tuy nhiên, chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa có biện pháp xử lý kiên quyết nên tình trạng này cứ tái diễn”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: “Không thể chấp nhận” nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác. Ở TP HCM, “hằng ngày với hơn 1.000 lượt xe vận chuyển rác, bùn thải, phân hầm cầu, xe tải… lưu thông qua lại” huyện Bình Chánh. Ở Hà Nội, chỉ trong hơn 2 năm, “có đến 3 lần đối diện với tình trạng rác ứ đọng, ngập ngụa do dân chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp”. Nhiều TP ven biển và các huyện đảo cũng đang bế tắc trong khủng hoảng rác.



***




No comments:

Post a Comment

View My Stats