Tuesday, 19 March 2019

ĐÀ LẠT QUY HOẠCH KHU HÒA BÌNH : LỜI CẢNH BÁO VỀ MỘT THÀNH PHỐ VÔ HỒN! (Nguyễn Vĩnh Nguyên / Ngô Viết Nam Sơn)




Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện
Thứ bảy, 16/03/2019

LTS: Ngày 15.3.2019, Đà Lạt đã chính thức công bố bản “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Bản đồ án “khu thương mại phức hợp” cao tầng thay cho một khu Hòa Bình đầy dấu ấn lịch sử, ký ức đô thị, không những tạo ra sự bất an nơi những cư dân trong khu vực bị chi phối, cư dân quan tâm đến lịch sử văn hóa Đà Lạt mà còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị.


Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên – một cây bút biên khảo văn hóa Đà Lạt – có cuộc trao đổi với TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn xoay quanh sự kiện này.

Dinh Tỉnh trưởng, công trình sẽ bị thay thế bằng khu cao ốc thương mại phức hợp, theo bản đồ án quy hoạch của KTS. Hồ Thiệu Trị. Ảnh: Nguyễn Vinh

Người dân bị thiệt hại

Là một người có ân tình với Đà Lạt: thân phụ ông  – KTS. Ngô Viết Thụ  –  từng học và có một số công trình kiến trúc quan trọng tại Đà Lạt giai đoạn 1954-1975, và đây cũng là quê ngoại của ông, xin ông chia sẻ chút cảm xúc cá nhân khi tiếp nhận thông tin về một bản đồ án xóa bỏ dấu vết khu Hòa Bình cũ để xây một khu thương mại phức hợp cao tầng?

Cá nhân tôi thấy con đường phát triển nhanh, vội, và thiếu thận trọng hiện nay đang làm cho Đà Lạt đánh mất những giá trị đã được xác lập trong quá khứ.


Nhưng có người sẽ nói rằng, thời buổi này lợi ích kinh tế là quan trọng, hơn nữa, lập luận rằng mỗi thời kỳ cần có một dấu ấn trong quy hoạch kiến trúc phù hợp bối cảnh mới nghe ra cũng thuyết phục?

Với kinh nghiệm đã thực hiện nhiều đồ án quy hoạch đô thị trong nước và nước ngoài, tôi thấy rằng một đô thị có nhiều cách đạt được các mục tiêu kinh tế mà không nhất thiết phải đánh đổi với việc mất đi nhiều vốn quý và giá trị nền tảng như vậy. Thật sự ra thì những giá trị mang lại từ bản đồ án lần này, có thể gọi nôm na là đang kiến tạo “Sài Gòn trên cao nguyên”.
Đồ án quy hoạch này đã bỏ qua tính đặc thù về địa hình, văn hóa, lịch sử của Đà Lạt. Trong sự thay đổi này, tôi thấy có người được lợi, có người không, nhưng chắc chắn tất cả người dân thành phố Đà Lạt thì đang bị thiệt hại, vì đồ án chỉ nhắm vào những lợi ích ngắn hạn.
Đúng là mỗi thời đại cần tạo ra những dấu ấn riêng. Nhưng hãy trung thực, và học tiền nhân từ lịch sử và quá trình đem tâm huyết đi khai phá vùng đất mới – không gian đô thị mới cho Đà Lạt, chứ không nên phá hại di sản cũ để xây nên những công trình, mà chưa chắc đã có thể xem là dấu ấn thời đại.

Người dân Đà Lạt đang xem nội dung quyết định quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Vinh

Được biết, thành phố Đà Lạt đã cho cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc đi tham quan vài chục thành phố lớn trên thế giới để học hỏi mô hình phát triển. Từng nghe một cán bộ có thẩm quyền quản lý quy hoạch Đà Lạt chia sẻ rằng nhờ vài chục chuyến đi như thế, ông ta mới nhận ra các đô thị muốn hiện đại thì phải cao tầng và gia tăng khu thương mại dịch vụ…

Cần phải hỏi lại rằng họ đã đi những thành phố nào. Có thể họ đã không chọn đúng nơi, hỏi đúng người, để học hỏi. Và họ càng không nhận thấy rằng ở mỗi địa phương có một cách phát triển khác biệt.
Nếu học tư duy phát triển từ một đô thị hiện đại cao tầng nào đó, nhưng lại không có cùng điều kiện và giá trị thiên nhiên như Đà Lạt, để về áp đặt lên Đà Lạt, vội vã phủi sạch trơn những giá trị cũ đã có tính ổn định, di sản lịch sử thì đó là một lập luận thiếu tính khoa học và văn hóa.
Ví dụ, Sài Gòn có bản sắc năng động, nhưng Đà Lạt lại có những ưu điểm mà Sài Gòn không có được, do đó máy móc học hỏi tư duy mét vuông của người Sài Gòn để sao chép mô hình đô thị Sài Gòn mang lên cao nguyên, thì không thể chấp nhận được.
Cần phải tìm hiểu về những đô thị có cơ cấu giống Đà Lạt ở Tây Âu, như Pháp và Thụy Sỹ. Nếu học từ Paris, thì phải thấy được rằng quy hoạch của Paris hiện đại đã không cho phép xây nhà cao tầng trong khu nội thành để bảo vệ di sản, mà chỉ cho xây ở khu mới La Défense. Thực tế, hầu hết khách du lịch đến Paris đều ghé thăm nội thành, chứ rất ít đi thăm La Défense.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc)… Ông có bằng Tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quy hoạch và Kiến trúc ở Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley, Mỹ)

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên – một cây bút biên khảo văn hóa Đà Lạt, đã xuất bản: Đà Lạt, một thời hương xa; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách; Đà Lạt, bên dưới sương mù…

Vậy, xét về chuyên môn, một bản quy hoạch mới  phải xác lập trên cơ sở cấu trúc di sản đô thị để xử lý. Theo ông, cấu trúc Đà Lạt hiện tại có thể hiểu thế nào?

Về chuyên môn, việc hiện đại hóa Đà Lạt bằng cách cho phép cắm nhà cao tầng khắp nơi là một tư duy rất sai lầm về mặt chiến lược.
Trên thế giới, các đô thị luôn có sự phân định bảo tồn khu trung tâm lịch sử và phát triển khu trung tâm mới. Khu lịch sử, phố cũ có đặc điểm là nhà thấp tầng, đường nhỏ, thân thiện với người đi bộ, đi xe đạp, xe điện… Những khu đô thị mới có đặc điểm là nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại, đi theo đó là hệ thống giao thông đại lộ, metro và xe buýt nhanh.
Tôi khẳng định là Đà Lạt có thể làm những khu nhà cao tầng, nhưng cần phải chọn những vị trí mới để quy hoạch bài bản từ đầu, chứ không nên xâm phạm vào ba khu vực di sản: khu di sản Pháp (đường vòng kéo dài từ đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ), khu di sản để lại nhiều dấu ấn lịch sử của người Việt (Ấp Ánh Sáng, khu Hòa Bình) và khu di sản thiên nhiên (hồ Xuân Hương, Đồi Cù).

Theo đồ án vừa công bố: công trình chợ cũ - một địa chỉ lâu đời của khu trung tâm Đà Lạt sẽ bị đập bỏ. Ảnh Nguyễn Vinh

Du khách sẽ bỏ Đà Lạt!

Vậy những thiệt hại nào có thể kể đến khi xóa khu vực di sản để xây cao tầng?

Có thể thấy thiệt hại thứ nhất là mình đánh mất nhiều công trình di sản (bị phá bỏ để xây mới), sau đó là sự đánh mất không gian di sản (công trình mới xây lên không đồng bộ, phá vỡ bố cục không gian chung).
Trong quá trình phát triển, ai cũng có thể phạm sai lầm, nhưng rất không nên lặp lại và nhân rộng sai lầm, vì hệ lụy để lại cho tương lai rất lớn. Cụ thể, Trung tâm Hành chính Đà Lạt, là một kiến trúc hiện đại và công năng tốt nếu đặt ở Sài Gòn, nhưng lại là một sai lầm chiến lược về quy hoạch (về vị trí, chiều cao, tỉ lệ,…), phá hỏng giá trị kiến trúc cảnh quan, mà chắc những nhà quản lý đô thị Đà Lạt nay đều đã thấy, sau nhiều góp ý của các chuyên gia. Việc cao tầng hóa khu Hoà Bình đang lặp lại sai lầm quy hoạch của Trung tâm Hành chính.
Ngoài ra, dịp Tết 2019 vừa rồi, Đà Lạt kẹt xe trầm trọng. Đó là cảnh báo sớm cho thấy, nếu việc cao tầng hóa khu Hòa Bình và lân cận với các phố thương mại phức hợp được tiến hành, thì chắc chắn khu vực này sẽ còn kẹt xe gấp nhiều lần trong tương lai. Đô thị mất bản sắc, mất luôn sự thong dong bình yên vốn là những vốn quý của Đà Lạt, du khách không còn lý do gì để gắn bó với thành phố này. Lúc đó, sẽ thiệt hại rất lớn, vì nguồn thu lớn nhất hiện nay của Đà Lạt vẫn là du lịch.

Chợ cũ, nay là rạp Hòa Bình, một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển đô thị Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng giữa thập niên 1950. Ảnh: Tư liệu

Về giải pháp chống kẹt xe ở trung tâm, nhà đầu tư và những người bảo vệ bản quy hoạch sẽ đưa ra lập luận về hệ thống đường sá mở rộng, xây hầm xe…

Phải thấy rằng nhà đầu tư thường chỉ muốn cắm nhà cao tầng vào những khu vực đô thị hiện hữu vì ở đó họ hưởng lợi hạ tầng, dân cư có sẵn. Nếu nhà quản lý đô thị thì chỉ thấy nguồn lợi trước mắt, mà quên rằng sau đó phải tốn rất nhiều ngân sách để cải tạo các khu vực xung quanh, thì gánh nặng trách nhiệm đó sẽ đổ dồn lên vai các nhà lãnh đạo thế hệ sau.
Nếu việc cao tầng hóa và tăng mật độ được tiến hành như dự án, thì không lâu nữa, chỉ trong vài năm, khu Hòa Bình sẽ kẹt cứng về không gian cũng như về hạ tầng, giao thông. Vì nếu có làm thêm một chục hầm xe, mở rộng nhiều làn đường lớn ở khu Hòa Bình, thì tác dụng của nó lại càng thu hút thêm xe vào trung tâm mà thôi, trong khi các con đường dẫn vào quá tải, không có ngân sách để đền bù giải tỏa mở rộng đường, thì liệu vấn đề có được giải quyết?
Chưa nói đến chuyện phí phạm ngân sách. Địa phương sẽ phải chi rất nhiều ngân sách cho việc làm đường sá để giải quyết hệ lụy sau đó, trong khi tại sao không dùng chi phí ấy mà xây dựng một mạng lưới giao thông hiện đại ở một khu vực đô thị mới, có tính khoa học, bài bản, ít tốn kém hơn? Những điều này đáng lý ra phải được nêu lên trong bản báo cáo tác động môi trường của dự án, thực hiện bởi một đơn vị độc lập với đơn vị thiết kế.
Nhìn ở góc độ đa ngành, có thể thấy sau một thế kỷ phát triển đô thị, không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Đà Lạt từ nhiều thời kỳ luôn nêu khẩu hiệu về một thành phố trong rừng, thành phố bên hồ, nhưng cách làm hiện nay cho thấy thực tế trái ngược hoàn toàn.

Nhiều người dân Đà Lạt quan tâm sự thay đổi quy hoạch có làm xáo trộn đời sống của họ? Ảnh: Nguyễn Vinh

Nếu cao tầng thì ở đâu?

Nhưng mỗi thời sẽ có mỗi yêu cầu được đặt ra. Hẳn giới chuyên môn quy hoạch tham gia vào các dự án thế này cũng ít nhiều thao thức với câu hỏi dấu ấn của thời kỳ này là gì? Xin ông thử đưa ra một gợi ý về khu cao tầng cho Đà Lạt, theo quan điểm riêng?

Tôi dự nhiều hội thảo, theo dõi thông tin quy hoạch, thì chưa thấy Đà Lạt đặt ra câu hỏi là chúng ta đang định xây dựng những giá trị đánh dấu thời đại thế kỷ 21 cho Đà Lạt ở đâu? Và nếu thành phố muốn xây dựng khu cao tầng, thì có thể quy hoạch ở khu vực nào tốt nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển dự án của các nhà đầu tư?
Do câu hỏi này chưa có trả lời, cho nên, hiện nay hầu hết các nhà cao tầng ở Đà Lạt đều phát triển mang tính tự phát, hoặc tư duy cục bộ như dự án khu Hòa Bình. Tôi đã đề xuất với các nhà lãnh đạo Đà Lạt về sự cần thiết phải sớm đưa ra một bản quy hoạch khu trung tâm, với các định hướng chiến lược sau:
(1) Xây dựng khu trung tâm bao quanh trung tâm cảnh quan là Hồ Xuân Hương và Đồi Cù, với vành đai xanh bao bọc và các tuyến cây xanh mặt nước dẫn ra xung quanh về các phía;
(2) Tổ chức giao thông nội bộ là tuyến đường vòng giao thông xe công cộng – xe đạp – đi bộ quanh hồ, và các trạm chuyển tiếp nối ra khu xung quanh;
(3) Tổ chức giao thông đối ngoại là vành đai giao thông, trong đó bố trí các bãi xe tập trung cho khách du lịch, cạnh các trạm xe công cộng nối vào trung tâm thành phố; Khu trung tâm có thể hạn chế xe bằng cách không lập các bãi đậu xe lớn, mà chỉ cho phép tạm dừng đỗ đưa đón khách mà thôi, buộc du khách phải dùng giao thông công cộng;
(4) Bảo tồn các khu phố lịch sử, bao gồm khu phố trung tâm lịch sử Pháp (Phía Nam và Đông Nam Hồ Xuân Hương), khu phố trung tâm lịch sử Việt – bao gồm khu Hòa Bình (phía Tây). Các khu phố lịch sử được chỉnh trang theo hướng bảo vệ di sản và không gian di sản, không cho phép xây nhà cao tầng, tăng cây xanh, cải thiện hạ tầng.
Tôi rất tiếc là trong bản quy hoạch Đà Lạt mới nhất do người Pháp cố vấn, họ chú trọng nhiều đến khu di sản Pháp, nhưng chỉ nói qua loa về khu di sản Việt (Khu Hòa Bình, Ấp Ánh Sáng,…), có lẽ do chưa hiểu sâu về các thời kỳ lịch sử đô thị Đà Lạt. Quy hoạch mới cho khu trung tâm sẽ sửa sai điều đó;
(5) Xây dựng khu phố hiện đại mang bản sắc thế kỷ 21 ở phía Đông Bắc Hồ Xuân Hương, là nơi có thể xây nhà cao, đường rộng, hạ tầng hiện đại,… nhưng phải lưu ý thực hiện quy hoạch xanh, kiến trúc xanh, đảm bảo tầm nhìn thoáng về núi Lang Bian, các trung tâm lịch sử, và các điểm nhấn thiên nhiên.
Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ vừa bảo tồn được di sản và giá trị thiên nhiên, vừa tạo điều kiện phát triển hiện đại mang dấu ấn thời đại, vừa đảm bảo phát triển bền vững (nhiều cây xanh, chất lượng môi trường tốt, không ô nhiễm, không kẹt xe, không ngập lụt).

Một bản quy hoạch gây tranh cãi được công bố vội vàng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ngoài trách nhiệm quản lý địa phương, thì rõ ràng là có áp lực kinh tế của nhà đầu tư lên giới chuyên môn trong bản đồ án quy hoạch khu Hòa Bình. Ông nghĩ gì về điều này?

Thứ nhất, là hiện nay đã có quy hoạch Đà Lạt, nhưng chưa có quy hoạch khu trung tâm hoàn chỉnh. Do đó, mới có tư duy sai lầm, cho rằng khu Hòa Bình có thể đại diện cho khu trung tâm Đà Lạt tương lai. Bản quy hoạch khu Hòa Bình hiện nay thể hiện tư duy bó hẹp, thể hiện tư duy mét vuông của nhà đầu tư, không thể hiện được tầm nhìn chiến lược, mang tính tổng quan cho toàn khu trung tâm một thành phố nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Thứ hai, là cho dù áp lực kinh tế của nhà đầu tư có lớn, nhưng bản lĩnh của các nhà quản lý đô thị, phối hợp với sự tư vấn của chuyên gia, cũng là sức mạnh tổng hợp không nhỏ. Điển hình là ở Paris, nếu buông lỏng kỷ cương, chắc chắn ngay lập tức sẽ có hàng trăm dự án cao tầng chen vào khu phố lịch sử của Khải Hoàn Môn, của Dinh Garnier.
Thứ ba, chính quyền đã tỏ ra cầu thị, đã tổ chức nhiều hội thảo góp ý cho quy hoạch Đà Lạt. Các nhà lãnh đạo đã tỏ ra rất lắng nghe, chia sẻ ý kiến chuyên gia (trong đó tôi chỉ là một trong số rất nhiều chuyên gia đã nêu lên các vấn đề như đã nói ở trên). Nhưng trên thực tế, nhiều dự án hoàn toàn đi ngược với các kết luận hội thảo đã được phê duyệt, cho thấy quy trình xét duyệt quy hoạch của thành phố đang có vấn đề nghiêm trọng, cần phải được cải tổ, để tránh trường hợp “làm đúng quy trình”, nhưng dự án được phê duyệt vẫn đi sai hướng, so với chiến lược đã vạch ra.

Không gian khu Hòa Bình thanh lịch, văn minh vào đầu thập niên 1960. Ảnh: Tư liệu 

Không gian khu Hòa Bình thanh lịch, văn minh vào đầu thập niên 1960. Ảnh: Tư liệu 

Vậy theo ông, một bản đồ án gây tranh cãi và có thể thấy trước rằng, Đà Lạt phải hy sinh quá nhiều giá trị di sản để đổi lấy nguồn lợi cục bộ trước mắt có cơ hội để dừng lại, sửa sai hay không?

Tôi hy vọng dù trễ vẫn không quá muộn. Khi phải lắng nghe và chọn lọc ý kiến từ nhiều nguồn, thì không dễ  tránh khỏi các lựa chọn sai lầm, khi chưa được tư vấn đúng. Mong rằng Đà Lạt vẫn còn những nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng suốt, kịp nhìn lại vấn đề trước khi quá muộn, không ngại nhận mình sai lầm và sẵn sàng điều chỉnh các sai lầm đó, để việc phát triển Đà Lạt tương lai luôn gắn kết với việc bảo tồn di sản, và các giá trị nền tảng, bền vững cho Đà Lạt.

Xin cám ơn ông.

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện

*
Mời bạn đọc cùng trao đổi
Bên cạnh tiếp tục đăng tải ý kiến đa chiều của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đà Lạt và những người Đà Lạt sống lâu năm ở thành phố sương mù, Người Đô Thị rất mong nhận được các trao đổi khách quan, đa chiều của độc giả về bản đồ án quy hoạch mới khu Hòa Bình – khu trung tâm của thành phố Đà Lạt đang gây tranh cãi: có thể làm mất đi một số giá trị đã được xác lập của Đà Lạt nhưng cũng có ý kiến cho rằng đồ án quy hoạch cần thiết để Đà Lạt có bước phát triển khác, tạo ra những giá trị mới.

Các ý kiến trao đổi, có thể gửi về email: toasoan@nguoidothi.vn

--------------------








No comments:

Post a Comment

View My Stats