Friday, 31 August 2018

HÀ NỘI BẮT GIỮ MỘT NGƯỜI VIỆT BỊ CÁO BUỘC THUỘC ĐẢNG VIỆT TÂN, VƯỢT BIÊN TỪ CAM BỐT (tổng hợp)




Đăng ngày 31-08-2018

Công an Việt Nam ngày hôm qua 30/08/2018 loan báo đã bắt giữ một người Việt từ Cam Bốt vượt biên vào Việt Nam để âm mưu « hoạt động khủng bố » trong nước.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, bộ Công An Việt Nam cáo buộc người này là thành viên tở chức Việt Tân ở hải ngoại, bị chính quyền Hà Nội liệt vào diện tổ chức khủng bố.

Theo thông cáo của bộ Công An Việt Nam, nghi phạm tên Lê Quốc Bình, 44 tuổi, đã bị bắt vào sáng sớm hôm 29/08, sau khi từ Cam Bốt vượt biên vào Việt Nam, mang theo một số lượng vũ khí quan trọng. Công An Việt Nam cho rằng nghi phạm này có ý định tiến hành một số vụ phá hoại khủng bố.

Ông Lê Quốc Bình (Ảnh chụp từ màn hình báo Thanh Niên)(capture d'image: https://thanhnien.vn)

Khi khám xét nơi ở của ông Lê Quốc Bình tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam, Công An đã tịch thu được 7 khẩu súng cùng 500 viên đạn (báo chí Việt Nam nói đến 9 khẩu súng).

Thông cáo của Công An xác định nghi phạm thuộc đảng Việt Tân, trụ sở tại Mỹ, vốn bị chính quyền Việt Nam xem là một nhóm « khủng bố ».

Theo Reuters, gia đình và luật sư của nghi phạm chưa trả lời câu hỏi của hãng tin Anh, trong lúc một phát ngôn viên của đảng Việt Tân đã bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Việt Nam, còn báo chí Việt Nam thì cho biết là nghi phạm đã « đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội ».

Theo Reuters, vụ bắt giữ ông Lê Quốc Bình xẩy ra vài ngày sau khi chính quyền Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng cảnh sát và quân đội tại thủ đô Hà Nội là phải ngăn ngừa những cuộc tập hợp hay biểu tình phản đối nhân dịp lễ quốc khánh 02/09.

Người Thượng Việt Nam và Cam Bốt tị nạn ở Thái Lan bị quây bắt
Tại Thái Lan, hôm nay, 30/08/2018, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Thái Lan và quốc tế đã lên tiếng báo động về việc chính quyền Bangkok vừa bắt giữ hơn 160 người Thượng ở Việt Nam và Cam Bốt đang xin tị nạn.
Những người này đã bị quân đội bắt hôm thứ Ba 28/08 vừa qua tại khu vực ngoại ô phía bắc Bangkok, và bị truy tố về tội vi phạm luật nhập cư.
Theo Hội các Luật Sư vì Nhân Quyền Thái Lan, một số người Thượng đã có thẻ của cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xác nhận quy chế tị nạn của họ. Cũng theo hội này, những người Thượng, thuộc sắc dân Jarai và một số nhóm thiểu số khác có « nguy cơ bị truy bức, kỳ thị và đàn áp » nếu bị trả về Việt Nam hay Cam Bốt.

--------------------------------

VIỆT TÂN|31/08/2018

Đảng Việt Tân là một tổ chức tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội bằng phương thức ôn hòa. Thành viên của đảng Việt Tân tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các vị dân cử để cổ võ dân chủ, tôn trọng nhân quyền và phát huy xã hội dân sự tại Việt Nam.

Mới đây Bộ Công An CSVN lại một lần nữa tìm cách hù dọa người dân để họ tránh xa các tổ chức dân chủ bằng cách dàn dựng việc bắt giữ một người đàn ông có tên là Lê Quốc Bình, ở Thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định vào sáng ngày 29 tháng 8, và cáo buộc người này tham gia đảng Việt Tân ở Campuchia, vượt biên về nước mang theo nhiều vũ khí nhằm hoạt động khủng bố, phá hoại. Đây là chuyện bịa đặt trắng trợn.

Cách đây 11 năm, Bộ công an cũng đã dàn dựng một khẩu súng với 13 viên đạn trong hành lý của hai vợ chồng Việt Kiều tại Mỹ là ông bà Lê Văn Phan và Nguyễn Thị Thịnh khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 23 tháng 11 năm 2007. Sau 13 ngày giam giữ và ép cung, báo Công An Nhân Dân vào ngày 6 tháng 12 loan tải rằng ông bà Lê Văn Phan nhận tội chuyển vũ khí cho Đảng Việt Tân từ Hoa Kỳ về Việt Nam. Cả hai ông bà Lê Văn Phan không liên hệ gì đến Việt Tân nên khi màn kịch không còn ăn khách, CSVN đã phải âm thầm thả hai người này về lại Hoa Kỳ.

Đảng Cộng Sản Việt Nam mới đích thực là tổ chức sử dụng thủ đoạn bạo lực để khủng bố, đàn áp người dân, và tìm cách tiêu diệt đối kháng. Hàng ngàn nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và blogger đã bị hành hung và đàn áp vì cổ xúy cho các quyền tự do con người. Dù có cố dàn dựng những cáo buộc dối trá cách mấy đi nữa, nhà cầm quyền CSVN cũng không thể xóa được các tội ác vi phạm nhân quyền trầm trọng trước công luận thế giới.

Ngày 30 tháng 8 năm 2018
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng


Mọi chi tiết xin liên lạc:
Hoàng Tứ Duy: +1 202-596-7951

Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ –
Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước

------------------------------------------
BBC Tiếng Việt 
31 tháng 8 2018

An ninh Việt Nam bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc là thành viên của 'nhóm khủng bố' Việt Tân hôm 29/8 trong khi đại diện tổ chức này bác bỏ.
Người bị bắt là ông Lê Quốc Bình, sinh năm 1974, thường trú tại Quy Nhơn, Bình Định.
Ông Bình được cho là thành viên Việt Tân, một tổ chức đấu tranh có trụ sở tại Mỹ, mà Hà Nội gọi là 'khủng bố'.
Ông Bình bị cáo buộc mang theo vũ khí, vượt biên từ Campuchia về Việt Nam, với mục đích 'hoạt động khủng bố, phá hoại', theo thông tin từ website của Bộ Công an.
Công an tỉnh Bình Định đã khám người, khám nhà ông Bình, thu hai súng quân dụng, bảy súng hơi và hơn 500 viên đạn, cùng "nhiều tài liệu có nội dung phản động chống phá Nhà nước Việt Nam".
Thông tin từ website của Bộ Công an cũng cho hay ông Bình "đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội".

Gia đình và luật sư của ông Bình hiện chưa đưa ra bình luận này về việc này, theo Reuters.

Một phát ngôn viên của Việt Tân, một tổ chức tự mô tả là có "mục tiêu thiết lập dân chủ và cải cách ở Việt Nam thông qua các biện pháp chính trị và ôn hòa", và được Liên Hiệp Quốc mô tả là "tổ chức ủng hộ cải cách dân chủ", bác bỏ cáo buộc, bài báo trên Reuters cho hay.

"Bộ Công an Việt Nam đang cố gắng làm mọi người sợ hãi để họ không hỗ trợ các tổ chức ủng hộ dân chủ bằng cách cáo buộc chúng tôi về việc buôn lậu vũ khí. Đây là một bịa đặt lố bịch," phát ngôn viên của Việt Tân, ông Duy Hoàng cho biết trong một thông cáo.
"Việt Tân không tán thành bạo lực vũ trang cũng như không làm việc với bất kỳ cá nhân nào", ông Hoàng nói.
Việc bắt giữ ông Bình xảy ra vài ngày sau khi Việt Nam ra lệnh cho cảnh sát và lực lượng quân sự tại Hà Nội ngăn chặn các cuộc tụ tập lớn hoặc biểu tình trong kỳ nghỉ Quốc khánh vào 2/9.

Tuần trước, một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ tù hai người Mỹ gốc Việt được cho là trung thành với chính phủ Miền Nam Việt Nam, với cáo buộc âm mưu đánh bom.
Cảnh sát cho biết hai người này đã lên kế hoạch tấn công bằng bom vào nhiều địa điểm trong ngày 2/9.
Chính quyền Việt Nam cho biết hai người này đã hành động thay mặt cho "Chính phủ lâm thời Việt Nam", một tổ chức lưu vong tại California cũng được Việt Nam xếp vào nhóm "khủng bố", theo Reuters.

----------------------------------------------

RFA 
2018-08-30

Ngày 30 tháng 8, đảng Việt Tân, một tổ chức hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ, ra thông cáo bác bỏ thông tin từ Bộ Công an Việt Nam trước đó cho biết về việc bắt giữ một đảng viên thuộc tổ chức này vận chuyển vũ khí về Việt Nam chống phá và gọi đây là hành vi “bịa đặt trắng trợn”.

tin điện tử Bộ Công An, vào ngày 29/8, công an Việt Nam đã bắt giữ ông Lê Quốc Bình, 44 tuổi, khi ông này qua biên giới Campuchia vào Việt Nam, mang theo một lượng lớn vũ khí để chuẩn bị khủng bố.

Truyền thông trong nước vào ngày 30/8 đồng loạt đăng tin về việc Công an Bình Định phối hợp với công an Phú Yên khám xét nhà ông Lê Quốc Bình, thành viên của Việt Tân, ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định, thu 2 khẩu súng quân dụng, 7 súng hơi,  500 viên đạn, … cùng nhiều tài liệu có nội dung được cho là phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam. 

Thông cáo được đăng tải trên trang web của đảng Việt Tân sau đó gọi vụ bắt giữ mới của chính quyền Việt Nam và quy kết cho Việt Tân là hành vi “hù dọa người dân để họ tránh xa các tổ chức dân chủ bằng cách dàn dựng việc bắt giữ một người đàn ông.”

Vụ bắt giữ mới xảy ra chỉ vài ngày trước dịp Quốc khánh 2/9, vào lúc có những lời kêu gọi tổng biểu tình trên toàn quốc. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, hôm 27/8, lên tiếng cảnh báo về các vụ biểu tình, tập trung đông người trong dịp lễ. Trước đó, vào ngày 19/8, báo Quân Đội Nhân Dân cũng có bài viết quy kết các tổ chức phản động đang kích động người dân biểu tình trong dịp lễ Quốc khánh.

Dẫn lại thông tin từ 11 năm trước về việc công an Việt Nam nói rằng đã bắt giữ 2 Việt kiều Mỹ là thành viên Việt Tân mang 1 khẩu súng và 13 viên đạn trong valy về nước, tuy nhiên phía Việt Nam đã phải âm thầm trả tự do cho họ sau đó, đảng Việt Tân khẳng định:

Đảng Cộng Sản Việt Nam mới đích thực là tổ chức sử dụng thủ đoạn bạo lực để khủng bố, đàn áp người dân, và tìm cách tiêu diệt đối kháng. Hàng ngàn nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và blogger đã bị hành hung và đàn áp vì cổ xúy cho các quyền tự do con người. 
Dù có cố dàn dựng những cáo buộc dối trá cách mấy đi nữa, nhà cầm quyền CSVN cũng không thể xóa được các tội ác vi phạm nhân quyền trầm trọng trước công luận thế giới.” 

Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân) là hội đoàn không đăng ký pháp nhân, hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ với khẩu hiệu “Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ – Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước.” 

Hồi cuối năm 2016, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo xếp Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố, và do đó “người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Việt tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt tân” tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt tân”… sẽ bị coi là đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó lên tiếng xác định Việt Tân "không nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố theo luật của Mỹ".






CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - BẢN MỚI - PDF (Trịnh Hữu Long - Luật Khoa)




Posted on 29/08/2018

Cuốn sách “Chính trị bình dân” được tác giả Phạm Đoan Trang quyết định cho xuất bản bản mới với nhiều chỉnh sửa, bổ sung trong một dịp khá đặc biệt: chín năm kể từ khi tác giả bị công an bắt và giam giữ lần đầu tiên.

Download:

Đó là vào ngày 28/8/2009, khi Đoan Trang còn là phóng viên của VietNamNet. Cô khi đó đang gây được tiếng vang lớn với các bài viết sắc sảo về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng như các bình luận chính trị trên chuyên trang Tuần Việt Nam. Vụ bắt bớ đó không chỉ có Đoan Trang, mà còn có hai blogger nổi tiếng là Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).

Đoan Trang bị giam giữ chín ngày tại Trại tạm giam B14 (Hà Nội). Không cáo trạng nào được đưa ra, cũng không có bản án nào được tuyên. Sự kiện đó là một bước ngoặt khiến nhà báo “lề phải” Đoan Trang dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ.

Viết trên Facebook về biến cố này, Đoan Trang cho biết, “trong những ngày ấy và những tháng rất đen tối sau đó, tôi sợ công an lắm, nhưng trong đầu tôi cũng hình thành một câu hỏi: Tôi là nhà báo, nghĩa là tạm được gọi là có nghề nghiệp, học vấn, địa vị trong xã hội, mà còn bị công an đè bẹp như một con gián, để từ chỗ vô tội trở thành có tội, nhận tội như bổ củi. Vậy thì những người dân thấp cổ bé họng, khi giáp mặt cơ quan công quyền, họ còn bị chà đạp tới mức nào? Ai bảo vệ họ? Ai xót thương họ? Ai cứu họ?”

Đó cũng là lý do mà “Chính trị bình dân” ra đời.

Kể từ khi xuất bản lần đầu ngày 22/9/2017 trên Amazon, “Chính trị bình dân” đã được nhiều bạn đọc đón nhận như một cẩm nang đơn giản, dễ hiểu về chính trị, đặc biệt là chính trị Việt Nam. Ít nhất 3.000 bản in đã đến tay bạn đọc cả trong và ngoài nước.

Ngày 09/2/2018, một số bản in cuốn sách này đã bị Hải quan Đà Nẵng thu giữ, hai tuần sau đến lượt tác giả bị công an bắt tại nhà riêng, đưa về đồn ở Hoàn Kiếm, Hà Nội để “làm việc” về cuốn sách. Trong bối cảnh đó, Luật Khoa tạp chí đã quyết định công bố miễn phí bản điện tử vào ngày 27/2.

Trong bản mới này, tác giả bổ sung thêm một số nội dung vào Phần III, “Dân chủ”, bao gồm các đề mục:

·         Sự khác nhau giữa dân chủ và tự do;
·         Khái niệm dân chủ tự do;
·         Bốn trụ cột của dân chủ hay là bốn bộ phận chính cấu thành nền dân chủ tự do.

Các khái niệm cánh tả, cánh hữu, chủ nghĩa dân tuý và thói mị dân cũng được tác giả Đoan Trang giải thích trong Phần IV, “Các chủ nghĩa”.

Vốn dĩ, cuốn sách này được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).

Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:

Nguyễn Quang A
Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội

Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com .

Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.







BẦU CỬ QUỐC HỘI MỸ GIỮA KỲ : ƯU THẾ & BẤT LỢI CỦA TT TRUMP (Thu Hằng - RFI | ĐIỂM BÁO)




Thu HằngRFI
Đăng ngày 31-08-2018

Mỹ sẽ tổ chức bầu lại Hạ Viện và một phần Thượng Viện vào ngày 06/11/2018. Cuộc bầu cử giữa kỳ luôn được coi là bài trắc nghiệm điểm tín nhiệm của tổng thống và chính phủ.

Đảng Dân Chủ hy vọng huy động đông đảo cử tri, đặc biệt là số cử tri nữ, và tập trung vào các ứng cử viên nữ. Phía đảng Cộng Hòa, do bị đe dọa mất đa số ghế ở Hạ Viện, nên đích thân tổng thống Trump liên tục đến vận động ở các bang chủ chốt cho tới ngày bầu cử để ngăn làn sóng Dân Chủ. Nhật báo Le Monde (31/08/2018) đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : “Đâu là những rủi ro cho Trump trong cuộc bầu cử giữa kỳ?”

Ở Hạ Viện, đảng Dân Chủ hy vọng có thêm được 23 ghế để chiếm đa số. Tuy nhiên, tình hình ở Thượng Viện lại phức tạp hơn vì có 26 thượng nghị sĩ Dân Chủ rời Thượng Viện, trong khi bên phía đảng Cộng Hòa chỉ có 9 thượng nghị sĩ hết nhiệm kỳ. Điều đáng nói là trong số này, có khoảng 10 bang đã bỏ phiếu bầu ông Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.

Lợi thế
Vậy đâu là những lợi thế của tổng thống Mỹ trong kỳ bầu cử sắp tới? Thứ nhất, phải nhắc đến nền kinh tế Mỹ vững mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng chắc chắn. Thứ hai, những tiếng nói chỉ trích tổng thống trong nội bộ đảng Cộng Hòa giờ im lặng : ngoài thượng nghị sĩ John McCain qua đời, rất nhiều thượng nghị sĩ khác quyết định “nghỉ hưu”.

Ngoài ra, trong nội bộ người ủng hộ thuộc đảng Cộng Hòa, chủ nhân Nhà Trắng đang có điểm tín nhiệm thuộc top chưa từng có tính đến thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ đầu. Số cử tri bảo thủ này không quan tâm đến các vụ điều tra liên quan đến Nhà Trắng : vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, dùng tiền mua sự im lặng của hai người tình của nhà tỉ phú địa ốc, trước khi trở thành tổng thống...

Bất lợi
Tuy nhiên, tổng thống Donald Trump phải đối mặt với một số bất lợi. Đầu tiên phải nhắc đến lượng cử tri nữ, tiếp theo là giới viên chức ở các khu dân cư ven đô các thành phố lớn mà ứng viên Cộng Hòa phải thuyết phục, kể cả tại những thành trì cũ như bang Texas, Virginia hoặc Bắc Carolina.

Khó khăn thứ hai, chính là khả năng tập hợp lớn của đảng Dân Chủ, trái với trước đây, khi họ chỉ chú tâm vận động cho kỳ bầu cử tổng thống. Vào tháng 12/2017, đảng Dân Chủ đã chiếm được một ghế thượng nghị sĩ bang Alabama, vẫn được cho là không thể lấy được từ tay đảng Cộng Hòa.

Theo một thống kê được công bố vào tháng 07/2018 của đại học Marist, 78% cử tri Dân Chủ đánh giá cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là “rất quan trọng”, trong khi 68% cử tri Cộng Hòa có cùng quan điểm. Nhờ chiến dịch vận động nhiệt thành hơn, đảng Dân Chủ hy vọng lấy lại được những bang mà nhà tỉ phú địa ốc bất ngờ giành được năm 2016, như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Tương tự, theo phân tích của trang Cook Political Report, đảng Dân Chủ có thể có lợi thế lấy lại ghế Hạ Viện ở ba bang California, Texas và New Jersey. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều ứng viên trung lập trong kỳ bầu cử ngày 06/11 cũng là một cản trở cho đảng Cộng Hòa.

Với đảng Dân Chủ, chiếm lại đa số ở Hạ Viện là điều quan trọng để có thể “phục thù” Donald Trump vào năm 2020 bằng cách ngăn cản chương trình của tổng thống. Ngược lại, nếu đảng Cộng Hòa tiếp tục giữ được vị trí chủ tịch Hạ Viện, tổng thống Trump sẽ có lợi thế nhắm đến nhiệm kỳ hai.

Le Monde kết luận, nhiều hồ sơ phức tạp như cải cách bảo hiểm xã hội, di trú có lẽ sẽ khó đạt được đồng thuận trong thời gian tới, khi chỉ còn hai năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống mới.

*
Cam Bốt : 17 nhà đối lập được thả
Thời sự châu Á được chú ý trên nhật báo Le Monde với hai chủ đề nhân quyền và tự do ngôn luận ở Ấn Độ và Cam Bốt.
Trong bài viết “17 nhà đối lập được ân xá ở Cam Bốt”, nhật báo Le Monde đánh giá ông Hun Sen đang cố thể hiện trước những lời chỉ trích gay gắt của phương Tây về chế độ chuyên quyền của thủ tướng Cam Bốt.
Sau khi triệt hết đối thủ trước kỳ bầu cử Quốc Hội Cam Bốt và biến đảng Nhân Dân Cam Bốt thành độc đảng điều hành đất nước, thủ tướng Hun Sen tỏ ra hào hiệp khi quyết định ngày 28/08 trả tự do cho 14 nhà đối lập bị cầm tù từ 4 năm qua vì tội “nổi dậy” khi tham gia các cuộc biểu tình bạo lực vào năm 2014, hai nhà báo của ban tiếng Khmer đài phát thanh Châu Á Tự Do (Radio Free Asia, RFA), bị bắt giam từ năm 2017. Trước đó, bà Tep Vanny, một tù nhân lương tâm, người bảo vệ quyền lợi của người dân Phnom Penh bị trưng thu đất đai, đã được thả vào tuần trước. Nhưng để được tự do, họ đã phải gửi thư xin lỗi lên thủ tướng Hun Sen.
Cựu lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt Sam Rainsy, hiện sống lưu vong tại Pháp, cáo buộc chế độ “đã bắt người dân Cam Bốt làm con tin, kể cả quốc vương. Từ giờ trở đi, tù nhân buộc phải rạp mình trước Hun Sen để được tự do”.

*
Ấn Độ bắt luật sư bảo vệ tầng lớp tiện dân
Ngày 28/08, năm nhà báo, luật sư và bảo vệ nhân quyền cho tầng lớp tiện dân Ấn Độ (Dalit). Họ bị bắt vì bị cáo buộc liên quan đến phe nổi dậy Maoist, âm mưu “lật đổ nền dân chủ”. Nơi ở của 9 nhà đấu tranh thiên tả khác bị khám xét ở nhiều thành phố trên cả nước.
Cảnh sát viện một đạo luật (UAPA) cho phép tạm giam 6 tháng mọi nghi phạm khủng bố mà không cần lệnh. Hiện những người này đang bị quản thúc tại gia cho đến phiên xử ngày 06/09.
Chính phủ của thủ tướng Modi đang đi theo hướng chuyên chế, bóp nghẹt các tiếng nói chỉ trích trong nước, chỉ vài tháng trước khi diễn ra bầu cử vào tháng 05/2019 là những lời tố cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ và được nhật báo Le Monde trích trong bài viết : “Các nhà bảo vệ tầng lớp tiện dân bị bắt ở Ấn Độ”.

*
Nghi ngờ lên cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên
La Croix trở lại quyết định hủy chuyến công du đến Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Theo nhật báo Công Giáo, quyết định bất ngờ này cho thấy “nghi ngờ trỗi dậy giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên”.
Trong bức thư gửi tổng thống Trump, chính quyền Bình Nhưỡng nêu nguy cơ hủy các cuộc đàm phán nếu Mỹ không thể hiện thiện chí. Lý do được Alex Ward, một chuyên gia của bộ Quốc Phòng Mỹ, nêu ra là tại Singapore, tổng thống Trump đã hứa với Kim Jong Un nhanh chóng “ký một tuyên bố hòa bình” chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Theo đánh giá của giáo sư Vipin Narang, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts tại Boston, “đây là mảnh ghép còn thiếu và giải thích tình trạng bế tắc hiện nay, vì ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh đến giải trừ hạt nhân” sau đó mới ký tuyên bố hòa bình. Vì vậy, Bình Nhưỡng có cảm giác bị lừa và “không thể tin vào Mỹ”.
Trong khi đó, tổng thống Donald Trump vẫn ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên và muốn gặp lại ông. Chính vì vậy, theo một chuyên gia thuộc đại học Stanford, “các quan chức Mỹ, phụ trách hồ sơ này, muốn ngăn ông Trump gặp Kim Jong Un lần nữa”.

*
Cải cách thuế, tăng lương hưu, môi trường… hồ sơ lớn của chính phủ Pháp
Trở lại thời sự nước Pháp, một loạt hồ sơ cải cách đang chờ chính phủ ngay từ đầu tháng Chín.
Le Figaro chú ý đến “cuộc ly hôn giữa tổng thống Macron và người nghỉ hưu”, vì tỉ lệ tăng lương hưu (0,3%) năm 2019 và 2020 không cao bằng tỉ lệ lạm phát (2,3%), trong khi năm 2017, họ đã phải trả thêm phần đóng góp xã hội (CSG). Xã luận của Le Figaro cho rằng chính phủ yêu cầu người nghỉ hưu “hy sinh” nhưng lại chưa công bố cắt giảm chi tiêu công như từng hứa.
Nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến thuế thu nhập khấu trừ từ lương, theo đó khoảng 60% người Pháp sẽ có lợi vì phải nộp thuế hàng tháng, bớt “nặng” hơn so với thu thuế trên 10 tháng mỗi năm như hiện nay. Cải cách được dự kiến áp dụng từ tháng 01/2019 nhưng có thể sẽ bị tạm hoãn theo phát biểu tại Helsinki (Phần Lan) của tổng thống Macron vì ông muốn chờ “những câu trả lời chính xác” của các bộ liên quan. Le Figaro đánh giá hai phát biểu không đồng nhất giữa tổng thống Pháp và bộ trưởng Ngân Sách Công Gérald Darmanin cho thấy “sự lộn xộn trên thượng tầng Nhà nước về thu thuế khấu trừ từ lương”. Libération cho rằng “bộ trưởng Darmanin trong vòng xoáy lần chần của tổng thống Macron”.
Chính phủ Pháp cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tại bộ Môi Trường khi bộ trưởng Nicolas Hulot bất ngờ từ chức. Le Monde đặt câu hỏi : “Phải chăng bộ Môi Trường là điều không thể ?” vì trước ông Hulot, nhiều bộ trưởng tiền nhiệm đã bị hạn chế khi thi hành chức vụ. Trong vòng 20 năm, bộ Môi Trường Pháp có khoảng 12 bộ trưởng và hầu hết đều từ chức hoặc bị thuyên chuyển trước khi hết nhiệm kỳ. Họ lên tiếng về tình trạng vận động hành lang trong chính phủ vì giữa các quan chức cao cấp chính phủ và chủ tập đoàn thường có quan hệ bạn hữu, bạn học… Chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế bất chấp tác động đến môi trường.
Trước vấn đề môi trường, Libération dành trọn một phụ san cho đại dương : tình trạng nước biển bị nhiễm axit đe dọa Trái đất, những loài động vật bí hiểm dưới lòng đại dương…

*
Diễn viên Gérard Depardieu bị tố cáo “cưỡng hiếp và xâm hại tình dục”
Vụ việc xảy ra tại biệt thự riêng ở quận 6 Paris của Gérard Depardieu, hiện đang tham gia bộ phim Fahim, quay tại Pháp. Người đệ đơn là một thiếu nữ, 20 tuổi, con gái của một người bạn của diễn viên nổi tiếng người Pháp.
Nhật báo Le Figaro cho biết diễn viên “bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc cưỡng hiếp và xâm hại tình dục”. Vụ điều tra được giao cho cảnh sát tư pháp Paris.

*
Trang nhất các nhật báo
Trang nhất các nhật báo Pháp số ra ngày 31/08/2018 tập trung vào những hồ sơ cải cách lớn và khó khăn đang chờ chính phủ từ đầu tháng Chín, sau thời gian nghỉ hè.
Le Figaro quan tâm “Vụ ly hôn giữa Macron và người nghỉ hưu”. Les Echos đề cập : “Thuế thu nhập trích từ lương : người được lợi và người chịu thiệt”. Libération dành trọn một phụ san cho hồ sơ môi trường sinh thái, còn trang nhất chú ý đến những bất đồng tại hãng hàng không Air France khi tổng giám đốc mới, người Canada, chuẩn bị nhậm chức. La Croix thiên về giáo dục, với chủ đề hát hợp xướng trở lại trường học. Trang nhất của Le Monde đề cập đến xáo trộn trong bộ Môi Trường Pháp với quyết định từ chức bất ngờ của bộ trưởng Nicolas Hulot.
Về thời sự quốc tế, Le Monde dành một hồ sơ lớn cho cuộc bầu cử Quốc Hội lưỡng viện giữa nhiệm kỳ tại Mỹ với câu hỏi : “Những nguy cơ nào cho ông Trump ?”







HOA KỲ TỔ CHỨC TANG LỄ THƯỢNG NGHỊ SĨ McCAIN (tổng hợp)




BBC Tiếng Việt

Tóm tắt
1.    Ông McCain, anh hùng chiến tranh, hai lần ứng viên tổng thống, là thượng nghị sỹ thứ 13 được tổ chức quốc tang tại Capitol Rotunda, niềm vinh dự chỉ dành cho “các công dân ưu tú nhất”
2.    Từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò 5 năm, ông được trả tự do vào 3/1973 và trở thành thượng nghị sỹ từ 11/1982
3.    Năm 2000, ông thách thức đương kim tổng thống George Bush trong việc giành vị trí đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống
4.    Ông đối đầu với ứng viên đảng Dân chủ là Barack Obama trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2008
5.    Thi hài ông được đưa tới Capitol tại Washington, D.C., hôm thứ Sáu, với nghi lễ chính thức diễn ra vào 10 giờ sáng (tức 3 giờ chiều giờ London)
6.    Trước đó ông được quàn tại Capitol ở bang Arizona, nơi một buổi lễ riêng tư được tổ chức lúc 10 giờ sáng PST (6 giờ chiều giờ London), là ngày ông tròn 82 tuổi
7.    Thứ Bảy, gia đình đưa ông đi dọc Pennsylvania Avenue tới Đài Tưởng niệm Cuộc chiến VN, nơi tổ chức lễ đặt vòng hoa vinh danh ông
8.    Ông McCain an nghỉ trong một buổi lễ riêng tư hôm Chủ Nhật tại Nghĩa trang Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại Annapolis, Md., văn phòng McCain thông báo

--------------

Tường thuật trực tiếp

12:29
John McCain có nhiều “duyên nợ” với Việt Nam
Thượng nghị sĩ John McCain, người qua đời ngày 25/8 ở tuổi 81, được xem là có nhiều "duyên nợ" với Việt Nam từ thời chiến đến thời bình.
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, John McCain là một trong những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
Ngoài ra, ông cũng là người lên tiếng ủng hộ và đóng góp đáng kể trong sự phát triển phong trào dân chủ ở Việt Nam


------------------------------------------------

VOA Tiếng Việt
01/09/2018

Chính giới Washington vốn chia rẽ gay gắt đã cùng nhau tề tựu trong ngày thứ Sáu để tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ John McCain, ca ngợi ông là hiện thân cho tinh thần chiến đấu, lí tưởng của nước Mỹ và sự hài hước. Nhưng có một người vắng mặt gây chú ý: Tổng thống Donald Trump.

Người tiếc thương đứng quanh linh cữu của cố Thượng nghị sĩ John McCain trong Đại Sảnh Điện Capitol nơi ông được quàn đến hết ngày thứ Sáu, ở Washignton, ngày 31 tháng 8, 2018.

Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng đã tập trung tại Đại Sảnh Điện Capitol vào ngày thứ Sáu để tôn vinh ông McCain vào ngày thứ ba trong số năm ngày với những buổi lễ tưởng niệm ở bang Arizona và thủ đô Washington dành cho vị anh hùng Chiến tranh Việt Nam và người từng hai lần là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Lãnh đạo Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell, người thường đối đầu với ông McCain về các vấn đề như cải cách luật tài chính tranh cử và cải tổ luật chăm sóc y tế của ông Obama, ca ngợi ông là một "nhà lãnh đạo của các thế hệ" trong Thượng viện.

"Ông ấy sẽ chiến đấu kịch liệt cho viễn kiến của ông ấy về lợi ích chung. Tùy vấn đề, bạn biết John sẽ là đồng minh thân cận nhất của bạn hoặc là đối thủ cố chấp nhất của bạn," ông McConnell nói.

"Bất kì lúc nào, ông ấy có thể diễn thuyết hùng hồn về sự tự do của con người hoặc buông một câu nói đùa cay nghiệt, kèm theo tiếng cười sằng sặc và ánh mắt không lẫn vào đâu được của John McCain," ông nói.

----------------------------------
VIDEO :
Vice Pres. Mike Pence on Sen. John McCain: "As Pres. Trump said yesterday, we respect his service to the country." http://abcn.ws/2C3MKGP 
-------------------------------------

Phó Tổng thống Mike Pence tham dự buổi lễ và là một trong các diễn giả. Ông cho biết ông Trump đã yêu cầu ông đến thay ông để viếng ông McCain.

“Mọi người sẽ nhớ ông ấy. Như Tổng thống Trump đã nói, chúng ta tôn trọng sự phụng sự của ông ấy đối với đất nước,” ông Pence nói.

Ông Trump cũng sẽ không dự lễ tưởng niệm ngày thứ Bảy tại Thánh đường Quốc gia Washington. Tại đây cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama, người từng đánh bại ông McCain trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, và cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa George W. Bush, người từng đánh bại ông McCain vào năm 2000 trong đợt bầu cử sơ bộ của đảng họ, sẽ vinh danh ông McCain.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói đôi khi ông hứng chịu "sự thẳng thừng mang phong cách đặc trưng" của ông McCain.
"Đây là một trong những linh hồn dũng cảm nhất mà đất nước chúng ta từng sản sinh," ông Ryan nói.

Sau buổi lễ, công chúng sẽ được cho phép đi qua Đại sảnh để viếng linh cữu của ông McCain trong sáu tiếng.

*
*
LIÊN QUAN







THƯỢNG NGHỊ SĨ MỸ QUA ĐỜI, LÀM SAO THAY? (Trịnh Hữu Long)




Posted on 27/08/2018

Không phải thượng nghị sĩ Mỹ nào cũng làm hết được nhiệm kỳ dài tới sáu năm của mình. Có người từ chức, có người bị miễn nhiệm, lại có người qua đời giữa nhiệm kỳ như Thượng nghị sĩ John McCain.

Ghế trống của Thượng nghị sĩ John McCain sẽ được thay thế như thế nào? Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Ông McCain đắc cử thượng nghị sĩ nhiệm kỳ thứ sáu vào năm 2016 vừa qua, nghĩa là nhiệm kỳ của ông kéo dài tới tận năm 2022.

Để đảm bảo cho Quốc hội vận hành với đầy đủ các nghị sĩ, Hiến pháp Mỹ và Tu chính án thứ 17 đặt ra hai giải pháp:

·         Đối với Hạ viện: cần tổ chức bầu cử theo luật bầu cử liên bang để người dân chọn người thay thế.

·         Đối với Thượng viện: các bang có thẩm quyền rộng lớn trong việc tự quyết định cách chọn người thay thế.

Thượng viện là một thiết chế đầy quyền lực của chính trường Mỹ, không những nắm giữ một nửa quyền lập pháp (nửa còn lại thuộc về Hạ viện), mà còn là nơi duy nhất có thẩm quyền phê chuẩn nhân sự của nội các (hành pháp) và các thẩm phán liên bang (tư pháp). Nó cũng là cơ quan duy nhất có quyền xét xử một tổng thống đương nhiệm.

Khác với Hạ viện, nơi có 435 dân biểu, mỗi dân biểu đại diện cho một số dân cư ngang nhau trên toàn quốc, Thượng viện có 100 thành viên với mỗi bang có hai thượng nghị sĩ, bất kể đó là bang đông dân nhất như California (khoảng 40 triệu dân) hay bang ít người nhất như Wyoming (khoảng 573 nghìn dân). Thượng nghị sĩ của bang nào thì do cử tri toàn bang đó bầu ra. Hiến pháp Mỹ thiết kế ra Thượng viện để đảm bảo các bang nhỏ không bị các bang lớn “ăn hiếp”. Nó cũng được cho là giúp hạ nhiệt cái chảo lửa Hạ viện, do hạ nghị sĩ chỉ có nhiệm kỳ hai năm và luôn chịu áp lực rất lớn của cử tri.

Vậy nếu có bất kỳ ghế thượng nghị sĩ nào bị khuyết thì phải làm thế nào?

Như đã nói ở trên, Hiến pháp Mỹ trao cho các bang thẩm quyền rộng lớn trong việc quyết định cách lấp chỗ trống này.

Đến đây, cần lưu ý rằng Mỹ có hai hệ thống chính quyền: liên bang và tiểu bang. Mỗi tiểu bang đều có hiến pháp riêng, quốc hội riêng, toà án riêng, cơ quan hành pháp riêng. Nếu không tính một số thẩm quyền của liên bang liên quan đến tiền tệ, ngoại giao, quân sự, v.v… các bang có thể được coi như một quốc gia độc lập.

Hiến pháp Mỹ quy định những quyền gì không thuộc về liên bang thì thuộc về các tiểu bang. Liên bang ấn định các luật lệ chung cho toàn nước Mỹ, được coi như ngưỡng tối thiểu mà các bang phải tuân theo. Các bang dựa trên đó có thể thiết lập nên các luật lệ riêng của mình, thành ra trong nhiều vấn đề như thuế, môi trường, án tử hình, mại dâm, ma tuý, bầu cử, v.v. chẳng bang nào giống bang nào.

Việc chọn người thay thế ghế thượng nghị sĩ trống cũng vậy.

Liên đoàn Quốc gia của Các Nghị viện bang (National Conference of State Legislature) cho biết, trong 50 bang của Mỹ thì có đến 36 bang chọn người thay thế thông qua cuộc bầu cử thông thường kế tiếp (mỗi cuộc bầu cử cách nhau hai năm, được tổ chức vào tháng 11) như các bang New York, Pennsylvaniva, Ohio; 14 bang còn lại bắt buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử đặc biệt như các bang Alabama, Alaska, Massachusetts.

Thượng nghị sĩ John McCain qua đời ngày 25/8/2018, để lại một chiếc ghế đầy quyền lực. Ảnh: AP.

Đối với việc tổ chức bầu cử đặc biệt thì khá dễ hiểu. Đó là một cuộc bầu cử riêng để chọn ra người thay thế mà không cần phụ thuộc vào các cuộc bầu cử định kỳ. Ngày bầu cử đặc biệt do mỗi bang ấn định, thường nằm trong khoảng ba hoặc bốn tháng kể từ khi có vị trí trống.
Đối với những bang chọn người thay thế qua bầu cử thông thường, thống đốc bang sẽ bổ nhiệm một người làm thượng nghị sĩ tạm thời cho đến khi bầu ra được người mới trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Chỉ riêng chuyện bổ nhiệm tạm thời này thôi cũng đã lắm nhiêu khê vì 36 bang này cũng chẳng thống nhất một cách làm với nhau. Ở hầu hết các bang, thống đốc có thể bổ nhiệm tuỳ ý. Nhưng ở các bang như Maryland, North Carolina, Utah, Wyoming, Hawaii và cả bang Arizona của ông John McCain, thống đốc buộc phải bổ nhiệm người thay thế từ cùng một đảng với người vừa rời ghế. Riêng Hawaii thì còn chặt hơn nữa, với việc thống đốc chỉ được bổ nhiệm người thay thế trong số ba người mà đảng đó đề xuất.

Chưa hết, trong nhiều trường hợp, người được bổ nhiệm tạm thời sẽ được nắm quyền không chỉ tới kỳ bầu cử định kỳ kế tiếp, mà tới tận lần bầu cử sau đó hai năm.

Lý do của việc này khá là kỹ thuật, vì cuộc bầu cử nào cũng phải ấn định thời hạn nộp hồ sơ tranh cử. Mỗi bang có thời hạn khác nhau. Nếu ghế thượng nghị sĩ bị trống trước hạn đó thì còn kịp nộp hồ sơ tranh cử vào vị trí trống đó, còn không thì lại phải chờ tới cuộc bầu cử sau, đồng nghĩa với việc người được thống đốc bổ nhiệm sẽ nắm giữ vị trí này trong hơn hai năm, thay vì chỉ vài tháng.

Lại có một số bang như Minnesota, New Jersey, New York, Virginia hay kể cả bang nhà Arizona của ông John McCain, luật tiểu bang ấn định một ngày nào đó trước kỳ bầu cử sơ bộ, nếu ghế trống trước ngày đó thì cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ chọn người thay thế, còn nếu ghế trống sau ngày đó thì phải chờ cuộc bầu cử sau đó nữa. Bang Arizona ấn định ngày này là 150 ngày trước kỳ bầu cử sơ bộ (năm nay rơi vào ngày 31/3 năm nay).

(Thông thường, bầu cử ở Mỹ có hai vòng: vòng sơ bộ và vòng tổng tuyển cử vào tháng 11 mỗi hai năm. Vòng sơ bộ diễn ra trước tổng tuyển cử vài tháng để chọn ra ứng viên của mỗi đảng, vòng tổng tuyển cử để chọn ra người thắng cuộc. Lưu ý: vòng sơ bộ do chính quyền tổ chức chứ không phải các đảng tự tổ chức.)

Ông John McCain qua đời ngày 25/8, tức là đã qua ngày được ấn định kể trên, nên người được thống đốc bổ nhiệm thay thế ông sẽ nắm quyền cho đến tận kỳ bầu cử vào tháng 11/2020 chứ không phải kỳ bầu cử tháng 11/2018.








THƯỢNG NGHỊ SĨ MỸ QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)




Posted on 31/08/2018

Chỉ với tư cách là thượng nghị sĩ đại diện cho bang Arizona, Hoa Kỳ, ông John McCain lúc sinh thời là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng khắp đối với nền chính trị của quốc gia này. Ông là một ví dụ điển hình cho thấy một nghị sĩ Mỹ (mà ở ta gọi là đại biểu Quốc hội) có thể đóng vai trò quan trọng như thế nào trên chính trường.

"Bát nhân đảng" gồm tám thượng nghị sĩ đầy quyền lực của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà năm 2013. Ảnh: Jason Reed/Reuters

Trời và vực

Nhớ về McCain, người ta có thể nhắc đến “Bát nhân đảng” (Gang of Eight), tập hợp tám thượng nghị sĩ (TNS) có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ vào thời điểm năm 2013. Họ thống nhất mục tiêu, gác lại những khác biệt quan điểm chính trị để tạo ra đột phá trong việc cải cách hệ thống pháp luật di dân của Mỹ.

McCain là một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa nhưng chưa bao giờ ngại đứng lên phản kháng lại những thứ gọi là “chủ trương, đường lối, chính sách” của đảng mình.

Ông đề xuất và ủng hộ các chiến dịch cải cách – kiểm soát thị trường tiền tệ quốc gia.

Ông chống lại đến cùng chính sách sử dụng những “kỹ thuật thẩm vấn tăng cường” (enhanced interrogation techniques) của chính quyền Bush và Cục Tình báo Trung ương (CIA) tại nhà tù Vịnh Guantanamo, ngăn chặn nạn tra tấn tù binh nước ngoài bằng đạo luật Amendment 1977.

Gần đây, McCain cũng là người nhiều lần bỏ phiếu chống lại nỗ lực loại bỏ ObamaCare đã kéo dài nhiều năm của chính đảng mình.

Nhớ về McCain, người ta cũng nhớ rằng ông đã gầy dựng tên tuổi của mình thành “gã diều hâu nhất trong những gã diều hâu” trong chính sách đối ngoại và quân sự Hoa Kỳ.

Nắm vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện (Senate Armed Service Committee), ông là người đề xuất tăng cường quân đội Mỹ tại Iraq vào năm 2007, giúp duy trì hòa bình và sự ổn định của chính quyền Iraq lâm thời.

McCain cũng cật lực chỉ trích chính sách ngoại giao yếu kém của chính quyền Obama trong suốt tám năm ông này đương nhiệm.

Đó là những thứ người Mỹ hay những người mến mộ McCain có thể nhắc về ông, với tư cách đơn giản là một thượng nghị sĩ.

Khoảnh khắc TNS John McCain bỏ lá phiếu quyết định làm phá sản dự luật bãi bỏ ObamaCare ngày 28/7/2017, khiến cho Đảng Cộng hoà của ông rất thất vọng. Ảnh: TIME.

Đáng tiếc thay, dường như người Việt Nam ta khó có thể liệt kê được thành tựu nào đáng kể của các đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội năng động và đôi khi nhận được cảm tình của báo chí và người dân nhất như ông Trương Trọng Nghĩa, ông Dương Trung Quốc thường chỉ hạn chế thành tựu của mình trong những… câu hỏi chất vấn. Thứ khiến người dân Việt Nam biết đến các đại biểu Quốc hội cuối cùng chỉ là những câu hỏi chất vấn vô thưởng, vô phạt, xứng đáng vài cái vỗ đùi đen đét của người xem rằng “Nói hay!”, “Nói chí phải!”… rồi sau kỳ họp thì đâu lại vào đấy.

Luật Khoa đã từng giới thiệu đến bạn đọc về các đầu việc của một đại biểu Quốc hội, những đầu việc nghe rất quyền lực và rất quan trọng. Nhưng còn đó những nhược điểm có tính toán và được dự trù của một cơ quan “đại quyền lực” khác để đảm bảo rằng đại biểu Quốc hội Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuyên môn, và lệ thuộc vào Ủy ban Thường vụ.

Vậy vì sao cũng là đại biểu, nhưng đại biểu Hoa Kỳ lại nhiều dấu ấn chính sách đến thế? Sao họ lại có quyền lực đến thế? Chúng ta có thể cùng trả lời qua vài câu hỏi đơn giản sau.

Thượng nghị sĩ (Senator) là những ai?  

John McCain là một trong 100 TNS Hoa Kỳ. Một trăm vị này đại diện cho 50 bang. Khác với Hạ viện, nơi mà số lượng dân biểu mỗi bang tương ứng với tỉ lệ dân số của tiểu bang đó trong tổng dân số cả nước, mỗi bang đều có hai TNS như nhau để bảo đảm tiếng nói của mình.

Các TNS có nhiệm kỳ sáu năm, dài hơn nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ (hai năm) và tổng thống (bốn năm). Nhiệm kỳ dài giúp Thượng viện giảm bớt tính chính trị và các TNS không quá lệ thuộc vào việc tìm kiếm phiếu bầu.

Người đứng đầu Thượng viện là Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Chức danh này sẽ chỉ thực hiện quyền bỏ phiếu khi xảy ra trường hợp hòa phiếu trong một vấn đề nhất định.

Các thượng nghị sĩ hoạt động bằng phương thức nào?

So với các đại biểu Quốc hội Việt Nam thì nghị sĩ Hoa Kỳ nói chung và các TNS nói riêng có năng suất làm việc và mức độ chủ động gấp cả ngàn lần.

Thay vì chỉ hội họp đông đúc và bầu bán cho qua chuyện mỗi năm hai lần như ở Việt Nam, các TNS Hoa Kỳ làm việc toàn thời gian, chủ yếu thông qua mô hình ủy ban (committees). Có tổng cộng năm loại hình ủy ban:

Ủy ban thường trực (Standing committee): là những ủy ban lập pháp làm việc liên tục cho các vấn đề chung của Thượng viện.

Ủy ban tạm thời (Select committee): là những ủy ban thành lập để xem xét và xử lý những vấn đề, chính sách cụ thể.

Ủy ban đặc biệt (Special committee): là những ủy ban được thành lập có trách nhiệm điều tra cáo buộc, sai phạm; hoặc khi Thượng viện cần một báo cáo chi tiết.

Ủy ban kết hợp (Joint committee): là những ủy ban được thành lập chung giữa Thượng viện và Hạ viện

Tiểu ban (Subcommittees): là những ủy ban được chuyên môn hóa cao, tập trung vào chỉ một số vấn đề ngách về pháp lý và chính sách.

TNS John McCain (giữa) trong một phiên điều trần tại Uỷ ban Quân vụ Thượng viện ngày 27/1/2016. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Các ủy ban có tầm ảnh hưởng ra sao đến các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ?

Chúng ta đã quá quen với những thông tin về tam quyền phân lập của Hoa Kỳ với Nghị viện nắm lập pháp, Tổng thống nắm hành pháp và Tối cao Pháp viện nắm tư pháp. Nhưng nguyên tắc phân tán quyền lực này cũng không đồng nghĩa rằng một cách cơ bản, các dân biểu sẽ rơi vào thế bị động trong việc quản lý hành chính nhà nước. Sẽ không quá lời nếu mô tả các ủy ban của Nghị viện Hoa Kỳ như những cơ quan quản lý hành chính thu nhỏ thật sự, với mục tiêu nghiên cứu và hình thành đạo luật – chính sách, kiểm tra sự thi hành và vận động của các đạo luật – chính sách đó.

Nếu tại Việt Nam, chính phủ soạn thảo, đệ trình dự án luật, chính sách; thì ở Mỹ, chính những TNS nằm trong các ủy ban chuyên trách sẽ xem xét soạn thảo các văn bản pháp luật, quyết định việc một dự luật có được đưa ra toàn thể Nghị viện xem xét hay không.
Các ủy ban chuyên trách cũng có thể nắm quyền kiểm soát chi tiêu cho từng ngành hoạt động cụ thể; thay vì như ở Việt Nam, khi Quốc hội chỉ thông qua ngân sách chung chung để chính phủ dùng sao thì dùng, vì các đại biểu cũng không có chuyên môn hay thời gian nghiên cứu vấn đề. Ủy ban của Thượng viện còn liên tục theo sát các chức năng quan trọng khác của chính phủ.

Hãy thử so sánh Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ (một dạng ủy ban thường trực, mà TNS John McCain là Chủ tịch trước khi qua đời).

Trên lý thuyết, quyền lực của Ủy ban Quốc phòng – An ninh chỉ ở mức thẩm tra dự án luật từ chính phủ, giám sát các văn bản dưới luật của chính phủ và kiến nghị các vấn đề liên quan. Còn trên thực tế, Ủy ban Quốc phòng – An ninh gần như không có thẩm quyền gì nhiều với các vấn đề pháp lý liên quan.

Liên quan đến các tranh cãi của dự thảo sửa đổi Luật Công an Nhân dân gần đây về việc có cho phép phong tướng một số chức danh đứng đầu công an tỉnh hay không, Ủy ban này chỉ ghi nhận: “Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, nội dung này các đại biểu còn có ý kiến khác nhau, vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến”.

Ngược lại, Ủy ban Quân vụ Thượng viện là chiến trường mà chính phủ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải bước qua nếu muốn đạt được một mục tiêu quản lý hành chính quan trọng nào đó.

Muốn được phê duyệt ngân sách dành riêng cho quốc phòng? Phải thông qua điều trần ở Ủy ban Quân vụ.

Muốn ký kết hợp đồng thầu trong các lĩnh vực quốc phòng? Vẫn phải thuyết phục được Ủy ban Quân vụ.

Thực chất, gần đây, chính Ủy ban Quân vụ của Thượng viện đã đưa ra quyết định cấm Lầu Năm Góc ký kết, gia hạn hay làm mới các hợp đồng thầu đối với các nhà thầu có sử dụng công cụ hay dịch vụ của các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE.

Đấy là chúng ta chưa kể đến hàng loạt các ủy ban quan trọng khác như Ủy ban Thương mại, Ủy ban Tài chính hay Ủy ban Đối ngoại, vốn đều là những “thủ lĩnh” thực tế mà mọi bộ, ban, ngành Hoa Kỳ buộc phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến.

Trong vụ bê bối Watergate khét tiếng đầu thập niên 1970, khi mà đương kiêm Tổng thống Richard Nixon bị cáo buộc nghe lén trụ sở của Đảng Dân chủ, Ủy ban Watergate (tên gọi đầy đủ là Select Committee on Presidential Campaign Activities) nhanh chóng được thành lập để điều tra và đưa ra kết luận đối với vụ việc (cũng như các văn bản pháp lý để sử dụng lâu dài). Cùng với áp lực từ phán quyết của Tối cao Pháp viện trong United States v. Nixon, và Nghị quyết luận tội phế truất cho Nixon do Ủy ban Tư pháp Hạ Viện soạn thảo, Nixon buộc phải từ chức vào năm 1974 để tránh bị luận tội.

***
Với những cơ chế kiểm soát mạnh mẽ hoạt động không ngừng nghỉ thông qua những ủy ban chuyên trách, không khó để tưởng tượng ra tầm ảnh hưởng của nghị sĩ Hoa Kỳ đối với mọi hoạt động kinh tế – xã hội của quốc gia.

Cơ chế này giúp cho người dân biết rõ các đại biểu của mình đang làm gì, rồi từ đó người dân sẽ lựa chọn thái độ tôn trọng hay ghét bỏ các đại biểu đó. Đó là điều tốt nhất cho một nền chính trị khỏe mạnh. Không có gì kinh khủng hơn khi nhân dân không biết những người đại diện của mình đang làm gì.







View My Stats