Thursday, 5 April 2018

WTO CÓ SỐNG NỔI VỚI CHÍNH QUYỀN TRUMP ? (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 05-04-2018

Chủ trương của Washington tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng thép, nhôm tháng 3/2018, đe dọa tăng thuế với hàng chục tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, rồi các đe dọa trả đũa qua lại, khiến thế giới lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu bùng nổ. Đe dọa trả đũa thương mại bất chấp Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) của tổng thống Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi : Liệu định chế quốc tế được coi là nền tảng của « mậu dịch tự do » toàn cầu có tồn tại nổi trước các tấn công từ phía chính quyền Donald Trump ?

1 - TT Trump có thể phá hủy tổ chức OMC như thế nào ?
Ngay từ khi tranh cử tổng thống Mỹ hồi 2016, Donald Trump đã rầm rộ tuyên bố chống lại « mậu dịch tự do », đề cao « chủ nghĩa bảo hộ » và khẳng định nước Mỹ trên hết. Từ khi vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ liên tục lên án WTO, tổ chức quốc tế với 164 thành viên, bất chấp các kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia khác. Donald Trump chủ trương thay thế cơ chế mậu dịch đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương, mà Washington muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Trả lời Le Figaro, chuyên gia kinh tế Pháp Jean-Marc Siroen nhận định Hoa Kỳ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác để họ cũng phải làm tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này, cho dù có bị WTO trừng phạt. Lý do để ra khỏi WTO, mà Mỹ có thể nêu ra, là tổ chức này bất lực trong việc giúp Mỹ bảo vệ được quyền lợi của mình.
Để nói về uy lực của Mỹ với WTO, chuyên gia kinh tế Pháp dùng hình ảnh ví von « Trump có khả năng đưa Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào tình trạng chết não ».

Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Washington viện dẫn đến điều khoản về « an ninh quốc gia », để biện minh cho việc đưa ra các sắc thuế mới. Tổng thống Mỹ dựa vào một điều khoản rất hiếm khi được chính quyền Hoa Kỳ sử dụng. Đó là điều 232 trong bộ luật về thương mại Trade Expansion Act năm 1962.

WTO cũng có điều khoản tương tự. Điều 21 trong thỏa thuận GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch), vẫn có hiệu lực với WTO, quy định là không quốc gia nào có thể bị ngăn cản đưa ra các quyết định « cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chủ yếu ».

Nhiều chuyên gia gọi đây là « chiếc hộp Pandore » - sự tích trong thần thoại Hy Lạp nói về một chiếc hộp bí hiểm, một khi đã mở ra thì tai họa tràn ngập, không có cách vãn hồi. Cho đến nay, chưa bao giờ cơ quan trọng tài của WTO ra phán quyết về một vụ kiện tụng liên quan đến điều 21, được ví với chiếc hộp Pandore này. Nỗi lo sợ của nhiều quốc gia là, một khi quan điểm « an ninh quốc gia » của tổng thống Mỹ được chấp nhận, thì đây là cú hích đầu tiên đẩy các quốc gia đi vào con đường chạy đua mỗi người vì mình, với hệ quả là đủ loại sắc thuế mới mọc lên, làm tan vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay.

Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden, viện tư vấn Mỹ Council on Foreign Relations, ngày nào Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm, ngày đó là ngày báo tử của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì định chế này ắt hẳn cũng chỉ còn là một chiếc vỏ không hồn.

2 – Việc chính quyền Trump vừa tấn công WTO, lại vừa đưa các tranh chấp ra WTO phân xử, có mâu thuẫn không ?
Trong hiện tại, tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành nhiều mũi tấn công nhắm vào WTO. Một mặt, đe dọa sử dụng điều khoản « an ninh quốc gia » như đã nói trên, hành động có thể khiến WTO tan vỡ, nhưng mặt khác cũng sử dụng kênh truyền thống là đưa các quốc gia đối thủ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Body/Organe de règlements des différends), với các khiếu nại, được coi là không thách thức sự tồn tại của định chế quốc tế này.

Cụ thể là ngày 23/03, Washington quyết định khởi sự thủ tục kiện Trung Quốc lên WTO, với lý do Bắc Kinh « xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ ». Washington tố cáo Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài, làm ăn tại Trung Quốc, buộc phải chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.

Việc chính quyền Mỹ vừa tấn công vào tính hợp pháp của WTO, lại vừa nhờ cậy đến WTO trong các tranh chấp không mâu thuẫn, cho dù hiện nay rất khó nhìn ra  « tính nhất quán » trong chính sách của Mỹ, như nhận định của ông Peter Ungphakorn, cựu phát ngôn viên của WTO, người từng làm việc tại định chế này trong hai thập niên. Cựu chuyên gia WTO khẳng định chính quyền Trump « đang sử dụng bất cứ vũ khí nào cho phép họ giành thắng lợi », Washington rất có thể, một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ WTO, nhưng mặt khác sẵn sàng lờ đi các quy tắc của WTO, nếu cần. Nói một cách khác Trump vừa chống, vừa sử dụng WTO.

Vấn đề là, việc Mỹ quyết định đưa tranh chấp ra cơ quan phán xử của WTO diễn ra đúng vào lúc cơ quan này đang đứng trước viễn cảnh tê liệt hoàn toàn, do chủ trương của Mỹ.

Để hoạt động phán xử được tiến hành đúng thủ tục, cần tối thiểu 4 thẩm phán. Hiện tại, trong số 7 thẩm phán, chỉ còn đúng 4 người đang làm việc. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2018, sẽ có thêm một thẩm phán mãn nhiệm. Từ nhiều tháng nay, Washington đã cố tình ngăn cản việc bổ nhiệm ba ghế thẩm phán bị thiếu. Nguyên tắc đồng thuận buộc việc bổ nhiệm một thẩm phán phải được sự chấp thuận của toàn bộ 164 thành viên WTO.

3 – Trump ngăn cản « cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp » của WTO. Cơ chế này có ý nghĩa gì với WTO ?
Cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp được coi là linh hồn của WTO. Theo tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, « nếu cơ chế này bị xâm phạm, thì toàn bộ hệ thống sẽ bị đe dọa » (Financial Times, 1/10/2017).

Kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay, với cơ chế trọng tài nói trên, định chế thương mại quốc tế đa phương WTO đã xử lý hơn 500 vụ kiện tụng giữa các quốc gia thành viên. Hoa Kỳ đã kiện lên WTO hơn 100 lần và đã giành thắng lợi khoảng « 90% ». Ngược lại, Washington cũng đã thua kiện trong 75% trường hợp đơn kiện chống lại Mỹ (Le Figaro).

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cho phép các quốc gia giải quyết một cách hòa bình các mâu thuẫn, tránh không rơi vào các chiến tranh thương mại huynh đệ tương tàn.

4 – Vậy Hoa Kỳ được lợi gì khi tấn công vào cơ chế trụ cột này của WTO ? Về WTO, chính quyền Trump thực sự muốn gì ?
Theo một số nhà quan sát, ẩn đằng sau các lời đe dọa chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump, chống lại WTO, là nỗ lực của Washington nhằm « cải tổ » WTO để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ. Cuối tháng 3/2018, Washington bổ nhiệm đại diện mới tại WTO, sau một thời gian dài ghế này bị bỏ trống : Luật sư Robert Lighthizer, 69 tuổi, người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, giống như bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro.

Theo nhiều nhà quan sát, bên ngoài các cải tổ mang tính kỹ thuật mà Washington đề xuất, cái đích chính mà chính quyền của Donald Trump nhắm đến là Trung Quốc. Trong báo cáo về chính sách thương mại thường niên của Hoa Kỳ năm 2018, được công bố hồi tháng 3, Trung Quốc bị lên án « cho dù là thành viên WTO từ hơn 16 năm nay, nhưng vẫn chưa áp dụng hệ thống kinh tế thị trường mà tất cả các thành viên WTO mong đợi. Và trên thực tế, Trung Quốc ngày càng xa rời với các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây ».

Theo chính quyền Mỹ, chừng nào Trung Quốc vẫn cứ tự phát triển theo cách riêng của họ, thì chừng ấy Washington phải có nghĩa vụ tự vệ để bảo vệ lợi ích của mình. WTO trong thời gian tới, như vậy, rất có thể sẽ trở thành một sàn đấu chính của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

---------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 05-04-2018

"Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ba bố già của Syria" đã họp thượng đỉnh ở Ankara để tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài này, nhưng "không đạt tiến bộ". "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang". Gần một nửa các trường đại học Pháp, bị sinh viên chiếm đóng, trong lúc chính phủ thông báo kế hoạch cải tổ cách hoạt động của Thượng và Hạ Viện là những chủ đề trải rộng trên các báo Paris ngày 05/04/2018.

Dùng vũ khí hạng nặng, nhưng... cuộc chiến chưa khai mào
Báo Le Figaro chạy tựa Trung Quốc tung "vũ khí hạng nặng" đáp trả Hoa Kỳ áp thuế. Chỉ vài giờ sau khi Washington công bố danh sách những sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế, Bắc Kinh đáp trả một cách tương xứng. Mỹ phạt Trung Quốc 60 tỷ đô la, Bắc Kinh phạt lại Washington 50 tỷ, tăng thuế 25 % nhắm vào những lĩnh vực mà thị trường Trung Quốc là khách hàng quan trọng bậc nhất của các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Đậu nành, xe hơi, máy bay ... Bắc Kinh đánh trúng "tâm điểm" của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Trong đợt phản công thứ nhì lần này, những tập đoàn Mỹ làm ăn nhiều nhất với Trung Quốc như Apple và kể cả ông khổng lồ Boeing không còn được bình yên. Theo tính toán của tờ báo, những mặt hàng trong tầm ngắm của cả đôi bên chiếm 17 % tổng trao đổi mậu dịch hai chiều. Căng thẳng thương mại leo thang, nhưng liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực sự "đã mở màn" ?

Les Echos trong bài xã luận nhận định "dao có nhọn, nhưng chích không đau", bởi cả Washington lẫn Bắc Kinh đều mới chỉ trưng ra những vũ khí để dọa nhau, mà tránh tuyên bố là khi nào các biện pháp đó sẽ được áp dụng. Les Echos ví von : chính quyền Trump như thể đã dàn sẵn một loạt máy bay ném bom B52 khi nhắm vào 1.300 mặt hàng của Trung Quốc nhưng "Nhà Trắng chưa ra lệnh cho những chiếc B52 đó cất cánh".

Còn Bắc Kinh thì chắc chắn là sẽ án binh bất động, bởi "Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ số 1 của thế giới, và GDP của Trung Quốc lệ thuộc vào khối lượng hàng hóa bán cho người tiêu dùng ở Mỹ đến gấp 5 lần so với mức độ lệ thuộc của Mỹ vào thị trường Trung Quốc".

Mỹ muốn tiêu diệt kế hoạch chinh phục công nghệ mới của Trung Quốc
Mở ra một cuộc chiến để giảm thâm thủng cán cân thương mại với bạn hàng Trung Quốc thực ra chỉ là một trong hai mục tiêu mà Nhà Trắng hướng tới, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh.

Mục tiêu thực sự của tổng thống Trump là "ngăn cản Trung Quốc cất cánh" trở thành nền công nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ. Kế hoạch đó mang tên "Made in China 2025" đã được Trung Quốc công bố năm 2015.

Trong báo cáo dài 215 trang của Mỹ về tham vọng của Trung Quốc này, kế hoạch "Made in China 2025" đã được nhắc đến 126 lần.

Bắc Kinh đề rõ mục tiêu từ một "công xưởng của thế giới", nước này phải vươn lên thành "một cường quốc công nghiệp" làm chủ các khâu từ nghiên cứu, đến sản xuất các mặt hàng có trị giá gia tăng cao. Trung Quốc có tham vọng trở thành một "con chim đầu đàn của nền công nghệ mới", nắm giữ chìa khóa công nghệ để không còn cần đến nước ngoài.

Bên cạnh kế hoạch "Made in China 2025", năm ngoái Bắc Kinh khẳng định quyết tâm trở thành nhà vô địch trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Tác giả bài báo cho rằng, tổng thống Trump ít có khả năng phá vỡ kế hoạch đó của Trung Quốc. Nước cờ mà chủ nhân Nhà Trắng đang đi, có nguy cơ càng thúc đẩy Bắc Kinh nhanh chóng thực hiện mục tiêu đầy tham vọng đã đề ra.

*
Ba bố già của Syria
Hồ sơ quốc tế thứ nhì thu hút báo chí Pháp là thượng đỉnh ba bên tại Ankara để tìm kiếm hòa bình cho Syria. Le Figaro trên trang nhất đăng ảnh ba nguyên thủ Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh hàng tựa "ba bố già của Syria", thế nhưng các ông Rohani, Erdogan và Putin vẫn"không tìm ra đồng thuận chính trị để giải quyết một cuộc xung đột kéo dài từ bảy năm qua".

Tờ báo không quên nhấn mạnh rằng thượng đỉnh ba bên mở ra tại Ankara ngày 04/04/2018 mang ý nghĩa đặc biệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ trước tới nay, nếu như Iran và Nga luôn ủng hộ chính quyền Damas, thì ngược lại nước Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan lại yểm trợ phe nổi dậy. Nhưng tình thế đã đổi thay : Ankara đã mở mặt trận ở Afrin miền bắc Syria, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng dân quân Kurdistan. Sau thắng lợi ở Afrin, tổng thống Erdogan dự trù hướng tới một thành trì quan trọng khác là Manbij, gần thành phố Aleppo. Trong chiến lược này, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân thiết của phương Tây, cần có sự trợ giúp của Nga.

Chính vì thế mà tổng thống Vladimir Putin đã được tiếp đón như một vị thượng khách, như ghi nhận của nhật báo Le Monde trong bài viết mang tựa đề "để đối phó với người Kurdistan, Erdogan trông cậy vào Putin".

Trong khi đó ở Washington, Donald Trump vẫn "mập mờ" về kế hoạch thoái lui khỏi mặt trận Syria. Nếu như Le Monde cho rằng những tuyên bố của tổng thống Mỹ luôn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, thì Le Figaro xem tuyên bố "đưa con em chúng ta trở về nhà" của chủ nhân Nhà Trắng như chuyện "ván đã đóng thuyền". Tờ báo này tiếc là những tính toán địa chiến lược "chẳng quan trọng gì trong mắt ông Trump". Ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống Mỹ đã chẳng che giấu là trên hồ sơ Syria, ông sẵn sàng "nhường sân chơi" cho nước Nga của Vladimir Putin.

*
Medvedev sắp mất ghế thủ tướng ?
Về nội tình nước Nga, Les Echos có bài báo ngắn đập vào mắt độc giả : "Thủ tướng Dmitri Medvedev sắp mất ghế". Hai tuần lễ sau khi Putin tái đắc cử, ở hậu trường, nhiều người đánh cuộc là thủ tướng Medvedev sẽ bị cách chức trước ngày 07/05/2018, khi Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức thêm một nhiệm kỳ thứ tư. Lý do là chung quanh ông Putin, hai phe diều hâu và cải tổ đang đánh nhau tơi tả, để gài người vào chính quyền sắp tới.

Trên bàn cờ chính trị đó, Dmitri Medvedev đang bị suy yếu. Dù rất trung thành với Putin, nhưng tuần qua một nhân vật rất thân tín với ông Medvedev là nhà tỷ phú Ziavoudine Magomedov đã bị bắt với tội danh biển thủ công quỹ 35 triệu đô la trong một dự án xây dựng sân vận động ở Kalinigrad, nơi diễn ra các trận đấu nhân mùa Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018. Có điều, World Cup đã cận kề, mà công trình vẫn chưa hoàn tất !

*
Pháp, trăm mối ngổn ngang
Về thời sự Pháp, Libération dành trang nhất nói về dự luật nhập cư vừa được bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb trình bày. La Croix chú ý đến phiên xử một đường dây khủng bố cắm rễ ở thị trấn Lunel, miền nam nước Pháp.

Trong số 5 người phải trình diện tại tòa đại hình Paris hôm nay, hai thanh niên từng sang Syria tham chiến, ba người còn lại bị xử vì tội "giúp đưa người sang Syria" . Tờ báo đặt câu hỏi tại sao một thị trấn bình yên với 26.000 dân cư này lại có thể trở thành "ổ thánh chiến" của nước Pháp ? Tới nay khoảng 20 người dân ở Lunel đã sang Trung Đông chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Câu trả lời được tìm thấy trên các trang báo Le Figaro : khủng hoảng kinh tế và nạn thất nghiệp, thanh niên không trông thấy tương lai, khiến Lunel trở thành một "Djihad City" (thành phố thánh chiến), một biệt danh không mấy hay ho gì mà các phương tiện truyền thông ngoại quốc đã dành tặng cho Lunel.

*
Charles Perrault, ông là ai ?
Mọi người thuộc nằm lòng những câu chuyện, cổ tích như là Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Cô Bé Lọ Lem hay Chú Mèo Đi Hia, Con Yêu Râu Xanh, nhưng chúng ta biết những gì về tác giả của chúng, nhà văn Charles Perrault (1628-1703) ?

Cuốn tiểu sử đầu tiên về tác giả này vừa được ấn hành. Trong đó tác giả bà Patricia Bouchenot Déchin nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của ông trên văn đàn Pháp thế kỷ thứ 17-18 và tựa như nhân vật chính trong Cậu Bé Tí Hon, ông đã từng bước đặt những viên đá nhỏ để cho các anh em cùng thăng tiến trên con đường danh vọng.

Là bác sĩ hay kỹ sư, luật sư hay tu sĩ, trong thế giới âm nhạc hội họa hay văn chương 5 người con trai của dòng họ Perrault đều rất danh giá. Riêng Charles, ông không ngừng cọ sát tư tưởng với những cây bút nổi tiếng thời đó, bất luận đấy là những Boileau La Fontaine, hay Racine....

Còn trong mắt nhà văn nữ Amélie Nothomb, cùng thời viết truyện cổ tích, Charles Perrault hơn hẳn hai anh em nhà Grimm hay Andersen, bởi theo bà, chỉ có Perrault mới có thể "kể được những điều kinh khủng nhất với văn phong bay bổng, nhẹ nhàng nhất". Ông không viết chuyện để ru ngủ trẻ con, không giấu diếm những mặt trái của tính người, đó là điều độc giả đã nhận thấy chỉ cần đọc qua Công Chúa Da Lừa. Sự độc ác, tham lam và những gì xấu xa nhất trong bản tính con người dưới ngòi bút của Charles Perrault như gió thoảng qua.

----------------------------------------

Tin bài liên quan















No comments:

Post a Comment

View My Stats