Friday, 27 April 2018

BÀI HỌC TỪ VIỆT NAM CHO LÃNH TỤ KIM JONG UN ? (Viễn Đông - VOA Tiếng Việt)




27/04/2018

Trong khi lãnh tụ Bắc Hàn sắp bước qua ranh giới quân sự, lần đầu tới Hàn Quốc tham gia cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, dần bước ra khỏi sự cô lập suốt thời gian dài, các nhà quan sát cho rằng Việt Nam có thể là hình mẫu phát triển cho chính quyền của ông Kim Jong Un.

Bước đi mang tính lịch sử với trọng tâm là “phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn” trên bán đảo Triều Tiên, theo lời quan chức Hàn Quốc, diễn ra ít ngày sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa nhằm dốc sức phát triển kinh tế.

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in qua lằn ranh quân sự trên biên giới, trước khi lần đầu đặt chân tới miền nam hôm 27/4.

Trả lời VOA Việt Ngữ, Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Bắc Hàn “có thể học từ Việt Nam ba bài học lớn”.

“Thứ nhất, đó là tôn trọng kinh tế thị trường, nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả và hiệu lực hơn rất nhiều nếu thấu hiểu và biết khai thác tối đa sức mạnh của bàn tay vô hình này. Trong nỗ lực này, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như một động lực chủ đạo có vai trò then chốt và chiến lược. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chứ không phải là tư nhân hóa ồ ạt, là cách tốt nhất cải biến nền kinh tế vốn phụ thuộc nặng nề vào hệ thống kinh tế quốc doanh”, học giả người Việt từng nhiều năm nghiên cứu và làm việc ở Mỹ nói.

“Thứ hai, đó là hội nhập quốc tế và mở rộng tối đa quan hệ hợp tác tin cậy với tất cả các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước phát triển cùng các nước trong cùng khu vực. Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, và ký kết các hiệp định tự do cần là ưu tiên hàng đầu. Thứ ba, dành mọi nguồn lực cho nâng cấp hạ tầng cơ sở, đặc biệt là điện lực, đường xá, cảng sân bay”.

Một người đàn ông xem tấm biểu ngữ có in hình bản đồ bán đảo Triều Tiên và thông điệp bày tỏ mong muốn cuộc họp thượng đỉnh sẽ thành công. bày tỏ mong muốn cuộc họp thượng đỉnh thành công.

Ngoài ra, Tiến sĩ Khương cho rằng Bình Nhưỡng “có thể học Việt Nam từ góc độ nghiên cứu những việc mà Việt Nam chưa làm tốt trong quá trình cải cách đã qua, chẳng hạn như kiểm soát tham nhũng, trọng dụng nhân tài, phát triển thực lực khoa học công nghệ”.

Ông Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm hồi tháng Ba.

Trong khi đó, cũng xuất hiện ý kiến của các nhà quan sát về việc Bắc Hàn nên học và phối hợp các mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia cộng sản khác như Việt Nam, Trung Quốc và Cuba.

Trong một động thái cho thấy tầm quan trọng của vấn đề Bắc Hàn trong quan hệ Việt – Mỹ, quốc gia Đông Bắc Á này được nêu tên trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ tháng Năm năm ngoái và chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam ít tháng sau đó, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

“Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình”, tuyên bố chung hôm 12/11 có đoạn.

Tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm lẫn nhau của quan chức hai nước có nhắc tới vấn đề Bắc Hàn.

Khi được hỏi vì sao Việt Nam lại đóng vai trò ngày càng lớn trong tiến trình hòa giải hai miền Triều Tiên, Tiến sĩ Khương nói rằng “trong công cuộc cải cách và phát triển, ảnh hưởng của một quốc gia tới một quốc gia khác không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế hay quan hệ thân tình mà còn ở sự tương đồng về hoàn cảnh và tính khả dụng của cách đi”, và rằng “ảnh hưởng của Việt Nam với Triều Tiên là ở khía cạnh thứ hai này”.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng Ba.

“Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong tiến trình cải cách kinh tế ở Triều Tiên không chỉ vì đặc trưng này mà còn vì Việt Nam có quan hệ ngày càng đặc biệt với Mỹ và Hàn Quốc. Thêm nữa, kinh nghiệm của Việt Nam không chỉ trong 30 năm cải cách vừa qua mà cả trong giai đoạn khai phá đường đi phía trước. Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều bài học sinh động và đặc sắc hơn về cải cách và phát triển trong các năm tháng tới”, học giả từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nói.

Ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, năm ngoái từng cho VOA Việt Ngữ biết rằng quan hệ Việt Nam - Bắc Hàn ở trong tình thế “tế nhị” và “mọi liên hệ sẽ cố gắng hạn chế”, nhất là sau khi Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Hiện chưa rõ mối quan hệ này đã được cải thiện hay chưa, nhất là sau khi Bình Nhưỡng có các bước đi được coi là “hòa giải”.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong Un có thể diễn ra vào tháng Năm hoặc tháng Sáu.

Cuộc họp giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra ít lâu trước một cuộc gặp mang tính lịch sử khác giữa người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Tiến sĩ Khương tháng trước từng nhận định rằng Hà Nội có thể là địa điểm “lý tưởng” cho sự kiện này. Hôm 18/4, “ông chủ” Nhà Trắng cho các phóng viên biết rằng hiện có 5 nơi đang được cân nhắc lựa chọn, nhưng không cho biết chi tiết.


Trả lời VOA tiếng Việt hôm 25/4, học giả này nhận định rằng cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trực ngôn “sẽ không diễn ra ở Việt Nam”.

“Tuy nhiên, hai bên sẽ bàn đến khả năng này trong tương lai như một tín hiệu về sự thiện chí trong bình thường hóa. Hoa Kỳ nên đưa ra gợi ý này vì đó sẽ là một thông điệp rất có giá trị. Tôi ước muốn trong những năm chiến tranh trước đây, thay vì thả bom, Hoa Kỳ thả những cuốn sách và thông điệp nhìn thấy một dân tộc Việt Nam hùng cường ở châu Á. Khi đó, chúng ta sẽ không chỉ tránh được một cuộc chiến tranh tàn khốc mà lịch sử nhân loại chắc chắn sẽ ghi nhận Hoa Kỳ vĩ đại hơn rất nhiều so với sự vĩ đại nó đã có được”, Tiến sĩ Khương nói.

Video :







No comments:

Post a Comment

View My Stats