Sunday, 1 April 2018

LÊNH ĐÊNH PHẬN BUỒN NGƯỜI VIỆT TRONG LÒNG XÃ HỘI CAMPUCHIA (Ben Mauk - New York Times)




Ben Mauk -  NYTIMES 
Ánh Liên lược dịch (VNTB)


Làng nổi’ nằm rộng khắp các tuyến đường thủy sông Mekong - là nơi cư trú của nhiều người Việt với địa vị trôi nổi trong xã hội Campuchia.

---------------------

Taing Hoarith - một thuyền nhân ở Chong Koh. Anh thức dậy lúc 5 giờ sáng và mua một bát bún từ một chiếc thuyền bên cạnh. Vợ ông - bà Võ Thị Vioh, làm nghề bán rau - tất nhiên cũng ở trên thuyền.

Chong Koh là một trong hàng trăm ngôi làng nổi, chứa hàng vạn gia đình, trên Tonlé Sap (hay còn gọi là Biển Hồ) ở Campuchia.

Tại buổi lễ cho các linh hồn đuối nước ở Kampong Luong, các gia đình đặt đài hoa và thuyền giấy xuống nước. Ảnh: Andrea Frazzetta / Institute - The New York Times

Khi chúng tôi ghé thăm vào cuối tháng Bảy, Hoarith loay hoay sửa chữa những thiệt hại do cơn bão trước đó gây ra và dọn dẹp đám lục bình trôi dọc theo vùng thượng lưu.

‘Tôi biết Biển Hồ như lòng bàn tay’, Hoarith nói. Prek Tor, một ngôi làng xa xôi nơi mà mỗi gia đình, giàu hay nghèo, đều có cái lồng gỗ để nuôi cá sấu. Và Kbal Taol, nơi những ngư dân sống trong những ngôi nhà tập trung trên mặt nước, đối diện nguy cơ các cơn bão hàng ngày. Hoarith đôi khi ở trên hồ suốt một tháng, bán chậu và bếp lò, ngủ gục dưới mái nhà dài,… Và dù thế nào, Hoarith vẫn luôn trở lại Chong Koh, nơi có ngôi nhà của mình, nơi mà những người dân sống trên những chiếc thuyền buồm cỡ nhỏ. Ngôi làng này giống như ở Venice (Áo) - với lối đi xoắn, những ngôi nhà nổi, nhà thờ, trường học,... Chong Koh tương đối nhỏ và thu hẹp lại - do chính quyền Campuchia muốn xóa sổ nó.

Thù ghét dân tộc Việt ‘gần như là bệnh lý’
Hoarith có người hàng xóm là Vieng Yang Nang (hay Samnang - tiếng Khrme có nghĩa là may mắn). Hai người đàn ông - một người Khmer, một người Việt Nam - cảm thấy như ở nhà ở cả hai thế giới, mặc dù họ không phải lúc nào dễ chấp nhận. Ở Campuchia, nơi các khái niệm về quốc tịch và sắc tộc không thể tách rời, các thành viên của cộng đồng thiểu số Việt Nam được gọi là yuon - một cách gọi khinh bỉ.

Sáng hôm sau, chúng tôi đã viếng thăm trường học và ngôi chùa Việt Nam, những thứ gắn liền với chợ cá nơi mà Chong Koh đứng. Các quan chức tại đây đã tìm cách xóa sổ ngôi làng này vào năm 2015, khiến người dân phải rời đi, và giờ đây - cả hai tòa nhà đều khó tiếp cận. Các hoạt động từ phía chính quyền như vậy là thường xuyên và không thể đoán trước, do đó đôi khi dẫn đến những rắc rối khác. Sau khi Hoarith yêu cầu các nhà chức trách giúp đỡ tài chính liên quan đến việc rời đi, giới cảnh sát đã còng đầu anh lại và cáo buộc anh kích động dân làng chống lại việc trục xuất. Hoarith đã trải qua ba tháng tù trước khi vợ anh mượn đủ tiền để bảo lãnh tại ngoại.

Hoarith và Samnang đồng ý rằng, không thể chống lại sự trục xuất trên khu vực nước nổi. Bởi các ‘khu định cư’ kiểu này về nghĩa là bất hợp pháp, và người Việt Nam nói riêng không có quyền chống lại những lệnh như vậy. Samnang nói: ‘Người nghèo sẽ trở nên nghèo hơn’. Còn Hoarith giữ im lặng,…

Chơi cờ tướng trên sàn một ngôi nhà nổi ở làng Chhnok Trou. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Lưu vực hạ lưu sông Mê Kông rộng lớn, bao gồm một phần Myanmar và Thái Lan, và hầu hết Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam. Biển Hồ tọa lạc khoảng giữa khu vực thoáng đãng này. Trên bản đồ, nó xuất hiện như một chóp tay màu xanh cong kéo dài từ sông Mekong đến sát gần Phnom Penh. Và nó thường được mô tả như trái tim của Campuchia, cả về nhịp đập nhịp nhàng của nó và vai trò cung ứng lương thực trong nền kinh tế.

Biển Hồ còn là một trong trong những hệ sinh thái màu mỡ nhất trên hành tinh này với ruộng lúa giàu phù sa và hệ sinh vật phong phú như lươn, ếch, tôm và cá.

Biên giới giữa Việt Nam và Campuchia gắn liền với nhiều cuộc chiến hơn hầu hết các nước châu Á khác. Những người dân sống ở hai bên đã tiếp xúc ít nhất một ngàn năm, qua trao đổi hàng hoá, lao động và phần nào đánh dấu bởi sự bành trướng của người Việt Nam. Trong những năm 1630, một vị vua của Campuchia đã kết hôn với một công chúa Việt Nam và cho phép người Việt Nam đặt trạm và quan chức thu thuế dọc theo vùng sông Mê Công. Những người Việt định cư sau đó sáp nhập vùng đất này và trở thành vùng Nam bộ (Việt Nam) ngày nay.

Biên giới của Campuchia được chính thức định hình rõ hơn khi quốc gia này trở thành một thuộc địa của Pháp vào năm 1863. Người Pháp đưa lao động Việt Nam đến các đồn điền cao su và thu hút tầng lớp tinh hoa của Sài Gòn như làm nhân viên hành chính. Số người Việt Nam ở Campuchia tăng gấp 30 lần, lên tới hơn 150.000 người (chiếm 6% dân số). Vào thời điểm Campuchia tuyên bố độc lập vào năm 1953, đất nước này đa dạng về quốc tịch lẫn sắc tộc, bao gồm các quần thể người Hoa, Lào và Việt Nam,…

Khi Sihanouk lên nắm quyền, ông xác định lại thuật ngữ lịch sử ‘Khmer’ bao gồm một loạt các đặc tính sắc tộc. Chính sách này bao gồm hầu hết các nhóm bản địa của quốc gia, bao gồm cả thiểu số Hồi giáo - nhóm thừa kế đế quốc cổ đại. Có điều, người dân tộc Việt Nam không có chỗ trong loại hình quốc gia mới này. Và mặc dù một số lượng người Việt đã sống ở Campuchia trong nhiều thế kỷ, nhưng dưới con mắt Sihanouk - họ là kẻ thù truyền thống của đất nước. 

Taing Hoarith, một ngư dân và là người sửa bếp lò ở Chong Koh. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Sau cuộc đảo chánh năm 1970, người Việt trở thành mục tiêu của cuộc tàn sát kéo dài và kết thúc với sự đồn trú quân của Việt Nam. Và trong suốt 5 năm trị vì của Khmer Đỏ, hàng triệu người đã chết vì bị hành quyết, đói và bệnh tật.

Từ năm 1979, Đảng Nhân dân Campuchia, hoặc CPP (với sự lãnh đạo của cựu chỉ huy trưởng của Khmer Đỏ - Hun Sen) đã cho phép người Việt Nam ở lại, nhưng với sự lúng túng. Kết quả, người Việt có quyền được sống hợp pháp ở Campuchia hay không là tùy thuộc vào sự nóng - lạnh của chính trị. Phe đối lập của Đảng CPP, Đảng Cứu nạn Quốc gia Campuchia (hay CNRP), liên quan đến chủ nghĩa bài ngoại hơn, đe doạ trục xuất quân xâm lược Việt Nam và đòi lại ‘Hạ Campuchia’ (vùng đất Nam Bộ - Việt Nam ngày nay). Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đảng, từng tuyên bố rằng ‘nếu chúng ta không cứu đất nước chúng ta, thì bốn, hoặc 5 năm nữa - Campuchia sẽ đầy tiếng Việt; chúng ta sẽ trở thành nô lệ của Việt Nam’.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã mô tả sự thù hận truyền thống của người Cămpuchia đối với người dân tộc Việt Nam ‘gần như là bệnh lý’. Nó đặc biệt mạnh ở các thành phố, nhất là ở Phnom Penh, nơi khó phân biệt giữa tham nhũng có thể quan sát được và âm mưu vô căn cứ. Bởi có những lời than phiền về sự khai thác và đánh bắt bất hợp pháp của các công ty Việt Nam, nhưng một số người cũng nhấn mạnh rằng, Hà Nội là yếu tố đẩy nhanh sự lây lan của AIDS hoặc Pol Pot là một điệp viên mà Việt Nam gửi đến để tiêu diệt chủng tộc Khmer.

Hận thù là tiếng mẹ đẻ
Thử nhìn những ngôi làng nổi, nơi có mật độ lớn người Việt Nam sinh sống, đây là kết quả của cuộc sống có tính chính trị về nguồn nước.

Người thiểu số Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương. Một số nói với tôi rằng họ đã sở hữu đất trong những năm đầu độc lập và rằng họ chỉ từng sống trên mặt nước theo mùa, cho đến khi đất bị lấy đi.

Một ngôi mộ trong nghĩa địa người Việt Nam ở gần Chong Koh. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Hoarith có thể đếm được ít nhất bốn thế hệ tổ tiên xung quanh Biển Hồ. Sinh ra ở miệng hồ, khi lên 9 tuổi, Khmer Đỏ đã tràn vào Phnom Penh. Gia đình anh bị bắt và đưa đến một trại lao động ở vùng núi. Sau bốn tháng ở trại, ‘họ đã cố gắng giết ít nhất 10 gia đình Việt Nam mỗi ngày’, anh nói - với màn bọc là đưa lên phà để bị trục xuất về Việt Nam. Hoarith chưa bao giờ đến Việt Nam. Anh ta không biết đâu là Việt Nam. Anh hỏi bà ngoại, nhưng bà cũng không biết. Phà đến vùng biên giới mất năm ngày. Và bất cứ ai chết đều bị ném xuống biển.

Khoảng 150.000 người gốc Việt đã bị trục xuất khỏi Campuchia theo cách này, và 400.000 người đã phải chạy trốn cuộc tàn sát của Cộng hòa Khmer.

Người Việt Nam là hai bộ xương của cả hai chế độ
Có một truyền thống ở vùng nông thôn Campuchia là phủ nhận lịch sử bạo lực chủng tộc gần đây của họ. Hầu hết những ngôi làng nổi mà tôi nhìn thấy đều là của những ngư dân Việt Nam, Khmer và Chăm, và nhiều người tôi gặp, trong đó có Hoarith, là sản phẩm kết hôn của người Khmer và Việt Nam. Nhưng mọi người dường như đồng ý rằng các làng nổi theo truyền thống là một lối sống của người Việt Nam. Ngày nay người Việt Nam sống trên mặt nước vì họ không thể sống ở nơi khác. Họ không phải là công dân, hoặc trong đa số trường hợp là di dân, và Chính phủ Campuchia đôi khi mô tả là họ là ‘những người nước ngoài không di dân’. Người Việt không thể đi học tại các trường công lập hoặc mở tài khoản ngân hàng, lấy bằng lái xe hoặc làm việc tại các nhà máy, và tất nhiên - họ không thể sở hữu đất đai. Con cái của họ không được cấp giấy khai sinh, dẫn đến một thế hệ không quốc tịch.

Bên trong một ngôi chùa ở Chhnok Trou. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Christoph Sperfeldt, nhà nghiên cứu về vấn đề gốc Việt ở Campuchia nói với tôi: ‘Ba mươi năm trước, không có vấn đề này’. ‘Khi đó, không có người Campuchia nào có giấy tờ. Không có sự hiện diện của nhà nước’. Tuy nhiên, thời điểm nhà nước bắt đầu hiện diện và làm giấy tờ cho người dân, đột nhiên có vấn đề. ‘Việc mở rộng dịch vụ, bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khoẻ, và các quyền lợi, kể cả quyền sở hữu đất đai, đã làm cách ly những người được coi là người nước ngoài’.

Những nấm mồ nổi
Năm ngoái, lo ngại khoảng cách bầu cử bị thu hẹp lại với Đảng đối lập, chính quyền Hun Sen đã giải tán CNRP và bắt giữ người kế nhiệm Rainsy với cáo buộc phản bội. Trong một nỗ lực để xoa dịu chủ nghĩa dân tộc, nhà nước này cũng bắt đầu quá trình chính thức hoá tình trạng của người gốc Việt là người nước ngoài. Tháng 10 năm ngoái, Bộ Nội vụ đã xác định tối thiểu 70.000 người Việt là ‘người nước ngoài’. Có thể có thêm hàng trăm nghìn người nữa. Các quan chức bắt đầu truy quét, tịch thu ID và sổ gia đình; yêu cầu người dân tự nguyện di chuyển sang Việt Nam - nơi họ được coi là người nước ngoài tương tự - hoặc phải trả một khoản phí định kỳ sáu tháng để cấp thẻ nhập cư nhằm xác định là người Việt.

‘Chúng tôi không xóa bỏ quyền công dân của họ; họ là người Việt Nam’, người đứng đầu bộ phận di trú của đất nước nói về chiến dịch tẩy rửa người ngoại tộc.
Hoarith đã được thả ra vào tháng Hai, năm 2016, vaf sau gần một năm rưỡi khi gặp lại, anh cho biết: ‘Tôi nên được công nhận là Khmer’.

Đôi mắt màu xanh rêu, Hoarith chia sẻ. ‘Gia đình tôi đã sống ở Campuchia trong nhiều thế hệ’. Anh kéo tấm màn trong căn phòng chật hẹp, tiết lộ một phụ nữ đang ngủ trong một chiếc võng. ‘Mẹ tôi 76 tuổi’, anh nói. ‘Thậm chí bà ấy cũng không có giấy tờ’. Khi bị bắt, cảnh sát đã tịch thu các giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn và giấy chứng minh nhân dân mà anh đã nhận được từ nhiều năm trước.

Vào lúc hoàng hôn trên vùng Biển Hồ, gần Kbal Taol. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Bữa ăn tối là một con cá chiên giòn. Vợ và mẹ của Hoarith đã ăn ở nhà thuyền khác; mẹ anh khéo léo nhảy lên khoảng trống để lấy một lon bia từ hộp nước đá. Cô ấy nhặt một ít gạo đặt vào bát của tôi. ‘Thời Khmer Đỏ, đây là toàn bộ bữa tối của chúng tôi’, bà nói. Và ‘đây là tất cả thức ăn mà chúng ta ăn trong một ngày’.
Trong đêm tối tĩnh lặng, Samnang cho biết, vào năm ngoài anh trai mình đã chết vì va chạm với một thuyền cá khác. Người cháu trai 4 tuổi của ông đã bị chết đuối năm đó, trong khi bố mẹ nó đang làm việc. Nước có những mối nguy hiểm, bao gồm tiêu chảy (nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ sơ sinh), tai nạn và đuối nước.

Buổi sáng, Samnang và Hoarith đưa tôi đến nghĩa trang cũ ở vùng nông thôn bị ngập nước. Đó là một nghĩa trang mọc trên một cánh đồng lớn. Không giống người Khmer (hỏa táng người chết), người Việt Nam chôn các thành viên trong gia đình vào những ngôi mộ trên cao. Samnang chỉ vào một nấm mộ và nói, ‘Bà của vợ tôi’.

Có một ngôi chùa ở Việt Nam - anh nói - trong một ngôi làng cách đây không xa. Khi chúng tôi quyết định đi tìm nó, một người nông dân cảnh báo rằng chúng tôi sẽ không tìm thấy người Việt Nam ở đó. ‘Sau Khmer Đỏ’, ông nói, ‘họ sợ sẽ trở lại’.

Liệu một người Việt Nam có thể trở thành người Campuchia hay không, tôi hỏi. Một người Khrme cho biết, ‘Nó phụ thuộc vào ham muốn của họ, nếu họ muốn trở thành Khmer hay không. Nếu họ bỏ quốc tịch Việt Nam, họ trở thành người Khmer’.

Một người đàn ông tên Srean lại có ý kiến khác. ‘Họ có thể giữ giấy tờ, nhưng họ không thể trở thành người Khmer. Người Việt Nam vẫn là người Việt Nam’. Giữ im lặng một chút, Srean lại nói. ‘Trừ khi có các dấu hiệu đến từ nhà vua’.

Chúng tôi đã quên chữ ký của nhà vua. Theo luật của Campuchia, con trai của Hoàng tử Sihanouk, Norodom Sihamoni, là trọng tài cuối cùng liên quan đến xác nhận tình trạng quốc tịch. Tất cả những người xin nhập quốc tịch phải đáp ứng các tiêu chuẩn cá nhân của mình.

‘Người Việt Nam và Khmer đã kết hôn với nhau trong ngôi làng này’, Poun nói. ‘Nhưng không còn nữa’.

‘Họ đã bị trục xuất’, một người khác nói. ‘Và những người quyết định ở lại đều bị giết. Nếu họ có làn da trắng như người Việt Nam, như thế’ - anh ta chỉ vào tôi, không phải ở Samnang. ‘Họ sẽ bị giết. Tôi đã nhin thấy thế’.

Samnang, tên Việt Nam là Vieng Yang Nang. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Người đàn ông dường như biết anh đang nói gì. Hầu hết những người lính và thậm chí những nhà lãnh đạo chính trị cao cấp phục vụ trong Khmer Đỏ sau khi chế độ tan rã đã trở về với cuộc sống đời thường, và rất hiếm khi ai thừa nhận điều đó.

‘À, chính xác tôi không trực tiếp thấy’, anh nói. ‘Nhưng tôi nghe nói về nó. Một người có làn da sáng như bạn chắc chắn sẽ bị giết’.

Tôi đã dành vài tuần tiếp theo đi du lịch qua các ngôi làng nổi trên Biển Hồ và thăm các vùng đất của người Việt Nam dọc biên giới Campuchia - Việt Nam. Bất cứ nơi nào tôi đến, khi hỏi các chính khách địa phương và cảnh sát về những gì họ nghĩ về người dân tộc thiểu số Việt Nam. Câu trả lời phụ thuộc vào nơi tôi đến.

Kampong Luong, một trong những ngôi làng nổi, nơi có người Việt và Khmer, riêng người Việt có 3.000 người. Phó Thanh tra Poa Ven nằm trong nhà kho, đổ mồ hôi. Anh ấy rất vui khi được gặp tôi. ‘Chúng tôi biết tất cả khách du lịch nước ngoài’, anh nói, cười khúc khích, khi tôi trao cho anh tấm danh thiếp của tôi.

Tất cả những người nước ngoài trong làng đều là công dân Việt Nam. Không có sự khác biệt giữa một dân tộc Việt Nam và một công dân Việt Nam trừ khi họ có một lá thư do nhà vua ký. ‘Không ai ở đây có quốc tịch Khmer’.

Hầu hết những người tôi gặp đều nói tiếng Khmer trôi chảy và thậm chí có các giấy chứng nhận của các cơ quan quản lý trước đây. Và tất nhiên, họ không có quan hệ với Việt Nam.



Vâng, ông nói, thậm chí họ là người Việt Nam. Đó là những đơn đặt hàng mới của Bộ Nội vụ.

‘Nhưng tại sao họ là người Việt Nam’?
- ‘Nhưng tại sao họ là người Việt Nam’?

- ‘Bởi vì họ vẫn là người nhập cư! Bởi vì họ đã đến Campuchia vào năm 1980, họ vẫn là người nhập cư’.

- ‘Nhưng nếu họ có nguồn gốc từ Campuchia, tại sao họ là những người nhập cư’?

- ‘Vì trong cuộc nội chiến, họ đã đến từ Việt Nam, và sau chiến tranh, họ đã trở lại’.

Chủ nghĩa dân tộc luôn tìm kiếm kẻ thù. Ở Campuchia, việc tìm kiếm có logic vòng tròn: Người Việt Nam là kẻ thù vì họ là người nước ngoài. Họ là người nước ngoài vì họ là kẻ thù. Sự mâu thuẫn đôi khi được giải quyết bằng bạo lực, nhưng có lúc nó đã được duy trì bởi giáo dục. Những năm Khmer Đỏ có thể mờ dần từ ký ức về cuộc sống, nhưng trẻ em Khrme vẫn được dạy để hằn lại sự mất mát của vùng ‘Hạ Campuchia’ và mọi học sinh đều phải nghe về những vụ hãm hiếp, các cuộc tấn công bằng khí đốt và những hành động tra tấn tinh vi mà binh lính Việt Nam tiến hành trong chiến tranh Đông Dương.

Lyma Nguyen, một cố vấn tại tòa án, cho hay: Nhiều người Campuchia, bao gồm cả một số luật sư và học giả, thực sự không nghĩ rằng có các nạn nhân Việt Nam trong nạn diệt chủng, bởi vì họ là người Việt Nam’, cô nói. ‘Họ nghĩ rằng đó là một âm mưu lớn của Việt Nam để nuốt lấy Campuchia’.

Hầu hết người Việt ở Campuchia tiếp tục cảm thấy rằng họ là người Campuchia có gốc Việt. Họ từ chối từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó danh tính của họ sẽ được chấp nhận ở đất nước mà họ gọi là nhà - với con số từ 400.000 đến 1.000.000 người.

Người dân tộc Việt Nam đã giấu giấy tờ của họ khi cảnh sát Campuchia vẫn đang giai đoạn truy quét.

Đây không phải là lần đầu tiên loại điều này đã xảy ra với họ. Tại ngôi chùa Việt Nam ở Kampong Chhnang, tôi đã gặp một thợ may 80 tuổi. Bà ấy không có gia đình - con của bà chết trước mắt bà trong một trại cưỡng bức lao động Khmer Đỏ - vì vậy các nhà sư đã cưu mang bà. Tôi hỏi bà có nhận được bất kỳ tờ giấy tờ tùy thân nào không, ngay lập tức - bà ta quay vào phòng, cầm theo một gói nhỏ có dây buộc. ‘Tôi may mắn’. Có những tấm thẻ từ thời Sihanouk, bên cạnh giấy phép cư trú dài hàng thập niên của Việt Nam. Miễn là bà ấy không bao giờ cho họ (cảnh sát) xem, các tài liệu không bao giờ có thể bị vô hiệu hoặc thanh lọc. Bà có tư cách pháp nhân riêng, một sự chồng chéo với cả tiếng Việt và tiếng Campuchia. 

Yao Bu Dung băng qua đầm lầy để về nhà cùng con mình trước khi cơn bão đến Kampong Luong. Ảnh: Andrea Frazzetta/Institute - The New York Times

Và bà sẽ không bỏ cuộc. ‘Tôi sẽ giữ những giấy tờ này cho đến khi chết’, bà nói, ‘và sau đó nó sẽ nằm dưới mộ cùng với tôi’.

Trở lại câu chuyện với Hoarith và Samnang. Một khu phức hợp đang được xây dựng dọc theo Chong Koh và những người dân ở Chong Koh sẽ bị đuổi đi một lần nữa. Các quan chức cho biết các ngôi làng này là bất hợp pháp và gây ô nhiễm môi trường.

Cả Hoarith lẫn Samnang đều không muốn đi. Samnang cho biết khi ngồi uống cà phê trong nhà. ‘Họ tuyên bố để cho chúng tôi một sự lựa chọn. Nhưng chúng tôi không có quyền mua đất đai, vì vậy thực sự nó không có sự lựa chọn nào cả’.

Hoarith thường hay bị ám ảnh bởi việc trở lại phòng giam và nơi sàn ngủ nằm cạnh chỗ vệ sinh. ‘Tôi không bao giờ phân biệt đối xử với bất cứ ai, người Việt Nam hay người Khmer’, anh nói. ‘Nhưng tôi đã bị đối xử tồi tệ’.

Nếu anh được trao quyền công dân Khmer, anh nói, tất cả sẽ được tha thứ. ‘Cha mẹ tôi đã được sinh ra ở đây, và tôi được sinh ra ở đây’, anh nói. ‘Tôi có quyền đó’.

B.M.
Nguồn: NYTIMES
VNTB gửi BVN.








No comments:

Post a Comment

View My Stats