Sunday 1 April 2018

CÔNG VĂN BAN TUYÊN GIÁO : GHÉT NGƯỜI NHỐT VĂN (Phùng Hoài Ngọc - VNTB)





Phùng Hoài Ngọc (VNTB)  -  Ngành giáo dục, nhất là dân làng Văn, sững sờ nghe tin BTG.TW gửi công văn “yêu cầu đảng đoàn Bộ GD rút tất cả sáng tác của các thành viên Văn Đoàn Độc Lập ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn”. BTG không hể chỉ ra các tác phẩm đó sai trái như thế nào, chỉ nhằm vào tên các tác giả. 

VNTB - Công văn ban Tuyên giáo: ghét người nhốt văn 

Chuyện xưa: vua ghét văn đòi đánh người 

Nhớ một giai thoại xưa về vua Tự Đức, tên thực là Nguyễn Phúc Thì (1829 - 1883). Vua Tự Đức đọc Truyện Kiều gặp câu này “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, vua bực bội. À tay văn sĩ này không biết trên đầu thảo dân thì có nhà vua sao. Bực quá, sao lại có văn sĩ như rứa chứ… Rồi đến hai câu thơ sau thì Vua không chịu nổi. Nguyễn Du lôi cả tên cúng cơm “thì” của Tự Đức mà đay nghiến không cần kỵ huý: 

“Ra tuồng trên bộc trong dâu 
Thì con người ấy ai cầu làm chi”. 

…“Thôi thì thôi có tiếc gì, 
Sẵn dao tay áo, tức thì giơ ra”. 

Vua Tự Đức cho người đi tìm hỏi Nguyễn Du mới biết thi hào đã mất 9 năm trước khi ông ta chào đời, cách đó vài chục năm rồi. 

Cơn giận bồng bột qua đi, vua Tự Đức bình tâm lại, vẫn mê mải đọc Kiều, và cũng chẳng ra lệnh thu hồi hay cấm đoán “Đoạn trường tân thanh” bất hủ. Quả xứng đáng là một ông vua thông minh và hay chữ nhất trong 13 vua triều Nguyễn. 

Nhà Nguyễn bắt chước phong kiến nhà Minh, nhà Thanh mở “ngục văn tự” bên kia biên giới. Sử sách Trung Hoa ghi lại bao câu chuyện đáng sỉ nhục của vua chúa phong kiến nước này. 

Nhà Việt CHXHCN cũng theo truyền thống đó và học theo nhà Trung Quốc CHND biên giới bên kia. 

Ghét văn nhốt người 

Đó là các vụ án “Nhân văn - Giai phẩm” nhức nhối đời sống văn hoá tinh thần người Việt hơn nửa thế kỷ qua. 

Đó là vụ án “xét lại chống đảng 1967” nhắm vào chính khách, tướng lĩnh và văn nghệ sĩ. Đối với riêng văn nghệ sĩ thì đó cũng là “ghét văn nhốt người (đọc hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên. Tiểu thuyết hồi tưởng của cố tác giả Bùi Ngọc Tấn"Chuyện kể năm 2000" in tháng 2 năm 2000 thì ngày 16 tháng Ba Bộ Văn hóa - Thông tin đã thu hồi và tiêu hủy cuốn này do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành). 

Và còn nhiều vụ lẻ tẻ khác. 

Ghét người nhốt văn 

Mới năm ngoái, Cục Biểu diễn Nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) nghe lời xúc xiểm của Phòng BDNT (Sở VH.TPHCM) đề nghị, liền ra lệnh rút/cấm 5 bài hát cũ trước 1975… 

Nhưng Vụ sau đây độc đáo nhất trong lịch sử văn học nghệ thuật hai nước cộng sản. 

Ngành giáo dục, nhất là dân làng Văn, sững sờ nghe tin BTG.TW gửi công văn “yêu cầu đảng đoàn Bộ GD rút tất cả sáng tác của các thành viên Văn Đoàn Độc Lập ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn”. BTG không hể chỉ ra các tác phẩm đó sai trái như thế nào, chỉ nhằm vào tên các tác giả. 

Phó BTG Võ Văn Phuông có lẽ còn trẻ không biết hoặc đã quên nỗi nhục “thay quốc ca” hồi xưa. 

Ghét nhạc sĩ thay quốc ca 

Sự thể như sau: Năm 1976 đổi tên Nước xong, thừa thắng xông lên, tới đầu những năm 80 định thay cả thủ đô, chuyển lên Xuân Hòa hoặc Xuân Mai. Nhưng mà ngân sách cạn kiệt, nghèo quá chưa chuyển được. 

Bởi còn hận nhạc sĩ Văn Cao "Nhân văn Giai phẩm", họ muốn "rút quốc ca" thay bài mới và cuối cùng thất bại ! 

Đầu năm 1981 Đảng vẫn còn thù ghét "Nhân văn - Giai phẩm", trong đó có nhạc sĩ Văn Cao. Nhạc sĩ vốn đã bị đẩy ra ngoài biên chế công chức, chật vật với cây bút vẽ kiếm sống tự do. Nhưng các lãnh đạo vẫn còn tức anh ách bài Tiến quân ca của Văn Cao đã làm Quốc ca bao năm nay. Ông Trường Chinh bèn phát động cuộc sáng tác thay quốc ca. Tố Hữu đã nghỉ hưu còn được cho làm Trưởng ban chỉ đạo, ông Huy Cận làm chủ tịch hội đồng giám khảo. Hầu hết các nhạc sĩ danh tiếng đều háo hức viết ca khúc dự thi. Có người bỏ âm nhạc đã lâu như Nguyễn Đình Thi, nay cũng hăm hở viết một bài dự tuyển. 

Sau gần 1 năm, BTC thu được gần trăm bài hát, chọn 84 bài sơ khảo, rồi rút lại 17 bài vào chung kết ứng tuyển "quốc ca". Đài TNVN hăm hở dàn dựng thu băng phát ồn ĩ suốt ngày này qua ngày khác trên làn sóng duy nhất độc quyền. 

Và sau khi nhận được nhiều ý kiến phản đối, BTC đành bỏ cuộc, vứt sọt rác gần cả trăm ca khúc "mới"! Có người nói các vị BGK đều có bài dự thi như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du…tranh cãi không ổn, bèn thảy sang tuỳ quốc hội lựa chọn. Quốc hội tranh cãi lần nữa và bó tay tuyên bố huỷ. 

Khi phát động viết, BTG cũng nghĩ ra lý do tha thiết hùng hồn để công bố. Chẳng hạn như thời đại thay đổi, đất trời đổi mới thì phải thay quốc ca cho phù hợp. Và khi hủy bỏ cuộc sáng tác cũng có lý do để thanh minh ngụy biện. 

Bộ Giáo dục sẽ phải làm gì để tuân lệnh “ghét người rút văn”? 

Đích ngắm đầu tiên của BTG hẳn là là tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” và thiên truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyên Ngọc trước nay dù bao lần đổi sách vẫn còn đó. Nhưng hai tác phẩm kinh điển ấy còn ở trong giáo trình văn đại học, sách lịch sử văn học, .v.v... liệu có phải "đục bỏ” nữa không ? Hai bộ phim truyện hiếm hoi “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu” lại phải yêu cầu Hội điện ảnh VN rút khỏi kho phim?

Rồi đây Bộ GD nếu theo lệnh BTG sẽ phải rút bỏ “Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh” vì người chủ biên dịch và chỉnh lý là GS Nguyễn Huệ Chi thành viên BVĐ Văn đoàn độc lập. Bộ lại phải tìm ê kip khác dịch lại NKTT để cho vào SGK... Nhiêu khê rắc rối lắm đây chẳng phải cứ bực lên ký cái lệnh là xong. 

Bài thơ “Tre Việt Nam” kinh điển, hai bài thơ “Đò Lèn” và “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” sách Văn 12 của Nguyễn Duy cũng phải “rút bỏ” chăng? Vở kịch hát múa tổng hợp “Hạn hán và con mưa” của biên đạo múa Ea Sola Thuỷ trên sàn diễn Paris nhạc nền minh họa cho những bài thơ của Nguyễn Duy đã trao tặng Nhà hát ca múa nhạc kịch Việt Nam. 

Vậy thì BTG còn phải “gửi công văn” cho Hội điện ảnh yêu cầu “cắt đục” hai bộ phim truyện kịch bản Nguyên Ngọc nữa kia. 

Bài hát “Quê hương” quen thuộc (tên bài thơ “Bài học đầu cho con”) và ca khúc Phượng hồng (tên bài thơ “Mối tình đầu”) của nhà thơ Đỗ Trung Quân (hội viên VĐĐL) rải rắc trong thiên hạ, trong đời sống showbiz và trong nhiều loại hình sản phẩm khác nữa thì sao đây ? 

Nữ nhà báo nhà thơ Giáng Vân (hội viên VĐĐL) với bài thơ “Yên tĩnh” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành “Đâu phải bởi mùa thu”. Cắt đục được không ? 

Nhà thơ Đoàn Thị Tảo hội viện Văn đoàn độc lập có bài thơ “Cho một ngày sinh” do nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc thành bài hát “Chị tôi” gắn liền bộ phim “Người Hà Nội” rất quen thuộc với làng âm nhạc và công chúng điện ảnh. Làm thế nào mà BTG “đục cắt” được bài thơ bất hủ của Đoàn Thị Tảo ra khỏi bộ phim “Người Hà Nội”? Sẽ “rút” sao đây khi nó gắn chặt với bộ phim và ca khúc nổi tiếng” ? 

Tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc trong SGK 

BTG còn phải gửi “công văn” cho Hội nhạc sĩ, Hội điện ảnh nữa kia! Chưa kể những bức tranh cũng gắn liền với các tác gỉa Văn đoàn độc lập… rút sao đây? Còn nhiều phiền phức, tréo ngoe, éo le… không ngờ được, không lường được sẽ ập đến. Nên chăng các anh BTG, hãy rút kinh nghiệm tiền bối, đừng nông nổi quá! Nên chăng BTG rút bỏ hạ sách “ghét người rút văn” ấy đi. 

Mong là ông Võ Văn Phuông phó trưởng BTG đừng quên “nỗi thất vọng Trường Chinh” với Tiến quân ca hồi xưa. 

Dư luận mạng xã hội thì than thở “Bia ghi nhớ tội ác của giặc Tàu cộng với binh đoàn Khánh Khê sư đoàn 33 ở biên giới Việt -Trung họ còn đục được, thì chuyện đục sách giáo khoa ăn nhằm gì !”. Bài thơ của Dương Soái “Gửi em ở cuối sông Hồng” đoạn nhắc cuộc chiến biên giới 1979 chỉ còn lại ba chấm (...) rồi giao cho nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. Nhà thơ đạp xe đi trên đường nghe đài ca bài thơ của mình mà vừa thích vừa choáng váng. 

Bộ Giáo dục nên tranh luận với BTG, hay là nhắm mắt chấp hành? GS Nguyễn Minh Thuyết được giao trọng trách chủ biên sách Ngữ văn sẽ nói gì, làm gì ? 

Theo chỉ đạo của Bộ GD chỉ bắt buộc 1 bài Tuyên Ngôn Độc Lập trong phần văn học hiện đại, và 5 bài văn học trước cách mạng. Ngoài ra là tự chọn. Nghe có vẻ tự do dân chủ. Nếu nhà soạn sách mà không hỏi trước (duyệt trước) thì bản thảo vẫn“chết” như thường. 

-----------------------

LIÊN QUAN

31-3-2018

25/3/2018

25/3/2018








No comments:

Post a Comment

View My Stats