Saturday 21 April 2018

BẢN TIN TỐI 21-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Hai tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa. Tàu cá đánh cá QNg 90332 TS, của ngư dân Quảng Ngãi đã bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, lúc 8h sáng 20/4, khiến các ngư dân trên tàu phải phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp.

Tàu cá QNg 90440 TS hư hỏng nặng sau khi bị tàu lạ đâm va trên vùng biển Hoàng Sa ngày 22.3. Ảnh Hiển Cừ/ TN

Tàu sân bay Trung Quốc tập trận ở tây Thái Bình Dương. Trang PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân đội Trung Quốc xác nhận, hôm nay các chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia “tập trận ở vùng biển phía đông eo biển Ba Sỉ, nằm giữa Đài Loan và Philippines. Một số tàu khu trực Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận để kiểm tra khả năng phòng thủ và tấn công”.

RFI dẫn lời nhận định từ Bộ Quốc Phòng Nhật Bản : Lần đầu tiên tàu sân bay Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương. Bộ Quốc Phòng Nhật cho biết, “họ đã phát hiện nhiều chiến đấu cơ phản lực được phóng đi từ tàu sân bay Liêu Ninh. Hàng không mẫu hạm này hiện đang di chuyển về hướng đông cùng với 6 chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc”.


Nhân quyền ở Việt Nam
RFA có bài: Đóa hồng hy vọng của tử tù Việt Nam. Đó là ba “tử tù tại Việt Nam chờ ngày thi hành án suốt hơn một thập niên kêu oan một cách vô vọng. Gia đình cả ba người cho rằng thân nhân của họ đang chết dần mòn trong nhà giam Việt Nam”, là tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, chia sẻ: “Trong suốt hơn 10 năm qua, ba gia đình tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, chúng tôi đã bán hết ruộng vườn, cầm cố nhà cửa. Trong quá trình đi kêu oan khánh kiệt hết tài sản, không còn gì. Bây giờ những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi rất cơ cực”.

Trang Gia Đình Mới đặt câu hỏi: Nếu không kịp bổ sung thông tin thuê bao: Lỗi do nhà mạng hay người dân? Chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hạn bổ sung thông tin thuê bao chính chủ, “người dân trên cả nước ồ ạt tới các nhà mạng để hoàn tất hồ sơ cá nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ, mệt mỏi”.

Bài viết lưu ý: “Đến ngày 24/4, nếu những ai chưa đăng ký sim chính chủ hoặc chưa bổ sung ảnh chân dung sẽ bị khóa một chiều. Tuy vậy, khá nhiều người còn đang rất mơ hồ, chưa biết mình có nằm trong diện phải bổ sung ảnh chân dung không”.

Vấn đề là tại sao người dân phải bổ sung hồ sơ cá nhân với ảnh chân dung vào hồ sơ thuê bao chính chủ? Thay đổi này có thật sự do các nhà mạng, hay do áp lực từ lãnh đạo cấp cao muốn quản lý dân, bởi lực lượng phản kháng trong dân ngày càng gia tăng, nên phải quản lý kiểu này?


Bê bối ở báo Tuổi Trẻ
Chiều nay, Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ đề nghị cơ quan pháp luật làm rõ vụ việc nhà báo Anh Thoa, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Nhà báo Anh Thoa, tức ông Đặng Anh Tuấn đã gửi đơn xin từ chức Trưởng phòng Truyền hình đến Ban biên tập báo Tuổi Trẻ. Trong đơn, ông Tuấn viết:

“Là người đứng đầu một phòng ban để xảy ra chuyện như vậy, cho dù đúng hay sai tôi vẫn là người không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tự nhận thấy đây là trách nhiệm của mình, là bổn phận của người lãnh đạo nhưng lại chưa làm tròn”.

Tuy nhiên, “đến ngày 21/4, những nội dung tường trình và chứng cứ của các bên vẫn còn rất nhiều tình tiết trái ngược, mâu thuẫn nhau”. Nghĩa là ông Tuấn từ chức vì thấy “không hoàn thành nhiệm vụ” chứ không thừa nhận hành vi quấy rối tình dục nữ cộng tác viên dưới quyền của ông ta, là sinh viên trường ĐH KHXH & NV.

Trước đó, báo Người Lao Động đưa tin vụ đình chỉ trưởng ban Truyền hình báo Tuổi Trẻ: Trường ĐH KHXH & NV lên tiếng. Văn bản do Khoa Báo chí và Truyền thông gửi Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ có đoạn:

“Nội dung thông cáo báo chí của Báo Tuổi Trẻ đã phát đi cũng như bản tin phát ngôn về vụ việc này đăng trên Báo Tuổi Trẻ Online vào chiều 19/4 khiến chúng tôi rất thất vọng. Chúng tôi muốn lưu ý, chúng ta cần nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề là nữ sinh viên đã chịu đựng một quá trình khủng hoảng tâm lý nặng nề”.


Vụ nhà báo Lê Duy Phong
Báo Người Lao Động đặt câu hỏi vụ cựu nhà báo Lê Duy Phong: Giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái có phạm tội đưa hối lộ? Bài viết lưu ý: TAND tỉnh Yên Bái đã kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xử lý Giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái Vũ Xuân Sáng. Tuy nhiên, ông Sáng bị yêu cầu xử lý không phải vì chuyện tài sản bất minh, mà vì… hành vi đưa hối lộ cho nhà báo Lê Duy Phong!

LS Nguyễn Anh Thơm phân tích: Ông Sáng đã đưa tiền cho nhà báo Duy Phong khi bị đe dọa “nên ông Sáng là người bị hại trong vụ án này. Tuy nhiên, với cương vị là ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc Sở KH-ĐT, ông Sáng lại không trình báo ngay với cơ quan pháp luật khi bị đe dọa”.

Điểm vô lý ở chỗ, nếu ông Sáng bị đe dọa, là một ông quan lớn ở Yên Bái, sao ông ta không trình báo ngay với cơ quan chức năng? Nếu ông ta thật sự là “cây ngay”, thì tại sao ông ta phải đưa tiền cho nhà báo để ngưng viết bài? Hay là ông ta đã “dính chàm”, muốn bịt miệng báo chí, nên đưa tiền để gài bẫy bắt nhà báo?


Đất công: Bán như cho không
LS Nguyễn Mai nhận định vụ bán 32ha đất công giá “bèo”: “Hủy hợp đồng không xóa được trách nhiệm!”, theo báo Dân Trí. Vụ Công ty Tân Thuận đàm phán để hủy hợp đồng bán đất công sản ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá “bèo” cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Mai lưu ý:

Công ty Tân Thuận đã “không báo cáo tập thể về việc chuyển nhượng diện tích đất công, việc chuyển nhượng mang lại hiệu quả thất, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng so với giá trị thực tế”. Cho nên, “việc chuyển nhượng của Công ty Tân Thuận đã vi phạm nguyên tắc ‘có hiệu quả, công khai minh bạch’ trong quản lý, sử dụng tài sản công”.

Biếm họa của Khều

Trước đó, báo Dân Trí có bài về nhiều lô ‘đất vàng’ được đấu giá bèo tại Thanh Hóa: Định ‘vải thưa che mắt thánh’?Theo đó, gần… 400 lô “đất vàng” ở TP Thanh Hóa đã được đưa ra đấu giá trong khi đơn vị tổ chức đấu giá “chưa thực hiện đúng các quy trình, thủ tục về niêm yết, công khai”; đơn vị trúng đấu giá cũng chỉ ở mức giá “bèo”.

Bài báo cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên trong thương vụ đấu giá này là chỉ vẻn vẹn có 2 đơn vị tham gia đấu giá và kết quả trúng đấu giá quá bất ngờ là 437.786.300.000 đồng, chỉ cao hơn giá sàn 3 tỷ đồng/375 lô đất vàng”. Nghĩa là Nhà nước “cũng mất hàng 100 tỷ đồng ở khu ‘đất vàng’ đấu giá ‘bèo’ này”.


Bòn rút của công, lừa đảo dân
VOV đưa tin: Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Gia Lai chi sai 400 triệu đồng. Thanh tra tỉnh Gia Lai xác nhận: Ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục QLCL NLS&TS và các đồng phạm “đã có hành vi vi phạm luật pháp về quản lý tài chính ngân sách với số tiền 431 triệu đồng. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thanh tra tỉnh đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định”.

Giai đoạn 2013- 2017, ông Toàn và các đồng phạm đã làm hồ sơ, chứng từ để rút hơn 393 triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Đáng chú ý là việc hợp thức hóa 43 hợp đồng thuê xe với Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Pleiku để thanh toán số tiền hơn 346 triệu đồng”.

Chuyện ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk: Phó chủ tịch xã lừa xin việc, chiếm đoạt tiền của dân, theo VietNamNet. Ông Mai Hiền, cựu Phó chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, đã gặp một người dân và “hứa xin việc cho con gái ông này vào làm kế toán tại một xã trên địa bàn với giá 100 triệu đồng” hồi tháng 5/2015. Ông Hiền “sau đó không xin được việc cho con gái ông Nhâm và cũng không trả lại tiền”, nên ông Nhâm làm đơn tố cáo.


Tận thu ở khắp nơi
Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm vụ trâu bò ‘cõng’ phí đồng cỏ ở Thanh Hóa? Bài viết lưu ý: “Mặc dù sự việc gây bức xúc trong nhân dân xảy ra ngay tại một địa bàn nằm sát sườn thành phố, thế nhưng lãnh đạo địa phương lại không hề hay biết cho đến khi thông tin được phản ánh trên báo chí”.

Kể cả sau khi điều tra, xác minh sự việc, UBND TP Thanh Hóa vẫn chỉ yêu cầu chính quyền xã Thiệu Dương trả lại số tiền “phí chăn nuôi” vô lý mà họ đã thu từ người dân, nhưng họ “không hề đả động đến trách nhiệm của cá nhân hay tập thể nào có liên quan vụ việc”.

Báo Đất Việt đưa tin: Chưa đóng tiền làm đường không được khai sinh: Xử lý nóng. Vụ một số người dân xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng “lên UBND xã xin giấy khai sinh cho con thì bị khước từ, gây khó dễ vì bố mẹ cháu bé chưa đóng tiền làm đường”, ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong chống chế:

“Việc xã không cấp khai sinh, không xác nhận lý lịch và một số giấy tờ khác cho dân xảy ra tại địa phương là do trong hội nghị một số người dân đề nghị như vậy, nên chúng tôi phối hợp để vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới”.


Không còn nước sạch
Trang Môi trường và Cuộc sống có bài: Người dân hơn 10 năm “khát” nước sạch, chính quyền ở đâu? Đã 12 năm, người dân khu tái định cư dự án thủy điện Sơn La phải sử dụng nước mương để sinh hoạt hằng ngày. Nước mương không an toàn nhưng người dân không còn lựa chọn nào khác.

Bài viết có đoạn: “Vào vụ cấy, có lúc hàng chục vỏ lọ thuốc trừ sâu trôi xuống bản. Nhưng nếu không lấy nước ở mương về sinh hoạt, dân bản chẳng biết lấy nước ở đâu.” Chính quyền vẫn bỏ mặc dân, dù cho người dân ròng rã kiến nghị trong 12 năm qua.

Tình hình hạn hán gay gắt, gần 10 nghìn người có nguy cơ ”đứt” nước sinh hoạt, theo báo Bảo Vệ Pháp Luật. Hạn hán tại Ninh Thuận khiến hàng loạt hồ chứa nước cạn kiệt, tình trạng đồng khô, nứt nẻ, gia súc chết khắp nơi. Nước sản xuất không còn, 48 ha đất sản xuất nông nghiệp phía Đông TP. Phan Rang- Tháp Chàm bị nhiễm mặn.

Hạn hán còn đe dọa gần 10 ngàn người có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Hàng chục năm qua, năm nào Ninh Thuận cũng hứng chịu hạn hán nghiêm trọng nhưng không hề được chính quyền quan tâm, xây dựng thủy lợi.


Cán bộ tiếp tay lâm tặc phá rừng
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai vừa kỷ luật 3 cán bộ kiểm lâm để mất rừng, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Ông Nguyễn Nhĩ, lãnh đạo đơn vị này cho biết họ đã “tiến hành kỷ luật 3 cán bộ kiểm lâm huyện Chư Păh vì thiếu trách nhiệm gây ra tình trạng mất rừng tại các Tiểu khu 208 và 250, sự việc được phát giác vào tháng 12/2017”.


Thực phẩm bẩn giết người
Vụ nhuộm cà phê bằng pin đang “nóng” lên từng ngày với những diễn biến mới. Báo Người Lao Động đưa tin: Phát ngôn gây sốc của phó chi cục trưởng về “cà phê pin”. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông cho biết, ông cảm thấy mệt mỏi vì từ “người hùng” phát hiện vụ việc, lại trở thành như “tội phạm” bị chất vấn về trách nhiệm quản lý.

Ông này cũng cho biết, không phát hiện tại cơ sở sản xuất cà phê pin có các máy móc rang, xay cà phê, nhưng báo chí vội vàng đưa tin là thiếu căn cứ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cà phê Đắk Nông!?

BBC có bài viết: Cà phê nhuộm pin ‘là thứ lần đầu được nghe’. “Trước đây chúng tôi mới chỉ nghe đến chuyện là có hóa chất trong cà phê tạo mùi, tạo vị và họ pha bằng đậu nành hoặc ngô nhưng mà bây giờ nghe đến pin thì là lần đầu tiên,”.

BBC dẫn lời bác sĩ Phan Đình Hiệp, từ Melbourne, Úc, cho biết “đây là việc không thể chấp nhận được.” Bà cũng cho biết “Đứng về góc độ y khoa, về khoa học, về sức khỏe con người thì giới y tế là giới đầu tiên phải lên tiếng về chuyện này”. Nhưng ở Việt Nam thì các vụ bê bối thường không ai nhận trách nhiệm.

Báo Công An Nhân Dân đưa tin (SỐC) Phát hiện nhiều mẫu cà phê bột không có… cà phê ở Đắk Nông! Cơ quan chức năng Đắk Nông cho biết, vụ việc “cà phê pin” không phải là cá biệt. Năm 2017, tỉnh này cũng phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất cà phê không chất lượng. Có đến 14/15 mẫu cà phê được kiểm tra không đạt chất lượng. Đa số các mẫu kiểm tra đều không có cafefine, tức không có hạt cà phê. Thành phần những loại cà phê này bao gồm bắp, đậu nhành rang cháy và hóa chất, hương liệu.

Báo Giao thông đặt câu hỏi: Cà phê pin: Vì sao không xác minh sớm? Chỉ sau 2 ngày từ khi phát hiện vụ việc cà phê pin, công an tỉnh Đắk Nông đã họp báo, công bố thông tin. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra sơ bộ nào được đưa ra.

Câu hỏi lớn được đặt ra: “Điều tra việc này có quá khó hay không? Kho chứa hàng chục tấn bột cà phê của cơ sở này thường thuê ai chở hàng đi. Hàng đến Bình Phước rồi đi đâu? Điều tra đơn hàng, lấy lời khai người làm công… đâu có khó?”. 


Giáo dục Việt Nam
Lùm xùm chuyện cô giáo mắng HS là “đồ quỷ”, thầy giáo choàng vai nữ sinh, báo Người Lao Động đưa tin. Bên cạnh hàng loạt vụ bạo hành, những ngày qua, thông tin về việc cô giáo mắng chửi học sinh và vụ thầy giáo choàng vai nữ sinh ở tỉnh Hậu Giang gây xôn xao dư luận. Gia đình em A. cho biết, “em thường bị cô H. mắng ngay trên lớp với những lời lẽ không đúng mực, có lúc kèm vào đó là những lời hăm dọa. Vì thế, em Tuyết A. muốn nghỉ học, không đến trường nữa”.

Ngoài ra, gia đình còn tố cáo em A. “phát hiện tin nhắn của một thầy giáo dạy ở trường nhắn cho cháu ngoại bà với nội dung khá nhạy cảm”. Thầy giáo này (là anh rể cô H.) còn có hành vi nắm tay, choàng tay lên vai và ôm. Hành động trên được nhiều học sinh chứng kiến, nhưng thầy giáo này chối. Cô H. sau đó yêu cầu gia đình không tiết lộ chuyện này nhằm “giữ thể diện cho trường”.

Yêu cầu đóng cửa cơ sở giáo dục mầm non ‘không phép’ gây chấn thương sọ não trẻ 20 tháng tuổi, theo báo Chất Lượng Việt Nam. Trường mầm non tư thục Phương Nam hoạt động không phép trong thời gian dài. Hơn một tháng trước, trường này đã để  xảy ra vụ việc cháu bé 20 tháng tuổi bị chấn thương sọ não. Dù trường chưa được cấp phép, gây thương tích học sinh, nhưng đến hơn một tháng, cơ quan chức năng mới ra quyết định đóng cửa.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo Washington Post đưa tin: Bộ trưởng Tư pháp sẽ từ chức nếu Thứ trưởng bị sa thải. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói chuyện điện thoại với cố vấn tòa Bạch Ốc Donald McGahn, rằng ông sẽ từ chức nếu ông Trump sa thải Thứ trưởng Rod Rosenstein. Ông Trump nổi giận vì ông Rosenstein phê chuẩn lệnh bố ráp, khám xét văn phòng và chỗ ở của ông Michael Cohen, luật sư riêng của ông Trump hôm 9/4.

Hôm 13/4, hơn 800 cựu nhân viên Bộ Tư pháp đã ký một tuyên bố chung, đưa ra quan điểm về Thứ trưởng Rod Rosenstein và CTV Rober Mueller, và pháp trị, kêu gọi Quốc hội “có phản ứng mạnh để bảo vệ những nguyên tắc sáng lập nền cộng hoà và nền pháp trị của chúng ta” nếu ông Trump sa thải Thứ trưởng Rosenstein, công tố viên Robert Mueller hoặc các viên chức cao cấp khác ở Bộ Tư pháp .




***








No comments:

Post a Comment

View My Stats