Saturday 21 April 2018

BẢN TIN SÁNG 21-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: TQ nói ứng xử ‘chuyên nghiệp’ khi chạm mặt tàu Úc trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ lời tố cáo từ chính quyền Úc, cho rằng Bắc Kinh đã thách thức các chiến hạm Úc. Phía Trung Quốc nói rằng, tàu Trung Quốc đã hành động một cách “chuyên nghiệp và hợp pháp” khi “chạm mặt” với tàu chiến Úc trên Biển Đông trong tuần này.

Báo Lao Động có clip: ngư dân Quảng Ngãi trình báo bị tàu chưa rõ lai lịch cướp tài sản. Về tàu cá QNg 96355 của ngư dân Phùng Trung Thành ở Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, bị cướp ngày 16/4, đã trở về đảo Lý Sơn an toàn để trình báo với cơ quan chức năng, dù báo Lao Động và các báo khác nói rằng, tàu ăn cướp kia “chưa rõ lai lịch”, nhưng báo Pháp Luật TPHCM đã gọi đúng tên là tàu Trung Quốc.

Quan hệ Việt – Trung
VOA có bài: Rủi ro khi Trung Quốc vượt Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, được hãng tin Bloomberg trích dẫn: Trung Quốc đã thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, làm cho mong muốn “thoát Trung” của Việt Nam ngày càng khó khăn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam xác nhận: “Sự thay đổi này bắt đầu vào năm 2017 khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33.5% so với năm trước đó trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 20%”.


Ông Trần Đại Quang đang ở đâu?
Hôm 4/4, một nguồn tin khả tín cho Tiếng Dân biết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có đơn gửi Bộ Chính trị, xin nghỉ để đi chữa bệnh dài hạn. Vài ngày sau có tin ông Quang đi Nhật chữa bệnh. Văn phòng Chủ tịch nước vẫn chưa đưa tin về sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang. Tin cuối cùng về sự có mặt của Chủ tịch nước ở Việt Nam là tin ngày 4/4/2018, ông Quang tiếp Đại sứ Thái Lan chào kết thúc nhiệm kỳ.

Trong một bài viết ngày 18/4, nhà hoạt động trịnh Anh Tuấncó viết, “Lần xuất dương qua Nhật cách đây chừng chục ngày là một lần ra đi với tư cách khác, cay đắng và tủi nhục vô cùng“. BBC có bài: Chủ tịch Trần Đại Quang vắng mặt dịp đón bà Suu Kyi. “Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt dường như làm tăng sức nặng cho tin không chính thức nói ông đã sang Nhật Bản khám bệnh từ đầu tháng Tư“.

Dời đồn biên phòng, xây khu nghỉ dưỡng
Báo Tuổi Trẻ có bài: Dời đồn biên phòng cho FLC xây sân golf, khách sạn? Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ra văn bản yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này tạm dừng mọi thủ tục xây dựng Đồn biên phòng ở huyện Bình Sơn để dời đi nơi khác. Văn bản cũng xin điều chỉnh đất quốc phòng và xin ứng 500 tỉ đồng ngân sách nhà nước, giải phóng mặt bằng, dời hàng trăm hộ dân ven biển, để xây du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC!

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: báo ĐT

Nhà báo Mai Quốc Ấn viết: “Quân đội của FLC”? Ông Ấn nói rằng, dời đồn biên phòng Bình Hải, tỉnh Quảng Ngãi sẽ phải đối đầu trực tiếp với lực lượng BĐBP và cả Quân đội NDVN, nhất là đe dọa sự an nguy về phòng thủ bờ biển, hải đảo Việt Nam. Trung Quốc đã từng vào sát bờ biển nước ta, nay không có BĐBP canh giữ khu vực hiểm yếu này, thì đất nước sẽ sớm vào tay giặc.

Ông Ấn viết: “Lần đầu tiên tôi thấy tôn nghiêm quân đội lại bị khinh lờn đến như vậy! Vì pháp lệnh BĐBP đã được ban hành từ lâu chứ đâu phải BĐBP là lực lượng hỗn tạp? 45.000 chiến sĩ BĐBP nói riêng và gần 500.000 quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà trơ mắt nhìn Quảng Ngãi “dời đồn” thì còn chi uy tín?


Tập đoàn kinh tế, nợ như chúa chổm
Báo Lao Động có bài: Chúa chổm: Không thể để kẻ đi vay, người khác trả nợ. Bài viết có đoạn: “Tổng nợ phải trả của PVN, theo cáo cáo tài chính hết năm 2016 là hơn 87.483 tỉ đồng, chủ yếu là các khoản nợ dài hạn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng chìm trong đống nợ 38.000 tỉ đồng. 12 đại dự án của ngành Công Thương đang mắc tổng số nợ lên đến 55.000 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản là hơn 57.600 tỉ đồng“.

Chưa kể đến những “quả đấm thép”, đã từng đấm thủng ngân sách nhà nước, các tập đoàn kinh tế, các đại dự án kinh tế nợ như chúa chổm: PVN hơn 87.000 tỉ đồng, TKV nợ hơn 100.000 tỉ đồng… Nợ quá nhiều, phải giật gấu vá vai, đè dân ra đánh thuế đánh như “vặt lông vịt”. Người dân còng lưng làm, đôi khi không đủ sống, lại còn phải trả đống nợ khổng lồ của đám ăn tàn phá hại này.


Đất nước thời “tận thu”
Chiều 20/4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Đánh thuế tài sản không ảnh hưởng người thu nhập thấp, theo báo Người Lao Động. Về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu, ông Dũng nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về dự thảo luật này”, nhưng “lắng nghe” xong, ông Dũng vẫn một mực bảo vệ quan điểm: “Luật Thuế tài sản sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp”.

Đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính nhắm đến “nhà có giá trị từ 700 triệu đồng” nên chắc chắn không thể tránh được chuyện “tận thu” người có thu nhập thấp. Ở Việt Nam hiện tại, người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà khoảng 700 triệu, người có thu nhập trung bình vẫn có thể sở hữu nhà khoảng 1-10 tỉ. Cho nên, đề xuất đánh thuế tài sản lần này, nếu được áp dụng, sẽ gây tác động rất xấu đến người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình ở Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm về luật Thuế tài sản: Nếu Chính phủ thông qua, sẽ báo cáo Quốc hội trong nhiệm kỳ này. Ông Dũng khẳng định, đề xuất đánh thuế nhà ở này được thực hiện “dựa trên chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị”, liên quan đến chuyện tái cơ cấu ngân sách và quản lý nợ công.

Nói cách khác, đằng sau những “tối kiến” của lãnh đạo Bộ Tài chính về đề xuất đánh thuế, vẫn là tương lai không mấy khả quan cho Việt Nam: Ngân sách càng lúc càng kiệt quệ, gánh năng nợ công dồn dập, đảng vốn đã “tận thu” rồi nhưng vẫn chưa đủ, nên phải tìm cách “vặt lông vịt” tiếp.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Sao phải thu phí trên lưng con bò? Không chỉ có “phí nuôi bò”, “xã, thôn đặt ra hàng chục khoản phí khác nhau để tận thu trên lưng người nông dân. Đến đứa trẻ mới lọt lòng cũng phải cõng phí xây nghĩa trang”. Do mắc nợ như chúa chổm, để có tiền trả nợ, phải đè bò ra mà thu phí.

Phù phép biến công sản chui vào túi tư nhân
Báo Thanh Niên đưa tin: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu làm rõ vụ bán đất công sản không qua đấu giá. Tối 20/4/2018, ông Nhân đã giao cho UBKT Thành ủy TP HCM “tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành uỷ” trong vụ Công ty Tân Thuận bán đất công sản với giá “bèo” cho Quốc Cường Gia Lai.

Ông Nhân còn yêu cầu UBKT Thành ủy làm rõ sai phạm của các cá nhân, tập thể có liên quan và báo cáo về Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5/2018. Trước đó, Văn phòng Thành ủy TP HCM đã thông báo về vụ mua bán hơn 30 đất công sản ở huyện Nhà Bè.

Facebooker Ngô Thanh Tú bình luận“Nhân vốn kẻ mọt sách, thư sinh nên không quyết đoán. Việc Nhân yêu cầu làm rõ vụ mua bán đất đai nhiều khi không phải do Nhân quyết, mà y chỉ thuật lại lời của bề trên. Cùng với việc Nhân lên tiếng về vụ đất đai, xem chừng sự nghiệp chính trị của Tất Thành Cang sớm chấm dứt”.

Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai khẳng định: Bán 32ha đất Phước Kiển là có chủ trương từ Thành ủy TP. HCM, theo trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết: “Khi bán thì chị cũng không cần biết họ là ai, chỉ biết anh có hàng bán thì tôi mua, vì anh cũng là một công ty kinh doanh bất động sản. Thế thì họ dưới quyền của chủ sở hữu họ thì họ phải đi trình… Nó là một tài sản hàng hóa chứ không phải tài sản công sản”.

Về khả năng Quốc Cường Gia Lai phải trả lại đất cho Công ty Tân Thuận, bà Loan nói: “Chúng ta ra tòa, dù là nhà nước cũng phải ra tòa. Rất là rõ ràng, không thể ép doanh nghiệp được, doanh nghiệp không sai”.


“Điện gió” ở Bình Định
Facebooker Duy Khanh viết: Bình Định tôi đâu? Về chuyện người dân huyện Phù Mỹ nhất quyết phản đối dự án điện gió, tác giả cho biết: “Thực ra bà con Phù Mỹ đã quá biết chiêu bài trồng rừng để phá rừng cách đây khá lâu. Một doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng ngay khu rừng có cây lâu năm, sau khi khai thác xong, họ trồng cây lại rồi bỏ bừa ra đó”. Bản chất dự án này vẫn là khai thác titan, phá hoại môi trường.

“Mặc dù việc khai thác titan đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng giờ đây, người dân địa phương phải ‘giật mình’ nhìn lại, khi thấy rằng ‘mất’ quá nhiều đất đai do biển xâm thực và đất bị nhiễm mặn không thể canh tác”.

VOA đưa tin: Bình Định: Dân bao vây trụ sở xã, giam lỏng bí thư và chủ tịch. Theo đó, “hàng trăm người dân giam lỏng 5 cán bộ, trong đó có bí thư và chủ tịch xã ở tỉnh Bình Định hôm 20/4 để gây áp lực yêu cầu lực lượng chức năng thả 14 người” trước đó bị CSCĐ bắt giữ, do họ phản đối dự án xây dựng nhà máy điện gió tại địa phương.

Bài viết lưu ý: “Người dân cho rằng, thời gian gần đây rừng dương ở khu vực khảo sát dự án điện gió bị kẻ xấu đốt cháy; họ lo ngại dự án triển khai sẽ làm rừng bị phá hoại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nên phản đối”.


Sự kiện ở Bình Định: Dân bao vây trụ sở xã, giam lỏng bí thư và chủ tịch hôm 18/4, báo Tin Tức có bài: Bình Định đề nghị người dân có thể giám sát việc xây dựng cột quan trắc gió. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Người dân 2 xã Mỹ An và Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) cũng có quyền lập tổ giám sát việc xây dựng cột quan trắc gió. Nếu phát hiện đơn vị thi công phá rừng phòng hộ hoặc khai thác titan thì báo ngay cho chính quyền xử lý”.

Vấn đề ở chỗ, người dân đã phản đối dự án này từ hồi tháng 2/2018. Ngày 26/2 và 16/3, người dân huyện Phù Mỹ đã biểu tình chặn Quốc lộ 1 nhằm yêu cầu chính quyền huyện không để doanh nghiệp thực hiện dự án này, nhưg chính quyền tỉnh Bình Định và chính quyền huyện Phù Mỹ nói một đằng, làm một nẻo, nên người dân phải tiếp tục phản đối hôm 18/4 vừa qua.


Vụ xử nhà báo Lê Duy Phong
Hôm qua, nhà báo Lê Duy Phong bị tuyên án ba năm tù giam, tội “cưỡng đoạt tài sản”. Ông Phong là trưởng ban bạn đọc của báo Giáo dục Việt Nam khi bị công an tỉnh Yên Bái bắt giam ngày 22/6/2017, với cáo buộc nhận 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái và 50 triệu đồng của doanh nhân Hoàng Trung Thực, cán bộ công an về hưu, để không viết bài.

Nhiều người cho rằng, nhà báo Lê Duy Phong bị bắt vì đã viết bài liên quan đến những sai phạm đất đai ở Yên Bái. Vài ngày trước khi bị bắt, báo Giáo dục Việt Nam có đăng loạt bài của ông Phong về các vụ tiêu cực đất đai và các biệt thự, biệt phủ của các quan chức tỉnh Yên Bái như Giám đốc Sở Công an, Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Sở Tài TNMT

Nhà báo Lê Duy Phong trong lúc quay đầu lại nhìn người thân. Ảnh: Giang Long/ báo TT



Ngành y xuống dốc
Báo Người Lao Động đưa tin: Khởi tố vụ Vinaca sản xuất thuốc trị ung thư làm từ bột than tre. Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án Công ty TNHH Vinaca sản xuất thuốc chữa ung thư từ bột than tre. Công ty Vinaca bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, thay vì sản xuất thuốc giả.

Trang Thế Giới và Việt Nam đặt câu hỏi: Thuốc giả, thực phẩm siêu bẩn… còn gì kinh khủng hơn? Đất nước bị tàn phá, không chỉ vì đảng CSVN ăn tàn phá hại, mà còn vì “càng ngày, nhiều người vì hám lợi mà sáng tạo ra những sản phẩm có hại cho người tiêu dùng ở mức độ ngày càng cao hơn. Thử hỏi còn gì tàn ác hơn? Thử hỏi hành vi ấy có khác gì âm thầm sát hại đồng loại?”

Nghiêm túc kiểm điểm vụ ‘Thiếu viện phí, bỏ mặc bệnh nhi’, báo Tuổi trẻ đưa tin. Bệnh nhân chưa kịp đóng tiền, bệnh viện từ chối cấp cứu. Bệnh viện không có máy chụp X-quang, thiếu khoa chuyên môn nhưng không làm thủ tục chuyển viện. Bệnh viện thách thức gia đình bệnh nhân.

Sau khi kết luận, “bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn báo cáo Sở Y tế nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân liên quan, phổ biến rút kinh nghiệm trong toàn cơ quan”. Một độc giả bình luận, bệnh nhân bất bình đánh bác sĩ thì khởi tố ngay, bệnh viện bỏ mặc bệnh nhân thì “rút kinh nghiệm”.

Vụ bệnh nhân tử vong sau khi bị “dụ” ra mổ ngoài: Sở trả lời, bệnh viện im lặng, theo báo Dân trí. Mặc dù Sở Y tế đã công bố thông tin ban đầu về vụ việc, nhưng bệnh viện Đa khoa Bưu Điện vẫn không có phản hồi.

Sở Y tế kết luận: Các chuyên gia thuộc hội đồng khoa học của Bệnh viện Bình Dân nhận định, bệnh nhân có biểu hiện của bệnh lý lồng trong trực tràng hậu môn mức độ nhẹ, không nhất thiết phải phẫu thuật, chỉ nên can thiệp bằng điều trị nội khoa. Nhưng sau đó, bệnh nhân được một bác sĩ “gợi ý” sang bệnh viên Bưu Điện để phẫu thuật và tử vong.


Thực phẩm bẩn giết người Việt
Báo Công Lý đưa tin Báo động: 250 người Việt tử vong mỗi ngày do ung thư. Tính ra, cứ hơn 6 phút lại có 1 người Việt chết vì ung thư. Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 bệnh nhân ung thư mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Ung thư gia tăng chóng mặt chủ yếu vẫn là do thực phẩm bẩn và nhiễm hóa chất từ Trung Quốc.

Ngăn chặn tình trạng ‘rau 2 luống, heo 2 chuồng’, theo báo Pháp Luật TP HCM. Nhiều năm qua, chính người nông dân còn không dám… ăn thực phẩm do mình làm ra. Rau để bán thì đã qua ngâm hóa chất, thuốc tăng trưởng. Thuốc tặng trọng, tạo nạc được tận dụng triệt để trong chăn nuôi heo… Còn phần để ăn thì không sử dụng hóa chất.


Giáo dục Việt Nam
22 giáo viên bỗng mang nợ 512 triệu đồng từ trên trời rơi xuống, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Không gặp cán bộ ngân hàng, không ký thủ tục cấp thẻ, nhưng 22 giáo viên vẫn có thẻ tín dụng với tổng số nợ phát sinh lên đến hơn 512 triệu đồng. Những giáo viên này cho biết “kế toán của trường đã thừa nhận có cho một người lạ tên Hoa (là bạn của một giáo viên trong trường) đến chụp ảnh bảng lương, hồ sơ của chúng tôi.

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhưng lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách buộc giáo viên không kiện “đến thời điểm này chỉ còn ít giáo viên tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng vì có giáo viên bị dọa, tác động từ ban giám hiệu nhà trường nên bỏ cuộc”. Thậm chí nhiều giáo viên bị nhắn tin đe dọa, thách thức, chửi bới.

Báo Tiền Phong đưa tin: Đình chỉ cơ sở mầm non nơi cô giáo bạo hành học sinh.  Vụ cô giáo mầm non đánh học sinh, trường mầm non ABC, bị đình chỉ dạy, cơ sở mầm non này hoạt động khi chưa đủ điều kiện thành lập và mới chỉ được cấp phép trước khi vụ việc xảy ra 1 ngày. Chính quyền “thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc quản lý cơ sở giáo dục mầm non tư thục ABC, đặc biệt là việc dù chưa có giấy phép hoạt động nhưng vẫn đi vào hoạt động”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Đảng Dân chủ kiện Nga, ban vận động Trump và Wikileaks. Đảng Dân Chủ vừa đệ đơn lên tòa án liên bang ở Manhattan, kiện Nga, ban vận động tranh cử của TT Trump và WikiLeaks, cáo buộc họ thực hiện một âm mưu rộng lớn nhằm gây gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Tom Perez, chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc, nói: “Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhắm vào nền dân chủ của chúng ta và họ đã tìm thấy một đối tác sẵn lòng và tích cực nơi ban vận động của Donald Trump. Đây là một hành động phản bội chưa từng thấy“.

Cũng VOA, có bài: Cựu GĐ FBI: TT Trump lo ngại về cáo buộc thông đồng với Nga. Các tài liệu mật của ông James Comey, cựu Giám Đốc FBI, ghi chép sau các cuộc tiếp xúc với TT Trump trong thời gian còn đương chức hồi năm ngoái, đã bị tiết lộ hôm qua. Tài liệu cho thấy, TT Trump “lo ngại về những cáo buộc rằng ông đã thông đồng với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, và rằng có một băng video thâu hình ông Trump với gái mại dâm Nga“.

Vụ trục xuất di dân về Việt Nam, VOA có bài tóm lược từ Reuters: Cuộc sống ở VN của người bị Mỹ trục xuất: ‘không nghề, không tiền’. Một số người Việt ở Mỹ đã bị trục xuất về Việt Nam, dù họ đến Mỹ trước năm 1995, trái với nội dung hiệp định song phương hai nước Việt – Mỹ đã ký năm 2008, rằng người nhập cư từ Việt Nam đến nước Mỹ trước 1995 sẽ không bị trục xuất.

Hai người được đề cập trong bài là ông Bùi Thanh Hùng và Phạm Chí Cường. Cả hai đều là con lai Mỹ, đã từng bị phân biệt đối xử ở Việt Nam trước khi qua Mỹ. Họ đến Mỹ định cư gần 30 năm nhưng chưa nhập tịch, rồi phạm tội như uống rượu lái xe, hoặc đánh vợ vì vợ ngoại tình… và đã bị trục xuất về Việt Nam. Rất khó để họ hội nhập với đời sống ở nơi mà họ đã từng bỏ đi hàng thập niên trước.

















No comments:

Post a Comment

View My Stats