Saturday 14 April 2018

BẢN TIN SÁNG 14-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA dẫn lời các chuyên gia về biển Đông của Mỹ nhận định:“Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào dự án ngoài khơi Việt Nam”. Ông Gregory Poling, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và ông Alexander Vuving, thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương còn nói rằng, Việt Nam “không biết phải tiến lên phía trước như thế nào”.

Chuyện chính quyền Việt Nam yêu cầu hãng Repsol ngừng khai thác dự án Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính do sức ép từ Trung Quốc hồi tháng 7/2017, rồi sau đó hãng này lại phải tiếp tục dừng dự án với Việt Nam “chỉ trong vòng chưa đầy một năm”, ông Poling bình luận: “Việt Nam tự nhận rằng họ không có vùng đặc quyền kinh tế”.

BBC có bài phỏng vấn ThS Hoàng Việt: Tranh chấp Biển Đông: Bản đồ ‘có giá trị giới hạn’. Về chuyện nhà báo Bill Hayton cho rằng “tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ mới nổi lên, phát sinh từ việc biên dịch tồi và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930”, ông Việt lưu ý rằng, “Trung quốc họ đã nhìn thấy các lợi ích to lớn về biển cả mang lại, nên họ phải tìm mọi cách để chiếm hữu Biển Đông, để từ đó họ mở cánh cửa vươn ra thống trị thế giới”.

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Malaysia bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam do đánh bắt trái phép. Cơ quan thực thi luật biển Malaysia xác nhận rằng, họ đã bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam do đánh bắt trái phép trong vùng biển cách Kuala Pahang 29 hải lý hôm 9/4/2018.
Do bị Trung Quốc xâm chiếm ngư trường, ngư dân Việt Nam muốn tiếp tục đánh bắt cá chỉ còn có cách sang ngư trường của các nước láng giềng, nơi mà họ chắc chắn đối mặt với sự bắt bớ, tù đày, cũng chẳng khác gì khi đánh bắt ở vùng biển Việt Nam, luôn đối mặt với sự tấn công, cướp bóc của “tàu lạ”. Nếu không, thì họ chỉ có cách bỏ nghề đánh cá, nhưng sau đó họ biết làm gì sống?


“Củi khô” ở Đà Nẵng
Thông tin ông Nguyễn Xuân Anh vắng sinh hoạt đảng ở địa phương vì lý do sức khỏe yếu, mà trang VietNamNet đưa tin chiều qua, đã dấy lên nhiều đồn đại. Mặc dù báo chí trong nước nói rằng, vì lý do sức khỏe, nhưng cư dân mạng đồn đại rằng, ông Xuân Anh đang lo sợ trở thành “củi khô” quăng vào lò, vì có liên quan tới mafia Đà Nẵng là Vũ ‘nhôm’.

Báo chí đưa tin, ông Xuân Anh từng được Vũ ‘nhôm’ tặng hai căn nhà số 45 và 47 Nguyễn Thái Học, TP Đà Nẵng, trị giá cả chục tỷ đồng. Không chỉ ông Xuân Anh, mà cả thư ký của ông Anh là ông Hồ Ánh cũng được Vũ ‘nhôm’ cấp nhà.

Năm ngoái, ông Xuân Anh bị cách hết mọi chức vụ: Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương đảng khóa 12… Hiện ông chỉ còn tư cách đảng viên, nhưng phải “trốn” sinh hoạt đảng vì có thể ông lo sợ bị bắt.



Chiến dịch “đốt lò”
BBC dẫn lời TS Hà Hoàng Hợp phân tích: VN đang có ‘bước tiến tốt, tích cực’ trong chống tham nhũng. Vụ tướng tá công an bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ, diễn ra gần như cùng lúc với quá trình tái cơ cấu Bộ Công an, TS Hợp nhận định:

“Khi họ mở rộng, thì họ đã xử lý bắt tạm giam và khởi tố khá nhiều, gần một trăm người rồi, trong đó có hai người là cấp tướng, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh là cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, anh hùng lực lượng vũ trang, thì đây là một bước tiến tốt”.


Tinh giản biên chế
Về thông tin, khu vực nhà nước thừa hơn 57.000 biên chế, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 37 về tinh giản, chẳng những không giảm 140.000 người mà ngược lại, còn tăng thêm 96.000 người. PGS Mạc Văn Trang bình luận:

1. Cho thấy tham nhũng quyền lực, vô trách nhiệm từ Trung ương đến cơ sở kinh khủng cỡ nào?
2. Không chỉ tốn tiền lương mà còn bao nhiêu tốn kém vào tiền thuế của dân;
3. Thừa người, đẻ thêm ra bao nhiêu việc hành dân, cản trở dân;
4. Vào biên chế chạy tiền, vào rồi cướp bóc của dân để kiếm chác;
5. Bộ máy thừa sẽ gây rối loạn chức năng, ít mà tinh thì tốt, thừa mà kém là vứt…
6. QH, Chính phủ yếu kém, bất lực, không nhìn xa, nước đến mũi mới kêu! Chỉ kêu không giải quyết thì nước mẹ gì? Phải loại khỏi bộ máy 1.000.000 người bất tài ăn hại nữa!
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Thừa hơn 57.000 biên chế, cắt thế nào? Về “tính khả thi” của lộ trình tinh giản biên chế năm 2018, ĐBQH Phan Thanh Bình phân tích: “Với 57.000 biên chế thừa là con số rất lớn, liệu có giải quyết nổi trong năm 2018 không? Bởi nếu cắt rụp một cái thì sẽ rối xã hội”.


Bê bối ngành hải quan
Vụ buôn lậu 2.000 tỷ xăng dầu: Tiết lộ khó tin trong ngày phá án, trang VietNamNet đưa tin. Theo đó, Viện KSND Tối cao tiến hành truy tố các bị can trong vụ buôn lậu hơn 135 triệu lít xăng dầu, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, được nhập lậu vào Việt Nam nhờ sự tiếp tay của các cán bộ hải quan.

Ông Lê Nam Phong, Đội phó Đội chống buôn lậu khu vực miền Trung, cho biết: “Khi tổ phá án tiếp cận kho xăng dầu ở đất liền, chúng tôi mới thấy cán bộ hải quan ở đó. Khi vào bắt giữ ở kho, mọi người ra sân xếp hàng, một anh giơ tay nói tôi là cán bộ hải quan thì mới phát hiện là có cán bộ hải quan ở đấy. Đó là cán bộ hải quan phụ trách kiểm hóa”.


Cố ý làm trái
Trang Nhà Báo và Công Luận đưa tin: Quảng Trị: Phát hiện thêm nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Bài viết điểm mặt một số vụ sai phạm, như vụ bò chính sách “lạc” vào nhà cán bộ ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, vụ Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng giải ngân cho dự án xây dựng các điểm trung chuyển rác thải từ tháng 8/2017, nhưng đến nay dự án vẫn ngổn ngang, vụ cán bộ Trung tâm y tế huyện Đakrông dùng sinh phẩm hết hạn để khám bệnh cho người dân.

Mời đọc thêm: Dê lạc, bò lạc, tiền cũng “lạc” (NĐT).

Vụ án cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga
Trong phiên xử ngày 13/4/2018, đại diện VKS nhận định: Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga đã lừa người mua nhà, theo VOV. VKS lưu ý: “Trong tổng số tiền gần 400 tỷ thu được từ người mua nhà, đến nay các bị cáo chỉ trả lại một phần rất nhỏ cho số ít bị hại khi yêu cầu rút vốn, số tiền còn lại đã sử dụng vào mục đích khác nhau, đến nay không thể trả lại được”.

Lúc nói lời sau cùng, bà Châu Thị Thu Nga đòi làm đơn giám đốc thẩm, theo báo Tiền Phong. Bà Nga tiếp tục khẳng định, bà không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “nếu tòa cấp cao tuyên y án, bà Nga sẽ làm đơn đề nghị giám đốc thẩm”.

Bà Nga nói thêm: “Cho chúng tôi không quá 90 ngày để thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan. Tôi cũng đề nghị xác minh rõ các nguồn tiền liên quan đến vụ án…Vụ án đã xảy ra 3 năm, bản thân cá nhân tôi rất thiệt thòi vì tin tưởng vào năng lực của chính mình, tin tưởng vào các cấp chính quyền, lòng tin của khách hàng”.


Vấn nạn “đất tặc”, “cát tặc”
Chuyện ở huyện Can Lộc, HàTĩnh: Rầm rộ “phong trào” khai thác tài nguyên trái phép, theo trang Thương Hiệu và Pháp Luật. Theo bài viết, các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc của huyện này đã trở thành “thủ phủ” của “đất tặc”. “Có ít nhất  6 chiếc máy múc lớn nhỏ thường xuyên thay phiên nhau khai thác tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc”.

Khi được hỏi vì sao người dân không báo chính quyền địa phương, một người dân trả lời: “Báo rồi, chú ạ, nhưng nỏ được chi mô. Viết đơn thì tốn giấy mực, gọi điện thì tốn tiền thuê bao, họ chẳng giải quyết mô, vì trên xuống dưới, ai cũng có phần cả mà. Đường thì nát, nhà thì bụi bặm, tiếng ồn thì nhức óc cả ngày… Dân bầy tui khổ lắm, chú ạ!”

Vụ xã dựng lều trên sông vẫn “sểnh” cát tặc: Đình chỉ nhiều cán bộ, theo báo Giao Thông. Ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa cho biết: Công an huyện đang bắt đầu điều tra vụ người dân xã Thiệu Đô phản ánh, một số cán bộ lãnh đạo và công an xã tiếp tay cho “cát tặc”. Nhiều năm nay, “cát tặc” ngang nghiên hoạt động ở xã này, nên người dân nghi ngờ chính quyền địa phương bảo kê cho “cát tặc”.


Cán bộ tiếp tay, lâm tặc hoành hành
Vụ Công ty lâm nghiệp Đắk Tô tự ý vận chuyển một lượng gỗ không có trong hồ sơ ra khỏi rừng, báo Công An TP HCM có bài: Công ty lâm nghiệp kéo 85m3 gỗ không có hồ sơ ra khỏi rừng. Theo đó, “tính đến tháng 2/2018, Công ty đã kéo được gần 329m³ gỗ về bãi tập kết. Qua kiểm tra, đối chiếu thực tế chỉ có 244 m³ gỗ phù hợp về số lượng, chủng loại với hồ sơ”.
UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở NN-PTNT cùng với UBND huyện Đắk Tô và các bên liên quan kiểm tra sai phạm của Công ty Đắk Tô, “làm rõ trách nhiệm cá nhân tập thể liên quan trong việc vận chuyển gỗ nằm ngoài hồ sơ vi phạm”.


Tàn phá môi trường
Bài thứ nhất trong loạt bài trên báo Tài Nguyên và Môi Trường về vụ quấy nhiễu môi trường rừng đặc dụng ở cụm đảo Hòn Khoai: Bài 1 – Tùy tiện xâm hại đảo Hòn Hàng. Theo đó, “cụm đảo Hòn Khoai có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng trên vùng biển Tây Nam, thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia”, nhưng trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp đã có hành vi “xâm phạm đến môi trường sinh thái biển”.

Chưa tìm ra nguyên nhân 120 ha ngao chết ở ven biển Hà Tĩnhtheo Pháp luật TP HCM. Người dân trắng tay, thua lỗ hàng trăm triệu đồng, những đến nay vẫn chưa biết vì sao ngao chết hàng loạt. Sau nhiều ngày lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng Hà Tĩnh vẫn chưa đưa ra được kết quả. Yếu tố ô nhiễm môi trường là nghi vấn hàng đầu bên cạnh yếu tố dịch bệnh.

Sóc Sơn (Hà Nội): Hàng loạt các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, xây dựng không phép, thách thức pháp luật, báo Môi trường và Cuộc sống đưa tin. Nhiều năm qua, người dân địa phương phải sống chung với khói bụi và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do các xưởng sản xuất gỗ ép và phân loại phế liệu gây ra. Người dân cho biết, họ thường xuyên gặp phải các vấn đề về sức khỏe như đau mắt, tức ngực, khó thở.

Người dân bất bình và đã kiến nghị nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. Thậm chí chính quyền còn tiếp tay cho các cơ sở sản xuất tàn phá môi trường, hủy hoại sức khỏe người dân.

RFA đưa tin: Khởi động chiến dịch chấm dứt rác thải từ nhựaChiến dịch được Trung tâm Hoa Kỳ, tại Hà Nội khởi động nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink cho biết, chiến dịch nhằm nâng cao ý thức của mọi người về sự nguy hiểm của rác thải từ nhựa.


Ngành y xuống dốc
Báo Thanh niên có bài: Cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Việt Nam là một trong các nước có tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng thuốc nghiêm trọng mà WHO cảnh báo. Năm 2013, các vụ dịch nhiễm khuẩn bệnh viện đã làm 40 bệnh nhân mắc bệnh ở bệnh viện tỉnh Hà Giang. Năm 2017, 4 trẻ sơ sinh ở bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh nhiễm khuẩn tử vong; vụ 80 trẻ ở Hưng Yên bị lây nhiễm sùi mào gà trong một phòng mạch.

Bộ Y tế yêu cầu xác minh việc ‘cò’ buôn thận tung hoành, theo báo Thanh niên. Chiều 13/4/2018, Bộ Y tế có công văn đề nghị Sở Y tế TP HCM xác minh sự việc “cò” buôn thận tung hoành như phản ánh của báo chí. Bộ cũng yêu cầu rà soát, kiểm tra, quy trình thực hiện hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại các bệnh viên.


Nền giáo dục nát bét
Sửa đầu này hư đầu kia, nền giáo dục Việt Nam cơ bản đã “hết thuốc chữa”. Báo Sài Gòn giải phóng có bài: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học: Sửa nhiều lần vẫn rối. Bài viết trình bày ý kiến của một số quan chức TPHCM cho rằng “chương trình giáo dục tổng thể hiện nay vẫn nặng tính hàn lâm, chạy theo thành tích, yêu cầu học sinh học thuộc lòng quá nhiều nên triệt tiêu sự sáng tạo của các em”.

Bên cạnh đó, giáo dục cũng mắc bệnh thành tích, chứ không lo đến việc giáo dục đạo đức học sinh. Đây là hệ quả của nền giáo dục nhằm phục vụ cho mục tiêu cai trị của chế độ cộng sản.

Báo Công Lý đặt câu hỏi: Vụ Hiệu trưởng “xúi” giáo viên phá thai: Trưởng phòng GD-ĐT huyện nói gì? Vị trưởng phòng cho biết, “đang kiểm tra, xác minh”. Ông cũng nói rằng, không chỉ riêng ngành giáo dục mà các ngành khác đều chạy theo thành tích; và thừa nhận có việc bất chấp mọi thức để đạt được thành tích.

Ông ta còn cho rằng, việc hạn chế sinh con thứ 3 là chủ trương của đảng. Ông ta biện minh rằng, ép phá thai đứa con thứ 3 chỉ là “không đúng lắm”: “thành tích của cả cơ quan nên ai cũng bức xúc đẫn đến có những hành động không đúng đắn lắm.

Vụ tỉnh Vĩnh Phúc đột ngột ra quyết định thay đổi cách thi vào lớp 10, báo Người đưa tin có bài: Lại làm giáo dục theo kiểu ngẫu hứngBài báo dẫn lời nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, “đây là cách làm giáo dục theo kiểu ngẫu hứng, một sự thay đổi không có căn cứ khoa học gây khó cho học sinh”. Việc thay đổi cách thi chỉ 2 tháng trước kỳ thi là hành động “đánh úp”, khiến học sinh không thể trở tay.

Ông Giám đốc sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc biện hộ trơ trẽn rằng: “Việc sử dụng bài thi tổ hợp trước đó đã áp dụng ở kỳ thi THPT Quốc gia và thí sinh cũng đã quen với sự xuất hiện của dạng bài thi này”. Trong khi đối tượng áp dụng ở đây là học sinh lớp 9.

Báo Thanh niên đưa tin: Tạm đình chỉ cô giáo Trường mầm non 30.4 bạo hành học sinhSau vụ việc giáo viên mầm non gọi học sinh là “con thú” và có hành động bạo hành, lãnh đạo nhà trường và chính quyền đã ra quyết định đình chỉ dạy đối với cô giáo. Nhà trường cũng “cam kết khắc phục và đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh; mong muốn được các bậc phụ huynh hỗ trợ, hợp tác.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ

Một số cố vấn của ông Trump kết luận, cuộc điều tra ông Cohen, luật sư cá nhân của ông Trump, về sự tha hóa trên diện rộng, đặt ra mối đe dọa sắp xảy ra cho Tổng thống. Mối đe dọa này lớn hơn cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller. Các luật sư của ông Trump và Cohen xuất hiện tại tòa án ở New York hôm nay để ngăn chặn các công tố viên đọc các hồ sơ mà họ tịch thu trong tuần này từ văn phòng ông Michael Cohen, luật sư cá nhân của ông Trump.

Cũng báo NYT đưa tin, luật sư Cohen có dính tới vụ từ chức của tỉ phú Elliott Broidy hôm nay. Ông Broidy là Phó Chủ tịch tài chính của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và là đồng minh của ông Trump. Ông Broidy cũng là nhà tài trợ chính cho các nhân vật trong tòa Bạch Ốc.

Ông Broidy từng có mối quan hệ tình ái với một cựu người mẫu playboy, đã làm cho cô ta mang bầu. Thông qua ông Cohen dàn xếp, ông Broidy đồng ý trả 1,6 triệu Mỹ kim để cô này phá thai. Vụ dàn xếp này xảy ra vào những tháng cuối năm 2017. Theo hợp đồng, ông Broidy trả cho cô người mẫu này trong thời gian hai năm, để cô đồng ý không lên tiếng về mối quan hệ của họ.


Đạo luật SB54 ở California bảo vệ di dân
Chuyện chính quyền liên bang kiện chính quyền tiểu bang California về đạo luật di dân, rồi chính quyền quận Cam kiện chính quyền tiểu bang California trước đó. Bây giờ, chính quyền TP Westminster ủng hộ chính quyền liên bang, BBC có bài: Quanh việc TP Westminster ủng hộ Bộ Tư Pháp kiện California.

Đạo Luật SB54 mà Thống đốc bang California Jerry Brown ký ban hành cuối năm ngoái, có nhiều thành phố trong tiểu bang ủng hộ, nhưng cũng có TP chống, như TP Westminster, nơi có đa số di dân gốc Việt. Ông Noah Feldman, giáo sư luật tại đại học Harvard nói về đạo luật này như sau:

Nhưng SB54 hợp pháp. Theo tiền lệ của Tòa án Tối cao, chính phủ liên bang không thể ‘chỉ huy’ giới chức tiểu bang làm theo ý mình trong việc thực thi pháp luật. Điều đó có nghĩa là chính phủ liên bang không thể buộc cơ quan pháp luật California điều tra hoặc báo cáo tình trạng di trú của cư dân trong tiểu bang. Điều đó cũng có nghĩa là California có thể từ chối sử dụng các nguồn lực của mình để thực thi luật liên bang“.


Thâm thủng mậu dịch Mỹ – Trung
Bất chấp tổng thống Mỹ làm mọi cách để giảm thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc, nhưng từ khi ông Trump nhậm chức tới nay, những con số thâm thủng vẫn tiếp tục gia tăng. Reuters đưa tin, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ tăng gần 20% trong quý I.

Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, thăng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ tăng 19,4% trong quý 1 năm 2018, lên tới 58,2 tỷ đô la so với năm ngoái. Phải chăng, đó là lý do TT Donald Trump đổi ý, muốn Mỹ quay lại TPP, để cùng với 11 nước khác hợp lực chống Trung Quốc?






***









No comments:

Post a Comment

View My Stats