Thursday, 25 January 2018

NẾU MỸ KHÔNG COI TRỌNG BIỂN ĐÔNG, VỊ THẾ Ở THÁI BÌNH DƯƠNG SẼ VÀO TAY TRUNG QUỐC (Phạm Doãn Tình)



Phạm Doãn Tình
23/01/18

(GDVN) - Washington đã mắc sai lầm trong chính sách, giờ họ cần phải có sự thay đổi để cân bằng lại vị trí địa chiến lược ở Thái Bình Dương với Trung Quốc.

------------------------
LIÊN QUAN
------------------------

Sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến Hoa Kỳ ngày càng lo lắng về một viễn cảnh không xa Bắc Kinh sẽ soán ngôi vị siêu cường số một thế giới của họ.

Vì vậy, trong Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng mới nhất mà Hoa Kỳ công bố đều liệt Trung Quốc cùng với Nga vào “cường quốc xét lại đang cố gắng ăn mòn lợi ích an ninh của Mỹ và tạo ra một trật tự thế giới khác”.

Đương nhiên, quan điểm này của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc phải dựa trên cơ sở thực tiễn về những thách thức thực sự mà Bắc Kinh đang tạo ra đối với Washington.

Nói riêng về khu vực Thái Bình Dương - nơi mà Hoa Kỳ có rất nhiều lợi ích quan trọng, thì hiện nay Washington lại đang suy giảm dần ảnh hưởng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Vậy điều gì đã tạo ra sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương đầy năng động này?

Những nước cờ hiểm của Trung Quốc

Sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua cùng tư tưởng “Trung Quốc mộng” đang tạo ra thách thức không chỉ đối với lợi ích của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương mà còn đối với các nước trong khu vực.

Mặc dù hiện nay, Trung Quốc vẫn đang hưởng lợi từ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng Bắc Kinh lại đang theo đuổi việc mở rộng địa bàn ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Mục đích của Trung Quốc là nhằm độc chiếm các tài nguyên khoáng sản, kiểm soát toàn bộ các tuyến đường hàng hải và tạo ra lợi thế địa chính trị để chi phối toàn bộ khu vực.

Vì vậy, các yêu sách cùng những hành động xâm lấn bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã đẩy các nước trong khu vực có cùng yêu sách / lợi ích luôn ở trong tình trạng bất đồng, thậm chí có lúc bị đẩy lên căng thẳng với Trung Quốc.

Với vị trí là một siêu cường, Bắc Kinh luôn tìm cách áp đặt chiến lược và hành động phi lý đối với các nước có cùng yêu sách, nhằm đem lại lợi ích nhiều nhất cho Bắc Kinh.

Theo đó, Trung Quốc hiện đang áp dụng hai chiến lược chính trị và quân sự song song, kết hợp với những hành động trên thực tiễn.

Về chính trị, Trung Quốc tiến hành chiến lược “tằm ăn dâu” thông qua hàng loạt hành động bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông để lấn dần từng bước trên thực địa, đồng thời tăng cường hiện diện ở Biển Hoa Đông.

Các hành động xâm lấn bất hợp pháp của Trung Quốc được thực hiện rất tinh vi.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: EPA)

Đó là xâm lấn từ từ, không quá mạnh, chỉ vừa đủ để không gây sự chú ý, nhằm tránh phản ứng của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế, từ đó dần mở rộng phạm vi kiểm soát bất hợp pháp của họ.

Ngoài ra, dựa vào khả năng chi phối các lợi ích kinh tế thông qua các gói đầu tư và mở cửa thị trường, Trung Quốc đã từng bước phá vỡ tính thống nhất của khối ASEAN về các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Về quân sự, Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để tạo ra những vùng kiểm soát chồng lấn trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.

Theo đó, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng về tên lửa, lực lượng Không quân và công nghệ cảm biến nhằm “chống tiếp cận” của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực vào những nơi mà Bắc Kinh rêu rao thuộc “chủ quyền” của họ.

Tên lửa của Trung Quốc hiện được đặt trên các bệ phóng di động và có khả năng tấn công tất cả các tàu chiến, tàu ngầm, căn cứ không quân của đối phương ở cách biên giới Trung Quốc khoảng 2.000 km.

Các máy bay chiến đấu hiện đại như tiêm kích bom JH-7, chiến đấu cơ J-11, máy bay ném bom không người lái, máy bay do thám và hệ thống rada cao tần có thể phát hiện và ngăn chặn sự tiếp cận của Hoa Kỳ từ rất xa.

Chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc đã tạo ra lợi thế cho nước này trong cuộc cạnh tranh trên biển, vì Bắc Kinh có thể chi phối các hoạt động trên biển từ trong đất liền để giành ưu thế vượt trội hơn so với các lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ.

Chính sách sai lầm và phản ứng chậm chạp của Washington

Hoa Kỳ có rất nhiều lợi ích quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương nhằm duy trì hệ thống kinh tế quốc tế mở, đảm bảo tự do hàng hải và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, duy trì hòa bình và lợi ích an ninh cho chính nước Mỹ và các đồng minh của họ.

Thế nhưng dường như Hoa Kỳ đã mắc sai lầm trong việc thực thi chính sách kiềm chế Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong nhiều năm qua, khi Washington đã giảm duy trì sự hiện diện quân sự cũng như cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 một thành phần nằm trong chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc (Ảnh: CNET)

Đơn cử một dẫn chứng, Philippines - một đồng minh trước đây của Hoa Kỳ đã rất kỳ vọng vào việc Washington sẽ giúp bảo vệ quyền tài phán của họ trong cuộc khủng hoảng Scarborough rơi vào tay Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi căng thẳng leo thang vào năm 2012, Hoa Kỳ đã không có bất cứ động thái kiên quyết nào nhằm bảo vệ Philippines, trong khi Washington hoàn toàn có thể điều Hạm đội 7 ở tây Thái Bình Dương đến để răn đe Trung Quốc.

Cuối cùng, với sức mạnh hiện thực và vượt trội so với Philippines, Bắc Kinh đã kiểm soát phi pháp bãi cạn Scarborough.

Điều này đã khiến Philippines mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ, để rồi Manila buộc phải thay đổi chính sách, khi đề cao khả năng tự chủ nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của họ.

Tương tự, các đồng minh khác của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cùng một số đối tác khác trong khu vực cũng đã từng đặt ra những hoài nghi về chính sách bảo vệ đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Đó là chưa kể đến các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ theo đúng luật pháp quốc tế trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây đều bị Trung Quốc cáo buộc về cái gọi là xâm phạm “chủ quyền” của họ và răn đe đáp trả.

Ngoài ra, các ứng phó hiện tại của Hoa Kỳ đối với thách thức quân sự từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương là khá chậm chạm, thiếu tính thực tế và sức cạnh tranh.

Bởi vì, một số đề xuất tác chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ nhằm gây bất ngờ tối đa, làm tê liệt hệ thống rada và các phương tiện do thám, tuần tra để giảm năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc là không khả thi.

Bên cạnh đó, một số đề xuất khác như kiểm soát không phận từ khoảng cách chiến lược, tấn công năng lực phòng không và an ninh mạng, thực hiện chiến lược phong tỏa từ xa… nhằm kiềm chế khả năng tác chiến của Trung Quốc thì lại vượt quá khả năng thực tế của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Mặt khác, Kế hoạch Chiến tranh Không - Biển để bảo vệ các tàu chiến, căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh khỏi mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc, tuy có một số hữu ích nhưng lại thiếu tính cạnh tranh trước chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Bắc Kinh.

Lý do là bởi, kế hoạch này sẽ tiêu tốn khá nhiều nguồn lực của Hoa Kỳ nhưng không phải để đánh vào các điểm yếu mà lại chủ yếu tập trung phòng thủ trước các điểm mạnh về khả năng tấn công linh hoạt từ các bệ phóng tên lửa di động của Trung Quốc.

Chính những tính toán sai lầm trong chính sách bảo vệ đồng minh cùng phản ứng chậm chạp và thiếu tính cạnh tranh, Hoa Kỳ đã tự tay làm suy yếu ảnh hưởng của chính họ ở Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc không ngừng thể hiện sức mạnh và sự quyết đoán của họ trong khu vực.

Xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập là một phần trong học thuyết quân sự của Trung Quốc (Ảnh: CNET)

Washington có thể làm gì để thay đổi?

Nếu Hoa Kỳ muốn cân bằng lại tầm ảnh hưởng và vị trí địa chính trị của họ ở Thái Bình Dương với Trung Quốc, Washington cần phải có một chiến lược hiệu quả cùng những bước đi quyết đoán hơn.

Theo đó, Hoa Kỳ cần phải phối hợp chặt chẽ với Liên Hợp Quốc và các quốc gia liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đấu tranh pháp lý một cách hiệu quả, nhằm chống lại hành động xâm lấn lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này nếu Hoa Kỳ thực hiện kiên quyết và triệt để, chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc lại chiến lược “cường quốc biển” và tiến tới chấp nhận chấm dứt các hành động xâm lấn bất hợp pháp của họ.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cần phải tạo dựng lại lòng tin của các đồng minh và đối tác trong khu vực về chính sách bảo vệ của Washington đối với các nước này trước mọi thách thức từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng thiết lập một khuôn khổ chiến lược bao trùm và thực tế về tầm nhìn của một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở cửa”.

Trong khuôn khổ này, cần phải khẳng định rõ tầm quan trọng và cách thức hoạt động của liên minh “tứ cực” giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đối với sự ổn định và an ninh trong khu vực.

Có thể nói, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang ngày càng suy giảm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, Washington cần phải có sự thay đổi chiến lược để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra, từ đó cân bằng lại trật tự khu vực có lợi cho tất cả các bên.

PHẠM DOÃN TÌNH

------------------------------

XEM THÊM :

Vũ Quang Việt 
05/01/2018

Tổng thống Trump vừa công bố chiến lược an ninh quốc gia với mục đích củng cố vai trò của Mỹ trên thế giới. Nhưng nó thất bại vì không giúp gì trong việc củng cố lòng tin của đồng minh, tuy rằng một phần nào đó giúp củng cố an ninh nước Mỹ và hiểu hơn về những bước Trump có thể làm.

Chiến lược này được Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia tướng McMaster soạn thảo trình Quốc hội. Bản báo cáo có nhắc đến cam kết về vai trò của Mỹ trong khối đồng minh NATO, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ đồng minh theo điều số 5, qui định rằng cuộc tấn công bất cứ quốc gia nào trong khối là cuộc tấn công cả khối và mọi nước phải phản ứng, không cần bàn luận thêm. Trump đã không nói tới điều khoản 5 ngay tại diễn văn đọc tại cuộc họp chính thức của NATO năm 2017 và chỉ khẳng định sau đó ở Poland sau phản ứng của các nước NATO khác.

Tuy vậy, trong bài diễn văn của Trump khi công bố chiến lược an ninh quốc gia, Trump lại không đả động gì đến luận điểm trên mà chỉ nhận mạnh đến chiêu bài “Nước Mỹ trên Hết” (America First). Vậy chiến lược an ninh vừa công bố khác với luận điểm lợi ích của nước Mỹ là trên hết ở chỗ nào? Và hướng chiến lược an ninh của Trump là gì?

Chiến lược an ninh theo Trump

Hướng chính là Trump muốn kết hợp các biện pháp kinh tế với an ninh quốc phòng trên 4 nét chiến lược lớn:

(1) Hạn chế hay đóng cửa biên giới với người nhập cư nhằm vào cái gọi là bảo vệ an ninh cho dân Mỹ
Luận điểm này chủ yếu là làm hài lòng thiểu số ủng hộ Trump, cũng có lý một tý nhưng thực tế có thể phản bác lại cái lý trên. Thứ nhất, Trump không thấy rằng đám người khủng bố không nhất thiết là từ nước ngoài vào Mỹ, mà từ ngay trong lòng Mỹ. Những vụ khủng bố vừa qua chứng minh cho việc này. Thứ hai, nước Mỹ phát triển mạnh hơn nước khác cũng và vì lao động nhập cư, đặc biệt lao động tay chân trong nông nghiệp từ Mexico và lao động trí óc từ nhiều nước mà Mỹ không phải mất công đào luyện. Nhập cư làm tăng lực lượng lao động khi lực lượng này đang tăng chậm lại tại Mỹ vì dân số sinh đẻ (mức tăng lao động hàng năm sẽ giảm dần từ 0,5% xuống 0,2%).

(2) Tăng mức sống và sự giàu mạnh của Mỹ
Điều này thì nói dễ hơn làm, vì tăng mức sống sẽ phải dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động. Số lượng lao động dư thừa không còn và tốc độ tăng lực lượng lao động Mỹ đang giảm mạnh.

Giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu với hy vọng là họ sẽ tăng đầu tư. Dù hy vọng này có vẻ hợp lý nhưng rất nhiều nhà kinh tế cho rằng độ đáp ứng về đầu tư do cắt thuế là thấp và cần thời gian dài (từ 3-5 năm) mới tạo kết quả và qua đó mới đẩy mạnh được mức tăng GDP.

Rất nhiều nhà kinh tế kể cả bản thân tác giả cho rằng về dài lâu Mỹ chỉ có thể đạt được mức tăng GDP bình quân năm cao nhất là 3% do dự đoán (của Cục Thống kê Lao động) là lao động sẽ chỉ tăng hàng năm khoảng 0,5% từ nay đến 2025 và sau đó sẽ giảm xuống 0,2%, còn năng suất lao động thì cả Cục Thống kê Lao động và Cục Dữ trữ LB (Ngân hàng TW) đều cho rằng khó có thể hơn 2,5%, vì ảnh hưởng của công nghệ thông tin thời năm 2000 đã cạn kiệt.

Như thế, rõ ràng là dù tăng trưởng ở mức cao nhất 3% hay thậm chí 4% cũng không thể thu thêm thuế để bù đắp thiếu hụt ngân sách Liên bang do cắt thuế suất, đưa đến giảm thu 1.500 tỷ trong 10 năm tới. Mà thiếu hụt hiện nay, khi chưa cắt thuế, đã ở mức 544 tỷ năm 2016. Thiếu hụt ở mức 4% GDP như thế sẽ tạo ra mất ổn định, nhà nước phải tăng nợ, cạnh tranh vốn với khu vực tư nhân.

Hình 1. Cán cân ngoại thương Mỹ bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ 1960-2017 ( Tỷ US)
Nguồn: US Bureau of Economic Analysis

Lợi thế của Mỹ, mà gần như không nước nào có được, là có thể “xuất cảng” nợ chính phủ cho nước ngoài vì đồng Mỹ kim được tín nhiệm và sử dụng rộng rãi. Vào cuối năm 2017, nợ của chính phủ Liên bang lên tới trên 14 ngàn tỷ (80% GDP), trong đó 6,3 ngàn tỷ, hay 44,0%, là do nước ngoài nắm, nhiều nhất là TQ và sau đó là Nhật 1,1 ngàn tỷ, mỗi nước giữ hơn 1 ngàn tỷ. Vì là phương tiện trao đổi được tín nhiệm cao, Mỹ cũng có thể in tiền trả nợ mà không làm suy yếu giá trị đồng đô la, mà ngược lại giá đồng đô la tăng trong 10 năm qua (Hình 2). Đây cũng chính là điều TQ mong muốn, đang cố tập trung các nền kinh tế khác quanh mình để có thể in tiền trả nợ như Mỹ.

Hình 2. Chỉ số giá trị đồng USD so với các đồng khác (1970-2017)

Tuy thế, mặt trái của đồng đô la mạnh là nó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ, sản xuất hàng hóa được chuyển dần ra nước ngoài. Giai cấp trung lưu nhỏ dần. Thu nhập cũng giảm do đó mới tạo ra hiện tượng Trump. Thời kỳ 1970-2013, năng suất lao động tăng gấp 2,4 lần nhưng lương chỉ tăng 9% (Hình 3). Điều này có nghĩa là năng suất đó chỉ góp phần vào tăng lợi nhuận là chính. Giảm thuế cho người giàu lại càng làm hố ngăn cách sâu thêm.

Hình 3. Chỉ số tăng năng suất lao động và tăng lương giờ lao động

Thuế suất giảm nhưng không thể tăng GDP ở mức có thể tăng số thuế thu được, nên ước đoán của Uỷ ban lưỡng viện độc lập cho rằng số thu sẽ giảm 1.500 tỷ trong 10 năm tới.
Vậy thì để giảm thiếu hụt ngân sách, thì phải giảm chi. Mà chi nhiều nhất là cho người nghèo, người khuyết tật, chi bảo hiểm xã hội cho người về hưu. Như thế thành phần này, thuộc đa số dân, sắp tới sẽ phải chịu hy sinh, nếu Đảng Cộng hòa và Trump thực hiện được việc cắt giảm. Thực tế chính trị cho thấy, lấy mồi giảm thuế để mua chuộc thì dễ hơn là cắt giảm quyền lợi.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ để cạnh tranh với các nước khác có thuế thấp hơn là đúng đắn. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao các nước lại chạy đua xuống đáy như vậy. Thuế thu được quá thấp thì mọi chương trình xã hội giáo dục phải cắt giảm. Có thể gọi là văn minh khi một số người rất giầu còn đa số thuộc phận bèo bọt, không thể tìm ra việc làm? Có thể lúc nào đó cần có một hiệp định quốc tế, quyết định thuế suất tối thiểu.

(3) và (4). Chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự và chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới
Chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự (3) và ảnh hưởng (4) của Mỹ đang bị thách thức nghiêm trọng. Sức mạnh quân sự tất nhiên không thể đạt đỉnh điểm nếu Mỹ đứng một mình. Chính sách Nước Mỹ trên hết của Trump hiện nay thực chất là làm suy yếu chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Về mặt kinh tế, Mỹ rút vào cố thủ, chủ trương song phương, phê phán và áp lực Mexico, Việt Nam vì thấy cán cân thanh toán quá nghiêng về mấy nước này, nhưng lại có vẻ sợ TQ khi thực tế thiếu hụt là chủ yếu với TQ, chiếm tới gần một nửa thiếu hụt (Bảng 1).

Bảng 1. Cán cân thương mại của Mỹ với các nước trên thế giới, 2016
Tỷ US
%
Cán cân thương mại
-750
100,0
China
-347
46,3
Nhật
-70
9,4
Mexico
-69
9,2
Germany
-65
8,7
Vietnam*
-32
4,3
Nam Hàn
-28
3,7


* Thặng dư quá mức của VN thật ra là nhận vơ, bởi vì nếu thực hiện thống kê theo đúng tiêu chuẩn của LHQ thì xuất khẩu của Samsung, của Intel, Nike, v.v.  thực chất là xuất khẩu của Nam Hàn, Mỹ, v.v. và không được ghi là của VN. Đây là hàng thuộc sở hữu của nước ngoài do họ định giá và gửi tới khách hàng của họ ở nước khác, họ chỉ trả phí gia công cho VN. Như thế có thể VN chỉ xuất 5-10% phí gia công trên tổng số 41 tỷ US hàng điện thoại di động của Hàn Quốc xuất khẩu từ VN.

Với Mexico và Canada, Mỹ đòi thương thuyết lại Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Với thế giới nói chung, Mỹ qua mặt Hiệp ước thương mại quốc tế (WTO), đòi thương thuyết lại với tư cách song phương nhưng chắc chắn không ai chịu. Nếu muốn khác thì Mỹ phải tự rút khỏi WTO để thương thuyết lại với từng nước.  Việc Trump đòi hỏi cân bằng thương mại với từng nước thì có nghĩa là nguyên tắc sản xuất để trao đổi những gì có ưu thế sẽ không còn. Thí dụ có 3 anh, mỗi anh ưu thế một cái, thì a có thể có thiếu hụt (deficit) với b, b thiếu hụt với c và c lại thiếu hụt với a nhưng mỗi anh có thể cân bằng nếu tính toàn diện. Đây là nguyên tắc thụt lùi, phi kinh tế. 

Trước đây, Trump muốn bắt tay với Nga để giải quyết hòa bình khu vực Trung Đông, nhưng bây giờ qua bản báo cáo chiến lược, Trump lại chỉ đích danh Nga và TQ là hai quyền lực đối địch (rival powers), đối thủ chiến lược (strategic competitor) hay quyền lực muốn thay đổi trật tự hiện tại (revisionist powers) của Mỹ.

Xin miễn bàn về Nga, vì Mỹ không có các phương tiện kinh tế để gây áp lực với Nga với lý do đơn giản là Nga không có quan hệ đáng kể với kinh tế Mỹ và ngay cả khối Liên Hiệp Châu Âu.

Cũng xin miễn bàn nhiều về Bắc Hàn, vì đe dọa bằng biện pháp quân sự chỉ là võ mồm. Việc Bắc Hàn phát triển võ khí nguyên tử nhằm tự vệ theo chiến lược “Chí Phèo” (tôi chết thì anh cũng chết) và hy vọng sẽ bị lôi ra khỏi tình trạng bị cô lập toàn diện.

Mỹ chỉ có hai chọn lựa. Một là tiếp tục cô lập Bắc Hàn và năn nỉ Bắc Kinh cắt cung ứng xăng dầu, chỉ tạo thêm “uy tín” cho Bắc Kinh, bởi vì không lẽ đẩy dân Bắc Hàn về thời đồ đá không điện nước, còn họ Kim thì sẵn sàng làm điều này và dùng xăng dầu còn lại cho chương trình hoả tiễn. Hai là bỏ cấm vận Bắc Hàn như việc Obama bỏ cấm vận Cuba và để cho họ tự diễn biến.

Hãy thử xem đối sách với Trung Quốc.

Đối sách với Trung Quốc

Góc độ kinh tế của chiến lược an ninh Mỹ - thế đứng của Việt Nam
Về quân sự, chính sách tàm thực của TQ là nhằm chiếm dần, xây dựng dần hệ thống tiền đồn ở Biển Đông là nhằm vào một lúc nào đó thực hiện việc kiểm soát toàn diện khu vực biển. Cho đến nay, việc cho chiến hạm lâu lâu chạy vào vòng 20 dặm mấy hòn đảo mà TQ kiểm soát. Thế thôi. Nếu TQ đem chiến hạm ra đuổi có lẽ Trump sẽ lặng lẽ ra lệnh rút thay vì đứng lại đối đầu. Về mặt quân sự, Mỹ gần như không có biện pháp gì ngoại trừ sẵn sàng đi vào chiến tranh mà Mỹ và chính dân Mỹ cũng không muốn.

Cho nên Trump hay nước Mỹ chỉ có thể xây dựng liên minh, hay đồng minh để sửa soạn cho việc trả đũa về mặt kinh tế nếu thấy cần. Và mục đích là nhằm bảo vệ hòa bình ở Biển Đông mà Tòa án Quốc tế đã bác bỏ quyền yêu sách chủ quyền ở đá ngầm, tuyên bố không có đảo mà chỉ có đá, tức là hạn chế tối đa địa điểm có thể tranh chấp ở Biển Đông. Và như thế gần như toàn bộ Biển Đông là biển khơi, không thuộc bất cứ nước nào. Đây chính là cơ sở pháp lý để tập hợp lực lượng nhằm kêu gọi TQ hợp tác và ngăn cản khả năng có thể đưa đến chiến tranh.

Kinh tế TQ đã được hưởng rất nhiều ơn mưa móc của Mỹ và phương tây khi họ mở cửa cho TQ. Vì thế rõ ràng là hiện nay và sắp tới, TQ vẫn phải dựa vào thị trường và công nghệ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, và phải trả giá rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với Mỹ, nếu bị cấm vận. Theo tính toán của tôi, nếu có cấm vận, GDP Trung Quốc sẽ giảm 19% trong khi đó Mỹ sẽ giảm 2%.

TQ hiện nay một mặt xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, một mặt kiếm cách quây quần các nước, đặc biệt ở châu Á, xoay quanh trục TQ, với chương trình cho vay nợ và chi trả thương mại bằng đồng TQ, lập thị trường buôn bán hợp đồng nguyên liệu bằng đồng TQ, đầu tư trực tiếp và thu mua nhằm sở hữu các doanh nghiệp các nước chung quanh, cổ vũ cho việc xóa bỏ dần biên giới quốc gia trong thương mại, tất cả là nhằm biến các nước quanh vùng thành một phần của kinh tế TQ.

Vì vậy một chiến lược đối đầu nếu cần thiết là phải kết hợp giữa quân sự và kinh tế.

Rất tiếc là vì chính sách “nước Mỹ trên hết” Trump đã rút khỏi Hiệp định TPP mà Obama xây dựng nhằm tạo thiết chế kết dính 11 nước quan trọng như Úc, Canada, Nhật, Việt Nam, Mã Lai, Singapore v.v. với nhau.

Đối với Việt Nam, tình hình trên đòi hỏi sự độc lập không chỉ chính trị, quân sự mà cả kinh tế. Việc để TQ hay bất cứ nước nào mua và kiểm soát doanh nghiệp quan trọng có tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc là điều không thể chấp nhận trong cục diện trước mắt và sau này. Trong khu vực Đông Nam Á, từ Indonesia, Thái Lan, Phi, Singapore không nước nào cho phép tư nhân nước ngoài làm chủ đất đai.

Ý kiến trên thì rất nhiều người Việt kể cả báo chí và quan chức có hiểu lầm. Cho đến nay không có hiệp định nào về việc tự do mua bán doanh nghiệp. Bán hay không là quyền của quốc gia. Hiệp định WTO chỉ liên quan đến buôn bán hàng hóa và dịch vụ, và không liên quan đến cả FDI. Các hiệp định song phương có thể có các điều kiện nhất định  về đầu tư trực tiếp thôi (FDI), nhưng không có tự do toàn diện. Chính sách kinh tế cơ bản của VN là dựa vào phát triển doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước gần như dậm chân tại chỗ (coi bảng 2). Tư nhân hóa DNNN phải ưu tiên dành quyền sở hữu cho tư nhân Việt Nam.

Bảng 2. Tỷ lệ trên GDP (trừ thuế)
2010
2011
2012
2013
2014
2015
Kinh tế nhà nước
33,6
32,8
32,6
32,3
31,9
31,9
DN tư nhân trong nước
7,9
8,3
8,9
8,7
8,7
8,8
DN tư nhân nước ngoài
17,3
17,7
17,8
19,3
19,9
20,1


Cũng chính vì thế mà ngay cả Trump cũng đặt vấn đề bảo vệ công nghệ kể cả ngăn cản TQ mua công ty hay công nghệ của Mỹ. Với TQ, Trump chủ trương rất đúng ở hai phương diện:
1.    Ngăn chận việc TQ đánh cắp bản quyền phát minh và công nghệ.
2.    Ngăn chận việc TQ mua cổ phiếu công ty ở mức 51% để hoàn toàn làm chủ công ty Mỹ có công nghệ cao và có tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thí dụ như công ty Boeing, GE, hay công ty dầu hỏa lớn. 

Trên hai phương diện trên, từ lâu Mỹ đã cơ chế kiểm soát  việc nước ngoài mua công ty Mỹ.  Uỷ ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính được thiết lập theo luật đã có từ 1950 và sửa đổi năm 2007 hoàn toàn có quyền duyệt chặn đứng bất cứ việc mua kiểm soát công ty được coi là quan trọng với an ninh nước Mỹ. Và tất nhiên Tổng thống cũng có quyền này. Đối tác muốn mua quyền kiểm soát phải nộp đơn xin phép. Quyền kiểm soát của nước ngoài được định nghĩa là một cá nhân nước ngoài sở hữu 25 % cổ phiếu, mà không có công dân nào có tỷ lệ sở hữu bằng hoặc cao hơn, hoặc 1 hay nhiều người nước ngoài nắm trên 50% sở hữu.

Nguồn: Bài tác giả gửi Diễn Đàn. Một phiên bản ngắn hơn đã đăng trên TBKTSG.
Vũ Quang Việt









No comments:

Post a Comment

View My Stats