Wednesday 28 May 2014

VIỆT NAM CHUẨN BỊ KIỆN TRUNG QUỐC (Hà Tường Cát)




Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)
Tuesday, May 27, 2014 6:52:34 PM

Trong cuộc phỏng vấn của các hãng tin ngoại quốc tuần trước, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận rằng Việt Nam bằng chủ trương hòa bình, đang cân nhắc các phương án bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế, qua 3 tuần lễ Trung Quốc đã không có thiên chí giải quyết vấn đề giàn khoan HD 981.
Dân Việt Nam đã trải qua nhiều năm nội chiến, chiến tranh ở Cambodia, ở biên giới phía Bắc, bây giờ Việt Nam không thể để xảy ra chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh không chắc thắng. Vả lại kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, chiến tranh dẫu kết thúc ra sao cũng không giải quyết được tận cùng mâu thuẫn.  Như vậy sau một thời gian dài do dự, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ phải tiến hành giải pháp kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế không có cách gì khác.
Tại sao lại do dự? Việt Nam có những lý lẽ trong thái độ này.
Thứ nhất, một số người tin rằng, vì là hai nước cộng sản anh em và Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc nên phải tránh tranh chấp. Thực tế, Trung Quốc – Nga và Trung Quốc – Việt Nam đã nhiều lần xung đột, kể cả xung đột võ trang, những lời lẽ hữu nghị chỉ là viển vông như lời ông Thủ Tướng Dũng đã nói mới đây.  Nhưng trong mối quan hệ nhiều mặt nhất là kinh tế, sẽ là tế nhị  và bất lợi cho cả hai bên nếu mối quan hệ không êm ả. Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, Việt Nam không muốn phải đóng cánh cửa với một nước láng giềng và cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Do đó việc tố tụng chỉ nên làm khi không còn con đường nào khác.
Thứ hai, trên thế giới, kiện cáo thường không mang lại một kết quả cụ thể gì, nhất là giữa một nước nhỏ với một nước lớn. Sự phân xử quốc tế có thể không được đồng ý chấp nhận bằng nhiều cách, hoặc không được tuân hành. Vả lại đây là một tiến trình phức tạp và rất lâu dài chứ không phải là cách giải quyết đơn giản như người ta mường tượng.
Hơn nữa trường hợp vi phạm hay xâm phạm này cùng lắm là một sự lấn chiếm, chưa tới mức độ được coi là xâm lăng của một quốc gia này vào quốc gia khác, điều mà có lẽ Trung Quốc không hề định làm, cho nên rất khó để ai can thiệp hoặc dàn xếp.
Tuy vậy, kiện Trung Quốc cũng có những kết quả tâm lý, chính trị và ngoại giao mà rõ ràng nhất là quốc tế hóa cuộc tranh chấp để Trung Quốc không dễ dàng tiến thêm nữa, nói một cách đơn giản, trên nguyên tắc kiện là biện pháp ngăn chặn.
Ngược lại có một số ý kiến cho rằng lẽ ra ở thế yếu và bị Trung Quốc ức chế nhiều lần  trên Biển Đông, lẽ ra Việt Nam đã phải kiện từ lâu. Ngay khi có mầm mống bất công đe dọa đã phải khởi kiện Trung Quốc, chứ không phải đây là một lựa chọn tình thế, đợi đến lúc chuyện bất công đã xảy ra rồi.
Tóm lại dù đả có và sẽ mãi mãi còn tranh cãi, Việt Nam kiện Trung Quốc là chuyện đã đến lúc phải làm. Việt Nam không còn có thể chấp nhận hình thức thỏa hiệp song phương vì ở vị trí một nước mạnh, Trung Quốc sẽ ép Việt Nam phải thi hành những điều đã ký kết nhưng chính họ thì không tuân hành.
Nhưng kiện ở đâu và kiện thế nào? Đây là quyết định không dễ, phải các chuyên gia am hiểu mới có thể đưa ra những  chọn lựa thích đáng.
Trên nguyên tắc 166 quốc gia ký Công Ước về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đều chịu phán quyết của của Tòa Án Biển Quốc Tế nhưng khi ký kết mỗi nước đề có quyền tuyên bố giữ lại quyền hạn cho mình (bảo lưu), không chấp nhận thẩm quyền phân xử tong lãnh vực nào, Trung Quốc đã có tuyên bố hợp lệ loại trừ quyền tài phán đối với tất cả tranh chấp về chủ quyền liên quan đến đảo. Như vậy không thể kiện tại Tóa Án Quốc Tế The Hague, Hòa Lan,
Gần nhất, Việt Nam có thể học kinh nghiệm của Philppines.
Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea)  ở Hamburg, Đức,  đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận cùng đưa vụ việc ra tòa và cam kết thi hành án thì tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như thế và vì vậy Philippines phải đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai UNCLOS.
Nhưng điểm rắc rối là thời gian để các bên đệ trình bản lý đoán lên Tòa Trọng Tài, rồi tòa nghe trình bày lập luận, xem xét hồ sơ và đưa ra phán quyết phải mất từ 2 tới 3 năm. Sau đó nếu Trung Quốc không thi hành bản án của tòa này thí Philippines phải nhờ Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp, và Trung Quốc là hội viên có quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An, có nghĩa là bản án không còn hiệu lực giá trị nữa nếu Trung Quốc muốn.
Cũng còn một tòa án thứ tư mà Việt Nam có thể trông đợi, đó là Tòa Trọng Tài cho những tranh chấp đặc biệt.
Nghiên cứu để tìm ra những cách khiếu kiện sao cho không lọt vào quyền  khước từ của Trung Quốc và có thể phần nào có kết quả giá trị chính là khả năng của các chuyên viên luật pháp Việt Nam với sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài.
Nôi dung khởi kiện không chỉ nhằm mục đích kết tội Trung Quốc, Việt Nam có thể yêu cầu tòa xác định hành vi của giàn khoan và các tàu bảo vệ. Tin mới nhất cho biết giàn khoan di chuyển khỏi vị trí đầu tiên hàng chục hải lý và như vậy là sự di chuyển bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cũng có thể xin tòa xác định việc tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, đâm đụng tàu Việt Nam, gây thương tích cho nhân viên kiểm ngư,... Trong các vụ kiện như vậy, Trung Quốc không phải là bị đơn và có thể từ chối hầu tòa nhưng tòa có thể mời họ với tính cách nhân chứng và như thế họ không thể từ chối sự tham gia.
Ngoài ra Việt Nam cũng có những cách kiện khác, không phải tòa quốc tế  nhưng ít nhất có ảnh hưởng quốc tế.

Chẳng hạn ngư dân Việt Nam có thể kiên iại tòa Việt Nam.vì bị tước đoạt mưu kế sinh nhai (đánh cá) ở vùng Hoàng Sa trên Biển Đông và đòi CNOOC bồi thường tổn thất nhân mạng và tài sản. Trên nguyên tắc Việt Nam có thể tịch thu và bán tài sản của CNOOC ở Việt Nam để trả thiệt hại và đền bù cho nguyên đơn.
Tất cả các hình thức tố tụng và cách tố tụng như trên không chắc có thể đuổi gian khoan khỏi vùng biển Việt Nam, hoặc buộc Trung Quốc phải thi hành bản án.  Nhưng kết quả tối thiểu, nếu Việt Nam thắng, sẽ là buộc Trung Quốc đi vào một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương và không thể có lý do sử dụng vũ lực trong khi  tòa án còn đang phân xử.
Cuối cùng khi hai nước trong vùng Biển Đông, Philippines và Việt Nam, cùng lúc kiện, thì Trung Quốc không còn có thể tự do nói và hành động một cách tùy tiện theo ý họ được nữa.  (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats