Thanh
Trúc, phóng viên RFA
2014-05-15
2014-05-15
Bản đồ Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và giàn khoan dầu của Trung
Quốc trong vùng biển tranh chấp. AFP
Sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc, được dự
tính từ lâu, nay đã đóng trụ ở Trường Sa từ ngày 2 tháng 5 này, là hệ quả tất
yếu của một chính sách biển vừa yếu kém vừa hời hợt.
Ông
Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa Học Biển thành
phố Hồ Chí Minh, cũng là một trong những người chủ trương Nhịp Cầu Hoàng Sa, có
cuộc phỏng vấn với Thanh Trúc. Trước hết ông cho biết:
Ông
Đỗ Thái Bình : Trung Quốc trong hàng chục năm qua đã quyết tâm
tiến ra biển, trong khi đó thì ở Việt Nam chính sách biển rất hời hợt và không
vạch ra được một đường lối. Chiến lược biển vừa qua thực sự đã đổ vỡ. Vinashin,
Vinalines, hai quả đấm mạnh để tạo ra cơ sở đóng tàu và lập ra đội tàu thương
thuyền, thì hoàn toàn thất bại.
Bây giờ về mặt quân sự cũng đã có một số tàu nhưng
còn cả một chiến lược biển thí dụ dùng tàu của nước nào, dùng tàu lớn, tàu ngầm
Kilo hay tàu nhỏ, tất cả những vấn đề ấy trên tổng thể vẫn thể hiện một điều là
Việt Nam hiện nay không có một cái nhìn tổng quát.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào đây là công việc
họ đã chuẩn bị từ lâu, họ thông báo hàng mấy năm nay rồi. Giàn này do Mỹ thiết
kế sơ bộ và Trung Quốc triển khai thiết kế cụ thể. Hiện nay sau giàn 981 thì họ
đang chuẩn bị đóng giàn 982. Như vậy đây là kế hoạch thám hiểm nước sâu
của họ đứng về mặt kinh tế. Đồng thời và tất nhiên khi mà giàn khoan đi tới
đâu, hay là một tàu biển đi đến đâu, thì đấy là lãnh thổ di động của nước đó
trên biển đi tới đó. Việt Nam bỏ lỡ quá nhiều cơ hội mà sự thất bại của
Vinalines và Vinashin vừa qua đã làm cho đội tàu của chúng ta vô cùng yếu đuối.
Thanh
Trúc: Ý ông muốn nhấn mạnh là từ lâu Việt Nam đã mất
cảnh giác trong chính sách biển?
KS
Đỗ Thái Bình: Tức là toàn bộ cái nhìn về biển một cách tổng
quát. Đáng nhẽ cơ hội phát triển đóng tàu, theo qui luật chung của đóng tàu
trên toàn thế giới, ngành đóng tàu là một ngành không phải để kinh doanh lấy
lời mà thực ra ở tất cả các nước đều như vậy cả, là chỉ để gây sức mạnh của
quốc gia biển. Bởi vì đóng tàu đâu có lời, không nước nào đóng tàu có lời,
nhưng đóng tàu phải có để xây dựng quân sự, để phục vụ cho sức mạnh của đất
nước, để có phương tiện đi lại, để đánh cá vân vân… chứ còn biên độ lãi rất ít.
Thì như vậy chủ trương phát triển Vinashin mà mục
đích thì hời hợt, nhìn thấy Hàn Quốc mấy Chaebol(tập đoàn) nó thu lời
được thì tưởng sẽ gia công và kiếm lời được như Hàn Quốc rồi vung một số tiền
khổng lồ vào đấy, đốt cháy ngân sách. Đáng nhẽ tiền đó để phát triển toàn bộ,
phát triển theo chiều sâu, không mở rộng, để xây dựng những nhà máy tiềm năng
có thể đóng được các tàu dân sự hiện đại như Damen đã giúp cho mấy nhà
máy trên Sông Cấm thì thời gian qua với số tiền đó ta làm được bao
nhiêu việc.
Số tiền phung phí cho Vinalines cũng như vậy, để mơ
tưởng một đội tàu cảnh tranh với quốc tế, hoàn toàn là một sai lầm rất lớn mà
không biết là phải xây dựng một đội tàu vững chắc để phục vụ cho đất nước một
cách cụ thể. Chính sách biển, theo lý thuyết Mahan của Mỹ, là một chính sách
phát triển đội tàu quân sự mà thực chất là bảo vệ thương mại. bảo vệ
thương thuyền.
Thanh
Trúc: Như vậy, theo ông, phát triển kinh tế biển phải
đi đôi và có liên quan chặt chẽ với vấn đề quốc phòng?
KS
Đỗ Thái Bình: Việt Nam hô hào nhiều lần về vấn đề phát triển kinh
tế kết hợp với quốc phòng nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy.
Mỗi ông nắm một đầu rồi mỗi ông làm, thành ra là rất phung phí tài
nguyên. Cái đó có lẽ là bài học đau đớn nhất. Đứng trước biển thì những người
làm chính sách phải thấy đau xót là thời cơ vừa qua khó có thể trở lại được
nữa.
Thanh
Trúc: Trong khi đó thì Trung Quốc ráo riết thực hiện
giấc mộng tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam, đặc biệt vùng Trường Sa?
KS
Đỗ Thái Bình: Vào những năm 80, khi mà đô đốc nổi tiếng của Trung
Quốc là ông Lưu Hoa Thanh, đã gạt bỏ toàn bộ những lý thuyết của Mao Trạch Đông
và nhảy sang lý thuyết Mahan của Mỹ, quyết tâm đưa hải quân Trung Quốc từ chỗ
nước sâu (ground water) sang chỗ nước xanh (blue water). Hiện hải quân
Trung Quốc đã quyết tâm tiến ra đại dương. Trong khi đó thì chiến lược biển của
Việt Nam đáng tiếc là chúng ra rất chậm chân trước thế giới về các vấn đề biển.
Thanh
Trúc: Thưa ông, từ vụ HD 981 và hơn 70 chiếc tàu mà
Trung Quốc bố trí quanh giàn khoan đó có phải là một hành động bất ngờ đối với
Việt Nam không?
KS
Đỗ Thái Bình: Giàn 981 đầu tiên sau khi đóng ở Thượng Hải thì họ
đưa xuống dưới lô 6-1 phía Đông Nam Hồng Kông 320 kilô mét và họ đã khoan thử ở
đấy. Lúc ấy họ đã tuyên bố sẽ tiến xuống phía Nam. Kế hoạch đó thực ra họ công
bố từ lâu rồi.
Tàu của họ thì họ bố trí một đội rất nhiều loại,
trong đó có các tàu giả danh là tàu cá của nhân dân, tàu kiểm ngư, tàu hải tuần
rồi tàu hải cảnh. Chả cần phải nói ta cũng biết đội tàu của nó lớn thế nào rồi.
Từ lâu chúng ta cũng đã biết Hạm Đội Nam Hải, so
sánh với tất cả các hạm đội khác của hải quân Trung Quốc, thì Hạm Đội Nam
Hải được tăng cường rất ghê. Chỉ huy tư lệnh của hải quân Trung Quốc cũng xuất
thân từ Hạm Đội Nam Hải tức hạm đội theo dõi biển Đông có trụ sở tại Trạm Giang
đó, cho nên lực lượng của mình nhỏ là chuyện tất nhiên thôi, mấy cái vừa rồi
chỉ lớn nhất vào khoảng 4.000 tấn thôi.
Thanh
Trúc: Những tàu Kilo mà Việt Nam mua của Nga có đủ sức
chống với tàu Trung Quốc trên biển không?
KS
Đỗ Thái Bình: Tôi không phải chuyên gia quân sự để bình luận vấn
đề này, chiến lược phòng thủ, kịch bản trận đánh ra sao tôi không biết. Tôi chỉ
nghĩ Việt Nam là một nước nhỏ, Việt Nam không phải là phát triển hải quân nước
xanh để ra đại dương mà để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các
biển đảo của Việt Nam, thì nước nhỏ với kinh nghiệm chiến tranh vừa qua chủ yếu
là lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn. Như vậy tại sao không dùng các phương
tiện nhỏ hơn mà lại dùng các phương tiện cồng kềnh như thế.
Bởi nuôi một phương tiện cồng kềnh đó rất lớn, không
phải chỉ sáu con tàu mà còn một lô các hạm đội phục vụ cho sáu con tàu đó. Như
vậy tiền nuôi đấy cực kỳ lớn trong khi đó chúng ta có thể dùng các tàu nhỏ hơn,
tinh vi hơn, hiện đại hơn, của các nước phương tây. Như vậy vừa rẻ hơn mà vừa
hợp lý hơn.
Tôi không phải chuyên gia quân sự nhưng đứng về góc
độ của một người đóng tàu, có một số năm làm việc trong ngành đóng tàu, thì
chúng tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề này.
Thanh
Trúc: Chính quyền Việt Nam đang điều động ngư dân từng
tốp 10 tàu cá ra khơi để khẳng định chủ quyền của mình, có thể coi đó là một
chiến thuật nhỏ như ông nói là lấy nhỏ thắng lớn?
KS
Đỗ Thái Bình: Đấy là chiến lược bất kỳ quốc gia nào cũng có. Con
tàu đi tới đâu, đem cớ của đất nước đó tới đâu, giống như một tàu biển đến cảng
nào thì quốc gia đó đến cảng đó. Cho nên càng nhiều tàu đi trên biển, sinh hoạt
biển có nhôn nhịp hay không thì nước đó mới là nước mạnh.
Việc khuyến khích ngư dân ra khơi nhiều là tốt nhưng
vấn đề đặt ra là ai sẽ bảo vệ ngư dân trước sức mạnh của bạo lực Trung
Quốc? Đấy là một vấn đề rất lớn.
Thanh
Trúc: Xin cảm ơn kỹ sư Đỗ Thái Bình của Hội Khoa Học
Biển.
No comments:
Post a Comment