Monday, 5 May 2014

VÀO AO NHÀ CÓ GIẤY PHÉP (Lê Diễn Đức)




Mon, 05/05/2014 - 18:45 — ledienduc

Từ năm 1974 tới nay đã hơn 40 năm, mặc dù đã thực hiện việc chiếm đóng bằng cuộc xâm lược, thực tế Hoàng Sa mặc nhiên do Trung Quốc quản lý.

Ngày 24 tháng 7 năm 2012 Trung Quốc dân thêm một bước, đặt tên đơn vị hành chính là thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, bao gồm: Quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa), Quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) cùng vùng biển xung quanh.

Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, làm sân bay và đưa người ra sinh sống và bảo vệ. Điều này chứng tỏ họ đã hoàn toàn xem Hoàng Sa là của mình, bất chấp đó là khu vực tranh chấp.

Trên trang Web của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) của Trung Quốc sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15 độ 29’ 58” vĩ Bắc – 111 độ 12’ 06” kinh Đông từ ngày 02 tháng 5 đến 15 tháng 8.

Giàn khoan HD 981, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (EEZ), thuộc lô 143, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 18 hải lý.

Giàn khoan HD 981 là giàn khoan siêu sâu, khổng lồ, trị giá 1 tỷ USD, không phải Trung Quốc vừa mới đưa đến mà từ lâu họ đã tiên hành vận chuyển, lắp đặt. Chẳng lẽ lực lượng hải quân và cảnh sát biển không hay biết? Phải để đến lúc nó đã nằm chình ình ngay trên ao nhà thì Việt Nam mới lên tiếng phản đối?

Sự phản ứng này, tuy nhiên ở mức độ khá nhẹ nhàng. Với một kẻ vi phạm lãnh hải rõ ràng, lẽ ra phải triệu tập đại sứ, trao công hàm và làm ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông.

Ngày 4 tháng 5, Lê Hải Bình người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, lặp lại câu muôn thưở: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".

"Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối”, ông Bình nói.

Cùng ngày, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư tới chủ tịch và tổng giám đốc của CNOOC phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu CNOOC "dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam".

Trung Quốc đã phản ứng, bác bỏ sự phản đối của Việt nam, bởi vì họ cho rằng, vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan cách bãi ngầm, hay còn gọi là đảo Tri Tôn (tên tiếng Trung là Trung Kiến) thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền mà Trung Quốc đang kiểm soát.

Ngay sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, Cục Hải Sự Trung Quốc đã mở rộng phạm vi khu vực cấm xung quanh giàn khoan thêm thành 4,8 km. Trước đó, trong thông cáo ngày 3 tháng 5, Cục này yêu cầu tàu bè phải tránh xa giàn khoan Hải Dương 981 1,6 km.

Thực ra, Trung Quốc đã vào ao nhà Việt Nam có giấy phép đàng hoàng của nhà cầm quyền Việt Nam đấy chứ! Phản đối cái gì nữa!

Giấy phép của Việt Nam "hợp pháp" và "giá trị" chính là công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký gửi cho thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 và sau đó cho đăng trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 9 năm 1958,  ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc về hải phận.

Theo quan điểm của Trung Quốc, công hàm của Phạm Văn Đồng đương nhiên "công nhận" chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo trên biển Đông, bởi vì trước đó ngày 6 tháng 9 báo Nhân Dân "đã đăng chi tiết về Tuyên bố Lãnh hải của chính phủ Trung Quốc trong đó đường cơ sở để tính lãnh hải bao gồm bờ biển hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa trên biển Đông".

Vì thế Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhắm mắt làm ngơ, mặc cho Trung Quốc xua quân xâm chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng hoà.

Phương diện pháp lý thì vậy, còn tư tưởng cũng rõ ràng không kém.

Trong cuốn hồi ký của Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ, có nhắc lại lời Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN): "Thà giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc, cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em còn hơn để tụi Ngụy Sài Gòn quản lý!".

Năm 1988, tờ Sài Gòn Giải phóng, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN tại miền Nam viết: “Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc chủ quyền Trung quốc không có nghĩa là chủ quyền về lãnh thổ của ta bị mất, mà chỉ tạm thời do Trung quốc cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em quản lý. Một ngày nào đó, chúng ta cần lấy lại, Trung quốc sẽ hoàn trả cho ta”!

Thực tế, từ hội nghị Thành Đô năm 1990, ĐCSVN đã chủ trương bắt tay hợp tác toàn diện với Trung Quốc và Tuyên bố chung Việt-Trung tháng 10/2011 "khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau".

ĐCSVN đã đặt sự tồn tại của đảng lên lợi ích của dân tộc, dẫn đất nước lâm vào tình cảnh lệ thuộc ngày mỗi sâu vào Trung Quốc. Ý thức hệ cộng sản và sự kiên quyết giữ độc quyền lãnh đạo, đã gắn hai đảng cộng sản với nhau, bất chấp mọi toan tính thâm độc của Trung Quốc là biến Việt Nam thành một nước chư hầu.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng nói trên tờ Tuổi Trẻ Online 1/01/2013:
"Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Cho nên, trong bối cảnh truyền thống bất khuất chống ngoại xâm phương Bắc, sự phẫn nộ của xã hội trước mưu toan xâm chiếm, bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, một sự phản đối chiếu lệ của nhà cầm quyền là tất yếu.

Nhưng phản đối cho có, để mị dân, giảm bớt khiông khí căng thẳng trong dân chúng. Trong thâm tâm thì nhà cầm quyền đã phó mặc, đặt mọi chuyện trong sự đã rồi, vì thế đã không hề có sự can thiệp nào của lực lượng hải quân Việt Nam khi Trung Quốc lắp đặt giàn khoan.

Hàng chục ngàn người Trung Quốc đang rải khắp ba miền, trên vùng Tây Nguyên chiến lược, các dự án kinh tế quôc gia quan trọng nhất đang bị Trung Quốc thao túng, nhà cầm quyền không những làm ngơ mà con khuyến khích, thì xá gì ngoài biển, nơi họ đã tự nguyện dâng hiến quan thầy?

© Lê Diễn Đức




No comments:

Post a Comment

View My Stats