Saturday, 3 May 2014

TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM ĐIẾU CÀY ĐƯỢC ĐỀ CỬ GIẢI VACLAV HAVEL NĂM 2014 (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2014-05-03

Tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hiện đang phải thụ án 12 năm tù được Nhóm Văn Lang tại Tiệp Khắc đề cử nhận giải Vaclav Havel năm 2014.

Gia Minh hỏi chuyện ông Nguyễn Quốc Vũ, thuộc nhóm này về thông tin đó. Trước hết ông cho biết:

Ông Nguyễn Quốc Vũ: Lý do thứ nhất ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là người đầu tiên đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận một cách có tổ chức. Trước thì mọi người cũng đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận nhưng mà nó có vẻ manh mún.Nhưng đây là lần đầu tiên mà ông lập ra Câu lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và một cách trực diện chống lại sự đàn áp quyền tự do ngôn luận trong nước. Đó là lý do thứ nhất.Lý do thứ hai là dù chính quyền đã dùng khá nhiều biện pháp để đàn áp để bắt ông phải nhận tội thế này thế kia nhưng cuối cùng ông vẫn một mực trung thành vời những gì mà mình tin tưởng. Cuối cùng, ông đã trở thành một biểu tượng cho cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận mà rất nhiều hội đoàn về sau này ở trong nước đều rất là đồng ý.

Gia Minh: Được biết giải thưởng Vaclav Havel chỉ mới được thành lập hồi năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Hải được đề cử lần đầu tiên phải không?
Ông Nguyễn Quốc Vũ: Năm ngoái có một người Belarus được. Thật ra, chúng tôi định đề cử ông Nguyễn Văn Hải từ năm ngoái, nhưng không kịp thành ra năm nay anh em chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Thế mà phải tận đến những ngày cuối cùng mới xong hết các hồ sơ.

Gia Minh: Trên thế giới lâu nay có khá nhiều giải thưởng nhân quyền, ông có thể cho biết giải thưởng nhân quyền Vaclav Havel mới được thành lập khi so sánh với những giải khác có những điểm nào?
Ông Nguyễn Quốc Vũ: Trước tiên, giải thưởng này đối với chúng tôi, những người ở Tiệp Khắc, nó có sự liên hệ về tinh thần nhất định vì mang tên Havel. Giải thưởng này cũng là một giải thưởng khá lớn của Châu Âu. Ngoại chuyện vinh danh người được thưởng về mặt tinh thần, giải thưởng này trị giá 60 ngàn euro- phân nửa của Hội đồng Châu Âu và phân nửa của chính phủ Tiệp.
Dù giải thưởng mới được thành lập hai năm thôi, nhưng tôi nghĩ nếu ông Điếu Cày nhận được giải thưởng này thì đó là một khích lệ rất lớn đối với bản thân ông Điếu Cày khi còn ở trong tù và cho phong trào đấu tranh cho tự do ngôn luận ở trong nước.

Gia Minh: Ngoài tác động khích lệ cho bản thân và phong trào như thế; theo ông, qua theo dõi lâu nay, những giải thưởng quốc tế có thúc đẩy cụ thể cho tình hình đấu tranh ở trong nước ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nhân quyền và tự do báo chí, ra sao?
Ông Nguyễn Quốc Vũ: Theo tôi đôi khi ở nước ngoài mình không nghĩ những hoạt động đấu tranh của bản thân có ý nghĩa nào nhất định. Mình cũng nhận thấy cuộc đấu tranh trong nước có ý nghĩa quyết định nhất, nhưng theo chúng tôi biết đối với những người đấu tranh trong nước thì các tiếng nói bên ngoài, một số giải thưởng nho nhỏ, một số bài báo tác động từ bên ngoài giúp cho họ rất nhiều trong cuộc đấu tranh.
Tôi nghĩ đây cũng là hoạt động có thể giúp được ít nhiều gì cho họ. Khi nói chuyện với nhiều người từ trong nước sang, thì những hoạt động ở đây mặc dù đối với những người ở ngoài nước như chúng ta không đáng gì so với hoạt động trong nước, nhưng thực sự có ảnh hưởng.

Gia Minh: Đó là mặt tích cực của các giải thưởng, nhưng đối với một số người lâu nay có ý kiến cho rằng khi trao những giải thưởng như thế, vô hình chung, tạo nên sự so sánh giữa những người đấu tranh trong nước với nhau, và gây nên áp lực cho người nhận được giải thưởng, ông có ý kiến ra sao về điều đó?
Ông Nguyễn Quốc Vũ: Đương nhiên tất cả những người đấu tranh trong nước đều xứng đáng nhận được giải thưởng nào đó. Vấn đề đó thì không có bàn cãi gì nữa; thế nhưng cần có biểu tượng gì đó ở trong nước. Vấn đề chọn người này, chọn người kia là câu hỏi được đặt ra khi vận động cho một người nào đó. Vì lý do đó, chúng tôi chọn Điếu Cày vì Điếu Cày là điểm chung của những phong trào đấu tranh trong nước.
Khi làm hồ sơ đề cử Điếu Cày và liên lạc với những nhóm ở trong nước, chúng tôi nhận được sự ủng hộ hoàn toàn, không hề có khúc mắc nào trong chuyện đề cử cả.
Mặc dầu, như anh nói, có thể có sự ‘nhìn tới, nhìn lui’ của những người trong nước, điều này tôi không thể kiểm chứng nên không biết được; nhưng đối với Điếu Cày đó là điểm chung của phong trào trong nước bây giờ.

Gia Minh: Đó là phía những người đấu tranh, còn phía nhà cầm quyền thì đối với người nhận được công khai vinh danh như thế sẽ bị bao vây, sách nhiễu, khống chế nhiều hơn khiến cho hoạt động của họ khó khăn hơn. Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Quốc Vũ: Tôi nghĩ ngược lại, nếu như người nào đó trong nước hoạt động âm thầm lại còn nguy hiểm hơn. Còn khi mà họ được bên ngoài biết đến, nhận được giải thưởng và tất cả bên ngoài biết đến thì chính quyền có thể làm khó dễ cho họ, nhưng theo tôi nghĩ đối với chính những người đó thì họ được an toàn hơn. Chính quyền sẽ không làm điều gì đó quá sức cần thiết, vì tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ đặt lên bàn cân là có lợi hay hại cho uy tín của Nhà nước.

Gia Minh: Hẳn nhiên trong thời gian tới, Nhóm Văn Lang cũng có những xem xét đối với những người đấu tranh khác, phải không?
Ông Nguyễn Quốc Vũ: Nhóm chúng tôi cũng sẽ tổ chức một quỹ để giúp đỡ cho những người ở trong nước, cho gia đình của những người đấu tranh mà bị bắt cầm tù, hoàn cảnh khó khăn. Hoặc nếu có thể giúp đỡ pháp lý cho họ, trong khi họ ra tòa.
Đó là ý tưởng mà Nhóm đang hình thành, nên tất cả những trường hợp nào ở trong nước- dĩ nhiên chúng tôi không có đủ khả năng để giúp đỡ hết tất cả mọi người- nhưng chúng tôi luôn theo dõi tình hình trong nước và tìm những trường hợp nào có thể giúp được.
Đường hướng chung là như thế, nhưng khi xét bao giờ cũng là trường hợp cụ thể. Ví dụ như có một người nào đó mà vì đấu tranh, dám lên tiếng và bị ở tù khiến hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, trường hợp đó được đưa ra để cả nhóm bàn thảo và nếu như thế có cần giúp đỡ hay không. Nếu cần thì chúng tôi sẽ giúp đỡ bằng cách này, cách kia trong khả năng của mình. Sự giúp đỡ sẽ cụ thể, rõ ràng cho từng cá nhân một.

Gia Minh: Cám ơn ông Nguyễn Quốc Vũ.


No comments:

Post a Comment

View My Stats