Monday, 5 May 2014

TRUYỀN THỒNG CHÚA CỨU THỄ : DẤN THÂN VÌ TỰ DO THÔNG TIN (Thanh Phương-RFI / LM Lê Ngọc Thanh)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ hai 05 Tháng Năm 2014

Mặc dù là trang thông tin của một nhà dòng, nhưng Truyền thông Chúa Cứu Thế hoạt động như một cơ quan báo chí thực thụ, cung cấp không chỉ các thông tin về sinh hoạt tôn giáo, mà cả những thông tin, bình luận về chính trị, xã hội, về đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Trong hai ngày 5 và 6/05/2014, tại trụ sở tổ chức UNESCO ở Paris sẽ diễn ra một hội nghị quốc tế về tự do thông tin trên thế giới. Trước đó, ngày 02/05, tổ chức này đã trao Giải tự do] báo chí thế giới UNESCO/Guillermo Cano 2014 cho nhà báo độc lập Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Sik, cũng là một nhà đấu tranh cho nhân quyền.

Về phần tổ chức Phóng viên không biên giới nhân Ngày tự do báo chí thế giới 03/05 lần đầu tiên đã công bố danh sách 100 người được tặng danh hiệu « Anh hùng Thông tin », gồm những những nhà báo, blogger từ nhiều nước đã góp phần thúc đẩy tự do báo chí trên thế giới, bất chấp những hy sinh, những truy bức, những đe dọa, thậm chí bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

Riêng Việt Nam có ba người được vinh danh « Anh hùng Thông tin », đó là nhà báo Phạm Chí Dũng, blogger Trương Duy Nhất và linh mục Lê Ngọc Thanh. Phạm Chí Dũng và Trương Duy Nhất được nhiều người biết hơn, cha Lê Ngọc Thanh thì ít ai nghe đến tên, nhưng trang thông tin mà vị linh mục này phụ trách thì ngày càng trở nên quen thuộc với cư dân mạng đó là trang mạng Truyền Thông Chúa Cứu Thế, của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam  (VRNs).

Mặc dù là trang thông tin của một nhà dòng, nhưng Truyền thông Chúa Cứu Thế hoạt động như một cơ quan báo chí thực thụ cung cấp không chỉ các thông tin về sinh hoạt tôn giáo, mà cả những thông tin, bình luận về chính trị, xã hội, về đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Nói chung, bất chấp vô số khó khăn, trở ngại trong một đất nước mà báo chí tư nhân hoàn toàn bị cấm, Truyền Thông Chúa Cứu Thế đã mạnh dạn dấn thân vì tự do báo chí.

Riêng linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, một trong ba người Việt Nam được Phóng viên không biên giới vinh danh là « Anh hùng Thông tin » được dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam giao phụ trách trang Truyền thông Chúa Cứu Thế, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày thứ tư tuần trước 30/04/2014, đã rất khiêm tốn khi nói về những đóng góp của mình, nhưng tỏ ra rất kiên quyết khi nói về vai trò của truyền thông trong tình hình đất nước hiện nay.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn linh mục Lê Ngọc Thanh :

Nghe (13:42)  :  Linh mục Lê Ngọc Thanh    04/05/2014


 RFI : Xin kính chào Cha Lê Ngọc Thanh. Trước hết, RFI Việt ngữ xin chúc mừng Cha vừa được Phóng viên không biên giới vinh danh là một trong những « Anh hùng Thông tin » ? Cha có suy nghĩ thế nào khi thấy là công việc truyền thông của Cha bấy lâu nay đã được quốc tế thừa nhận ?

LM Lê Ngọc Thanh : Thưa anh Thanh Phương, thưa quý vị thính giả RFI, nhận được tin này tôi rất là vui và hạnh phúc, bởi vì mình được Phóng viên không biên giới, một tổ chức có uy tín chuyên bảo vệ các nhà báo và đấu tranh cho tự do báo chí trên thế giới, liệt kê vào danh sách những người dấn thân cho việc bảo vệ tự do báo chí, cùng với anh Phạm Chí Dũng và anh Trương Duy Nhất.
Phạm Chí Dũng và Trương Duy Nhất là hai nhà báo có những đóng góp và đã trải qua nhà tù để chứng thực cho sự dấn thân của họ. Tôi thì chưa có « may mắn » vào nhà tù như họ, mặc dù cũng bị câu lưu, bị gây khó khăn, bị theo dõi, khi trực tiếp làm công việc thông tin. Các phóng viên của tôi thường xuyên bị cản trở hoặc những học viên của tôi bị bắt giữ, như các anh em phóng viên, học viên tại Nghệ An, Giáo phận Vinh mà trong thời gian vừa rồi chúng ta đã kêu gọi.
Về việc tôi được vinh danh trong danh sách 100 « Người hùng Thông tin », đó là nhờ sự yêu mến của cộng đồng blogger, cộng đồng mạng dành cho tôi, bởi vì tôi biết rõ có nhiều anh em nhà báo lê dân và các anh chị em blogger, Facebooker dấn thân, nỗ lực hơn tôi rất nhiều và họ xứng đáng hơn tôi rất nhiều. Phần vinh danh của tôi là dành cho cả cộng đồng, như là một lời mời gọi liên kết và dấn thân cho mọi người.
Sở dĩ tôi có nhiều thời gian hơn để dấn thân toàn tâm, toàn ý cho công việc truyền thông, đó là chính nhà dòng đã sắp xếp cho tôi, với cha Giám tỉnh, cha bề trên và 300 tu sĩ đứng đằng sau yểm trợ cho tôi, cùng với các nhân viên, các cộng tác viên, các phóng viên của tôi, để cùng nhau làm nên một hoạt động truyền thông, để đến hôm nay được tổ chức Phóng viên không biên giới chấp nhận và công nhận giá trị đó. Tôi nghĩ rằng đây là một kết quả tập thể, mà tôi là người được đứng tên mà thôi.


RFI : Tuy chưa bị tù, nhưng Cha cũng đã bị câu lưu và gây khó dễ. Hình thức gây áp lực của chính quyền đối với những người làm công việc thông tin như Cha là như thế nào ?

LM Lê Ngọc Thanh : Thật ra việc chúng tôi dấn thân cho truyền thông là một quyết định rất là mạnh của nhà dòng chúng tôi, đó là đứng về phía người nghèo, loan báo Tin mừng một cách mới mẻ cho người nghèo. Tức là loan báo Tin mừng không phải là từ bên trên hay từ bên ngoài, nhưng phải nhập cuộc với người nghèo, để loan báo từ bên trong. Từ nguyên tắc của Công hội của nhà dòng chúng tôi đặt ra vào năm 2009, truyền thông của chúng tôi cũng dấn thân như vậy.
Những gì đau khổ của người dân, như dân oan, những người bị oan sai, những người bị đối xử bất công, bị bắt bớ một cách bất hợp pháp, đều là những đau khổ của chúng tôi và chúng tôi cố gắng chia sẻ hết mức mà mình có thể. Truyền thông của chúng tôi nhắm đến những điều đó không phải bởi là vì chúng tôi muốn « đối phó » với Nhà nước. Đó không phải là sứ mạng của chúng tôi. Nhưng khi nào mà Nhà nước đối xử tử tế hơn với người nghèo, những người bị loại ra khỏi xã hội, thì khi đó chúng tôi sẽ có phản ứng khác. Còn khi nào Nhà nước còn gia tăng đàn áp, thì chúng tôi còn tiếp tục đi theo dòng truyền thông đó và chúng tôi sẽ đẩy mạnh, vì đó là sứ mệnh của chúng tôi.
Chúng tôi nhận ra được rằng, Chúa Kitô, đấng mà chúng tôi phục vụ, đang ở trong những người nghèo mà chúng tôi đang theo đuổi.


RFI : Thưa Cha, Truyền thông Chúa Cứu Thế là trang mạng độc lập, hoạt động trong bối cảnh mà Việt Nam chưa có báo chí tư nhân và chính quyền thì đưa ra ngày càng nhiều quy định, luật lệ hạn chế gắt gao tự do thông tin. Làm thế nào mà Truyền thông Chúa Cứu Thế có thể tồn tại đến ngày hôm nay ?

LM Lê Ngọc Thanh : Đây là câu hỏi mà chúng tôi vẫn thường xuyên đặt ra với nhau, giữa một đất nước mà chính thủ tướng đã tuyên bố là sẽ không bao giờ có báo chí tư nhân, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn tồn tại với những hoạt động của mình.
Thật ra, đứng về mặt con người thì họ không bao giờ muốn chúng tôi hoạt động. Họ gây khó đủ điều, họ tấn công để phá website của chúng tôi, họ gọi bề trên của chúng tôi lên để hạch hỏi về giấy phép. Chúng tôi phải chứng minh rằng những giấy phép họ đòi là bất hợp pháp và chúng tôi không thuộc quyền quản lý của họ.
Chúng tôi đã phải dùng nhiều cách thức tự tạo cái tính hợp pháp mang tính hiến định, quốc tế định, mà họ không được quyền tấn công, thì chuyển sang đặt tường lửa. Hiện nay, tuy Truyền thông Chúa Cứu Thế là một trang web có lượng độc giả tương đối cao, nhưng nếu họ bỏ tường lửa thì số lượng người đọc có thể tăng gấp 5 lần hiện nay. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi có khoảng từ 15 ngàn đến 20 ngàn người truy cập. Nếu họ bỏ tường lửa thì chúng tôi có thể đạt được 100 ngàn người/ngày.
Gần như tất cả những phóng viên của chúng tôi khi có mặt ở các sự kiện thì họ đều ngăn cản, thậm chí bắt bớ. Đặc biệt là tôi mỗi lần xuất hiện ở một sự kiện nào cần đưa tin, ví dụ như phiên tòa sơ thẩm của blogger Đinh Nhật Uy, thì tôi chỉ vừa ngồi xuống ở một quán cà phê, để nói chuyện với một vài bạn, chứ chưa làm gì, thì họ đã đến câu lưu tôi. Tức là họ không cho chúng tôi tiếp cận thông tin để đưa tin. Nhưng cám ơn Chúa vì khi họ không cho chúng tôi đi thì chính những dân oan, những người có vấn đề lại tìm đến chúng tôi và trình bày cho chúng tôi. Từ những thông tin ban đầu này, chúng tôi thẩm tra xem các thông tin đó chính xác đến mức độ nào và xác định cách thức mà chúng tôi trình bày. Đó là một thách thức thật sự đối với nhà cầm quyền trong nước.
Trong văn bản công khai, hiện nay họ cấm nhân viên, công chức xem các trang như Dân Làm Báo hoặc một vài trang web lớn, nhưng họ vẫn không nhắc đến trang http://www.chuacuuthe.com/, có lẽ là họ nghĩ rằng không nhắc như vậy thì ít có người biết hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể tồn tại một cách yên ổn, mà chúng tôi phải cố gắng đối đầu để tồn tại vì đó là quyền hiến định, mà không có luật pháp nào, không có một chính phủ nào được vi phạm Hiến pháp và chúng tôi nhất quyết làm đến cùng điều đó.


RFI : Thưa Cha Lê Ngọc Thanh, dưới tay Cha có cả một loạt cộng tác viên, thường xuyên có mặt ở những điểm nóng. Cha có nhận xét như thế nào về động cơ thúc đẩy các cộng tác viên này, mà đa số là các bạn trẻ, tham gia vào công việc mà có thể nói là khá nguy hiểm này ở Việt Nam?

LM Lê Ngọc Thanh : Chúng tôi quy tụ các bạn trẻ có nhiệt huyết để dấn thân cho hoạt động truyền thông. Ban đầu chúng tôi huấn luyện họ để biết thế nào là một nền truyền thông chân chính, chứ không phải truyền thông định hướng, truyền thông công cụ. Rồi chúng tôi hướng dẫn cho họ những kỹ năng cơ bản nhất về viết bài, về quay phim, về chụp hình. Rồi với những ai có thể gắn bó sâu hơn, chúng tôi bắt đầu dạy viết những kịch bản phóng sự, biên tập phim và sản xuất phim. Chúng tôi huấn luyện khá kỹ từng lĩnh vực riêng biệt.
Toàn bộ những người đến với chúng tôi đều có một điểm chung là nhiệt huyết phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng, phục vụ Giáo hội. Nhóm thứ nhất là những người đã có công việc ổn định, mỗi tuần chỉ rảnh 2, 3, 5 hoặc 8 tiếng đồng hồ và họ sẵn sàng cống hiến thời gian rảnh đó. Chúng tôi bắt đầu huấn luyện họ và khơi lên tinh thần của họ. Mỗi tuần chúng tôi có một khóa huấn luyện để nuôi dưỡng tinh thần của họ, cũng như sửa các lỗi kỹ thuật cho nhau.
Nhóm thứ hai là những người thật sự muốn dấn thân, sống chết với truyền thông, thì chúng tôi đưa họ vào hẳn một hệ thống của chúng tôi, như là những nhân viên, phóng viên của chúng tôi, để được huấn luyện và dấn thân.
Trước khi họ đến với chúng tôi, kể cả những người chỉ tham gia bán thời gian, tôi cũng nói rõ với họ, ở Việt Nam đây là một công việc nguy hiểm và chúng ta có thể bị gây khó dễ bất cứ lúc nào. Muốn dấn thân thì các bạn hãy suy nghĩ về điều này. Những điều mà công ước quốc tế đã quy định đó là điều mà Hiến pháp đã hiến định là quyền, thì chúng ta được quyền thực hiện. Chúng ta thực hiện như vậy tức là làm đúng. Những ai gây khó khăn cho chúng ta, kể cả công lực thì đều là những người làm sai.
Từ những khẳng định đơn giản như vậy, anh em bắt đầu xây dựng ý thức rằng mình làm vì cái đúng. Đặc biệt là những người dân oan, những người bị miệt thị, bị bạc đãi, bị tù đày, khi họ nhận được những bản tin do chúng tôi phổ biến, thì họ vui, gia đình họ vui, họ thấy bình. Chúng tôi thấy rằng hiệu quả công việc của chúng tôi là góp phần xây dựng niềm vui và bình an cho xã hội. Đó chính là động lực thúc đẩy các bạn trẻ tham gia.
Trong năm 2014, vào hè này, tuy chúng tôi chưa thông báo là có những khoá huấn luyện truyền thông, nhưng bây giờ đã có nhiều bạn hỏi là khi nào có các khoá huấn luyện thì thông báo cho biết để họ ghi danh ngay, vì thường chúng tôi giới hạn về số lượng.
Cho nên, có thể nói gọn lại : điều mà trở thành động lực cho các bạn trẻ, đó là họ nhận ra rằng mình có thể đóng góp một cách hữu hiệu và đúng đắn nhất cho xã hội qua lĩnh vực truyền thông.

RFI : Xin cám ơn Cha Lê Ngọc Thanh.  





No comments:

Post a Comment

View My Stats