Thursday 15 May 2014

TRUNG QUỐC ĐƠN PHƯƠNG LẬT LẠI CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM. VÌ SAO ? (Lê Mạnh Hùng)




Được đăng ngày Thứ năm, 15 Tháng 5 2014 18:25

Khi ông Lý Khắc Cường lần đầu tiên đến thăm Việt Nam với tư cách là thủ tướng Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, chuyến đi của ông đươc coi như là một phần của một cố gắng rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm cải thiện bang giao với các nước láng giềng tại Đông Nam A giữa những căng thẳng chung quanh việc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Việt Nam lại càng quan trọng đối với Trung Quốc trong việc này vì Việt Nam là nước hầu như độc nhất tại Đông Nam Á chịu thương thuyết đơn phương với Trung Quốc.

Tuyên bố tại Hà Nội, ông Lý cho biết Trung Quốc và Việt Nam sẽ thành lập một tổ chức chung để thảo luận việc phát triển chung vùng biển. Theo ông Ngô Sỹ Tồn, viện trưởng viện nghiên cứu Nam hải của Trung Quốc thì hai bên đã “đạt được một đồng thuận cùng giải quyết cuộc khủng hoảng tại biển Đông” và “giảm thiểu những đụng chạm ngoài biển”.

Nhưng chỉ sáu tháng sau, quan hệ giữa hai bên lại nóng bỏng lên sau khi Trung Quốc đột nhiên cho di chuyển một giàn khoan với khoảng 80 tàu chiến đủ loại hộ tống đến vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa - một hành động mà Hoa Kỳ gọi là “khiêu khích”. Hành động bất ngờ này đã làm Việt Nam luống cuống, nhưng cuối cùng Hà Nội đã lớn tiếng phản đối và gởi một đoàn tàu đến vùng biển này nơi mà họ và các tàu Trung Quốc liên tục đụng độ trong mấy tuần nay.

Hành động đột ngột này của Trung Quốc đã khiến cho các chuyên gia bối rối trong việc tìm cách giải thích một hành động đã làm tan rã những cố gắng trước đó nhằm cải thiện bang giao với Hà Nội. Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc cho biết việc đưa giàn khoan này xuống vùng biển tranh chấp là “hoàn toàn bất ngờ”.

Việt Nam vốn bị Trung Quốc lấy mất quần đảo Hoàng Sa năm 1974, trong những năm về sau đã tiến đến gần với Hoa Kỳ hơn để cân đối lại quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên bên trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn có một phe phái mạnh chống lại việc xiết lại quá gần với Hoa Kỳ. Quân đội Hà Nội có một đường dây nóng liên lạc với quân đội Trung Quốc trong khi từ chối lời mời của Washington tham gia vào các cuộc tập trận chung cũng như mở cảng Cam Ranh cho tàu Mỹ. Thành ra trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines đã gia tăng thì Việt Nam đã không có hành động nào để làm cho Bắc Kinh giận dữ. Theo Carl Thayer thì:
“Tôi không thấy Việt Nam có hành động nào để gây ra chuyện này. Đây là một hành động đẩy lùi lại quan hệ vốn đang trên một quỹ đạo cải thiện”.

Một số chuyên gia về Trung Quốc như Robert Ross của trường đại học Boston College thì cho rằng Bắc Kinh phản ứng với việc Hoa Kỳ lúc gần đây đã có những lời lẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc bao gồm cả một lời đòi hỏi Trung Quốc phải làm rõ cái gọi là “đường chin đoạn” mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ biển Đông. Theo ông Ross thì Trung Quốc có thể giận Việt Nam vì tháng Chạp vừa qua Hà Nội đã yêu cầu Nhật Bản cung cấp cho mình những tàu tuần duyên, một yêu cầu mà theo bộ ngoại giao Nhật Bản thì Nhật còn đang suy xét.

Nhưng những người khác thì không tin là như vậy. Họ chỉ ra rằng tuy tổng thống Barack Obama tuyên bố ủng hộ những quốc gia phải đối đầu với những đòi hỏi về chủ quyền đất đai của Trung Quốc, nhưng những lời nói và hành động của ông là hướng về Nhật Bản và Philippines chứ không phải là Việt Nam. Washington và Manila ký một thỏa hiệp an ninh hỗ tương cho phép Ngũ Giác Đài gởi tàu chiến và máy bay đến các quân cảng và sân bay tại Philippines.

Taylor Travel, một chuyên gia về Trung Quốc tại MIT cho biết việc di chuyển giàn khoan này đặc biệt khó hiểu vì ngay trước đó, Trung Quốc và Việt Nam có một cuộc bản thảo về việc phát triển chung. Theo ông thì có thể rằng Cnooc, công ty dầu khí chủ nhân của giàn khoan này nghĩ rằng việc khoan thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa này không tạo ra một phản ứng mạnh vì Việt Nam không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ vừa mới cải thiện với Trung Quốc.

Nhưng dù tính toán thế nào chăng nữa, hành động này cũng đã tạo ra một phản ứng mạnh của phía Việt Nam. Dù muốn tránh gây sự với Trung Quốc đến thế nào chăng nữa, Hà Nội cũng không thể bất kể đến tinh thần chống Trung Quốc trong dân chúng và ngay cả trong quân đội nữa. Thành ra tuy rằng bình thường rất gay gắt đàn áp những người biểu tình trong nước, Hà Nội cuối tuần qua cũng đã cho phép mấy trăm người biểu tình phản đối trước toà đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.

Theo Paul Haenle giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh thì đây có thể là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn bên trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh. Năm ngoái giới lãnh đạo mới của Trung Quốc tung ra một chiến dịch chiêu dụ các nước Đông Nam Á, nhưng những hành động gần đây bao gồm cả quyết định lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông đã cho thấy những mâu thuẫn giữa lời nói và hành động.

“Sự kiện giàn khoan này và tuyên bố bất ngờ về việc thiết lập một ADIZ tại biển Hoa Đông thấy rõ là đi ngược lại đường lối tìm cách cải thiện ngoại giao vùng”.

Còn ông Ngô thì nói rằng Việt Nam đã biết từ lâu rằng Trung Quốc sẽ thăm dò dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa, và quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ và sự chuyển hướng về Á châu của Mỹ đã làm cho tình hình căng thẳng. 

“Vấn đề giữa Trung Quốc và các nước láng giềng - đặc biệt là các vấn đề về biển - tất cả cho thấy bàn tay của Hoa Kỳ đằng sau hậu trường”.

Giàn khoan của Trung Quốc và những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại biển Đông chắc chắn là sẽ kéo theo sự chú ý của mọi người trong những ngày tới và theo Ernest Z. Bower và Gregory B. Poling của Trung Tâm Nghiên cứu những Vấn Đề Quốc Tế và Chiến Lược tại Washington thì màn kịch sẽ còn kéo dài và: “Hiện còn chưa biết ai chịu thua trước”

Lê Mạnh Hùng



No comments:

Post a Comment

View My Stats