Mặc Lâm,
biên tập viên RFA, Bangkok
2014-05-07
2014-05-07
Tòa Hiến Pháp Thái Lan ngày hôm nay Thứ Tư 07 tháng
05 đã phán quyết Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra phải rời khỏi chức vụ
vì đã lạm dụng quyền lực khi thuyên chuyển ông Thawil Pliensri Cố vấn an ninh
quốc gia sang một cương vị khác một cách mờ ám vào năm 2011.
Tòa Hiến Pháp phán quyết hành động thuyên chuyển này
diễn ra trong một chương trình nghị sự kín đã vi phạm hiến pháp và bà Thủ tướng
Yingluck có trách nhiệm với sự thuyên chuyển đó. Chín thành viên khác trong nội
các của Chính phủ lâm thời của bà Yingluck có liên quan đến vụ này cũng mất
chức, Những thành viên trong nội các còn lại vẫn làm việc trong chính phủ lâm
thời.
Tòa Hiến Pháp công bố đây là phán quyết cuối cùng và
các đương sự không có quyền kháng án.
Vào lúc 4 giờ chiều Bà Yingluck đã tổ chức họp báo
để tạm biệt những người ủng hộ bà. Trong bài phát biểu dài 4 phút bà nói trong
thời gian 2 năm 9 tháng và hai ngày bà phục vụ cho cử tri Thái Lan bà rất hãnh
diện được sát cánh bên họ và bà hứa sẽ tiếp tục làm như vậy trong những ngày
sắp tới bất kể trong cương vị nào.
Với khuôn mặt vẫn tỏ vẻ bình thản và nụ cười cố hữu
trên môi, bà Yingluck nói:
-Tôi và nội các chính phủ của tôi luôn tuân thủ luật
pháp trong khi điều hành đất nước một cách nghiêm túc. Tôi chưa bao giờ có hành
vi tham nhũng, hay lạm dụng quyền lực hoặc vi phạm hiến pháp như tòa Hiến Pháp
cáo buộc.
Thủ tướng Yinluck Shinawatra là em ruột của nguyên
Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị quân đội lật đổ vào năm 2006 với cáo
buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực và sự thiếu tôn trọng đối với Quốc vương
Bhumibol Adulyadej. Tuy nhiên sự giàu có của ông đã giúp cho phe áo đỏ tồn tại
và tiếp tục vận động đề cử cho bà Yingluck vào chức vụ Thủ tướng năm 2011.
Phe đối lập cáo buộc bà Thủ tướng Yingluck chỉ là bù
nhìn của ông Thaksin và sáu tháng qua đã liên tục biểu tình chống đối tại thủ
đô Bangkok đòi bà phải từ chức.
Ông Anutin Tinnaraj, lãnh đạo phe áo đỏ khu vực Đông
Bắc đã tuyên bố vào ngày hôm qua nếu bà Yingluck bị buộc là có tội thì sẽ tổ
chức các cuộc biểu tình rất lớn để phản đối phiên tòa và ủng hộ nữ thủ tướng
Yingluck.
Giới quan sát chính trị cho rằng Thái Lan rất khó ổn
định tình hình chính trị sau khi bà Yingluck bị bãi chức. Điều này sẽ xé to
thêm vết thương chính trị đang làm Thái mỗi lúc một phân hóa thêm.
----------------------------------
Anh Vũ - RFI
Thứ tư 07 Tháng Năm 2014
Theo
AFP, hôm nay 7/5/2014, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị cáo buộc lạm
quyền và nhiều thành viên chính phủ của bà đã bị Toà Bảo Hiến chính thức phế
truất. Diễn biến mới này có thể sẽ tiếp tục đẩy chính trường Thái dấn sâu vào
khủng hoảng.
Chủ tịch Toà Bảo Hiến Chaoroon Intachan đọc phán
quyết, được truyền trực tiếp qua truyền hình, theo đó bà Yingluck « không
thể ở lại cương vị Thủ tướng xử lý thường vụ » của chính phủ. Đồng thời,
Toà cũng quyết định bãi chức những Bộ trưởng liên quan trong vụ thuyên chuyển
một quan chức cao cấp chính quyền Thái.
Ngay sau khi lên nắm quyền hồi 2011, Thủ tướng
Yingluck đã loại lãnh đạo Hội đồng an ninh quốc gia. Nhân vật này sau đó đã
được phục hồi chức vụ theo lệnh của Toà Hành chính.
Một nhóm Thượng nghị sĩ cho rằng, quyết định thuyên
chuyển quan chức trên là việc làm phục vụ lợi ích chính trị của đảng cầm quyền
Puea Thai và họ đã kiện lên Toà Bảo Hiến.
Được triệu ra trước toà, mặc dù bà Yingluck phủ nhận
trách nhiệm của mình trong hồ sơ này, nhưng, ông Charoon nhấn mạnh : « Các
thẩm phán hoàn toàn nhất trí kết luận bà Yingluck đã lạm dụng quyền Thủ tướng »
trong vụ thuyên chuyển chức vụ « bất hợp pháp » nhằm phục vụ lợi ích
riêng.
Quyết định phế truất bà Yingluck, nhưng Toà không có
thẩm quyền chỉ định Thủ tướng mới. Bên ngoài Toà, những người biểu tình chống
chính phủ tập trung rất đông đón mừng phán quyết của Toà.
Suốt sáu tháng qua, phong trào biểu tình chống chính
phủ đã tìm đủ mọi cách, biểu tình, phong toả công sở, phá hỏng bầu cử Quốc hội
... nhằm đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck mà họ cho là
do anh bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, giật dây từ nước ngoài.
Theo giới quan sát, quyết định của Toà Bảo Hiến hôm
nay không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà lại mở ra một trang mới đầy bất
trắc trong nền chính trị Thái Lan, nhất là khi không ai có thẩm quyền bổ nhiệm
người thay bà Yingluck lãnh đạo chính phủ. Thêm vào đó, Quốc hội Thái Lan đã bị
giải tán từ tháng 12 năm 2013 đến nay vẫn chưa thể được bầu lại. Cho dù chính
phủ đã ấn định bầu cử diễn ra ngày 20/7 tới đây, nhưng quyết định này vẫn chưa
chính thức được thông qua. Phong trào Áo Đỏ ủng hộ Thaksin doạ sẽ xuống đường
trong trường hợp xảy ra điều mà họ gọi là cuộc « đảo chính tư pháp »,
tức là điều đã diễn ra hôm nay tại Bangkok.
Ngoài ra, bà Yingluck vẫn còn đang phải đối mặt với
một vụ kiện của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia cáo buộc bà vô trách nhiệm để
xảy ra tham nhũng trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân. Vụ việc này
có thể dẫn đến việc bà cựu Thủ tướng bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5
năm.
No comments:
Post a Comment