Friday, 2 May 2014

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHÂM NGÒI CHO VỤ NHÃ THUYÊN - ĐỖ THỊ THOAN ? (Âu Dương Thệ)




04:15:am 02/05/14

Nguyễn Phú Trọng châm ngòi
Ngày 21.9.2013 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trong cuộc họp của „Đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam“, một cơ quan của ĐCSVN phụ trách công tác quản lí và theo dõi các hoạt động văn học, nghệ thuật của các hội đoàn báo chí, đại học và các người nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ…Mục đích cuộc họp quan trọng này là nhằm uốn nắn, định hướng các hoạt động thông tin báo chí, nghiên cứu, sáng tác trong văn học, nghệ thuật đang có nhiều nổi cộm vượt khỏi sự kiểm soát của bộ máy toàn trị; đặc biệt rút kinh nghiệm từ sự trỗi dậy của thành phần chuyên viên, trí thức, thanh niên và đảng viên tiến bộ thể hiện qua cuộc vận động chống giả vờ sửa đổi Hiến pháp. Vì thế ngoài sự hiện diện của những người cầm đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, trong hội nghị này có sự tham dự đông đủ của những người đứng đầu các hội nói trên để nhận chỉ thị của người cầm đầu chế độ. Trong diễn văn với tựa đề „Hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần định hướng đi lên cho xã hội“ Nguyễn Phú Trọng tuy than là:
“Phải làm sao sáng tạo ra những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân chờ đợi, hy vọng ở những người hoạt động văn học nghệ thuật…“

Nhưng đây chỉ là bề ngoài, vì trong suốt bài diễn văn dài này ông Trọng không dám nêu lí do tại sao từ khi chế độ toàn trị chỉ huy văn hóa, văn học làm cho VN không có những công trình nghiên cứu, tác phẩm thơ văn có giá trị ở trong nước và có tầm vóc quốc tế. Trong khi đó Nguyễn Phú Trọng lại đã chỉ dành trọng tâm nhấn mạnh tới làm thế nào quản lí được đời sống văn hóa, văn học theo ý độc đoán của nhóm cầm quyền . Vì thế người đứng đầu chế độ toàn trị đã chỉ trích thẳng sư lơ là của nhiều cơ quan hội đoàn của chế độ trong các công tác lãnh đạo, quản lí văn hóa,văn học:
“Hoạt động lý luận phê bình nhìn chung còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan ở Trung ương, các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành có lúc, có việc còn thiếu quán xuyến và sâu sát. Việc tham mưu để thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số hội còn nhiều bất cập, còn thiếu cán bộ lãnh đạo văn nghệ có năng lực, uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết hội viên. Việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, gặp nhiều khó khăn.”

Không những thế Nguyễn Phú Trọng còn hằn học lên tiếng chỉ trích nhiều người nghiên cứu và cầm bút suy nghĩ và viết trái với ý của lãnh đạo:
“Bên cạnh số đông văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, cũng có những người phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí cực đoan, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi của dân tộc. Cá biệt, có người còn lên tiếng đòi “hạ bệ”, “giải thiêng”, “bôi đen” các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của chế độ.“

Trước mặt những người đứng đầu các cơ quan văn hóa, văn học trong cuộc họp quan trọng này, Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh cho họ trong thời gian tới phải ngăn cấm những nghiên cứu, phê bình và sáng tác trái với quan điểm của Đảng và ông kết án đó là những cái „phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng “lai căng” „ và ông đã ra lệnh cần phải „loại trừ“:
“Phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng sai trái đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của Tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng “lai căng”, thương mại hóa hoặc chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng”.

Để giúp đỡ và thưởng cho những người cầm đầu các cơ quan và hội đoàn văn hóa ,văn học của Đảng trong công tác ngăn cấm và trừng trị những người cầm bút cứng đầu, Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ chính trị đã có quyết định dành ngân sách rất lớn cho các hoạt động này và đã giao cho chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thi hành:
“Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định “Hỗ trợ cho các công trình văn học, nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2011 – 2015″. Nguồn kinh phí tuy chưa nhiều (khoảng 80 tỉ/năm) nhưng đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hội văn học nghệ thuật cả nước.“ [Thực ra nếu tính cả ngân sách dành cho các báo và đài lề đảng thì lên tới cả hàng ngàn tỉ mỗi năm]

Nhóm “Mở miệng“ và Luận văn của Đỗ Thị Thoan bị rơi vào tầm bắn
Riêng trong lãnh vực nghiên cứu văn học, để thực hiện chính sách chỉ huy và định hướng văn học và „loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa“ mà ông Trọng đã nêu rõ trong cuộc họp trên, không lâu sau Ban Cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và đào tạo đã tìm ra được một nơi làm thí điểm để đánh. Ban Giám đốc Đại học Sư phạm Hà nội được chỉ thị phải thành lập một Hội đồng Giám khảo mới xét lại Luận văn Thạc sĩ “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan, tức nhà văn Nhã Thuyên. Đại học Sư phạm Hà nội đã ra Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11. 3. 2014 và ba ngày sau ra Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14. 3. 2014, hủy bỏ Luận văn trên và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan. Hiện Luận văn này còn bị tịch thu và cấm lưu hành! Ngoài ra người hướng dẫn Luận văn này là PGS. TS Nguyễn Thị Bình cũng bị ép phải nghỉ việc sớm! Trong quyết định này những người có liên hệ trực tiếp là Đỗ Thị Thoan và Hội đồng Giám khảo cũ đã không được hỏi ý kiến, không được quyền phản biện, đồng thời lí do hủy bỏ Luận văn và tước bằng Thạc sĩ của chị Thoan, cũng như cách chức giáo sư Nguyễn Thị Bình cũng không được công bố.
Mặc dầu 4 năm trước Luận văn của nữ sinh viên Đỗ Thị Thoan, sinh năm 1986, „Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” gồm 116 trang tháng 11.2010 đã được Hội đồng Giám khảo của Đại học Sư phạm Hà nội chấm điểm cao nhất 10/10 và trao bằng Thạc sĩ cho cô Đỗ Thị Thoan.

Nhóm “Mở Miệng“ là ai, viết gì, nghĩ như thế nào?
Nhóm Mở miệng mới khai trương vào năm 2002 với thi phẩm “Mở miệng” và sau này cũng là tên gọi của nhóm gồm hầu hết là những người trẻ, sinh ra sau 1975, nhiều người đã theo học ngành ngữ văn tại Đại học ở Sài gòn. Nghĩa là họ trưởng thành và được hướng dẫn từ thời kì sau „giải phóng“ dưới trật tự và văn hóa của xã hội XHCN để trở thành những „con người XHCN mẫu mực“. Những người chính chủ trương nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản „Giấy Vụn“ là thơ Bùi Chát, Lý Ðợi, Khúc Duy và Nguyên Quán.
Nhưng thế hệ trẻ của họ đã nhìn thấy tận mắt hàng ngày nhiều cảnh trái tai gai mắt; trong khi tuyên bố chống tham nhũng thì chính các quan lớn lại tham nhũng ăn bẩn nhất; tuyên bố chính quyền của dân và vì dân thì lại ra lệnh cho công an đàn áp nông dân biểu tình, công nhân đình công, đàn áp tín đồ các tôn giáo, giam giữ nhiều chuyên viên, trí thức tên tuổi là thầy và đàn anh của họ. Nghĩa là không khác gì chế độ thực dân Pháp trước đây một thế kỉ, trong học đường thì dậy dân chủ, Montesquieu và Jean-Jacques Rousseau… nhưng ngoài xã hội thì bọn thực dân và bọn quan bản xứ lại bóc lột và đàn áp dân lành, tù đày những người yêu nước.
Là những người trẻ có nhiều nhiệt huyết, hăng hái cho nên không thể nhắm mắt làm ngơ trước những cảnh trái tai gai mắt, đạo đức giả của giới cầm quyền. Họ đã dùng những câu thơ, những lời nói ví von và cả những ngôn ngữ tục để vẽ lại những hình ảnh sống đầy mâu thuẫn, nhiễu nhương, gian dối về bức tranh vân cẩu của chế độ XHCN chĩa mũi dùi đánh đổ các thần tượng, nhưng thực ra lại chỉ là những lãnh tụ đạo đức giả, dân chủ giả. Một số bài thơ của Bùi Chát trong Mở Miệng được truyền khẩu trong nhiều giới như:

Thói
-Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
-Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
-Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
-Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
-Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
-Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!
-Các ông cho chúng tôi được biểu tình nhé!
-Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
-Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
-Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
-Các ông cho chúng tôi đá đít các ông nhé!
-Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!

Ðèn đỏ
Tôi đứng trước một ngã tư
Ðèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi, nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Chúng tôi không bay lên được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua màu đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mặt.

Ai?
Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những thứ thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ
Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn
Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngôi nhà đen đủi này
Ai muốn thừa kế di sản của họ?

Từ gọi bằng „Ông“ rồi dùng hình tượng „Đèn đỏ“ và sau cùng gọi thẳng tên „Người Cộng sản“ ra kể tội rất rõ ràng, sắc bén và thâm thúy đi thẳng vào lòng người, ai cũng cảm nhận được.

Vài năm trước nữ sinh viên Đỗ Thị Thoan đã dùng các sáng tác thơ văn của nhóm „Mở miệng“ để làm đề tài nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Hà nội trong luận văn „“Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” “. Luận văn của Chị đã được Hội đồng giám khảo chấm điểm 10 là điểm cao nhất cho Thạc sĩ (ThS) Đỗ Thị Thoan. Bằng tinh thần khoa học trong văn học và tâm tình của người phụ nữ trẻ Đỗ Thị Thoan đã phân tích nhiều khía cạnh khác nhau các bài thơ và hoạt động của nhóm Mở miệng với nhà xuất bản Giấy vụn. Chị cũng nghiên cứu tìm hiểu các nguyên nhân tại sao và trong những hoàn cảnh nào đã có những bài thơ với nội dung và ngôn ngữ tả chân và „nổi loạn“ như vậy. Trong Luận văn Chị cũng so sánh và đối chiếu với một số phong trào thơ văn tương tự như Mở miệng ở nhiều nước ngoài trước đây cũng trong những giai đoạn độc tài như ở VN hiện nay. Bằng tinh thần nghiên cứu khoa học và tấm lòng chân thực Đỗ Thị Thoan đã nêu đúng được nhiều đặc điểm của các bài thơ trong nhóm „Mở miệng“. Như tên gọi của nó, những người làm thơ trẻ tuổi đã viết trực tiếp theo lối tả chân rất sống động và trung thực với lòng mình về các bức tranh vân cẩu dưới XHCN không chỉ trong chính trị, văn học mà cả những cảnh bất công hàng ngày của người dân. Chính họ cũng tự khôi hài coi thơ văn của họ như „thơ rác, thơ nghĩa địa“…
Trong hoàn cảnh bưng bít và đè nén của chế độ toàn trị cả trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, nhiều người cầm bút cam tâm bẻ cong ngòi bút, né tránh những đề tài nóng và nhạy cảm; nhưng Đỗ Thị Thoan dám chọn đề tài rất nhạy cảm để viết luận văn và quyết định của Hội đồng Giám khảo cho chị điểm cao nhất. Đúng ra nếu là một xã hội văn minh và có những người lãnh đạo tử tế, có nhân cách và tầm nhìn xa thì Luận văn của Đỗ Thị Thoan và Ban Giám khảo phải được trân trọng coi là hành động can đảm, một điểm son như bông sen nở tươi thắm và tỏa hương thơm giữa ao tù bùn lầy nhơ nhuốc!
Vì thế khi được tin là Luận văn của Chị đã bị hủy, riêng Chị bị tước bằng Thạc sĩ, cả Phó giáo sư hướng dẫn Chị, bà Nguyễn Thị Bình cũng bị ép phải nghỉ sớm trước 5 năm; thậm chí Luận văn của Chị còn bị tịch thu và cấm phổ biến, nên nhiều giới đã lên tiếng cực lực phản đối. Nhiều nhà nghiên cứu và phê bình văn học, nhiều nhà khoa học và giáo sư, nhiều người cầm bút tên tuổi trong và ngoài nước đã viết bài, gửi thư ngỏ với hàng trăm chữ kí tới nhà cầm quyền tố cáo việc làm chính trị hóa, phản khoa học, độc tài, chà đạp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận… và đòi phải rút ngay quyết định cực kì sai lầm này. Những đòi hỏi chính đáng này đang được nhiều giới ở trong nước ủng hộ, kể cả nhiều đảng viên tiến bộ, đồng thời tạo được chú ý và thiện cảm của dư luận quốc tế.

Báo Đảng cũng kết tội „phản văn hóa“
Nhưng trước những phê bình và yêu cầu thành thực của các giới nghiên cứu văn học, giáo sư và những người cầm bút thì những người cầm đầu chế độ toàn trị đã không biết điều, không biết rõ phải trái, cho nên họ đang tìm cách phản công một cách rẫy rụa như con đĩa bị rơi vào thùng vôi!
Mới vài ngày trước những người cầm đầu Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lí luận Trung ương đã phản công bằng việc cho phổ biến bài „Họ đâu cần quan tâm tới khoa học..“ trên cả tờ „Nhân dân“ lẫn tờ „Cộng sản“ điện tử (16.4.14), hai cơ quan báo chí hàng đầu của chế độ toàn trị. Trong bài xã luận dài này họ đã lập lại đúng các ngôn ngữ của Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn 21.9.13 để thóa mạ luận văn của ThS Thoan như là „phản văn hóa“ và các sáng tác thơ văn của nhóm „Mở miệng“ là “thơ dơ, thơ rác”. Tuy họ không nói ra thế nào là „phản văn hóa“, nhưng ai cũng hiểu là ý họ muốn nói ở đây: Các văn nghệ sĩ nào nghiên cứu hay sáng tác mà không tuân theo lệnh của các cai văn nghệ thì các tác phẩm của họ đều bị xếp vào „phản văn hóa“. Còn các giáo sư và sinh viên không theo đúng chỉ thị của các Ban Cán sự Đảng trong các Đại học khi làm công tác nghiên cứu thì các luận văn sẽ cũng bị xếp vào „phản văn hóa“! Trong bài trên họ cũng không dám định nghĩa thế nào là „thơ dơ, thơ rác“; nhưng ai cũng hiểu, theo họ những bài thơ chống chế độ toàn trị, đánh đổ thần tượng hay vạch trần sự cúi đầu trước Bắc kinh đều là „thơ dơ, thơ rác“ cả! Còn những bài thơ ca tụng bạo chúa Stalin của Tố Hữu thì mới là đỉnh cao của văn nghệ và nhà thơ cách mạng hàng đầu! Các sáng tác văn nghệ làm công việc tô hồng chế độ toàn trị và vẽ rồng cho lãnh tụ mới là văn nghệ chân chính!!!
Tuân lệnh của thượng cấp là văn hóa, văn nghệ phải phục vụ chính trị như Nguyễn Phú Trọng đã nói tại cuộc họp ngày 21.9.13, nên hai tác giả bài trên đã hằn học và khẳng định độc đoán là các sáng tác „của “Mở miệng” không thể là đối tượng nghiên cứu của khoa học Ngữ văn“. Vì thế họ càng bức tức việc Đỗ Thị Thoan đã chọn nhóm Mở miệng làm đề tài nghiên cứu văn học và lại còn khen tinh thần của nhóm này. Cho nên họ đã kết án Chị, „Còn với “Mở miệng”, không gì có thể biện hộ cho ÐTT khi coi đó là sản phẩm kêu gọi “tự do ngôn luận, tự do sáng tác, tự do xuất bản”. Khôi hài bi đát là, bài viết chống tự do tư tưởng này lại phổ biến chỉ vài hôm trước „Ngày sách VN 21.4“!

Để bào chữa cho việc bóp chết tự do sáng tác trong văn học, các tác giả bài „Họ đâu cần quan tâm tới khoa học..“ còn kênh kiệu làm như hiểu biết rõ ràng và rộng lớn, đã viện dẫn hai thí dụ bị tước bằng Tiễn sĩ của hai chính trị gia tên tuổi ở Đức mới đây để biện minh cho việc làm của Đại học Sự phạm Hà nội trong việc tước bằng Thạc sĩ và hủy bỏ Luận văn của Đỗ Thị Thoan. Nhưng ở đây họ đã cố tình dẫn chứng sai lầm. Trong khi hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giáo dục ở Đức đã bị tước bằng Tiến sĩ vì hai người đã vi phạm những qui luật trong khi làm luận án, như trích dẫn nhiều sách của những tác giả khác mà lại không đưa rõ xuất xứ làm như của chính mình. Nghĩa là hai người này bị tước học vị Tiến sĩ vì phạm tội đạo văn, chứ không dính dáng gì tới nội dung hay quan điểm của họ. Trong khi đó Luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan đã bị Hội đồng Giám khảo mới thành lập làm việc theo mệnh lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương, hủy bỏ vì lí do quan điểm và lập trường chính trị về một đề tài văn học thời đại. Vì thế đúng ra cái tựa bài „Họ đâu cần quan tâm tới khoa học..“ phải ném trả lại cho chính hai tác giả này và đặc biệt cho hai cơ quan báo chí đứng đầu chế độ toàn trị là tờ Nhân dân và Cộng sản, chỉ thích bôi nhọ người khác quan điểm với mình nhưng tuyệt nhiên không tôn trọng sự thật và khách quan!
Mặc dầu hàng trăm chuyên viên, giáo sư, văn nghệ sĩ đã viết thư yêu cầu Đại học sư phạm Hà nội và Bộ Giáo dục đào tạo phải giải thích và rút lại quyết định chính trị hóa cả trong công tác nghiên cứu trong văn học qua việc hủy bỏ Luận văn và tước bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, nhưng tới nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vẫn giữ thái độ im thin thít, mặc dầu Bộ Giáo dục dưới quyền chính phủ của ông. Mọi người còn nhớ vào dịp đầu năm trong „Thông điệp năm mới 2014“ Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố giương cao ngọn cờ dân chủ và khẳng định, “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.“!
Những sự im lặng đáng khinh của những người có trách nhiệm và sự lên tiếng mạ lị của những người dưới quyền dẫn tới việc hủy bỏ Luận văn và tước bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan phản ảnh thái độ thường thấy trong chế độ độc tài: Khi người cầm đầu ra lệnh thì các cấp, tùy theo lãnh vực, chỉ làm công tác như đàn chó săn hay như đàn cừu, sủa lớn hoặc chạy theo người chủ chiên!

Các xã hội văn minh tiếp cận và đối xử với các phong trào văn hóa, văn nghệ mới như thế nào?
Chúng ta mỗi người hãy để lòng mình yên tĩnh, nhìn lại và so sánh sự phát triển khoa học, văn hóa, văn học của nhiều xã hội văn minh với VN dưới thời XHCN từ hơn nửa thế kỉ trở lại đây. Chúng ta đã từng thấy trong nhiều phong trào văn hóa, văn học, âm nhạc, hội họa ở nhiều nước trong thế kỉ 20, nhất là hạ bán thế kỉ trước. Mọi người còn nhớ vào hậu bán Thế kỉ 20 để chống lại những lối sống, lối suy nghĩ bảo thủ, cách ăn mặc quá nghiêm trang của các thế hệ cha ông, nên trong giới trẻ và và văn nghệ sĩ ở Âu, Mĩ đã bung ra phong trào thường được gọi là „nổi loạn“, như Hyppi, con trai để tóc dài tới lưng, còn thanh nữ thì mặc váy cực ngắn, hát nhạc Beatles, theo lối sống hiện sinh thời J. Paul Sartre, và giới sinh viên được gọi là „Thế hệ 68“ với phong trào phản chiến.
Hay lối hội họa lập dị của Picasso cũng đã có thời bị bên này hay bên kia kết án. Đầu thập niên 50 của thế kỉ trước bức tranh „Thảm sát“ trong chiến tranh Triều tiên của ông bị Mĩ chỉ trích, trong khi ấy bức họa „Chân dung Stalin“ thì bị những người Cộng sản không ưa, tuy ông là một đảng viên Cộng sản, nhưng bức tranh bồ câu của ông biểu tượng cho hòa bình đã được thế giới chiêm ngưỡng. Cho tới nay những bức tranh của Picasso có giá cả hàng triệu Mĩ kim, dù ông đã mất. Cái đáng quí của những tranh này mà dư luận nhìn nhận là người họa sĩ đã dám diễn tả thực với lòng mình, bất kể áp lực từ đâu!
Khi ấy cũng có những người cũng không ưa lối ăn mặc lập dị, „decadent“, nổi loạn hay cách vẽ trìu tượng của giới trẻ và những trí thức, văn nghệ sĩ. Nhưng nhiều giới, cả chính giới các nước này đã không chỉ công nhận mà còn để tự do cho những hiện hượng và phong trào văn hóa mới. Họ để cho dư luận và các nhà phê bình tự phán xét. Chính lòng khoan dung và kiến thức rộng nên các xã hội này coi các hiện tượng trên chỉ là những phong trào trong từng thời kì. Nó không làm hại xã hội, trái lại nó làm cho xã hội sống động hơn, nhiều mầu sắc tươi đẹp hơn; nghĩa là nó làm phong phú thêm cho xã hội, khiến cho các thế hệ từ già đến trẻ đều cảm thấy mình có chỗ đứng, được nhìn nhận bình đẳng và dân chủ. Chính nhờ hiểu và biết áp dụng nghệ thuật và phong cách quản lí xã hội điêu luyện như trên của giới cầm quyền cũng như các tổ chức biết ý thức trách nhiệm nên các xã hội này tránh được những tai hại đàn áp và tiêu diệt lẫn nhau và làm cho xã hội phát triển hài hòa, ổn định, dân chủ và văn minh.

Thái độ cao ngạo, tầm nhìn ếch ngồi đáy giếng của lãnh đạo trong văn hóa, văn học thời XHCN ở VN
Trái lại ở những xã hội độc tài, giới cầm quyền tự cho mình quyền phê phán và ra lệnh cả trong các lãnh vực khoa học, văn hóa, văn học. Hễ thấy gì trái tai gai mắt, không hợp thị hiếu hay quan điểm chính trị của riêng mình liền bị qui kết là „suy thoái đạo đức“, „phản văn hóa“ để cuối cùng chỉ còn những phần tử ngu dốt, đạo đức giả độc quyền vỗ ngực rao bán kiến thức sai lầm và đạo đức giả!
Đầu óc nghèo nàn chật hẹp của những người có quyền lực làm cho đất nước và xã hội nghèo nàn và độc đoán trong tư tưởng, chính trị, mà cả nghèo nàn trong kinh tế, giáo dục và văn học. Cuối cùng dẫn tới xã hội xuống dốc, buồn thiu!
Câu hỏi trung tâm với Nguyễn Phú Trọng là, trong diễn văn tại Hội nghị ngày 21.9. 13 ông chỉ nêu ra hiện tượng nhưng lại không nói rõ nguyên nhân: Tại sao Đảng xuyên qua Chính phủ bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các hội văn hóa, văn nghệ và báo chí, nhưng vẫn không có một tác phẩm nào ra hồn? Có phải chính chính sách „định hướng thông tin“, „định hướng tư tưởng“ mà các nạn nhân là trí thức và văn nghệ sĩ hiểu là các biện pháp bẻ cong ngòi bút, treo bút….đã làm thui chột tài năng của người cầm bút, người nghiên cứu, làm cho suốt hơn 60 năm dưới sự cai trị theo mô hình XHCN nên VN không có một tác phẩm văn học hay công trình nghiên cứu nào có tầm vóc quốc tế!
Điển hình từ cuộc thanh trừng và đàn áp tàn bạo Nhân văn Giai phẩm trong thập niên 50, tới các cuộc „đốt sách báo đồi trụy“, cấm „Nhạc vàng“ sau 1975, rồi vừa „cởi trói“ lại bịt miệng ngay sau 1986. Mới vài năm trước Nguyễn Tấn Dũng còn ra quyết định cấm chuyên viên, trí thức được phản biện công khai về những vấn đề bức xúc của nhân dân và đất nước. Khi phong trào của các nhân sĩ, trí thức, thanh niên và đảng viên tiến bộ tố cáo trò giả vờ sửa đổi Hiến pháp bung lên 2012-13 thì Nguyễn Phú Trọng đã phê phán họ là „suy thoái đạo đức“ và ra lệnh cho bọn dưới quyền phải phản công!
Vì thế, thay vì những sáng tác có giá trị thì chỉ toàn những bài ca ngợi Đảng, Bác, lãnh tụ….và những bài mạ lị, bôi nhọ những nhà khoa học, trí thức và người cầm bút lương thiện có lương tâm! Cho nên sai lầm cứ chồng chất trong mọi lãnh vực, bọn tham quan và các nhóm lợi ích đang thả cửa đục khoét ngân sách quốc gia! Thái độ ác với dân hèn với giặc đã khiến Bắc kinh đang được đằng chân lân đằng đầu gia tăng đe dọa các hải đảo, tài nguyên và độc lập của VN!
Không những thế hiện nay chính ông Trọng đã châm ngòi cho các người cầm đầu các cơ quan văn hóa, văn học, giáo dục tại cuộc họp ngày 21.9.13 để dẫn tới việc Đại học Sư phạm Hà nội hủy bỏ Luận văn và tước học hàm Thạc sĩ của chị Đỗ Thị Thoan và kết án nhóm thơ văn „Mở miệng“, trong đó hầu hết là những người trẻ chỉ như con cháu của ông sinh ra và lớn lên trong xã hội XHCN nhưng đã dám có những cái nhìn khác với thế hệ đi trước. Nay ông Trọng lại còn để cho hai tờ báo lớn của Đảng dưới quyền của ông phổ biến bài mạ lị các giáo sư và các văn nghệ sĩ lên tiếng phản đối việc làm cực kì sai trái, phản khoa học của Bộ Giáo dục Đào tạo và Đại học Sư phạm Hà nội!
Nhân ngày 30.4 một mặt ông cho cấp dưới hô hoán trở lại khẩu hiệu „Hòa giải“ với người Việt hải ngoại, nhưng cùng lúc ở ngay trong nước ông vẫn giữ thái độ chính trị cao ngạo, tầm nhìn ếch ngồi đáy giếng, tiếp tục đàn áp các thế hệ trẻ sinh sau 1975, khinh thường các chuyên viên, trí thức đã từng hi sinh cả đời cho chế độ; rõ ràng như việc bôi nhọ nhóm Mở miệng và hủy Luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan nghiên cứu về nhóm này, rồi lại mạt sát các giáo sư và nhân sĩ yêu cầu hủy bỏ việc làm sai trái này. Không khoan dung, không nhìn nhận những quan điểm khác của giới trẻ, không dám hòa giải ngay với giới trẻ và các chuyên viên, trí thức ở trong nước thì nói hòa giải với người Việt ở nước ngoai, ai nghe? Như thế làm sao có thể thuyết phục và tạo lại niềm tin?

***

Ông Trọng cũng có học hàm Tiến sĩ Ngữ văn, nhưng có lúc nào ông đã tự vấn lương tâm, tự hỏi mình để thấy rằng, văn hóa và văn học không phải nhất thiết phải chạy theo chính trị, con tim có lí lẽ của con tim. Trong lịch sử nhân loại đã chứng minh là, nhiều khi tôn giáo và chính trị phải biết phục tùng khoa học và văn hóa. Khám phá quả đất quay tròn theo mặt trời của khoa học gia G. Galilei chống lại quan điểm của Giáo hội Thiên chúa giáo khi ấy. Sự sụp đổ của Liên xô và các nước CS Đông Âu cũng phủ nhận toàn bộ định đề về sự lớn mạnh và tất thắng của chủ nghĩa Marx-Lenin và Thế giới CS. Dù Galilei bị Giáo hội giam cầm, nhưng trái đất vẫn quay theo mặt trời; hay giết hại hàng chục triệu người ở Liên xô, Trung quốc, Đông Âu và VN cũng không làm cho các chế độ CS tồn tại lâu. Sự thật bao giờ cũng là sự thật! Hay ông Trọng vẫn còn nghĩ rằng, trong thời đại khoa học điện tử và toàn cầu hóa, nhưng ông vẫn có thể xoay kim đồng hồ ngược chiều thì ông có thể kéo thời gian lùi lại?

Chính chế độ toàn trị với chính sách cùm kẹp, đe dọa, định hướng trong khoa học, văn hóa không chỉ tạo ra độc tài, đàn áp mà còn làm nhân dân nghèo đói, nó cũng dẫn tới nghèo nàn cả trong tư tưởng, văn hóa, giáo dục làm cho đạo đức và kỉ cương của xã hội suy đồi! Chế độ toàn trị thủ tiêu tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, đó mới là nguy cơ chính cho đất nước!

Kinh nghiệm ở nhiều nước văn minh và phồn thịnh cho thấy, các sáng tác văn học và nghiên cứu khoa học thường vươn lên khi những nghệ sĩ được tự do sáng tác, được sống thực với lòng mình, dám diễn tả chân thực những gì họ nghe, nhìn và cảm thấy trong cuộc sống trong xã hội. Nếu chế độ chính trị biết tôn trọng và vinh danh những người hoạt động tư tưởng, văn học và khoa học để cho họ được tự do khám phá, tìm tòi, nghiên cứu những cái mới, những cái bất công, những cái sai lầm để xã hội vươn lên, tránh những lỗi lầm cũ thì xã hội đó chắc chắn sẽ tiến lên phồn thịnh, dân chủ và văn minh. Đây là cơ sở để kiến tạo hạnh phúc cho nhân dân và độc lập thực sự cho đất nước!

Hãy để cho dư luận xã hội, những nhà phê bình chân chính và luật pháp công minh nhận xét và phê phán các công trình khoa học, văn hóa và văn học! Đây là con đường đúng đắn và thông minh nhất!

1.5.14
© Âu Dương Thệ
© Đàn Chim Việt



No comments:

Post a Comment

View My Stats