Saturday, 3 May 2014

TẠI SAO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM ? TẠI SAO CÙ HUY HÀ VŨ ? (Ts. Nguyễn Đình Thắng)




Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Saturday, May 03, 2014 @ 22:05:55 EDT

Mấy tuần nay tôi nhận được thắc mắc từ người ở trong lẫn ngoài nước liên quan đến nỗ lực giải thoát cho tù nhân lương tâm.

Có người thắc mắc tại sao lại nêu vấn đề tù nhân lương tâm trong lúc này; tốt hơn nên tranh đấu để Việt Nam có dân chủ thì tự động mọi tù nhân lương tâm sẽ được tự do.

Chúng tôi quan tâm đến tù nhân lương tâm vì cả tình lẫn lý.

Tình: Dân tộc và đất nước là của chung. Thế mà có những người liều mình dấn thân trên tuyến đầu nên lâm nạn thì chúng ta có trách nhiệm giải cứu họ bằng mọi giá.
Lý: Tù nhân lương tâm chính là những dũng tướng trên trận tuyến nhân quyền, dân chủ, độc lập nước nhà. Khi dũng tướng đi đầu thọ nạn mà không giải cứu thì lấy ai xông pha nhằm đem dân chủ đến cho đất nước?

Tranh đấu cho tù nhân lương tâm vừa là trách nhiệm tình cảm vừa là nhu cầu chiến lược.

Ts. Cù Huy Hà Vũ và DB Alan Lowenthal, người đỡ đầu Nguyễn Tiến Trung, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 01/05/2014 (ảnh NTDH)

Và rồi lại có thắc mắc rằng Việt Nam trả tự do cho Ts. Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hữu Cầu, Đinh Đăng Định thì liệu có ru ngủ thế giới cho quên đi số phận của những tù nhân lương tâm khác?

Năm ngoái khi phát động Chiến Dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, chủ trương của chúng tôi là giải thoát cho mọi tù nhân lương tâm, không bỏ sót một ai. (Xem bản tuyên bố chung về chiến dịch này: http://democraticvoicevn.files.wordpress.com/2013/11/joint-statement-regarding-vietnamese-prisoners-of-conscience-07-24-13.pdf)

Trong thực hiện, chúng tôi chia chiến dịch làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu gồm 18 hồ sơ, trong đó 3 hồ sơ vận động trực tiếp với Hành Pháp Hoa Kỳ: Ts. Cù Huy Hà  Vũ, Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày), và Tạ Phong Tần. Sự chọn lựa này có lý do. Ts. Vũ có thể đóng góp kiến thức về hệ thống luật của Việt Nam cho công cuộc tranh đấu để vừa giải thoát những tù nhân lương tâm khác vừa vô hiệu hoá các công cụ bạo lực nhắm vào các nhà tranh đấu. Blogger Điếu Cày là người tiên phong trong phong trào đòi tự do báo chí, người anh cả trong hàng ngũ bloggers, và là tiếng nói hàng đầu chống Trung Quốc. Cô Tạ Phong Tần là tấm gương phụ nữ can đảm, đã rời bỏ hàng ngũ bạo lực và chấp nhận mọi khó khăn khi đứng về phía dân. Tổng hợp lại, tiếng nói của cả 3 người này sẽ ảnh hưởng quốc tế lẫn quốc nội. 

Số 15 hồ sơ còn lại thì vận động qua Quốc Hội: Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Phương Uyên, LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Lía, Trần Hoài An, Hồ Thị Bich Khương, Mục Sư Dương Kim Khải, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Vũ Anh Bình, và Võ  Minh Trí  (Việt Khang). Số người này được đưa vào chương trình “đỡ đầu” tù nhân lương tâm của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos. Mỗi người tiêu biểu cho một thành phần khác nhau và đòi tự do cho họ cũng là tranh đấu chung cho những hồ sơ cùng thành phần.

Trong số 15 hồ sơ này, chúng tôi chọn Đỗ Thị Minh Hạnh làm mũi nhọn vì liên quan đến quyền lao động, yếu tố có thể đẩy lùi thương ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang rất cần. Đó là lý do Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos mời Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, điều trần đầu năm nay. Cuộc điều trần này tạo được sự chú ý của lực lượng bảo vệ quyền lao động ở Hoa Kỳ. Lực lượng này rất hiệu quả trong việc đẩy lùi TPP.  

Bên cạnh đó, chúng tôi vận động tự do cho những trường hợp tù nhân lương tâm cao tuổi hay có sức khoẻ yếu, như Nguyễn Hữu Cầu, Đinh Đăng Định, Mai Thị Dung... Danh sách những người này được liệt kê ở: http://democraticvoicevn.files.wordpress.com/2014/01/vietnam-torture-and-abuse-01-16-2014.pdf, trang 78.

Đó là giai đoạn đầu.

Giai đoạn hai là đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đã có hồ sơ. Hiện nay có khoảng 200 hồ sơ như vậy.

Giai đoạn ba là đòi tự do cho những hồ sơ ít ai biết đến -- phần lớn họ thuộc các sắc dân thiểu số hay bản địa như đồng bào Hmong, Montagnard và Khmer Krom.

Chiến Dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm phối hợp và bổ túc nỗ lực của nhiều người và nhiều nhóm để thành một chiến dịch quy củ và quy mô nhằm đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, không sót một ai.


Bài liên quan:
Bảo Vệ Đội Ngũ Tiên Phong Của Nền Dân Chủ Tương Lai:
Lộ Trình Đòi Trả Tự Do Cho Các Tù Nhân Lương Tâm




No comments:

Post a Comment

View My Stats