Wednesday 14 May 2014

SUY NGHĨ VỀ CUỘC BIỂU TÌNH CỦA CÔNG NHÂN BÌNH DƯƠNG (Hà Hiển)




14/05/2014

Sự kiện bột phát và bất ngờ không chỉ với Nhà nước

Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vừa xảy ra trong các ngày 12 và 13/5 vừa qua tại Bình Dương đã thu hút hàng chục ngàn công nhân tham gia – một số lượng mà những tổ chức xã hội dân sự đưa ra những lời kêu gọi biểu tình vừa qua chắc chắn không dám “mơ” tới.

Nhưng có thể nói ngay được rằng cuộc biểu tình của công nhân tại Bình Dương không phải xuất phát từ  những lời kêu gọi của các “tổ chức dân sự” ấy. Bởi lẽ nếu đáp ứng những lời kêu gọi ấy thì trước đó 2 ngày, tức là vào ngày Chủ nhật 11/5, họ đã tham gia rồi. Biểu tình vào chủ nhật hàng tuần vốn là hoạt động được kêu gọi bởi các tổ chức này mỗi khi xảy ra các hành vi gây hấn ngạo ngược của TQ từ nhiều năm nay với sự tham gia chủ yếu là một số nhân sĩ trí thức quen thuộc.

Sự hăm hở, nhiệt tình và không khí sôi động của cuộc biểu tình tại Bình Dương cũng cho thấy nó không phải do các cơ quan đoàn thể nào của Nhà nước phát động, trái ngược với sự uể oải, buồn tẻ, thụ động mà người ta thường thấy trên gương mặt của những người được Nhà nước huy động tham gia vào các cuộc mit-tinh hay sự kiện tập thể có tính định hướng nào đó, mà trong bầu không khí ấy thì cho dù số lượng có đông đến đâu thì cũng không thể tạo ra được một sự sôi động nào.

Vậy thì có thể nói cuộc biểu tình của công nhân Bình Dương không do ai “xúi giục” cả.  Đó là một cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát, có tính bùng nổ dây chuyền phát sinh từ sự bức xúc đối với hành vi xâm lược của TQ và có thể cả từ những ẩn ức khác đã tích tụ trong một thời gian dài.

Đây có thể là điều hoàn toàn bất ngờ không chỉ đối với Nhà nước mà còn bất ngờ  đối với cả các “tổ chức xã hội dân sự” nữa khi một bên thì “buông lỏng” sự lãnh đạo mà lẽ ra nó phải nắm lấy,  còn bên kia thì hoặc là không được phép tiếp cận, hoặc là dường như chỉ hướng đến tầng lớp nhân sĩ trí thức “tinh hoa” mà quên mất một lực lượng quần chúng đông đảo.

Và trong một bối cảnh như thế, những người công nhân tại Bình Dương đã tự phát làm một cuộc biểu dương lực lượng như để truyền đi một thông điệp rằng chúng tôi không chỉ mải lo “kiếm cơm” hàng ngày như quan niệm của nhiều người mà  cũng là một lực lượng quan trọng không thể không tính đến trong các sinh hoạt chính trị của đất nước.

Đây phải là điều đáng mừng trong tình cảnh xã hội hiện nay.

Cảnh báo, ngăn chặn là cần thiết nhưng không nên nghiêm trọng hóa quá mức yếu tố tiêu cực.

Vì là cuộc biểu tình tự phát nên việc nó đi quá một giới hạn nào đó hoặc có những kẻ đầu trộm đuôi cướp mượn gió bẻ măng thì cũng chỉ là một chuyện “bất thường trong cái bình thường”. Đây cũng là yếu tố tiêu cực trong cuộc biểu tình ở Bình Dương.

Nói như thế không có nghĩa là người viết bài này bào chữa cho những hành vi bạo lực phá hoại, cướp bóc tài sản và gây rối xuất hiện trong cuộc biểu tình tự phát này như một số trang mạng đã đưa tin.
Nhưng trong một cuộc biểu tình tự phát với số lượng lên đến hàng chục ngàn người tham gia như vụ biểu tình ở Bình Dương thì rất khó tránh khỏi một số hành vi quá đà hoặc thậm chí bị các đối tượng lưu manh lợi dụng để cướp bóc hoặc thực hiện những trò bất lương khác.

Theo các thông tin mới nhất thì các cơ quan bảo vệ pháp luật không dung túng mà đã xử lý kiên quyết bằng cách bắt giữ những đối tượng này và chính quyền cũng đã tổ chức thăm hỏi các cơ sở.bị phá hoại để chuẩn bị phương án bồi thường. Thế là tốt. Đúng theo phương châm quen thuộc là “sai đâu sửa đó”.

Báo chí nếu phê phán hay lên án thì hãy lên án trực diện những kẻ xấu này, vạch được mặt chỉ được tên để giúp các cơ quan chức năng xử lý thì càng tốt nhưng tuyệt đối nên tránh đưa ra những lời dạy bảo giáo huấn đạo đức chung chung rằng yêu nước thì phải “tỉnh táo” thế này hay không được “mù quáng” hay “hung hăng” thế kia. Viết chung chung như thế là thiếu tôn trọng đại đa số những người công nhân đang tràn đầy một tinh thần yêu nước.

Lỗi hoàn toàn không phải ở họ mà là sự thiếu vắng một môi trường xã hội dân sự để hướng những hành vi của họ không bị cuốn vào những việc vượt ra ngoài các chuẩn mực về đạo đức và pháp lý. Điều này đã được T.S Nguyễn Quang A phân tích khá thấu đáo, người viết không cần phải nhắc lại ở đây.

Trung Quốc không thể có bất cứ lý do gì để gây chuyện

Nhưng Trung Quốc cũng không thể có bất kỳ lý do gì để nhân sự kiện này có thể “can thiệp bảo vệ người và tài sản của họ” hay gây chuyện gì với Việt Nam như  ông Nguyễn Quang A và một số người đã bày tỏ sự lo ngại một cách công khai trên một số trang mạng. Lo ngại và cảnh báo là tốt nhưng nếu không khéo thì sẽ bị kẻ xâm lược lợi dụng – chúng sẽ nhân đó mà thổi phồng những quan ngại đó để vu cáo chúng ta. Cần phải thể hiện cho Bắc Kinh biết – các người không có bất kỳ lý do gì để nêu bất cứ  chuyện gì khi Việt Nam đang xử lý vấn đề phát sinh này một cách nghiêm túc theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế. Không có chuyện gì để nói với các người lúc này ngoài việc các người phải rút ngay và không điều kiện cái giàn khoan xâm lược HD- 981 và toàn bộ tàu bè đang hoạt động phi pháp của các người ra khỏi lãnh thổ Việt Nam!



No comments:

Post a Comment

View My Stats