Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Việt Báo Ngày 140523
Saturday, May 24, 2014
Có những ngày mà các nhà bình luận phải viết mục
định kỳ chỉ mong được như Võ Phiến viết: "một ngày để tùy nghi". Tức
là muốn viết gì thì viết - hoặc chẳng viết gì thì còn hay hơn nữa....
Ngày Thứ Năm 22 Tháng Năm vừa qua không phải là ngày
đó!
Hôm 22, trên "Giới tuyến phương Bắc" NLL
tại Hoàng hải bên bán đảo Triều Tiên, quân đội Nam Bắc Hàn nổ súng vào nhau sau
khi Hải quân Bắc Hàn rót đạn gần một chiến hạm Nam Hàn cạnh đảo Diên Bình ở
phía Nam đường tuyến phân chia Nam-Bắc.
Ít ai chú ý đến eo biển lạnh lẽo ấy vì tại vùng đất
ấm cúng Thái Lan, quân đội chính thức thông báo một cuộc đảo chánh (nữa) hai
ngày sau khi ban bố lệnh Thiết quân luật. Tin đảo chánh tại Thái Lan có thể chỉ
làm thị trường cổ phiếu Đông Nam Á rung chuyển, chứ cái tin lạ tại Trung Quốc
mới khiến thiên hạ giật mình:
Hai xe chất bom đã nổ bên ngôi chợ nằm trong thủ phủ
Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) của Khu Tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ, Uighurs.
Có 31 người chết và 90 người bị thương. Vụ khủng bố tại một trung tâm được công
an canh gác rất chặt chẽ khiến người ta nêu câu hỏi về khả năng kiểm soát an
ninh nội địa của Trung Quốc.
Chuyện ấy xảy ra một ngày sau khi Thủ tướng của Hà
Nội có những tuyên bố cứng rắn nhất tại Manilla của Phi Luật Tân về vụ Trung
Quốc cắm giàn khoan HD981 trên thềm lục địa Việt Nam. Và cũng một ngày sau khi
lãnh đạo Liên bang Nga và Trung Quốc đạt thoả thuận về kế hoạch hợp tác trị giá
400 tỷ đô la trong ba chục năm tới, một kế hoạch mà Tổng thống Vladimir Putin
cho là có ý nghĩa lịch sử. (Cột báo này hôm Thứ Sáu đã viết về kế hoạch đó –
xin miễn nhắc lại).
Nhưng còn lịch sử hơn chuyện Nga-Hoa, đúng một tuần
trước, ngày 15 Tháng Năm, Thủ tướng Shinzo Abe lên truyền hình nói chuyện với
quốc dân – và bàn dân thiên hạ - về một chủ trương mới của Nhật Bản.
Sau khi chỉ định một ủy ban nghiên cứu để cố vấn ông
về nội dung bản Hiến pháp, Thủ tướng Abe cho biết kết quả nghiên cứu là phải
suy diễn lại Hiến pháp, nhất là Điều Chín, để cho phép Nhật Bản được quyền
"phòng thủ tập thể": sử dụng quân đội có danh nghĩa là Tự Vệ vào mục
tiêu bảo vệ các nước khác.
Điều Chín của bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo sau
Thế chiến II có quy định là Nhật Bản không được quyền có quân đội mà chỉ có Lực
lượng Tự vệ Self-Defense Forces. Thủ tướng Nhật mở rộng nội dung của
khái niệm tự vệ và thực tế là đang tái võ trang nước Nhật.
Đáng chú ý là điều này không gây ngạc nhiên: Nhật
Bản chỉ bình thường hóa sự kiện là phải có quân đội để bảo vệ quyền lợi của
mình. Và hôm Thứ Năm 22, một Phó Thủ tướng của Hà Nội đang thăm viếng Nhật Bản
đã cùng Thủ tướng Shinzo Abe lên án Trung Quốc gây căng thẳng trên biển.
Khi gặp một ngày như vậy thì chúng ta không thể tùy
nghi được!
***
Nếu xẻ dọc từng tin, mỗi tin đi ở một trang khác,
thì ta thấy như là chuyện cũ.
Từ năm 1932 đến nay, Quân đội Thái đã đảo chánh 19
lần – có đếm lầm cũng chẳng sai vì còn vài chục vụ không thành! Lần đáo chánh
mới nhất là Tháng Chín năm 2006, khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra vừa đọc xong
bản diễn văn trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York thì bị quân đội lật
đổ ở nhà và phải sống lưu vong từ đó.
Lần này, em gái ông là Thủ tướng Yingluck Shinawatra
thì đã từ chức và chỉ tạm xử lý thường vụ mà vẫn bị Toà Bảo hiến cách chức
trong một vụ đảo chánh bằng luật pháp, rồi bị quân đội tạm câu lưu sau khi các
Tướng lãnh nắm lấy quyền bính!
Sinh năm 1927, Quốc vương Bhumibol Adultadej, vua
Rama đời thứ chín của dòng Chất Tri, là người có uy tín bao trùm lên quân đội
và mọi thành phần xã hội, nên dẹp êm được nhiều biến động chính trị kể từ khi
lên ngôi vào năm 1946. Nhưng ông đã luống tuổi, lâm trọng bệnh và hết kiểm soát
được Hoàng gia và các thế lực bên trong gia đình. Con trai ông là Thái tử Maha
Vajiralongkorn không được quý trọng bằng cô con gái thông thái và hiền hòa là
Công chúa Maha Chakri Sirindhorn. Khi việc kế nhiệm vẫn còn bất trắc như vậy
thì Thái Lan lại bể làm hai.
Gương cờ đỏ, đa số phe ủng hộ các Thủ tướng
Shinawatra là thôn dân tập trung ở các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc. Phe này
thường thắng cử trong mọi cuộc đầu phiếu từ 14 năm nay. Nhưng họ đe dọa quyền lợi
của thành phần khá giả tại khu vực Bangkok, những người thuộc phe áo vàng.
Mâu thuẫn đó kéo dài quá lâu nên còn khơi dậy những
khác biệt sâu xa hơn trong lịch sử, giữa Vương quốc Lan Nạp xuất phát từ đất
Chiang Mai ở miền Bắc với Vương quốc Xiêm La ở miền Nam, từ vùng châu thổ sông
Chao Phraya tới dẻo đất tiếp giáp với Mã Lai Á quanh Vịnh Xiêm La. Thái Lan
đang gặp bất ổn lớn và nếu quân đội có tạm ổn định được trật tự sau hàng loạt
biểu tình bạo động thì cũng khó hàn gắn được những rạn nứt bên trong.
Cả xã hội, Hoàng gia và quân đội đều có thể chia hai
và các định chế nền móng của quốc gia bị đe dọa. Vụ đảo chánh là một bước tiến,
vì chấm dứt bạo loạn, nhưng là tiến... tới bờ vực. Ngoại trưởng John Kerry và Đại sứ Mỹ tại Thái
Lan đã lên tiếng phê phán vụ đảo chánh này.
Từ chuyện mèo Xiêm cọp Thái, xin nói qua chuyện Đông
Thổ....
Tại Trung Quốc, việc sắc dân Duy Ngô Nhĩ (hay Hồi
Hột, Đột Quyết, Đông Thổ) nổi dậy đòi độc lập và áp dụng phương pháp bạo động
cũng là chuyện cũ, đã có từ năm 1949 khi Mao Trạch Đông chiếm đất Tân Cương của
họ. Ngày nay, khi lãnh đạo Bắc Kinh gọi Tân Cương là "hạch tâm nghĩa
lợi" - quyền lợi cốt lõi, tương tự như Tây Tạng - thì hoạt động của sắc
dân này càng mang tính chất bao động, rồi khủng bố. Nổi bật là những biến động ngay
trước khi có Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, hoặc vụ tàn sát cách nay đúng năm
năm khiến 156 người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đã thiệt mạng.
Yếu tố mới là những vụ chém giết thô bạo nhắm vào
thường dân đã xảy ra nhiều nơi ngoài đất Tân Cương. Hôm mùng một Tháng Ba, tại
thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam khoảng một chục người đã rút dao chém bừa
trong nhà ga khiến 29 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Cảnh sát bắn
chết bốn hung thủ tại chỗ, bắt được một nghi can là phụ nữ và truy lùng những
người còn lại mà chưa ra tông tích.
Nhiều nhóm đấu tranh của Đột Quyết đã liên lạc để
tìm sự yểm trợ từ các lực lượng Hồi giáo xưng danh Thánh Chiến tại Trung Á và
Nam Á. Và đường dây tỵ nạn của dân Duy Ngô Nhĩ thì toả rộng xuống Đông Nam Á,
như có thể đã thấy tại Thái Lan. Hay tại Việt Nam với vụ xung đột hôm 18 Tháng
Ba tại cửa Bắc Phong Sinh của tỉnh Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc khiến
bảy người thiệt mạng, kể cả hai sĩ quan biên phòng của Việt Nam.
Biến cố ấy khiến ta nên chú ý tới vấn đề sâu xa hơn
của Bắc Kinh trong cách giải quyết bài toán Duy Ngô Nhĩ, hoặc trong việc thôn
tính và đồng hóa dân Tây Tạng bằng bạo lực.
Tại những nơi đó, từ vùng Tây Nam qua miền Viễn Tây
là Trung Á hay lên tới Nội Mông thì vì lý do địa dư hình thể, Trung Quốc khó
bung ra ngoài. Một nơi duy nhất có thể, chính là lãnh thổ Việt Nam ở miền Bắc,
lần cuối là 35 năm trước, 1979. Nơi kia là Đông hải, là chuyện ngày nay....
Với thế giới bên ngoài, những biến động ngày 22 vừa
qua có thể là chuyện cũ được hâm nóng. Kể cả vụ xung đột Nam Bắc Hàn ngày nay
cũng có thể là sao bản của nhiều đợt trước, khi quân Bắc Hàn đánh đắm tầu tuần
tra Thiên An (Cheonan) của Nam Hàn vào Tháng Ba, rồi pháo kích đảo Diên Bình
(Yeonpyeng) vào Tháng 11 năm 2010, hoặc Bắc Hàn thử nghiệm võ khí hạch tâm và
bắn hỏa tiễn bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Những loại tin rời rạc đó được truyền
thông quốc tế coi là nhàm.
Nhưng
ta nên tự hỏi vì sao Đông Á lại bị nhiều rủi ro hoạn nạn như vậy?
***
Lúc ấy, ta nên lùi lại mà nhìn vào toàn cảnh để thấy
ra nhiều đợt sóng ngầm ở dưới....
Theo đúng quy cách Đông Á, Thái Lan là xứ hiền hòa
đã dốc sức vào phát triển kinh tế và trở thành một trong tám nước tân hưng Đông
Á. Tháng Bảy năm 1997, khi thế giới theo dõi việc Hong Kong "hồi quy cố
quốc", trở về lãnh thổ Trung Quốc, khủng hoảng hối đoái bùng nổ tại Thái
vào mùng hai, rồi lan qua các nước tân hưng Đông Á, lên tới Nam Hàn, qua Liên
bang Nga và dội về Mỹ. Hàng loạt chính quyền Đông Á bị đổ trong năm 1998 và
Thaksin Shinawatra lên làm Thủ tướng Thái sau cơn biến động ấy.
Ông tạo ra những thay đổi xã hội, đem lại hy vọng
cho dân nghèo nhờ chánh sách đại chúng nhuốm mùi mị dân, nhưng lại xâm phạm
quyền lợi của nhiều người và còn đe dọa uy tín của Hoàng gia khi Quốc vương đã
hết khả năng can thiệp. Chuyển động kinh tế dội lên xã hội và dẫn tới khủng
hoảng chính trị mà giới lãnh đạo Thái Lan không giải quyết nổi. Các nhóm lợi
ích đều cố thủ trong thành lũy của mình và xua dân đạp đổ thùng phiếu khi họ
thất cử.
Một xứ dân chủ đã từng đạt mức tăng trưởng cao mà
còn như vậy, huống hồ một xứ độc tài!
Vì vậy, các chế độ độc tài đều vững tin là có lý khi
cho dân được dễ thở về kinh tế còn mình thì phải nắm chặt độc quyền bạo lực.
Trung Quốc dẫn đầu trường phái đó, rồi giật mình khi các nhóm đấu tranh Hồi
giáo của dân Duy Ngô Nhĩ cũng chơi trò bạo lực.
Nhiều xứ Đông Á gặp nhược điểm là phát triển kinh tế
mà không cải cách chính trị để xã hội dân sự được sinh hoạt và góp phần giải
quyết các vấn đề của quốc gia. Hóa ra, giữa kinh tế và chính trị còn có một
gạch nối, hay lực chuyển, là đạo lý: con người ta không chỉ là một sinh vật
kinh tế suy nghĩ bằng cái bao tử. Họ khát khao những điều cao xa hơn vậy, thuộc
về tinh thần.
Không có đạo lý, nhiều nước tìm động lực thay thế là
chính nghĩa dân tộc. Trung Quốc cũng lại dẫn đầu Đông Á trong thường phái này!
Nhân danh quyền lợi Hán tộc và vì nhu cầu phòng thủ
tích cực bằng cách chiếm đóng xứ khác làm vùng trái độn, Trung Quốc mở vùng
trái độn ra biển. Họ thè lưỡi bò đòi nuốt lãnh hải của xứ khác. Trong nhóm
(chưa là khối) quốc gia Đông Nam Á lý tài mà quên đạo lý, nhiều nước có thể bọc
xuôi theo áp lực của Bắc Kinh để trục lợi.
Nhiều nước khác phải tìm chính nghĩa trong chủ nghĩa
dân tộc.
Mô hình phát triển kinh tế Đông Á bằng xuất cảng và
nhắm mắt trước các vấn đề thuộc về đạo lý như nhân quyền hay dân chủ đã bị
khủng hoảng, từ Trung Quốc xuống tới Đông Nam Á. Làn sóng đáy đang nổi lên
chính là tinh thần quốc gia. Mà là tinh thần quốc gia chống Trung Quốc.
Không nơi nào mà hiện tượng đó lại nổi bật bằng Nhật
Bản.
Sau nửa thế kỷ cúi đầu vì tội gây chiến, nước Nhật
không chấp nhận tình trạng bị giải giới trước đà bành trướng của Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh tiến hành việc trang bị Hải quân lẫn binh chủng Đệ nhị Pháo binh
là hỏa tiễn để mở rộng vùng trái độn thì Nhật Bản cũng có nhiệm vụ thiêng liêng
là phòng thủ. Và sẽ phòng thủ tích cực bằng lý luận đưa quân bảo vệ xứ khác.
Cũng là một chính nghĩa quốc tế khi Bắc Hàn uy hiếp Nam Hàn, Trung Quốc có thể
thôn tính Đài Loan và đang uy hiếp các nước Đông Nam Á.
Không chỉ vì chính nghĩa mà còn vì lợi ích thực tế,
Nhật Bản đang sát cánh với Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và lập ra phòng tuyến khó vượt.
Bắc Hàn càng chơi bạo và nói bậy thì Nhật Bản càng có lý cớ tái võ trang.
Thành
thử, sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngần ấy biến động chính là chủ nghĩa quốc gia.
Ngẫm lại thì các nước Đông Á đã qua nhiều thập niên
lầm tưởng rằng phát triển kinh tế sẽ phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước.
Còn lại bên trong, từng chính quyền lại có thẩm quyền đối xử rất tệ với người
dân vì đấy là vấn đề nội bộ mà các xứ khác không được quyền xen lấn. Việt Nam
đã hùng dũng trả lời Hoa Kỳ như vậy khi bị phê phán về tội đàn áp dân chủ chà
đạp nhân quyền.
Trong thế giới lý tài ấy, Trung Quốc đông dân và
trưng thu mạnh nhất nên sau vài chục năm đã có thế lực uy hiếp xứ khác. Vậy mà
họ không ổn định được bên trong, dù có dùng bàn tay sắt như đã từng với dân Tây
Tạng và Hồi giáo. Với bên ngoài, sự hung hăng của Trung Quốc lại khơi dậy chủ
nghĩa dân tộc của các nước.
Đâm
ra sợi chỉ đỏ của Trung Quốc là cái chão đang muốn đóng đai các lân bang.
Trong ngần ấy
lân bang, Việt Nam là nơi mà chủ nghĩa quốc gia lại bị hy sinh cho ý thức hệ và
cho một tinh thần quốc tế rất song phương: quan hệ bốn tốt và 16 chữ vàng với
Trung Quốc! Sau 1975, Việt Nam đã từng đòi làm tên lính Phổ
hung hăng tại Châu Á cho chủ nghĩa cộng sản. Rồi khi Liên Xô tan rã thì gắn bó
vận mệnh với Trung Quốc và ngầm giải quyết mọi chuyện Việt-Hoa trong tinh thần
song phương, cho tới khi Bắc Kinh tự gỡ mặt nạ!
Hôm Thứ sáu 23, tại Manilla, Tư lệnh Hạm đội Thái
bình dương của Hoa Kỳ là Đô đốc Samuel Locklear có tóm lược chuyện này một cách
rất ngoại giao: "Hoa Kỳ muốn xây dựng tinh thần hợp tác với nhiều quốc
gia, kể cả với Việt Nam. Nhưng Việt Nam chỉ là một trong nhiều đối tác."
Diễn ra bạch văn: Việt Nam cứ muốn giữ quan hệ song
phương rất chênh lệch với Trung Quốc nay sẽ gánh họa một mình. Chẳng cái dại
nào giống cái dại nào!
Còn lại, giải quyết ra sao thì xin để tùy nghi....
No comments:
Post a Comment