Sunday, 11 May 2014

QUYỀN TỰ DO HÁT THUỘC VỀ NGƯỜI NGHỆ SĨ . . . NHƯNG KHÁNH LÝ KHÔNG NÊN VỀ NƯỚC HÁT (Hồ Văn Xuân Nhị - Sống Magazine)




04/30/2014 11:47 AM

Nghệ sĩ ca nhạc về nước trình diễn
Câu chuyện về tin nữ ca sĩ Khánh Ly sẽ về Việt Nam hát tại Hà Nội vào tháng 5 này, đã trở thành một đề tài nhiều bàn tán. Nhiều ý kiến thuận, chống trong việc này. Hầu hết những bài viết, phát biểu trên các trang mạng hay báo chí, đều mang tính chất chống đối người ca sĩ này. Dĩ nhiên những ý kiến đưa lên mạng hay báo chí, hầu hết đến  từ những người có tinh thần chống Cộng cao, luôn luôn vững chắc với những quan điểm rất bảo thủ cho dù trên khía cạnh văn nghệ.
Chuyện người nghệ sĩ Việt ở hải ngoại quay trở về quê nhà để hát, hay để sinh sống, không phải là điều mới. Chuyện này đã bắt đầu từ gần 20 năm trước, ngay cả thời gian chính phủ Hoa Kỳ chưa tháo bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam hay chưa có quyết định bang giao với một nước Việt Nam Cộng Sản. Những năm gần đây, càng ngày nhiều hơn số lượng ca sĩ hải ngoại quay về trình diễn trong nước, thậm chí họ gần như dành thời gian đa số sinh hoạt ca hát hay sống ở trong nước, chỉ quay lại nước Mỹ khi có những lời mời trình diễn có cát sê mà thôi. Nhiều nghệ sĩ hải ngoại, ngày nay nồi cơm chính của họ “nấu” ở trong nước.
Cũng thế, số nghệ sĩ trong nước sang Mỹ hát lưu diễn hay sang Mỹ đi chơi rồi trình diễn cho những chương trình ở đây, cũng không ít. Hầu hết các “siêu sao” trong nước, có sức thu hút khán thính giả, tiền cát sê cao khi hát cho các bầu show ở Mỹ, đều đã trình diễn ở đây ít nhất hơn năm bảy lần từ suốt thập niên qua. Những “siêu sao” nghệ sĩ từ trong nước sang Mỹ kiếm tiền nhiều hơn cả nghệ sĩ hải ngoại hát ở sân nhà, hay nhiều hơn nghệ sĩ hải ngoại khi về nước trình diễn. Sức thu hút của các nghệ sĩ trong nước phải thật sự nhìn nhận, rất mạnh. Các show của họ, cho dù có khi tổ chức trình diễn giữa làn sóng các đoàn người dân biểu tình chống Cộng, vẫn đông đảo người đến xem.
Những năm đầu thập niên 2000, nhiều tổ chức chính trị cộng đồng người Việt, tinh thần quốc gia mạnh mẽ, thường phát động những chiến dịch chống đối nghệ sĩ từ trong nước sang Mỹ hát. Họ cho đó là những âm mưu chiến dịch văn hóa tuyên truyền hay phá hoại chính trị cộng đồng người Việt của chính quyền CSVN. Nhưng khán giả hải ngoại vẫn tham dự các buổi ca nhạc này, và các bầu show vẫn thành công thương mãi. Chuyện ca sĩ nghệ sĩ từ trong nước sang Mỹ, vì thế đã không thuyên giảm, mà mỗi ngày một thành công hơn cho các bầu show chỉ biết kiếm tiền làm văn nghệ giải trí, mà không cần biết gì về chuyện chính trị hay chính nghĩa chống Cộng của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Vài năm trước, chỉ có xảy ra vụ chống đối ồn ào nhất, nhưng đã thành công, là việc chống ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hát ở Quận Cam, tẩy chay những chương trình của người ca sĩ này hát tại California và các nơi trên nước Mỹ. Sự dàn trận chống đối mạnh mẽ, có thể gọi là thành công về mặt chính trị, đến nỗi không còn bầu show nào dám mời chàng “ca sĩ siêu sao” này sang Mỹ hát nữa, và Đàm Vĩnh Hưng cũng không bao giờ muốn, hay dám đến Mỹ hát nữa, nhất là đến Little Saigon - Quận Cam.
Gần đây hơn, cũng chính tại Thủ phủ của người Việt tỵ nạn Cộng Sản này, xảy ra cuộc biểu tình lớn, chống đối sự trình diễn của nghệ sĩ Hồng Vân. Kết quả là bầu show thiệt hại nặng, khách vắng vì đoàn người biểu tình vây kín bên ngoài rạp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tin hành lang sân khấu của các nghệ sĩ cho biết, những vụ biểu tình chống đối ĐVH hay HV ở Mỹ các năm trước, thật sự đã bị “giật giây”. Vấn đề chính trị chỉ là cái cớ để khởi động đoàn người chống đối. Người đi biểu tình thì chân chính kéo đến để bày tỏ thái độ chính trị của người tỵ nạn kiên quyết không đầu hàng cho Cộng Sản xâm nhập vào cộng đồng, mà không biết là đang bị kéo vào cuộc cạnh tranh thương mại, ân oán cá nhân...
Tuy nhiên, chỉ có vài ca sĩ này là bị chống đối, tẩy chay, và đã không còn sân khấu để hát trên nước Mỹ nữa. Còn lại, cả chục ngôi sao và nghệ sĩ khác từ trong nước sang Mỹ, đã vẫn vui vẻ với lượng khán giả tham dự luôn gây "sold out" ở các show. Nhiều người được mời lên phỏng vấn trên các đài truyền hình, truyền thanh, các cơ sở truyền thông người Việt hải ngoại. Kể cả nhiều cơ quan truyền thông cộng đồng, vốn thường được ghi nhận có lập trường chính trị chống Cộng cao độ, vẫn tổ chức mời (nhiều lần) các ca sĩ từ trong nước lên để phỏng vấn quảng cáo show sắp trình diễn.
Như vậy, có thể là ngày hôm nay, các tổ chức đấu tranh chống cộng ở hải ngoại đã mềm mỏng trong thái độ đối với các nghệ sĩ dù từ trong nước sang đây hát, hay từ Mỹ về Việt Nam hát. Không còn nghe ai nói, ai viết phản ứng về những ca sĩ nghệ sĩ hải ngoại đang về Việt Nam hát thường xuyên, như đã xảy ra chống đối ban đầu khoãng cuối thập niên 90 và đầu thập niên 2000.
Phải chăng là các tổ chức chống Cộng của cộng đồng nay đã có sự cảm thông và không còn chính trị hóa trên lĩnh vực văn nghệ nữa?
Họ đã đồng ý rằng văn nghệ không có biên giới chăng?
Hay vì các tổ chức này đã thất bại vì khán giả văn nghệ đã không đồng tình tẩy chay chung, mà cứ vẫn tiếp tục mua vé xem, mua đĩa nhạc của các ca sĩ nghệ sĩ này?
Kể cả nhiều người dù tinh thần chống Cộng rất cao, đôi khi là rất cực đoan, nhưng đã đồng ý văn nghệ là văn nghệ, không nên có lằn ranh chính trị cho những người nghệ sĩ. Miễn rằng khi  ca sĩ nghệ sĩ từ trong nước sang hát ở Mỹ, thì đừng hát nhạc tuyên truyền của đảng, đừng hát nhạc ca tụng chế độ CS, nhạc “thần thánh bác Hồ”. Miễn rằng các ca sĩ nghệ sĩ từ Mỹ về Việt Nam đừng cúi đầu vâng dạ với các quan chức Cộng sản, đừng hát nhạc ca tụng “Bác” ca tụng đảng; đừng tuyên bố điều gì, đừng phát ngôn những điều chính trị hay nịnh hót nhà nước, nịnh hót các quan chức, để làm đau lòng cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Vậy thì trong thâm tâm, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ chấp nhận cho các ca nghệ sĩ này tiếp tục sự mưu sinh của họ.
Tuy nhiên, những ca nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn không phải là tất cả. Vẫn còn những nghệ sĩ, với tinh thần cao. tôn trọng cái Thẻ Căn Cước Tỵ Nạn của lúc ban đầu đến đất Mỹ này. Vẫn còn nhiều nghệ sĩ nhất định không một lần quay về Việt Nam. Thậm chí có nhiều ca sĩ tuy bị nhà nước CSVN nghiêm cấm chưa cho phép hát trong nước, bởi vì những tham gia của họ cho các chương trình ca nhạc chống Cộng. Điển hình như nhiều ca sĩ đang hát cho trung tâm Asian, hát cho những chương trình nhạc đấu tranh, những show nhạc có tinh thần chính trị chống Cộng, đã bị cấm không cho hát ở Việt Nam. Nhiều ca sĩ nghệ sĩ hải ngoại, đã dứt khoát chọn con đường đi với tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản, nhất định không bao giờ quay về Việt Nam hát, thậm chí dù để du lịch thăm lại quê nhà cũng nhất định là không. Những người nghệ sĩ này, dù tầm thường tên tuổ,i hay siêu sao đương thời, siêu sao về chiều, nhưng tôi ngưỡng mộ họ. Họ đã làm được việc mà ít ai làm được. Họ đã đứng tách riêng ra khỏi đám đông chạy theo cơm áo đồng tiền, cho dù chính họ cũng đang cần đồng tiền cơm áo bằng nghề ca hát, trình diễn.
Tôi không chống chuyện nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam hát. Tôi cho rằng đó là quyền tự do chọn lựa của họ. Hơn nữa, văn nghệ đừng nên có biên giới cho người nghệ sĩ. Họ chỉ là những nghệ sĩ thuần túy. Tâm hồn họ chỉ có trái tim ca hát và sống cho nghệ thuật. Đừng kết tội họ là Việt gian hay phản bội Cộng đồng, khi họ quay về nước để ca hát hay sinh sống. Những người nghệ sĩ này, đã nhiều lần đóng góp cho cộng đồng. Họ cũng đã từng hát cho những chương trình văn nghệ các hội đoàn Cộng đồng, các tổ chức cựu chiến sĩ QL.VNCH, các sinh hoạt văn nghệ đấu tranh chống Cộng. Khi Cộng đồng lên tiếng mời họ, họ vẫn đến, đóng góp bằng lời ca, bằng khả năng nghệ thuật. Họ có thể không là một người chiến sĩ chống Cộng cho Cộng đồng, nhưng không có nghĩa là họ không phải là người Quốc Gia hay một tên Việt gian. Khi nào họ về Việt Nam hát cho các chương trình các sinh hoạt hay đại hội của đảng, của đoàn, của cơ quan nhà nước Cộng sản, thì chúng ta có thể kết tội họ.
Nhưng nếu người nghệ sĩ về chỉ hát cho các phòng trà ca nhạc, các nhà hát, các tụ điểm ca nhạc, để kiếm tiền hay để giải trí cho đám đông khán giả, thì họ chỉ là người nghệ sĩ đang đem khả năng nghệ thuật để mưu sinh, ở bất cứ nơi nào cho phép họ mưu sinh bằng nghệ thuật. Đừng bắt họ làm chính trị, dù đến từ bên nào chiến tuyến. Đừng gọi họ là người phản bội, khi họ chỉ có một tội là quay về quê nhà để hát hay trình diễn cho đồng bào khán giả họ. Thế giới của họ, chỉ có âm nhạc và nghệ thuật. Họ cũng không chấp nhận một chế độ Cộng sản đâu, cũng không tán đồng những chủ nghĩa đè bẹp quyền con người, hay cấm đoán quyền chọn lựa của người dân. Khi quay về Mỹ, những người nghệ sĩ này cũng không ngần ngại hát cho các chương trình của các tổ chức hội đoàn Cộng đồng, dù cho bất cứ sinh hoạt chủ đề nào.
Chúng ta tôn trọng quyền chọn lựa và quyền chọn mưu sinh của người nghệ sĩ. Sống trên đất Mỹ này, chúng ta tôn trọng những điều mà hiến pháp và chính phủ Mỹ đang cho phép và tôn trọng đối với người dân. Quyền Tự do Ngôn luận. Ca hát là quyền Tự do Ngôn luận. Nếu dùng một hình thức quyền lực nào để khống chế hay áp đảo người nghệ sĩ những quyền tự do đó, chúng ta phản tinh thần dân chủ mà chúng ta chọn lựa và đang tranh đấu. Tôi không chống người nghệ sĩ về nước ca hát, và tin rằng nhiều người cũng đồng ý như thế dù chính kiến vẫn nhất định không đội trời chung với những người cộng sản hiện nay.

Khánh Ly về nước trình diễn
Cho nên, tôi không chống hay phản đối chuyện ca sĩ Khánh Ly sẽ về hát ở Việt Nam trong tinh thần nói trên. Tôi biết chị Khánh Ly và anh Nguyễn Hoàng Đoan phu quân của chị. Không quan hệ thân thiết hay có ân tình gì với nhau, đối với anh chị thì tôi có lẽ chỉ là một "big fan" vậy thôi. Tôi đã có đôi ba lần có dịp đến nhà anh chị ở thành phố Cerritos - Los Angeles nhiều năm về trước. Thuở học trò trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, tôi đã thần tượng tiếng hát Khánh Ly. Sang Mỹ năm 1975, tôi đã là một trong những độc giả đầu tiên của tờ báo Hồn Việt khi anh Nguyễn Hoàng Đoan sáng lập tờ báo Việt ngữ đầu tiên này ở nước Mỹ, tòa soạn là nhà riêng anh chị ở San Diego thì tôi cũng đã có lần ghé đến năm 1976.
Khi chị lần đầu phát hành lại những cuốn băng nhạc cassette bộ Ca Khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay những cuốn băng nhạc khác đầu tiên tiếng hát Khánh Ly ở nước Mỹ, thì tôi luôn luôn là những người gửi thư đặt mua đầu tiên thời cuối thập niên 70 đó. Những năm đầu thập niên 80, tại quận Cam, chị Khánh Ly hát ở quán văn nghệ nhỏ tên Làng Văn, thì tôi vẫn đến nghe hằng tuần. Hơn mười năm trước, tôi đã viết những bài để thần tượng tiếng hát Khánh Ly sau một đêm nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, chủ đề "Rơi Lệ Ru Người" và một lần sau đêm nhạc Trịnh Công Sơn chủ đề "Rừng Xưa Đã Khép".
Đối với riêng tôi, cho dù đã nghe và biết có nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh tuyệt vời, tuyệt lắm, nhưng tôi vẫn si tình tiếng hát chị Khánh Ly nhất. Tôi viết dong dài như thế, để cho thấy Khánh Ly là một thần tượng văn nghệ lớn trong lòng tôi, cũng như trong lòng rất nhiều người khán giả văn nghệ Việt Nam ở hải ngoại này.
Tôi đã từng nghe Khánh Ly hát mà xúc động chảy nước mắt thật sự, khi những năm của hơn ba thập niên trước nghe chị hát những bài như "Ai Trở Về Xứ Việt", "Một Chút Quà Cho Quê Hương", "Sài Gòn Vĩnh Biệt", v.v.  nhiều lắm những khúc hát cho người Việt tỵ nạn Cộng sản mà giọng hát Khánh Ly đã chuyên chở giùm tâm trạng của chúng tôi, những người Việt lưu vong còn thương nhớ quê hương quay quắt.
Tôi không được thấy hình ảnh ca sĩ Khánh Ly đi chân đất hát cho người lính VNCH những ngày chiến trường miền Nam đẫm máu và đầy xác người, nhưng tôi đã thấy Khánh Lý hát ngậm ngùi, hát như bằng trái tim, cho những người tỵ nạn Cộng sản đang lưu vong nơi đất khách. Khánh Ly không phải hát hay, nhưng Khánh Ly như thế nào đó luôn rất gần gũi với trái tim khán giả. Khánh Ly đã đưa vào lòng nhiều người một hình ảnh Việt Nam thân thương của trước tháng 4 năm 1975, hay hình ảnh những ngày hành trình kiếp người tỵ nạn.
Vì thế, Khánh Ly đã khác nhiều người ca sĩ khác. Không phải chỉ là một ca sĩ thần tượng trên lĩnh vực ca nhạc. Khánh Ly gắn bó với đời người của những người Việt Nam miền Nam trong thời chiến tranh và của những người Việt đã phải xa lìa quê hương tỵ nạn lưu vong những năm thập niên 70 và 80. Thời gian hay không gian nào, cho dù mãi đến những năm tháng gần đây, dù tuổi đã gần 70, nhưng Khánh Ly vẫn còn chỗ đứng rất trang trọng trong lòng người khán giả của chị ở hải ngoại. Khánh Ly vẫn còn một vị trí rất sáng trên sân khấu, dù làn hơi chị quả thật đã yếu hơn, tiếng hát thời thanh xuân không còn nữa. Bởi vì Khánh Ly đã là một thần tượng của nhiều người chúng tôi, tình yêu mà khán giả chúng tôi dành cho chị đã giúp chị đứng vững vị trí hôm nay hơn cả những siêu sao trẻ đương thời trên sân khấu ca nhạc.
Tình yêu từ khán giả đã dành cho chị, vì chị đã là một tiếng hát gắn liền với những thời thế của đất nước miền Nam thời chiến tranh, gắn liền với gần triệu người tỵ nạn Cộng sản ra đi từ 30 tháng 4 năm 1975, dù bằng máy bay hay thuyền biển hay đường bộ.
Nhiều khán giả, rất nhiều, đã yêu Khánh Ly vì luôn tin rằng chị là tiếng hát của kiếp người Việt tỵ nạn hay lưu vong, đại diện cho tiếng hát của những người đã nhất định chọn một nơi nào đó ngàoi Việt Nam mà sống thay vì ở chốn quê nha, nơi người Cộng sản đang nắm quyền. Khánh Ly không là chính trị gia, cũng đã chưa bao giờ là một chiến sĩ đi đấu tranh, nhưng Khánh Ly, do bởi những gì cô đã hát, đã bày tỏ trên sân khấu, đã đến với khán giả bao nhiêu chục năm qua, nên đã gắn liền một tinh thần trong đời sống người Việt tỵ nạn không chấp nhận Cộng sản. Mọi người đã luôn tin rằng trong chiến tuyến đó, có Khánh Ly cùng đứng chung.
Nhiều người khán giả của Khánh Ly không phải là những người chính trị chống Cộng cực đoan đâu. Có thể cũng nhiều người, như chính tôi, sẵn sàng chấp nhận cho người nghệ sĩ được sống đời nghệ sĩ ca hát tự do và hát ở bất cứ nơi nào họ muốn. Những người này không chống chuyện nghệ sĩ về nước hát bên đó. Nếu Khánh Ly là một nghệ sĩ bình thường như bao nhiêu người nghệ sĩ khác từ hải ngoại này, thì Khánh Ly về nước hát cũng chẳng phải là điều quan tâm cần thiết phản ứng.
Nhưng Khánh Ly không chỉ là một người nghệ sĩ bình thường. Khánh Ly đã là một tiếng hát của tập thể người tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại.
Thế nên, sự trở về Việt Nam để hát ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, làm nhiều người hụt hẫng thất vọng với Khánh Ly. Những khán giả đã trung thành yêu thương tiếng hát chị hàng chục năm qua, thở dài thất vọng với tin Khánh Ly về hát ở Hà Nội. Đâu còn một Khánh Ly đã hát cho những cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới. Đâu còn Khánh Ly đã hát giữa những rừng người đồng thanh giơ tay quyết đấu tranh cho một Việt Nam được tự do, dân chủ. Đâu còn Khánh Ly mặc áo dài đen hát những lần cộng đồng tưởng niệm tháng Tư đen với những ca khúc tỵ nạn.
Người Việt hải ngoại, khán giả của Khánh Ly,  chỉ muốn Khánh Ly là tiếng hát của người tỵ nạn mà thôi. Số người đó rất đông, con số cả triệu người.
Khánh Ly đã bày tỏ niềm ao ước trở về nước để hát cho đồng bào cho khán giả của chị. Vâng, niềm ao ước đó chính đáng. Thật sự, có triệu người trong nước đang ao ước được nghe Khánh Ly hát, kể cả những người trẻ thế hệ sinh ra sau năm 1975. Họ yêu Khánh Ly qua những băng nhạc, đĩa nhạc, những hình ảnh DVD sân khấu ca nhạc hải ngoại. Nên họ sẵn sàng chờ đợi một cơ hội nghe Khánh Ly hát "live" tại quê nhà. Khánh Ly không sai gì cả trong ước ao được hát ở quê nhà cho những khán giả đó, cho đồng bào của chị.
Nhưng nếu Khánh Ly trở về Việt Nam để hát bởi một thù lao 100,000 hay 50,000 đô la tiền cát sê, thì Khánh Ly không phải trở về để hát cho đồng bào cô. Tôi không biết chuyện thù lao, số tiền lớn như thế, cho một buổi hát duy nhất, có đúng hay sai. Nhưng hát như thế, và Khánh Ly sẽ chỉ hát tại Hà Nội, thì Khánh Ly không phải về nước hát cho đồng bào. Khán giả đi xem chương trình đó, không phải là những người khán giả của chị 40 năm về trước, lâu nay chờ đợi được một lần nhìn lại, nghe lại Khánh Ly hát. Những khán giả xưa kia của Khánh Ly, là ở miền Nam. Khánh Ly không hát ở miền Nam, không hát ở Sài Gòn, nên những khán giả của Khánh Ly sẽ không thể được nghe Khánh Ly hát.
Người miền Bắc, hay ở Hà Nội, chỉ là những khán giả hiếu kỳ muốn tìm nghe thử tiếng hát Khánh Ly thật, hát "live". Họ hiếu kỳ nhiều hơn là tư cách những người "big fans" của Khánh Ly 50 năm qua. Chưa chắc sau một lần nghe Khánh Ly hát "live", họ còn muốn bỏ tiền mua vé nghe Khánh Ly hát nhiều lần khác. Bởi vì Khánh Ly đã gần 70 tuổi. Khánh Ly có giọng hát khác hơn, hay hơn những giọng hát siêu sao từ Hà Nội như Hồng Nhung hay Mỹ Linh hay bất cứ ai đương thời. Nhưng Khánh Ly không còn giọng hát trẻ nữa.
Khánh Ly về hát trên sân khấu Hà Nội, phải chấp nhận sự kiểm duyệt của an ninh văn hóa từng bài hát, từng lời phát biểu, từng điều chị muốn nói trước khán giả. Không phải muốn nói gì thì nói như trên sân khấu hải ngoại. Không phải chị muốn "cương" lúc nào cũng được, với khán giả bên dưới, như bản chất con người của chị. Khánh Ly hay nói, nhiều khi nói hay, nhưng ở Việt Nam, một người có nhiều ảnh hưởng như Khánh Ly về hát, thì nhà nước Cộng sản càng sợ chị hay nói. Họ muốn biết trước những gì chị muốn nói trên sân khấu, và họ sẽ cho phép điều nào nói được, điều nào cấm nói. Như thế, sẽ không còn là hình ảnh một con người ca sĩ Khánh Ly mà mọi người vẫn biết 50 năm qua.
Một chương trình có nhiều chú ý, và thù lao cho ca sĩ Khánh Lý như thế, thì khán giả phải là những thành phần có tiền lắm mới mua vé được. Khán giả có tiền lắm, thì không có những khán giả đồng bào mà Khánh Ly ngày xưa đi chân đất để hát cho họ. Cho nên, sẽ không còn là hình ảnh Khánh Ly của ngày xưa.
Chưa kể, nếu có những quan chức cấp cao hiện diện những hàng ghế đầu, Khánh Ly sẽ phải cúi chào họ chăng(!) hay phát biểu thế nào cho phải lẽ?? Họ là quan chức cấp cao của đảng CSVN đó. Khép nép hay phải lễ với các quan chức này, thì một lời phát biểu cho đẹp lòng họ, có thể sẽ làm tan nát lòng những khán giả ở hải ngoại của chị. Một lời nói đẹp trên sân khấu này, của Khánh Ly, có thể làm tan nát sự nghiệp mà Khánh Ly đã xây dựng trong lòng những khán giả suốt 50 năm qua.
Những khán giả của Khánh Ly ở hải ngoại, đồng bào tỵ nạn Cộng sản sống ở hải ngoại, không muốn Khánh Ly hèn nhát trước mặt người Cộng sản. Hình ảnh Khánh Ly thần tượng của họ sẽ không còn nữa, nếu Khánh Ly không còn là Khánh Ly của 50 năm qua, khi đứng hát giữa Hà Nội, là nơi có những cờ đảng cờ đỏ sao vàng và hình tượng “bác Hồ” đầy. Khán giả văn nghệ hải ngoại không nhất thiết phải là những thành phần chống Cộng cực đoan để chống đối chuyện Khánh Ly về nước hát. Họ có thể đã không chống những nghệ sĩ khác về nước hát từ trước đến nay, nhưng với Khánh Ly thì khác hơn. Bởi vì Khánh Ly đã là Khánh Ly. Nếu chính Khánh Ly biết mình đã tại sao khác hơn nhiều siêu sao ca sĩ khác trong suốt 50 năm qua, thì Khánh Ly phải hiểu tại sao khán giả của chị sẽ không chấp nhận chị về nước hát nước, trong một bối cảnh như thế.
Khánh Ly sẽ không còn là Khánh Ly trong lòng triệu triệu người Việt ở hải ngoại và chục triệu người miền nam Việt Nam, nếu Khánh Ly về nước hát như thế, hát cho một thù lao kỷ lục, hát cho các đại gia và quan chức nhiều hơn chứ không hát cho đồng bào, hát cho những khán giả vì lần đầu hiếu kỳ chứ không phải những khán giả đã 40 năm chờ đợi một ngày được nhìn lại Khánh Ly của Sài Gòn năm xưa. Khánh Ly quay về nhưng không hát ở Sài Gòn, mà hát ở Hà Nội, thì lòng người khán giả 50 năm của Khánh Ly tan nát, thất vọng lắm.
Tôi rất yêu tiếng hát Khánh Ly. Tôi sẽ vỗ tay nếu chị về hát cho quê hương, cho đồng bào ở khắp ba miền đất nước, không vì thù lao đồng tiền, mà hát vì thương dân, thương nước, xót xa cho thân phận đồng bào hôm nay. Nếu Khánh Ly hát khắp từng thôn xóm người dân nghèo, hát cho những người cựu chiến sĩ VNCH trong nước, nay tuổi đã già, hát để mang một thông điệp của người hải ngoại gửi về, thì mọi người Việt chúng ta sẽ giữ mãi cái tên Khánh Ly trong lòng mình. Ở lứa tuổi của chị hôm nay, lẽ ra cái danh để lưu cho nghìn sau phải lớn nhiều hơn một thù lao năm mươi ngàn hay một trăm ngàn đô la.

Sẽ không còn Khánh Ly nữa
Nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao khi ca nhạc sĩ Việt Dũng khi nằm xuống, đã được triệu triệu người tiếc thương và ngàn ngàn người đưa tiễn. Không có mấy ai được tình thương của triệu triệu người Việt hải ngoại như Việt Dũng đã có. Người nghệ sĩ lưu danh trong lòng khán giả hay sự nghiệp bất diệt muôn đời hay không, là bởi những gì họ đã sống, đã làm, chứ không phải bởi tên tuổi địa vị đã dựng nên trên sân khấu mà thôi. Có bao nhiêu người nghệ sĩ sẽ giữ được tình yêu muôn thuở trong lòng khán thính giả của mình?
Nhiều người đã yêu Khánh Ly, sẽ vô cùng tiếc nuối và thất vọng cho Khánh Ly, nếu ngày mai chị về hát ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Họ sẽ thấy, không cần thiết phải biểu tình tẩy chay Khánh Ly ở Mỹ này, bởi vì lúc đó tên Khánh Ly đã không còn sống trong lòng người khán giả ở đây.

Hồ Văn Xuân Nhi




No comments:

Post a Comment

View My Stats