Ts.
Nguyễn Đình Thắng
Posted on Friday, May 16, 2014 @ 21:05:49 EDT
Muốn chống ngoại xâm, đảng cầm quyền phải cắt bỏ sự
thống thuộc Trung Quốc và trả quyền làm chủ đất nước lại cho dân. Hai yếu tố
tiên quyết này, thiếu một cũng mất nước.
Các cuộc biểu tình đang lan khắp nước chính là cuộc
trưng cầu dân ý mà kết quả đã rõ: Trung Quốc là mối hoạ cho chủ quyền đất nước,
là giặc ngoại xâm. Khi áp lực quần chúng lên cao, đảng cầm quyền sẽ phải chọn
thái độ: đoạn tuyệt sự thống thuộc Trung Quốc, hay tiếp tục mở cửa sân sau cho
giặc vào nhà?
Đó là điểm tích cực nhưng mới chỉ là một vế.
Vế kia là phải có dân chủ. Dân chỉ sẵn sàng đổ xương
máu cho đất nước mà họ làm chủ. Cũng vậy, thế giới tự do không thể nhập cuộc
bênh vực hay bảo vệ một thể chế độc tài để nó lại tiệp tục thống trị và đàn áp
người dân.
Nhưng dân làm sao lấy lại quyền làm chủ đất
nước?
Không thể bằng biểu tình. Không thể bằng biểu ngữ.
Cũng không thể kỳ vọng chế độ độc tài thâm căn bỗng một ngày tự giác trao quyền
làm chủ đất nước lại cho dân.
Chính dân phải tự mình giành lại quyền ấy. Muốn vậy
thì dân phải có đủ lực và thế để bẩy cánh cửa dân chủ mà chế độ đang ghì
kéo lại.
Muốn phát triển lực và thế thì dân phải được tập hợp
và có tổ chức.
Không như biểu tình vốn mang tính cách nhất thời,
tập hợp và tổ chức quần chúng là công cuộc dài lâu, đòi hỏi không những kinh
nghiệm, kỹ năng và công phu mà còn là bản lĩnh, tầm nhìn và kế sách để bảo toàn
lực lượng trước sự đàn áp tứ bề.
Người Việt ở hải ngoại có thể dùng ảnh hưởng quốc tế
để đẩy lùi phần nào sự đàn áp ấy. Các mũi nhọn nhân quyền, nếu đúng cách và đủ
cường độ, có thể từng bước:
- Vô hiệu hoá các công cụ đàn áp
như Nghị Định 92 hướng dẫn Pháp Lệnh Tín Ngưỡng và Tôn Giáo, hay các Điều
88, 258 và 79 trong Bộ Luật Hình Sự. Mất công cụ đàn áp thì bạo quyền sẽ như
thú dữ không còn nanh vuốt.
- Tạo hành lang an toàn bằng những cam kết
quốc tế như chống buôn người, quyền lao động, xoá bỏ tra tấn, tôn trọng quyền
của người khuyết tật. Trong phạm vi các hành lang ấy, người dân có thể tập hợp
và tổ chức trong sự quan sát của quốc tế.
- Giải thoát các nhà tranh đấu lâm nạn, kể cả
những người lánh nạn ở các quốc gia láng giềng và những tù nhân lương tâm ở
trong nước. Đây là điều bức thiết để gìn giữ hàng ngũ tranh đấu khi mà các công
cụ đàn áp chưa hoàn toàn được vô hiệu hoá.
Trong cuộc giằng co với độc tài, khi nào cán cân lực
và thế giữa dân và chế độ nghiêng nhiều về phần dân thì lúc ấy cánh cửa dân chủ
sẽ hé mở.
Đứng giữa cơn lốc của thời cuộc, chúng ta cần sáng
suốt để nhận ra rẳng sự kiện giàn khoan thực ra chỉ là hiện
tượng, còn hai yếu tố tiên quyết kể trên mới là bản chất. Chỉ đối
phó hiện tượng mà không giải quyết bản chất thì đâu lại sẽ
vào đó.
Chẳng hạn, nếu biểu tình để chỉ chống Trung Quốc
nhưng cho phép nhà nước Việt Nam nói quanh, tìm lối thoát để không
phải cắt bỏ sự thống thuộc Trung Quốc thì mối hoạ giặc vào nhà
từ cửa trước, cửa sau vẫn sờ sờ ra đó.
Hoặc tệ hơn thế, nếu chúng ta dồn hết năng lực và
tâm trí đòi Trung Quốc rút giàn khoan đến nỗi sao nhãng cuộc tranh đấu dân
chủ hay gây sơ hở để hàng ngũ tranh đấu dân chủ bị cô lập và khống chế, thì đó
là đi lùi về triển vọng bảo vệ tổ quốc.
Bảo vệ tổ quốc trước hoạ Bắc xâm là hành trình tranh
đấu đằng đẵng, khi công khai khi âm thầm, và qua nhiều bước rẽ. Để không lạc
hướng, chúng ta phải có mục tiêu chỉ đạo. Đó là: Tranh đấu để cắt bỏ sự thống
thuộc Trung Quốc, và để cùng lúc giành lại quyền làm chủ đất nước cho dân.
Mọi hành động của chúng ta, những người ưu tư đến
vận mệnh dân tộc, phải tập trung để đạt mục tiêu này và thật sớm. Chậm thêm một
ngày có thể sẽ là một ngày quá trễ.
Bài liên quan:
Hai
Yếu Tố Tiên Quyết Để Bảo Vệ Tổ Quốc
Giải
pháp duy nhất cho đảng CSVN để bảo vệ chủ quyền quốc gia
Ts.
Cù Huy Hà Vũ: Xóa bỏ độc tài mới giữ được nước!
No comments:
Post a Comment