Friday 23 May 2014

LUẬT BIỂU TÌNH & NHỮNG TIẾNG NÓI TRÁI CHIỀU (LS Trần Thu Nam)





Vừa qua, để thể hiện lòng yêu nước, phản đối TQ xâm lược nước ta rất nhiều người đã xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, tất cả các cuộc biểu tình trên cả nước đều tự phát, không theo một trình tự hay tổ chức nào dẫn đến một số phần tử xấu lợi dụng việc biểu tình để cướp phá gây ra một hệ luỵ vô cùng lớn. Một số lãnh đạo của Bình Dương đã công khai đứng ra xin lỗi các doanh nghiệp, Bảo biểm xã hội phải bỏ ra một số tiền khoảng 650 tỉ để trả cho công nhân chưa kể các khoản phải đền bù cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Điều đặc biệt nghiêm trọng là làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài vào VN. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả này?

Chúng ta có thể điểm qua một số quy định của pháp luật về biểu tình như sau:

Theo Bộ luật quốc tế về quyền con người (The International Bill of Human Right) gồm: Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (The International Covenant on Civil and political Right – ICCPR); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (The International Covenant on economic, social and Cultural Right – ICESCR); Nghị quyết 2200 A (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; Nghị định thư tuỳ chọn thứ nhất bổ sung ICCPR được thông qua trong Nghị quyết 2200A thì mọi người đều có quyền biểu tình.

Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977, ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị. Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung ngày 25/12/2001 quy đinh về quyền biểu tình tại Điều 69 như sau "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực vào ngày 01/01/2014 cũng quy định quyền của công dân tại Điều 25 như sau "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Hiến pháp cũ 1992 và 2013 đều quy định công dân có quyền biểu tình nhưng phải theo quy định của pháp luật. Vậy, quy định của pháp luật của VN về vấn đề biểu tình ngoài Hiếp pháp là những quy định nào?

Kính thưa các Quý Vị là VN chưa có văn bản nào quy định về biểu tỉnh ngoài Hiến pháp và các luật quốc tế mà VN đã gia nhập. Khi chưa có quy định thì người dân có thể vận dụng Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế. Cụ thể tại Điều 6 của luật này quy định như sau:

"Điều 6. Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước
1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.
3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó."

Chúng ta hãy nghe một số chính trị gia của Vn phát biểu về xây dựng Luật biểu tình sau đâu:

- Tại trang duthaoonline.quochoi.vn có đăng ý kiến của một Đại biểu Quốc hội như sau "Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng vấn đề đặt ra là làm thế nào để sớm ra được Luật Biểu tình để người dân có thể thực hiện việc biểu tình như một quyền tự do mà Nhà nước cũng có thể quản lý, bảo đảm được an ninh, trật tự chung". Đồng thời Đại biểu này nói "Nhưng mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân. Đấy là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt". Ngoài ra, ông Nghĩa còn phát biểu "ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói quản lý biểu tình bằng NĐ 38 như hiện nay “đã lỗi thời” khi đánh đồng người dân tụ tập để gây rối mất trật tự và biểu tình yêu nước. “Đây là món nợ của Nhà nước với nhân dân và phải trả càng sớm càng tốt”.

- Trên báo Laodong.com.vn có đăng một bài, trong đó có ý kiến của Đại biểu QH Lê Nam như sau: "Ngược với quan điểm của ĐB Phước, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói, ta đã “nợ” dân luật biểu tình 68 năm (từ 1959, khi Hiến pháp đã hiến định quyền biểu tình của người dân). Ông cho rằng, bây giờ đã đủ các điều kiện ban hành luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống đang đặt ra".

- Cũng trong bài báo này, Đại biểu QH Dương Trung Quốc cũng phát biểu như sau: "Phát biểu ngày 4.6, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, việc một số nội dung (trong đó có quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền phúc quyết...) đã được hiến định, nhưng chưa thể thực thi vì thiếu luật thì đó là sự vi hiến";

- Báo thanhnien.com.vn ngày 22/5/2014 có bài Ý kiến khác nhau về dự thảo luật Biểu tình, trong đó có đăng ý kiến của Đại biểu Dương Trọng Nghĩa như sau: “Đó là quyền con người, được Hiến pháp quy định. Nhà nước phải đảm bảo nhưng đến nay chưa có khung pháp lý. Vừa rồi phát sinh việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo, gây ra lúng túng và từ đó có hành vi bạo động, mà không có quy định chi tiết để cơ quan chức năng hành xử. Chúng ta có công cụ nhưng không có quy định triển khai và gây ra biến động, thiệt hại cho cuộc sống”, đồng thời ông Nghĩa nói “Những sự việc có tính chất bạo động tại một số KCN vừa qua cho thấy là do không có luật Biểu tình nên lúng túng”;

- Một số ý kiến của các Đại biểu quốc hội khác như Lê Hiền Vân (TP.Hà Nội) cho rằng: "“Nếu như có luật Biểu tình thì vừa rồi không phải chỉ có Bình Dương, Vũng Áng mà còn nhiều nơi biểu tình. Ai sẽ quản lý, quân đội hay công an? Quốc hội bỏ luật này ra tôi đồng tình rất cao”. Tương tự, ĐB Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) nói: “Luật Biểu tình trong tình hình hiện nay không nên đưa ra. Biểu tình quy định trên giấy nhưng thực tế diễn ra thế nào ai kiểm soát được...”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng trong điều kiện chưa ban hành được luật thì có Nghị định 38/2005 để quản lý, điều chỉnh những hành vi trong thời gian vừa qua.

Quan điểm cá nhân của tôi thì đồng tình với ý kiến của Đại biểu Dương Trọng Nghĩa, tôi không đồng tình với các ý kiến của các Đại Biểu Lê Hiền Vân và Nguyễn Bắc Son. Ý kiến của ông Son và bà Vân là trái với Hiến Pháp, trái các quy định của luật pháp quốc tế, đẩy lùi sự phát triển của pháp luật, không theo kịp quy luật vận động và phát triển xã hội.

Trân trọng!

Luật sư Trần Thu Nam



No comments:

Post a Comment

View My Stats