Sáng chủ nhật ngày 18/5, tôi chạy xe máy vào trung
tâm Sài Gòn để tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược lãnh hải Việt
Nam - đặt giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với sự quyết
tâm cao độ và niềm hy vọng trong tương lai không xa thanh niên Việt Nam sẽ quan
tâm đến an nguy quốc gia nhiều hơn là lợi ích và an toàn của bản thân.
Trời Sài Gòn sáng hôm đó nắng dịu nhẹ chứ không gắt
như những hôm trước. Trên đường đi, trong lòng tôi thấy bồn chồn và một chút lo
lắng. Tôi biết chắc rằng, sáng hôm nay, số lượng người tham gia biểu tình sẽ ít
hơn rất nhiều so với ngày 11/5 vừa qua, và chính quyền cũng sẽ trấn áp những
người yêu nước một cách thô bạo và cả quyết hơn bao giờ hết.
Đang suy nghĩ về những nguy hiểm mà tôi sẽ đối mặt
khi tham gia biểu tình thì nhận được cú điện thoại từ một người bạn, anh ấy là
một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo gọi đến thông báo: “Hai chị em cô Nguyễn Ngọc Lụa bị lực lượng an ninh chặn đánh và bắt
cóc đưa đi đâu không biết ”. Cũng xin được nói thêm, trước khi
bị bắt, tôi và Lụa đã liên lạc trao đổi và hẹn sáng chủ nhật sẽ gặp nhau ở
đường Phạm Ngọc Thạch cùng với khoảng 30 người Phật giáo Hòa Hảo đến từ các
tỉnh miền Tây để cùng xuống đường.
Xe chạy gần đến khu trung tâm, tôi nhận thấy ở các
ngã tư và cả hai bên đường, lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng và an ninh
mặc thường phục được bố trí ở tất cả các con đường dẫn vào trung tâm thành phố.
Rải rác trên vỉa hè là những dãy hàng rào kẽm gai được chuẩn bị sẵn để chặn
đứng dòng người biểu tình nếu họ tập trung với số lượng lớn.
8 giờ sáng, quang cảnh tại công viên 30/4, nhà văn
hóa thanh niên, nhà hát lớn đều vắng lặng, lác đác những bạn trẻ đi lại trên
vỉa hè với ánh mắt đăm chiêu, như đang nghe ngóng điều gì đó. Tôi đoán là họ
đến đây để chuẩn bị xuống đường. Bên cạnh đó, là lực lượng dân phòng, cảnh sát
giao thông, nhân viên an ninh đứng dày đặc, họ liên lạc với nhau bằng điện
thoại rất khẩn trương.
Lúc đó tôi chợt nghĩ rằng, sáng nay, có lẽ sẽ không
diễn ra biểu tình được vì mọi người sợ bị trấn áp. Đến 8 giờ rưỡi, các nhóm
thanh niên đi lại trong khu vực thường diễn ra các cuộc biểu tình trở nên đông
hơn, giờ này xe cộ lưu thông tấp nập hơn, điều này có ý nghĩa quan trọng đến
tâm lý của những người muốn xuống đường. Số đông sẽ cho chúng tôi sự đảm bảo về
tinh thần và an ninh
Khoảng 15 – 20 phút sau, tại trung tâm văn hóa thanh
niên nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch xuất hiện một nhóm người mang theo băng
rôn, khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược. Ngay lập tức họ bị công an bao vây,
ép sát vào vỉa hè. Rất nhiều nhân viên an ninh vây quanh và khuyên họ giải tán
vì nhà nước đã có thông báo rộng rãi về việc cấm biểu tình. Hai bên cãi nhau
khá căng thẳng.
Công an mặc sắc phục dùng loa phóng thanh kêu gọi
đám đông giải tán ngay lập tức nếu không sẽ bị trấn áp, họ không cho phép tụ
tập đông người trước nhà văn hóa thanh niên. Trước tình hình đó, dòng người
biểu tình buộc phải di chuyển sang nơi khác, vừa đi vừa vỗ tay và hát những ca
khúc yêu nước, một vài người giương cao khẩu hiệu: “Trung Cộng cút khỏi biển
đông”. Trong khung cảnh hỗn loạn, một vài bạn trẻ cầm băng rôn bị bẻ ngoặc tay,
ném lên xe ô tô chuyên trách của công an và đưa đi đâu không ai biết.
Tiếng còi xe cảnh sát, tiếng la ó hòa vào tiếng hô
khẩu hiệu càng làm cho không khí trở nên căng thẳng và đặc quánh lại. Dòng
người biểu tình càng lúc càng đông hơn, cách đây vài phút, nhiều người còn dè
dặt, bây giờ họ đã mạnh dạn đứng chung và đi cùng nhau. Số người càng đông thì
tiếng hô hào càng lớn, người dân đứng lại xem càng nhiều, và hệ quả tất nhiên
là lực lượng công an càng khó đối phó.
Dòng người bắt đầu tuần hành về hướng lãnh sự quán
Trung Quốc nhưng vừa đến góc đường đối diện tòa cao ốc Diamon thì bị lực lượng
công an bố ráp dữ dội. Nhân viên an ninh nắm tay nhau lại tạo thành nhiều vòng
đai bao bọc đám đông đang hô hào “đã đảo trung quốc xâm lược”. Nhân viên công
an bắt loa phóng thanh yêu cầu những người không liên quan tản ra chỗ khác,
không được đứng gần, để họ dể dàng khống chế những người còn lại.
Ước tính số người tham gia cuộc biểu tình lần này
khoảng hơn 100 người, nhưng số người chấp nhận đứng lại để lực lượng công an
trấn áp và bắt giữ thì chỉ hơn 10 người. Với con số đó, các nhân viên an ninh
dể dàng đánh đập chúng tôi trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng.
Tính chất của cuộc biểu tình lần này có một chút
thay đổi so với những lần biểu tình chống giặc ngoại xâm trước đây bởi nội dung
của những biểu ngữ. Ngoài những khẩu hiệu chống Trung Quốc, còn có những khẩu
hiệu khác như: “Trả tự do cho người yêu nước”, và quan trong hơn, lần đầu
tiên màu cờ vàng ba sọc đỏ sáng chói xuất hiện trên đường phố Việt Nam, gần 40
năm sau khi Sài Gòn thất thủ.
Các bạn trẻ mang khẩu hiệu “trả tự do cho người yêu
nước”, mặc áo in hình luật sư Lê Quốc Quân, hay bạn Lam Vanda (sau này tôi mới
biết khi cùng bị giam chung một phòng) – người mang cờ vàng bị cơ quan an
ninh đánh đập dã man và bị bắt mang đi ngay tức khắc.
Với một lực lượng công an hùng hậu, hoàn toàn chênh
lệch về số lượng so với những người biểu tình, nhóm chúng tôi bị chia cắt nhành
các nhóm nhỏ hơn và bị lôi lên xe bus. Chúng tôi phản kháng kịch liệt khi cơ
quan an ninh xông vào đánh đập. Một số anh em bị đánh trọng thương, một số khác
bị bắt khi chưa kịp gia nhập vào dòng người.
Cuộc biểu tình chấm dứt khi tất cả chúng tôi bị tống
lên xe đưa đi. Những người tham gia bị bắt đưa vào đồn công an quận 1 số 73
đường Yersin.
Trong
đồn công an:
Xe đưa chúng tôi đến đồn công an quận 1 số 73 đường
Yersin, trên đường đi, tài xế nhiều lần thắng gấp khiến người trong xe lảo đảo,
va chạm vào nhau hoặc va vào ghế. Đến nơi, từng người một bước xuống, cứ 1
người biểu tình thì có 1 nhân viên an ninh phụ trách áp giải vào trong
đồn.
Vừa vào trong đồn là màn đe dọa và sự xúc phạm nhân
phẩm nghiêm trọng của một nhân viên an ninh cao cấp phụ trách điều phối các hồ sơ.
Anh ta lớn giọng hét lên: “Đưa hết bọn chúng vào, Chúng mày đứng bên
này…chúng mày đứng bên kia”.
Chúng tôi bị đẩy hết vào một góc sân và bị tịch thu
toàn bộ tư trang: điện thoại, máy tính, máy ảnh, và tất cả các thiết bị điện
tử. Một số người từ chối không chịu giao nạp thì bị nhân viên an ninh xông vào
đánh thẳng tay. Chúng tôi phản đối và yêu cầu nhân viên công an mặc sắc phục
phải can thiệp và bảo vệ công dân nhưng họ thờ ơ xem như không nghe thấy. Chúng
tôi đồng loạt phản đối việc hành hung, xúc phạm nhân phẩm và yêu cầu được bảo
vệ.
Một nhân viên an ninh mặc thường phục, cao lớn với
khuôn mặt hung dữ của một sát thủ chỉ vào mặt chúng tôi nói: “ĐM chúng
mày, ở đây ai bảo vệ chúng mày? Tau mà mặc sắc phục thì tau đánh chết mẹ chúng
mày rồi”.
Một lúc sau, mỗi người chúng tôi được đưa đến một
phòng riêng, do một nhân viên an ninh phụ trách điều tra và hai nhân viên an
ninh canh giữ.
Làm
việc với công an:
Người làm việc với tôi là một nhân viên an ninh tên
Trung – người đánh tôi trong cuộc biểu tình ngày 1/7/2012.
Tôi phải xác nhận tư trang của mình với nhân viên
điều tra và sau đó họ bắt tôi xác nhận băng rôn có nội dung: “trả tự do cho
người yêu nước” có phải do tôi viết hay không.
Tôi không nhìn vào bảng khẩu hiệu và cũng không trả
lời. Thấy vậy tên an ninh chỉ mặt hăm dọa: “cái mặt lếu láo của mày có
ngày đi ra đường sẽ gặp bọn tau”. Tôi xem đây là lời đe dọa khủng bố.
Tôi được đưa đi lấy dấu vân tay, và họ chụp hình tôi
với một mã số được ghim lên trên cổ áo. Mã số của tôi là số 20.
Sau đó, tôi bị đưa trở lại phòng điều tra.
Trong quá trình làm việc, họ xoáy sâu vào việc điều
tra xem chúng tôi đi biểu tình do tổ chức nào phát động?
Cơ quan điều tra ghi lại toàn bộ danh sách số điện
thoại trong danh bạ của tôi, tất cả các cuộc gọi và tin nhắn từ trước đến nay.
Họ theo dõi từng cuộc điện thoại gọi đến và điều tra số điện thoại đó là của
ai? Có liên hệ với tôi như thế nào?
Tìm hiểu xem tôi có tham gia tổ chức xã hội dân sự
nào hay không? Tổ chức đó do ai sáng lập? Hoạt động hiện nay của tổ chức đó là
gì? Nhận tiền từ đâu?
Cơ
quan công an đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của Phòng Công lý và Hòa bình
tại Nhà thờ Kỳ Đồng Dòng Chúa Cứu Thế. Họ cố gắng khai
thác xem tôi có liên hệ gì với các hoạt động này không? Có liên hệ gì với mấy
Cha trong nhà thờ Kỳ Đồng?
Cơ quan an ninh đặc biệt quan tâm đến sự liên hệ của
những người biểu tình với các tổ chức, đảng phái bên ngoài, điển hình như đảng
Việt Tân.
Họ minh định với chúng tôi cuộc biểu tình lần này là
cuộc biểu tình chống phá nhà nước chứ không phải biểu tình chống Trung
Quốc.
Họ hỏi tôi đi biểu tình lần này dưới sự chỉ đạo của
ai? Có ai đi cùng hay không?
Ngoài những vấn đề liên quan đến bản thân, tôi từ
chối trả lời mọi câu hỏi mà cơ quan an ninh đặt ra. Nhân viên an ninh tên Trung
đe dọa: “Tí nữa sẽ có người khác làm việc, xem mày có cãi được nữa
không”.
Đã quá trưa nhưng tôi chưa được ăn gì, tôi yêu cầu
được ăn nhưng họ không cho tôi ăn. Tôi biết rằng, cơ quan an ninh quyết định bỏ
đói tôi vì họ cho rằng tôi có thái độ bất hợp tác. Bị bỏ đói khi phải làm việc
rất căng thẳng, trong tình trạng an ninh bản thân bị đe dọa khiến tôi rất mệt.
Cơ thể tôi bắt đầu lạnh và toát mồ hôi, nhưng tôi vẫn còn cầm cự được cho đến
sáng hôm sau.
10 giờ sáng hôm sau, tôi tiếp tục phản đối việc bỏ
đói tôi cũng như những người khác. Nhân viên an ninh canh giữ chúng tôi lúc đó
nói: “Bọn mày có sức chơi thì có sức chịu, có sức đi biểu tình thì có sức
nhịn”. Và họ tiếp tục không cho chúng tôi ăn bất chấp lời phẩn đối.
Trưa hôm đó, mỗi người chúng tôi được phát cho một
cái bánh mì.
Đồng
đội tương ngộ:
Khi đang làm việc với nhân viên điều tra tại một căn
phòng lớn, tôi nhìn thấy một thanh niên đang lê bước nặng nhọc và đau đớn vào
căn phòng. Làm việc với anh là một nhân viên an ninh với thái độ rất hằn học,
luôn thốt ra những lời lẽ nhạo báng và đe dọa. Anh ấy chính là Nguyễn Quốc
Anh – một thanh niên yêu nước cũng bị bắt vì biểu tình chống Trung Quốc
sáng hôm đó.
Bị nhốt chung một phòng, chúng tôi có dịp trò chuyện
và nói hết tâm tư của mình. Chúng tôi trao đổi với nhau những vấn đề về cuộc
sống, công cuộc đấu tranh, thời sự quốc tế, và chia sẻ cả niềm tin tôn giáo.
Chúng tôi cùng uống chung một chai nước, chia nhau một điếu thuốc. Trong hoàn
cảnh đó, tôi chưa bao giờ thực sự cảm thấy yêu thương những người đồng đội của
mình đến thế. Chúng tôi thực sự đồng cảm với nhau, và đồng cảm với những người
đang bị chính quyền chà đạp nhân phẩm, trấn áp vì dám lên tiếng kêu gọi nhân
quyền hay lòng yêu nước.
Tôi được biết Quốc Anh bị lực lượng an ninh bắt
trước khi kịp tham gia vào đoàn biểu tình và anh bị họ đánh đập man rợ nên tình
trạng sức khỏe rất kém. Nhìn sự đau đớn mà anh phải chịu, tôi phần nào cảm nhận
được điều đó.
Sáng hôm sau, chúng tôi gặp một thanh niên khác,
đó là Lam Vanda, anh là người Việt Nam quốc nội đầu tiên dám tung hô cờ
vàng trên đường phố Sài Gòn sau gần 40 năm miền nam bị cưỡng chiếm. Đang theo
học ngành y khoa, với một tâm hồn nghệ sĩ, Lam Vanda đến với cuộc biểu tình bởi
tấm lòng yêu nước sâu sắc và ý nguyện đoàn kết dân tộc chống quân xâm lược.
Không hẹn mà gặp, chưa bao giờ quen nhau, nhưng
chúng tôi nói chuyện thân mật như quen tự thuở nào. Sự tương đồng về chính kiến
khiến chúng tôi trở thành những người anh em, trở thành đồng đội.
Sàigòn, 22/5/2014
No comments:
Post a Comment