Saturday, 10 May 2014

"ĐIỂM" & "DIỆN" TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU VIỆT - TRUNG (Người Việt Online)




Người Việt
Friday, May 09, 2014 5:56:27 PM

WESTMINSTER (Tổng Hợp) - Cuộc đối đầu Trung Quốc - Việt Nam tiếp tục trên Biển Đông và các quan sát viên cho rằng khó có hy vọng mau chóng đi đến một giải pháp.

Trong sự kiện này, Trung Quốc không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, họ ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa đã hoạch định từ lâu. Do đó sự kéo dài thời gian cũng đã đủ tạo cho Trung Quốc những lợi thế. Ngược lại Việt Nam với mọi khả năng giới hạn của mình, không thể nào thi hành biện pháp gì hiệu lực hơn, dù  cho nếu như có thể thành công trước mắt thì cũng sẽ chịu hậu quả tổn hại lâu dài.

Vì vậy tình hình căng thẳng hiện nay nằm trong sách lược khiêu khích cố ý của Trung Quốc, như Hoa Kỳ đã nhận định và nói thẳng qua lời tuyên bố của phát ngôn viên  bộ Ngoại Giao Jen Psaki ngày 7 tháng 5.

Sự khiêu khích thể hiện trên hai bình diện: một mặt ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 xâm nhập vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, mặt khác đưa ra mọi tin tức xuyên tạc và lập luận ngang ngược giải thích việc làm này.

Như vậy có thể hiểu rằng nếu phía Việt Nam hành động vụng về sẽ sa vào bẫy và hoàn toàn phải gánh chịu hậu quả thiệt hại.

Nhận thức rõ ý đồ này, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng các bên đang đối diện với "một kịch bản vô cùng nguy hiểm." Theo ông:  “Việt Nam đang bị đẩy vào thế phải có biện pháp đối phó với hành vi thách thức chủ quyền của Trung Quốc, mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả.”

Giáo sư Keith Johnson thuộc đại học UC Berkely trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign Policy, viết: "Thông điệp rõ ràng mà Bắc Kinh muốn gửi đến Hà Nội là chúng tôi sẽ khoan tại bất kỳ nơi nào chúng tôi muốn."

Cựu đô đốc Mike McDevit, trưởng phân bộ nghiên cứu chiến lược thuộc trung tâm phân tích hải quân Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc “đang tiến hành một quá trình mà các động thái nhỏ được tích tụ dần, không dẫn đến xung đột,  nhưng sẽ dần thay đổi hiện trạng theo thời gian.”

Hôm 8 tháng 5 dường như Trung Quốc tỏ vẻ hòa hoãn khi Thứ Trưởng Ngoại Giao Trịnh Quốc Bình nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam cần phải giải quyết một cách hòa bình các bất đồng.” Nhưng phân tích kỹ thì ông Trịnh chỉ có chủ ý làm giảm nhẹ trước dư luận thế giới tính cách trầm trọng của sự việc. Ông nói “không có sự đối đầu Việt Nam – Trung Quốc,” có nghĩa là phủ nhận việc tàu Trung Quốc bằng lực lượng đông, uy hiếp bằng cách phun nước và đâm vào các tàu Việt Nam. Đồng thời ông ta vẫn viện tới một lập luận hoàn toàn man trá từng được phát ngôn viên bộ ngoại giao và các giới chức Trung Quốc khác sử dụng  nhiều lần bất kể nguyên tắc pháp lý, khẳng định rằng vùng biển giàn khoan đang hoạt động là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Phụ họa cho lập luận ngang ngược và xuyên tạc ấy, trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu được phát đi trên truyền hình nhà nước CCTV, Yi Xianliang, phó vụ trưởng biên giới và hải dương sự vụ bộ ngoại giao Trung Quốc “yêu cầu Việt Nam ngưng các hoạt động quấy nhiễu và rút tức khắc tất cả tàu thuyền cùng nhân sự khỏi vùng biển Trung Quốc đang khoan tìm dầu khí ở phía Nam quân đảo Zhongjian (Hoàng Sa).”

Theo lời Yi, đây là hoạt động bình thường của một công ty dầu khí Trung Quốc trong hải phận không có tranh chấp của Hoàng Sa, lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và “Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi phía Việt Nam tuân hành thủ tục quốc tế để bảo đảm an ninh hàng hải và công tác xây dựng trên biển.”

Yi cho biết Việt Nam đã phái 6 tàu chạy đến đâm vào các tàu Trung Quốc ngay khi giàn khoan HD-981 tới đây ngày 2 tháng 5. Cũng theo lời ông này, 36 tàu thuyền Việt Nam gồm cả những tàu có võ trang được triển khai từ ngày 3 tháng 5 đã đâm vào tàu Trung Quốc hơn 170 lần. Ngoài ra Việt Nam còn giăng lưới cá và những chướng ngại vật lớn gây đe dọa cho việc hải hành. Yi nói thêm là đã 14 lần liên lạc với phía Việt Nam qua đường giây ngoại giao yêu cầu tôn trọng lợi ích và quyền pháp lý của Trung Quốc, ngưng các hành động phá phách.

Trong khi đó VNExpress hôm Thứ Sáu loan tin Cục Kiểm Ngư cho biết tình hình tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vẫn diễn biến quyết liệt, thêm 3 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương sau va chạm với tàu Trung Quốc. Ông Vương Mạnh Hòa, trợ lý chính trị chi đội kiểm ngư 3 đóng tại Đà Nẵng cho hay lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển và kiểm ngư vẫn thực hiện nhiệm vụ tại khu vực. Ông nói thêm là sau khi video Trung Quốc húc tàu, phun vòi ròng tấn công tàu Việt Nam được công bố nhiều tổ chức và cá nhân đã đến thăm hỏi hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho chi đội kiểm ngư 3.

Người ta biết rằng mục tiêu đầu tiên của các tàu Việt Nam là ngăn cản không cho giàn khoan Trung Quốc định vị tại nơi muốn khoan dò dầu khí. Giàn khoan HD 981 có thể định vị bằng cách thả neo xuống đáy biển hoặc đứng yên một chỗ bằng một hệ thống 8 máy đẩy. Không có tin tức từ phía Trung Quốc cũng như Việt Nam về việc này. Trung Quốc nói giàn khoan với 160 nhân viên dự định sẽ làm việc tới ngày 15 tháng 8.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hôm Thứ Tư đăng một bài xã luận “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội,” và khẳng định “Bắc Kinh sẽ không bao giờ rút giàn khoan ra khỏi vùng Biển Đông.” Tờ báo này cho rằng nếu hoạt động của giàn khoan ngừng lại như Việt Nam muốn thì đấy sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.”

Li Yong, Tổng Giám Đốc CNOOC, công ty sở hữu giàn khoan HD 981 hăm dọa rằng chiếc tàu nào ngăn cản hoạt động và đâm vào giàn khoan sẽ đưa tới hậu quả nghiêm trọng. Ông tố cáo Việt Nam gây nên biến cố trên Biển Đông làm bối rối các quốc gia lân bang.

Chiều Thứ Sáu tại Hà Nội, Hội Luật Gia VN chính thức gặp gỡ báo chí và đưa ra “Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN.” Trả lời một phóng viên, ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký -  nói rằng hội có mối quan hệ với hội luật học Trung Quốc  và sẽ thông báo cho họ về tuyên bố của Hội Luật Gia VN.

Ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ,  giải thích rằng vị trí HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo mà họ chiếm của VN. Ông nói: “ Vùng này hoàn toàn của VN  nên lực lượng hoạt động thực thi luật pháp là bình thường. Không có lý gì mà VN phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán. Ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào.”

Ông Trực cho là về thời điểm, Trung Quốc tính bước mới, nhân lúc quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra ở Âu Châu nên có thể Biển Đông không phải là quan tâm số một nữa.  Lợi dụng thời điểm này Trung Quốc nhảy vào và khai thác những ý kiến chia rẽ trong khu vực  dựa theo thái độ của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò.

Tiếp theo Hoa Kỳ, Liên Âu đã có tiếng nói chính thức đối với sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 ở Biển Đông. Trong một tuyên bố hôm Thứ Năm, phát ngôn viên của bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao EU về Ngoại giao và Chính sách An ninh, nói rằng hành động đơn phương của Trung Quốc, như vụ đụng tàu Việt Nam,  có thể ảnh hưởng đến bầu không khí an ninh trong khu vực. EU kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm một giải pháp hòa bình và đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải.

Trong tình hình ấy nếu sự kéo dài thời gian đối đầu có thể giúp Trung Quốc tạo nên hoàn cảnh về một tình trạng đã rồi,  thì ngược lại Việt Nam cũng có điều kiện để lôi cuốn các quốc gia khác ủng hộ mình hoặc quốc tế hóa vấn đề. Nhưng ở hoàn cảnh này rất nhiều bất ngờ có thể xảy ra và đưa đến xung đột võ trang cục bộ ngoài ý muốn của các bên,  với hậu quả không thể nào dự đoán chắc chắn vì còn tùy thuộc tầm mức và phạm vi chiến sự. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats